Cái ngày anh đưa chị về Bắc Giang, cả xã Thanh Hải đâu cũng xôn xao, bàn tán về sự kiện đặc biệt này.
Anh Khiển khó nhọc vượt qua đường giữa trưa tháng 6 |
Sinh ra đã không vẹn nguyên như mọi người, đôi chân teo tóp có mà như không. Vì miếng cơm manh áo, hơn 20 năm nay anh lang thang khắp cùng đường cuối chợ xin từng đồng bạc lẻ nuôi thân và gia đình. Thế rồi một buổi chiều định mệnh, anh bỗng “nhặt” được cô vợ khỏe mạnh bình thường.
Họ về ở với nhau, sinh con và xây dựng tổ ấm đơn sơ. Những tưởng cuối cùng số phận đã mỉm cười với con người bất hạnh đó. Thì nay người vợ lành lặn đó lại ngã bệnh, chị nằm liệt giường... Vậy là đôi vai anh phải gánh thêm nỗi cơ cực của cuộc đời này.
Khổ từ khi chào đời
Giữa trưa tháng sáu, thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam, Bắc Giang) sầm uất không một bóng người. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe tải chở đất đá chạy rầm rầm để lại làn khói bụi mù mịt. Trần Văn Khiển với chiếc xe lăn tự chế (ván gỗ mỏng lắp bánh xe) vật vã, đơn độc, nhễ nhại băng qua đường tìm chỗ tránh nắng sau một buổi lang thang dài đằng đẵng. Đã hơn 20 năm nay anh miệt mài như vậy. Anh bảo, trước kia còn chẳng có xe mà đi phải lết từng bước bằng hai bàn tay. Đi ăn xin tích cóp được 500 nghìn đồng mua sắt vụn rồi chế thành chiếc xe này.
Ngót ngét 50 năm cuộc đời, anh chưa từng được đi bằng đôi chân của mình. Sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc tỉnh Hải Dương nhưng anh theo cha mẹ lên miền sơn cước này khai hoang, sinh sống. Biết tìm hiểu gia cảnh của mình anh Khiển đưa đôi bàn tay sù sì, sạm đen vì nắng gió ra bắt tay chúng tôi. Những vết chai dày cộp trên đôi bàn tay mà anh dùng để đi trong suốt 50 năm là điều chúng tôi cảm nhận rõ ràng nhất. Đôi chân teo tóp, lủng lẳng như 2 cục thịt thừa nằm mất hút trong chiếc áo bộ đội cũ kỹ. Phía sau xe là chiếc hộp nhỏ cũ nát đựng một vài đồng bạc lẻ. Anh nói: “Từ sáng đến giờ đấy!”.
Anh Khiển nói: “Nếu không đi ăn xin chắc cả nhà tôi chết đói”
Ở cái thị trấn Đồi Ngô này ai mà không biết anh Khiển què, với hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Một mình nuôi 4 miệng ăn, mẹ già, con nhỏ và người vợ nằm liệt giường. Từ xã Thanh Hải lên Đồi Ngô khoảng 15 km, sáng nào cũng vậy, khi thì đi nhờ xe của người quen, lúc không gặp may anh tự tay vượt đường xa đến đây. Một chị bán nước ven đường tâm sự: “Ngày nào cũng thế, dù nắng hay mưa anh Khiển cũng lăn xe khắp các ngả đường của thị trấn này ăn xin. Thấy bảo anh có mẹ già, con nhỏ và một người vợ đang mang trong mình trọng bệnh".
Từng đó thôi cũng khiến chúng tôi tò mò, muốn về tận gia đình để tìm hiểu tổ ấm cơ cực của anh. Anh bảo cứ đến thôn Tân Giáp, xã Thanh Hải hỏi Khiển ăn mày ai mà chẳng biết. Cái cách mà anh giới thiệu về mình sao chua chát, đớn đau.
Ngôi nhà nhỏ chỉ có người già, trẻ con và người bệnh đã từ lâu không có người ghé thăm. Bà Bướng (mẹ anh Khiển) tất tả pha nước mời chúng tôi. Trong ánh mắt bà chúng tôi cảm nhận được sự xúc động khi có người quan tâm đến gia cảnh của mình. Bà Bướng nói: “Thằng Khiển nó đi chợ rồi, nói là đi chợ cho oai chứ thực chất là đi ăn xin. Cũng may trời phật cho nó đôi tay để đi, để ngửa tay xin người ta. Nếu không chẳng biết thân già này sẽ sống ra sao”. Nói đến đây bà Bướng như không cầm được nước mắt, bà bắt đầu câu chuyện cuộc đời đầy sóng gió của anh Khiển.
