Chuyện kể của người làm từ thiện
Thứ bảy, 13/04/2013 19:05

Tôi gọi điện hẹn trước với em là sắp tới đoàn từ thiện sẽ về. Tất nhiên, trước đó tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe của con em.

Ngôi nhà xây bằng tiền từ thiện đầy đủ tiện nghi

Ngôi nhà xây bằng tiền từ thiện đầy đủ tiện nghi

Mỗi lần hỏi đến đứa con, em khóc dữ lắm. Em bảo dạo này cháu nó vẫn thế có điều chẳng chịu ăn, người thì nhỏ đi mà hàng trăm khối u chi chít trên cơ thể thì cứ một lớn dần. Nghe thấy thế, tôi rất buồn. Kể lại chuyện cho đoàn công tác từ thiện ngồi trên xe nghe, ai cũng buồn. Vậy mà, lúc đó có lẽ em đang vui. Em vui bởi em đã rút được tiền xây ngôi nhà mới.

Ngày đó

1. Chắc hẳn độc giả còn nhớ hình ảnh cô bé Phạm Thị Lý mà báo Công lý và Xã hội đã đăng tải trong bài viết “Rớt nước mắt cô bé mang chứng bệnh da voi mặt quỷ” ra số 5/2012. Sau khi bài báo đến tay bạn đọc, nhiều người sửng sốt, thậm chí có người kinh hãi khi thấy hình dạng cháu bé với hàng trăm khối u chi chít khắp cơ thể. Kinh hãi nhưng rơi nước mắt vì thương cảm, thương cho nỗi bất hạnh, nỗi đau mà cháu bé đang phải hứng chịu bởi căn bệnh quái ác.

Sau cuộc vận động, kêu gọi quyên góp tiền ủng hộ cho cháu bé chữa bệnh, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả cả nước. Trong một thời gian ngắn, số tiền mà độc giả gửi về tòa soạn lên tới con số gần trăm triệu đồng.

Hôm ấy, trời nắng đẹp, đoàn công tác khởi hành về Hà Nam. Đường xa, ngõ khó đi nhưng nhiều người không ngại vì một lẽ còn gì vui bằng công việc thiện tâm. Chúng tôi đến, em đon đả đón mời. Tiếp chuyện khách, em khóc nấc, nước mắt tràn khuôn mặt vẫn trẻ và còn vương nhan sắc. Em khóc vì tủi cảnh góa chồng, thương con bất hạnh. Khóc cũng vì cảm động với số tiền lớn mà lần đầu tiên trong đời em được cầm trên tay.

Em nói với đoàn từ thiện: “Cháu một thân một mình, chưa đến 30 mà đã phải ở góa. Nhưng thôi, cháu gạt nước mắt thờ chồng, nuôi con. Cháu sẽ dùng số tiền này đem con đi chữa bệnh, còn nước thì còn tát các bác ạ”. Khi đoàn công tác có ý định gửi một phần số tiền vào ngân hàng để cùng lãnh đạo địa phương cam kết giúp em sử dụng số tiền đúng mục đích, em bảo: “Cháu chữ nghĩa ít lại chẳng biết làm việc với ngân hàng, mỗi lần ra rút tiền bất tiện lắm. Các bác cứ cho cháu cầm tiền mặt, cháu gửi nhà ngoại là an tâm”. Nhà ngoại thì chắc gì an tâm bằng nhà băng? Giải thích mãi em cũng đồng ý.

Ôm nhà từ thiện không nói thành lời

2. Bẵng đi một thời gian, tôi nghe tin em đã “đổi đời”. Nghe bảo, sau đận ấy nhiều tờ báo cũng đồng loạt đưa tin rồi kêu gọi độc giả giúp đỡ. Vài ngày lại có ô tô về đặt vào tay em cục tiền, rồi đi. Suốt ngày quanh quẩn ở nhà, nhìn cọc tiền lớn nằm trong nhà băng, em cũng thấy bứt rứt, khó chịu. Em nằm vẽ ra hàng loạt những "dự án" trong đó có việc xây nhà, dựng cửa.

Ngày còn chưa có tiền, chiều nào em cũng tắm cho con. Vì không tắm, nó ngứa. Trước kia chưa có tiền, em chạy vạy, đôn đáo đưa con đi viện gần, viện xa đến độ bác sĩ “đuổi” em cũng chẳng chịu về. Khi vẫn chưa có tiền, em xoay xở đủ đường mà cơm vẫn thiếu ăn, áo vẫn thiếu mặc.

Giờ thì…

Em có tiền. Số tiền rất lớn, gần nửa tỷ đồng. Khi đã có tiền, em đi mua áo mới, sắm xe đạp điện để đi chợ. Sáng dậy sớm, em đi mua hoa về cắm chơi. Chiều muộn, em đạp xe đi hóng mát. Đứa con bệnh tật em để bơ vơ, thui thủi ở xó nhà.

Hơn một tháng có tiền em rục rịch mua đất. Hơn một tháng có đất em vội vã dựng nhà. Hơn một ngày dựng nhà em ra nhà băng thương thuyết. Em nói với cán bộ ngân hàng: "Chị ạ, em muốn rút tiền". Cán bộ ngân hàng hỏi: "Em rút tiền làm gì?". Em nói: "Em rút tiền làm nhà, cái nhà em ở cũ quá, tồi tàn quá. Tối tối, ánh trăng soi vào khó ngủ nên em thao thức. Cảnh mẹ goá, con côi đêm thao thức thì thường bồn chồn, khó chịu". Nghe em nói cán bộ ngân hàng thương tình mà quên mất lời cam kết với đoàn từ thiện.

