Đó là câu chuyện cảm động về đức hy sinh, lòng nhân ái của bà Trần Thị Nguyệt, 74 tuổi, ở số nhà 22 ngõ Hai Bà Trưng, TP. Nam Định. Tên bà thật đẹp nhưng cuộc đời bà lại không được tròn đầy và lung linh như ánh trăng đêm rằm.
|
Đời bà nghèo hiu hắt nhưng mặc cho kiếp nghèo mãi đeo đẳng, bà quyết tâm nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ để nuôi một bé gái không máu mủ ruột rà, bị bỏ rơi từ khi mới 15 tháng tuổi khôn lớn. Cô bé ấy giờ đã là sinh viên năm thứ 3 khoa Du lịch Viện Đại học mở Hà Nội.
Nuôi trẻ bị bỏ rơi khôn lớn
Đưa bàn tay nhăn nheo lau khóe mắt, bà chậm rãi kể cho tôi nghe về đời bà mà theo bà nói là cho đến bây giờ vẫn khổ đau bao quanh chưa biết đến khi nào. Ở tuổi 74 nhưng bà rất minh mẫn và nhớ từng chi tiết nhỏ về những năm tháng xa xưa. Bà bảo tên bà là Trần Thị Nguyệt. Bà là con gái họ Lê ở làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Mẹ mất sớm, bà sinh ra đã không được nhìn mặt mẹ. Bố lấy vợ hai, rồi đem theo người vợ mới và hai anh trai của bà vào Nam từ những năm 1945. Bà ở lại làng Nha Xá sống cùng gia đình người cô ruột rồi bà được làm lại giấy khai sinh theo họ Trần của người chú - chồng của cô bà. Sau đó, do hoàn cảnh chiến tranh, bà một mình sơ tán từ Hà Nam lên Nam Định, tìm thuê nhà ở và đi bán mía, bán bưởi kiếm sống.
Chắt bóp từng ngày được chút vốn, bà sắm chõ, sắm nồi, đong ít gạo nếp và bắt đầu đi bán xôi kiếm sống qua ngày. Cứ thế cuộc sống của bà bình lặng trôi qua từng ngày. Rồi một ngày, một trong 2 người anh trai của bà bắt liên lạc với bà. Anh trai bà đã ra nước ngoài sống cùng vợ con sau thời gian phục vụ quân ngũ. Biết em gái cặm cụi bán xôi kiếm sống, ông chu cấp tiền cho bà trang trải cuộc sống và dặn bà không được bán xôi nữa.
Nghe lời anh, bà nghỉ bán. Người đòi biết chuyện bảo số bà sướng, chỉ phải "ngồi mát ăn bát vàng". Nhưng bà lại thấy lòng trống vắng, buồn tê tái. Trước, bán xôi gần nhà trẻ trên đường Trần Hưng Đạo, ngày ngày được ngắm nhìn các em bé đẹp như thiên thần nô đùa, bà thích lắm. Nay nghỉ làm, thui thủi vào ra một mình trong căn nhà nhỏ, bất giác bà thấy cuộc sống thật buồn tủi.
Lặng nhìn đôi bàn tay nhăn nheo, bà giật mình nhận ra mình đã bước sang tuổi ngũ tuần mà vẫn chăn đơn gối chiếc. Tuổi già đã đến, bà thấy mình cũng thèm khát tiếng trẻ thơ bi bô cho vui cửa vui nhà. Chợt nhớ đứa bé gái mới hơn một tuổi đã phải đi nhà trẻ. Bé cứ khóc ngặt nghẽo, hai bàn tay non nớt chới với đòi theo bố mỗi sáng sớm được bố chở xích lô đến thả vào sân nhà trẻ. Ngày còn đi bán xôi, mỗi lần chứng kiến cảnh đó, thương quá, bà lại nhón ít xôi đến dỗ dành bé.
Rồi những ngày nhà trẻ nghỉ, bé được bố đặt lên xích lô, rong ruổi trên đường tìm khách. Có khách, bố lại bỏ bé lại vỉa hè nhờ mọi người trồng giúp. Cứ thế, cô bé mới hơn tuổi hồn nhiên lê la ở vỉa hè, tay chân lấm lem đất. Hỏi chuyện mọi người, bà mới biết mẹ bé vì lừa đảo tiền của người ta mà vướng vòng lao lý, bỏ lại 2 cha con bé côi cút.
Thương 2 bố con cơ cực, bà lại nhàn rỗi, thế là bà bảo người bố trẻ cứ yên tâm đi kiếm tiền, để bà trông bé cho, mà bà cũng không lấy tiền công. Được lời, ông bố trẻ mừng rơn, cứ buổi sáng lại mang bé đến gửi bà, còn gửi thêm mấy đồng gọi là tiền ăn cho cháu. Gửi cháu được khoảng 2 tháng thì trong một lần mang con đến, ông bố trẻ bất giác nói với bà: tên cháu là Phạm Thị Thu Thảo, cháu vừa tròn 15 tháng tuổi. Bà trông cháu giúp con.
Rồi người bố quay đi nhưng cứ chần chừ, lưu luyến chẳng muốn rời. Sau câu nói đó, người bố ra đi và không bao giờ quay trở lại. Sau này, bà nghe người ta nói, bố Thảo bỏ vào quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh làm nghề cưa gỗ rồi chẳng may qua đời vì bị gỗ đè. Lúc ra đi, người bố trẻ ấy vừa tròn 27 tuổi. Cuộc đời thật nghiệt ngã! Thủ Đức là nơi bố, mẹ Thảo gặp nhau và nên duyên. Thủ Đức cũng chính là nơi chia rẽ gia đình Thảo mãi mãi.