Vào một đêm mưa giông bà trở dạ, bà sinh anh ngược thai. Khó khăn lắm bà đỡ mới cứu được sinh mạng của anh. Để rồi cả ông và bà ngã ngửa khi thấy con mình có đôi chân khác lạ. Như linh cảm được điều chẳng lành nhưng cũng đành lòng vì hoàn cảnh quá khó khăn. Nói đến đây bà Bướng nức nở: “Ngày đó biết con bị dị tật nhưng chẳng có cách nào. Gia đình tôi khó khăn quá, vợ chồng đành nuốt nước mắt nhìn con chịu thiệt thòi”. Bà còn nhớ như in cái ngày Khiển vừa tròn 1 tháng tuổi. Hai ông bà lên Bắc Giang theo phong trào “khai hoang”. Trên một chuyến tầu từ Hải Dương đi, ông bà phải cãi nhau, thậm chí còn đánh nhau với những hành khách cùng khoang. Họ nhìn Khiển rồi chỉ chỏ, bàn tán, dè bỉu mà nói rằng: “Nó như người ngoài hành tinh”, rồi “bị ma làm nên thân hình quái dị như thế”. Để rồi ông và bà ôm con mà khóc, khóc cho số phận hẩm hiu của đứa con bé nhỏ.
Thế rồi đôi chân èo uột của Khiển ngày một teo tóp đi. Mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người khác. Đến tuổi đi học thấy bạn bè cùng trang lứa chạy nhảy đến trường. Với đôi chân tật nguyền cộng với gia cảnh cơ hàn anh đành ngậm ngùi gác lại việc đèn sách. Đến lúc thanh niên, với đôi chân yếu đuối, Khiển đau lòng nhìn bố mẹ ngày một già đi mà không giúp được gì. Và rồi, một lần trên đường theo người thân ra phố có người đã cho anh vài đồng bạc lẻ vì thấy anh tàn tật. Thế là ý tưởng đi ăn xin đã ấp ủ Khiển. Bà Bướng kể lại: “Ngày đó nó cứ nằng nặc đòi đi ăn xin. Nó bảo ít nhất cũng để nuôi thân, sau giúp được gì bố mẹ thì giúp. Chúng tôi đã hết lòng can ngăn nhưng nó nhất quyết đòi đi. Nó nói không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ”.
Anh Khiển có mơ cũng không hiểu tại sao cuộc đời mình lại hứng chịu nhiều bật hạnh đến thế
Và rồi với đôi bàn tay của mình, Khiển đã gắn cuộc đời với kiếp ăn mày. Khắp các bến xe, ngã tư, góc chợ đâu anh cũng đến những mong mọi người dủ lòng thương hại. 1 năm, 2 năm và rồi cả chục năm anh phải di chuyển biết bao địa điểm. Anh bảo, phải đi những chỗ lạ người ta mới cho. Mình xin nhiều một chỗ họ không cho, hơn nữa chính mình cũng ngại.
Thế rồi những tháng ngày dong duổi bỗng dưng “nhặt” được vợ. Câu chuyện anh ăn mày “nhặt” vợ được người ta ví von tựa câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Câu chuyện cổ tích và hạnh phúc mong manh
Nhắc đến chuyện anh Khiển “nhặt” được vợ bà Bưởng vui đấy nhưng lại buồn ngay. Bà khóc: “Ngày ấy vui lắm, không ngờ con trai mình tàn tật lại đi ăn mày mà cũng có người theo làm vợ. Hạnh phúc hơn nữa là vợ chồng nó lại sinh ra được 1 thằng con trai. Có ngờ đâu từ khi vợ thằng Khiển sinh con nó đổ bệnh và nằm liệt từ đó. Tôi thì ngày một già, ông nhà tôi mất rồi thằng Khiển 1 thân 1 mình lo cho cả 4 miệng ăn. Số nó đã khổ nay lại khổ hơn”. Ở cái xã Thanh Hải này chẳng còn ai lạ lẫm gì câu chuyện anh Khiển cụt đi ăn xin “nhặt” được vợ. Câu chuyện đặc biệt này có thời gian trở thành điển tích cho cả làng. Nhưng giờ đây câu chuyện này được người dân kể lại đầy ngậm ngùi và cảm thông.