Em hí hửng rút hết tiền mà em hứa là sẽ dùng để trị bệnh cho con. Em mướn thợ dựng nhà. Được một lầu, em chưa bằng lòng em bỏ tiền dựng tiếp lầu hai. Xong lầu hai vẫn chưa bằng lòng nhưng hết tiền đành dựng cột chờ… nhà từ thiện. Nhà xong, em sơn đẹp đẽ. Sắm tủ, sắm giường, sắm bàn ghế, sắm bếp ga rồi sắm cả gối ôm để đỡ buồn trong những đêm trăng không soi được vào giường.

Gần nửa tỷ đồng, mấy tháng trời em dồn vào "dự án" xây nhà, sắm nội thất. Đứa con với chi chít khối u ngày ngày vật lộn với những nỗi đau mà ngay cả hộp sữa em cũng không mua cho nó. Em giải thích cái việc không mua cho con được một hộp sữa khi trong tay có cả nửa tỉ rằng: "Con em bệnh thế này có chữa cũng chẳng khỏi, ăn cũng chẳng lớn, có chữa cũng chỉ lãng phí tiền của. Thôi thì, em dựng ngôi nhà cho nó khang trang".

Thủi thủi trong ngôi nhà mới

3. Đoàn từ thiện về lần hai, nhà em khác hẳn. Ngôi nhà hai lầu, nội thất khang trang. Thế mà, em vẫn khóc. Em bảo: "Cháu cám ơn các bác, các cô, các anh, các chị đã nhiệt tình giúp đỡ cháu dựng được ngôi nhà". Ôi giời, có ai cho em tiền dựng nhà đâu chứ. Em mạnh khoẻ, trẻ trung và vẫn còn nhan sắc lắm. Em thừa sức lao động, thừa sức nuôi đủ thân em với những đứa con.

Đại diện đoàn từ thiện bảo: "Tiền là để giúp cháu chữa bệnh chứ có phải cho em xây nhà, sắm sửa đâu. Em lành lặn, khoẻ mạnh thế này cần gì hỗ trợ". Em bảo, vẫn lý do cũ năm nảo, năm nào: "Con cháu mắc bệnh nan y khó chữa. Có chữa cũng chỉ tốn tiền của nên cháu mới sắm sửa, xây nhà". Hỏi: "Em có đem con đi chữa bệnh không mà biết là không chữa được?". Em bảo: "Có chứ. Cháu có đưa bé đi chữa nhưng không chữa được, cho cháu về sống với cháu được ngày nào hay ngày đó". Bảo em đưa xem bệnh án, em nói: "Bệnh án các nhà từ thiện về lấy hết cả rồi, cháu chả còn giữ cái nào".

Nghe em phân trần ai cũng phẫn nộ. Mấy trăm triệu đồng em tiêu pha vào những chuyện đâu đâu rồi xây nhà, dựng cửa, sáng phấn, chiều son. Em lao vào thú chơi tao nhã, trồng phong lan, nuôi chim cảnh, thích trưng bày tranh ảnh. Em để mặc đứa con tủi phận sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng. Em còn bảo, nếu có thêm tiền em dựng nốt lầu 3 cho nhà đỡ nóng. Ước mơ của em… thật tuyệt.

Có điều lạ là trước khi gửi tiền vào ngân hàng, chúng tôi đã trăm sự nhờ ngân hàng, nhờ chính quyền xã giúp đỡ để số tiền từ thiện sử dụng đúng mục đích. Thế mà, hôm hỏi lãnh đạo xã các vị bảo: "Nó xây nhà chúng tôi có biết gì đâu". Hỏi ngân hàng thì cán bộ bảo: "Nó đến đây khóc lóc, van nài, mà rõ ràng là tiền của nó, nó đòi rút thì ngân hàng phải trả thôi". Các vị nói thế thì cũng đành chấp nhận chứ sao. Ai dám nghi ngờ các vị có "bắt tay" nhau trong chuyện này đâu chứ!

Tiền rồi đến lúc phải tiêu, chỉ là sớm hay muộn. Nhưng, em dùng tiền mà những tấm lòng hảo tâm cả nước cho con em chữa bệnh như thế thì thật đáng trách. Thấy con em ôm nhà từ thiện chẳng nói thành lời mà ai cũng muốn khóc. Trên cơ thể hàng trăm khối u đang đua nhau phát triển kia là một nỗi đau đớn. Và, trong trái tim đứa bé bất hạnh ấy có lẽ cũng có một nỗi đau từ sâu thẳm. Chúng tôi nhìn ra mà chẳng biết em có hiểu hay không?

Chúng tôi cũng đâm ra tự trách mình đã không làm tròn bổn phận của độc giả muôn phương. Thấy day dứt khi lòng từ bi bị phản bội.

Gần đây, cháu Hứa Văn Dũng, 3 tuổi, trú tại Đội 8, thôn Nà Bó, xã Thổ Bình (Lâm Bình-Tuyên Quang) mắc bệnh hiểm nghèo nên đã qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhưng bố mẹ cháu đã “mặc kệ” bệnh viện xử lý với thi thể đứa con của mình và “ẵm” số tiền từ thiện lên tới hàng trăm triệu đồng về quê. Thi thể cháu bé đã được hoả táng tại nghĩa trang Văn Điển. Rất nhiều người đã phẫn nộ với người cha, người mẹ của em.

 

Đoàn Nguyễn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Hoạt động từ thiện , Nhà từ thiện , Nhà tình thương , Khuyết tật , Đời sống , Tàn tật