Người Mông thường có bước đi thủng thẳng, đều đặn, điềm tĩnh, vậy mà, vẫn cứ đi hết quả núi này đến quả núi khác. Cũng với bước đi đều đều điềm tĩnh ấy, 2 thương binh người Mông ở Đồng Văn, Thào Mí Giàng và Lầu Then Sò đã đi tới đích.
|
Hai ngọn núi trên dãy núi cao
Lầu Thèn Sò ở một đỉnh núi đá thuộc xã Thài Pìn Tủng. Thào Mí Giàng ở đỉnh núi đá thuộc xã Tả Lủng. Hai người thương binh ở hai đỉnh núi đá tai mèo sắc lẹm huyện Đồng Văn, Hà Giang.
Thào Mí Giàng từng là chiến sỹ Tiểu đoàn 41, bị thương trong chiến trận Bắc Lào, Còn Lầu Thèn Sò từng là chiến sỹ Tiểu đoàn 2 Đồng Văn, bị thương ở phố Cáo năm 1980. Hai con người, hai số phận nhưng cùng viết nên một bài ca trên đỉnh cao của nơi địa đầu Tổ quốc. Nửa cuộc đời đi tìm cuộc sống trong đá, không chỉ để cho riêng mình, mà chắt chiu tìm từng hạt đất mang vun vào hốc đá, trồng ngô, gieo hạt, ông Thào Mí Giàng như một vị thần đất của bản. Cũng giống như ông Thào Mí Giàng, ở đầu núi đá bên kia, người thương binh tên Lầu Thèn Sò được dân bản coi như vị thần nước của mình. 66 tuổi đời, Lầu Thèn Sò với chiếc nạng gỗ làm bạn vẫn từng ngày lên đỉnh núi tìm nguồn mạch nước cho cuộc sống trên đá bớt cằn khô. Người dân trên cao nguyên Đồng Văn sống trên đá, chết vùi trong đá, nơi ấy, nước quý hơn vàng. Giá trị về đất và nước ở nơi ấy, Thào Mí Giàng và Lầu Thèn Sò thấu hiểu cũng giống như bao con người khác. Song, không cam chịu như những dãy núi đá xám miên man, Thào Mí Giàng ngày này qua ngày khác luôn đeo trên lưng chiếc gùi để mang đất nuôi mầm đá cho ngô trổ cờ. Lầu Thèn Sò mải mê đi vắt từng giọt nước trong đá mang về cho bản.
Lầu Thèn Sò - thương binh chỉ còn một chân - được dân bản coi như vị thần nước của dân bản
Trên miền đá núi, hai người lính, hai người thương binh, lặng lẽ, điềm tĩnh trên từng bước đi riêng của mình. Bước chân ấy cứ đi không biết nghỉ. Ánh mắt ấy nhìn xuyên thấu núi cao. Thào Mí Giàng dồn tấm lòng vào ánh nhìn vượt tầm dãy núi chắn ngang. Lầu Thèn Sò dùng ý chí để bước vững trên đá nhọn. Cứ thế, 2 con người thủng thẳng nhưng vững vàng, dìu nhau vượt qua hết đỉnh núi này đến đỉnh núi khác. Để giờ đây cả hai đều có một cuộc sống ấm no, và được dân bản tôn kính như 2 “vị thần” tìm nguồn sống cho dân bản.
Giữ nước như mạng sống
Xã Thải Pìn Tủng có 14 hộ dân sinh sống, đều là đồng bào Mông, Lầu Thèn Sò là vị trưởng bản được bà con kính trọng. Ông mách cho dân bản kinh nghiệm tìm nguồn nước, giữ nước như giữ chính thân thể của mình. Ông dạy dân bản trồng ngô, nuôi lợn, chăn bò. Quanh năm, bước chân không mỏi của Lầu Thèn Sò đi khắp đầu núi, và luôn mang theo mình những vật dụng tối giản để vắt đá tìm nước. Chỉ là chiếc bát sứ thông thường, Lầu Thèn Sò vừa nói vừa mô tả, úp bát xuống mặt đất bên khe núi, đêm qua đi, lật ngửa chiếc bát thấy sương đọng trong lòng thì nơi ấy ắt sẽ có nước. Kinh nghiệm như thế, ông đã cùng bà con khơi vét nhiều khe núi để mang nước về bản. Có nước rồi, dùng nước sao cho tiết kiệm. Ông nói với bà con, rồi ông làm như thể ngày mai sẽ không còn một giọt nước. Nước rửa rau, vo gạo, nước tắm… tất cả đều là nguồn sống mỗi người trong bản có thể tái sử dụng. Nước rửa rau dùng chăn nuôi, nước tắm dùng tưới cho những cây quả trong vườn bớt khô khát. Trưởng bản Lầu Thèn Sò thẳng thắn, bộc trực. Dân bản dùng nước thiếu tiết kiệm ông mắng té tát.