Bà Bướng kể lại cuộc đời bất hạnh của anh Khiển
Khoảng 12 năm trước, một lần lang thang lên thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để ăn xin, anh Khiển gặp chị Nguyễn Thị Tuyên. Biết chị Tuyên là một cô gái quá lứa lỡ thì và kém nhan sắc. Bản thân mình là một người tàn tật, lại vận kiếp ăn mày nhưng anh vẫn le lói mơ về một mái nhà hạnh phúc cùng chị Tuyên. Như một duyên số trời ban cho hai người. Chị Tuyên động lòng và đồng ý theo không anh về làm dâu. Chị nguyện cả đời làm đôi chân cho anh. Cái ngày anh đưa chị về Bắc Giang, cả xã Thanh Hải đâu cũng xôn xao, bàn tán về sự kiện đặc biệt này. Người thì thầm mừng cho anh Khiển có được vợ. Có người lại xì xào, dị nghị rằng cô gái đó “không bệnh nọ thì tật kia” mới theo anh về làm dâu. Và rồi đám cưới đạm bạc cũng diễn ra. Căn nhà nhỏ của bà Bướng đã lâu mới rộn lên tiếng cười. Dân làng, họ hàng cũng đến chúc phúc cho họ. Ai cũng mong muốn được nhìn mặt cô dâu – người dám vượt qua bao dị nghị, gạt bỏ mặc cảm số phận mà đến với anh. Bà Bướng cười trong nước mắt nhớ lại: “Ngày đó nhà tôi cũng tổ chức cưới cho cháu. Làm 12 mâm cỗ mời họ hàng, anh em. Hôm đó cũng có đại diện họ nhà gái đến.... Ai nấy cũng mừng cho thằng Khiển chú ạ”.
Tỏ ra là một trụ cột của gia đình. Tháng ngày xin ăn anh cũng tích cóp được chút ít tiền cộng với vay mượn họ hàng mở 1 cửa hàng tạp hóa tại nhà. Cuộc sống không khá khẩm nhưng cũng đủ rau cháo ngày 2 bữa. Anh cũng bớt phần cơ cực, không phải lang thang xin ăn người ta nữa. Số phận đã mỉm cười với người đàn ông bất hạnh. Năm 2001 chị Tuyên có bầu rồi sinh cho anh một cậu con trai kháu khỉnh. Như nhặt được vật báu, gia đình bàn nhau đặt tên cho cháu bé là Được – Trần Văn Được. Bà Bướng nhớ lại: “Ngày vợ thằng Khiển sinh con vất vả lắm. Nó yếu phải đẻ mổ. Lên tận bệnh viện trên thị trấn mới đẻ được. Tuy khó khăn nhưng trời phật cũng thương, cho tôi và vợ chồng nó thằng con trai”.
Có lẽ kiếp ăn mày đã vận vào cuộc đời anh Khiển. Những tưởng lấy vợ sinh con rồi yên bề, từ bỏ được cái nghề chờ sự bố thí của người khác. Sinh con được vài tháng chị Tuyên bỗng mặc một bệnh lạ. Chân tay cứ run bần bật, đi lại khó khăn rồi đến nằm liệt giường. Cắn răng cho vợ đi khám đủ nơi nhưng bệnh chẳng hề thuyên giảm. Đây cũng là lúc anh Khiển lại rơi vào một bi kịch mới. Mẹ anh ngày một già và sinh ra nhiều bệnh tật, bà đau ốm liên miên. Có những lần bà ngã bệnh nằm bẹp cả tuần trời. Con trai thì ngày một lớn, tuổi ăn tuổi học khiến anh chẳng thể nào ngồi nhìn. Đôi bàn tay ấy lại bắt đầu lang thang khắp nơi nơi xin từng đồng bạc lẻ giúp gia đình.
Chị Tuyên khó nhọc ngồi dậy khi thấy người lạ đến thăm.
Căn buồng nhỏ nơi chị Tuyên nằm mấy ngày nay nắng bỏng nhưng vẫn không hết đi mùi hôi, mùi ẩm mốc nồng nặc. Bà Bướng rưng rưng: “Tôi già thế này, thằng Khiển thì như thế lại lang thang cả ngày, chẳng ai chăm nom vợ nó. Thỉnh thoảng mới có đứa em đến lau chùi dọn dẹp”.Nhìn cô con dâu nằm bẹp, chỉ ú ớ dăm ba câu rồi lại thỉu đi vì mệt bà Bướng chỉ còn biết khóc và khóc. Bà chỉ thương anh Khiển, vì lo cho gia đình mà ngày nào cũng phải lang thang ngửa tay chờ từng đồng bố thí của người đời. Nhưng bà biết làm gì khi tuổi mình đã già, chồng thì đã mất?
Trời đã nhập nhoạng tối, đó cũng là lúc anh Khiển cót két chiếc xe lăn tự chế về nhà. Thằng Được như biết được lịch lại chạy ra đầu ngõ đón bố. Nó mong bố về lắm! Bố về thì mới có cơm ăn, bố về mới có người chơi với nó. Rồi một ngày đôi tay anh mỏi, cặp mắt anh mờ thì ai sẽ lo cho cái gia đình khốn khổ kia. Có phải hạnh phúc của anh quá mong manh giữa cuộc đời đầy biến động này? Anh Khiển cùng đứa con nhỏ vào nhà mà lòng tôi cứ dâng lên bao hy vọng. Hy vọng thằng Được sẽ lớn khôn, sẽ sống tốt để gánh vác phần cuộc đời khó nhọc mà cha nó đang mang.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%