Thào Mí Giàng - thương binh chỉ còn một mắt - vị thần đất của dân bản
Kề bên bản Mã Pắng, xã Thài Pìn Tủng có khu rừng thiêng. Cuối rừng, có một hố nước đọng là nguồn sống lâu đời của người dân. Khu rừng ấy đã bị cấm chặt cành, kiếm củi từ lâu. Hàng năm, lễ cúng rừng thiêng diễn ra cả bản đều trân trọng. Ấy vậy, mà một hôm, Lý Tẩn Pàn xuống chợ thử rượu quá đà, say, về bản bị con cái trách móc, thế là cầm dao chặt lấy, chặt để vào thân cây gỗ lớn để trút bực tức. Gia đình can ngăn, dân bản ngọt nhạt, Lý Tẩn Pàn không chịu nghe. Đúng lúc, Lầu Thèn Sò xuống chợ Đồng Văn về. Lầu Thèn Sò bảo: “Pàn này, mày chặt hạ cái cây đổ xuống thì cả bản sẽ chết khát đấy. Mày biết đấy, đây là khu rừng thiêng giữ nước cho bản nhiều đời nay rồi mà…”. Trưởng bản Lầu Thèn Sò cứ thủng thẳng như thế, cuối cùng Pàn cũng phải chịu buông con dao, lặng lẽ về nhà nằm ngủ. Ông Lầu Thèn Sò là thế, ở đâu, lúc nào ông cũng nói với người dân nước là sự sống của dân bản.
Giờ Thào Mí Giàng là thợ xếp hàng rào đá hàng đầu ở Tả Lủng. Ông xếp tường đá cao ngút đầu người lớn mà vững chãi như bức tường bê tông cốt thép. Sở dĩ, Thào Mí Giàng tài như thế là vì nửa cuộc đời xếp đá cho dân bản đổ đất trồng ngô. Đá nhỏ, đá to, ông Lầu Thèn Sò xếp thành bậc, thành hõm nhỏ, hõm lớn rồi gùi từng nắm đất thả vào trồng trọt. Dân bản quý ông như đồng bào Mông quý trọng ngọn lửa. Những bức tường đá ở Tả Lủng, ít nhiều đều có bàn tay của Thào Mí Giàng chỉ bảo cách xếp. Người ta chỉ nhìn độ uốn lượn của hàng rào đá, độ khít của đá, đã nhận biết ngay đó là “sản phẩm” của bàn tay Thào Mí Giàng. Khi gặp ông tôi tự hỏi, một người thương binh già, mắt thiếu một bên vậy sao tài đến thế. Ông không những nhìn rõ mà còn nhìn rất xa, tầm nhìn vượt cả quả núi sừng sững chắn ngang trời cao nguyên đá. “Những hàng rào đá khít có tác dụng giữ đất rất tốt. Ông Thào Mí Giàng xưa kia từng dạy chúng tôi như thế, và kinh nghiệm của ông giờ cả bản vẫn làm theo” - ông Nguyễn Thanh Viễn - Bí thư, kiêm Chủ tịch xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn khẳng định.
Ông Thào Mí Giàng dạy bọn trẻ gùi đất lên đá, dạy cách xếp bờ đá giữ đất trên cao. Người trẻ giờ đâu có phải ai cũng biết làm hàng rào đá, cho dù là người Mông sinh ra và lớn lên cùng đá. Ông Giàng bảo: “Xếp tường đá là cách rèn cho con người chăm chỉ, cần cù. Vội vàng xếp 1 viên lên sẽ đổ 2 viên, và sẽ chẳng bao giờ trở thành tường rào được”. Ai kiên nhẫn ta sẽ thấy trong mỗi bức tường đá của người đó làm. Cách làm bức tường rào đá, như chính con người đồng bào Mông đi trên đường núi. Chậm chạp, thủng thẳng mà vẫn đi tới đích. Đó là vì bản lĩnh của người Mông, sức sống mãnh liệt của người Mông và cả ý chí ẩn giấu trong vẻ ngoài hồn hậu của con người ở biên giới cao nguyên đá Đồng Văn.
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/7/2025, đối tượng nào được hưởng lợi khi trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần mức cũ
- Những lần thủy quái xuất hiện ở Việt Nam: Người Pháp từng bắt gặp, có loài đến nay vẫn còn tồn tại?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?