Bà sống một mình, nhà cửa tạm bợ, tuy được anh trai chu cấp nhưng bà cũng chẳng khá giả như người ta. Tuổi bà cũng đã cao nên không biết có đủ sức, đủ thời gian để chăm bé Thảo nên người. Hàng xóm biết chuyện, khuyên bà nên gửi Thảo vào trại trẻ mồ côi. Anh trai bà ở nước ngoài nghe tin cũng nhắn về, bắt bà phải trả lại đứa bé nhưng bà không đành lòng. Biết không khuyên can gì được bà, ông quyết liệt bắt bà phải lựa chọn: nếu bà nuôi đứa bé, ông sẽ từ bà, không còn anh em gì nữa, cũng không chu cấp cho bà một xu nào nữa. Nhớ lại những ngày khó khăn đó, bà bảo: "Người ta cứ bảo cháu đuổi nó đi, lòng dạ nào mà cháu đuổi đứa bé đi được. Đuổi nó đi để nó lại sống lang thang như cháu lúc nhỏ à?
Nhặt nhạnh từng hạt cơm rơi tiếp sức cháu nuôi đến trường
Từ khi có Thảo, cuộc sống của bà bận rộn hẳn lên. Bà làm đủ mọi nghề không tên để kiếm những đồng tiền khó nhọc nuôi mình và đứa cháu. Theo những người hàng xóm của bà cho biết thì bà chăm Thảo cứ như chăm "núm ruột" của mình vậy. Đồ ăn gì ngon cũng dành dụm mua về cho Thảo. Mỗi ngày, bà chỉ ăn cơm với rau nhưng chỉ cần Thảo thèm ăn món gì là bà lại mua về cho Thảo. Bà còn cặm cụi lên chợ Lý Thường Kiệt xin quả chanh về vắt nước tắm cho Thảo. Ngày tháng trôi qua, rồi Thảo đến tuổi đi học, bà lại cặm cụi đi xin học cho cháu. Cuộc sống chật vật nhưng Thảo có trí và chăm học lắm. Đi học về là em lại cặm cụi học bài. Cơm tối xong, em cũng không chơi đùa cùng các bạn trong ngõ mà ngồi ôn bài.
Đêm đêm, trong căn phòng nhỏ chật chội, người ta thấy cảnh người bà nằm còng queo nơi đầu giường, phe phẩy quạt nan, quạt cho đứa cháu gái đang mải miết làm văn làm toán nơi cuối giường. Rồi Thảo gặp đề toán khó, hý hoáy mãi vẫn chưa tìm được đáp số. Em hỏi bà nhưng bà đâu có biết chữ để tính đáp án cho em. Thế là bà nghĩ ra một cách. Hôm sau, bà dắt Thảo ra đứng cạnh đường, 2 tay cầm cuốn sách toán. Cứ thấy người nào dáng vẻ có học là bà lại níu lại, nói họ thông cảm mà giải giúp cháu gái bà bài toán. Nhiều người lúc đầu bất ngờ nhưng sau đó hiểu ra câu chuyện, họ vui vẻ đứng ngay vỉa hè "gia sư" cho Thảo. Những ngày tháng sau đó, bà vẫn tiếp tục dẫn Thảo ra vỉa hè "xin chữ" như vậy.
Đến khi Thảo học cấp II, 2 bà cháu mới hết cảnh "xin chữ". Khi Thảo đỗ cấp III, bà mừng rơi nước mắt nhưng nỗi lo cũng không kém. Tiền học phí người ta không miễn nữa, mà giá cả mọi thứ cứ tăng cao, tỉ lệ nghịch với sự xuống sức của bà. Lưng bà đã còng, tay chân run rẩy không còn đủ sức làm thuê, làm mướn nữa. Thảo lại đang tuổi ăn, tuổi lớn. Nhiều hôm, trong nhà đến cả một hạt cơm cũng không còn. Nhưng bà cũng không thể để Thảo lỡ dở việc học hành. Dù phải ngửa tay xin tiền thiên hạ thì bà cũng quyết cho Thảo tiếp tục đến trường. Thế là bà đi ăn mày, gom góp từng đồng bạc lẻ nuôi Thảo ăn học. Những ngày mới hành nghề ăn xin, bà cũng ngại lắm.
Xưa nay, người đời vẫn khinh khi nghề ăn xin mà. Nhưng chút dị nghị đó có sá chi so với việc cháu bà được nên người. Vậy là 5, 6 năm nay, với bộ đồ rách rưới, ngày nào cũng như ngày nào, dù nắng hay mưa, bà lang thang khắp hang cùng, ngõ hẻm của thành phố để xin những đồng bạc lẻ. Những đồng tiền này bà gom góp hết cho Thảo, không bao giờ bà tiêu xài vào bất kỳ việc gì cho bản thân bà. Không phụ công bà, Thảo càng quyết tâm học hành. Thế rồi, một sự kiện chấn động chẳng khác gì một quả bom phát nổ trong cái ngõ nhỏ của những người nghèo ấy: Cháu gái bà lão ăn mày đã đỗ khoa Du lịch Trường ĐH Mở Hà Nội. Con bé Thảo lem luốc chơi ở vỉa hè ngày nào giờ sắp là một hướng dẫn viên du lịch.
Nhận tin này, bà Nguyệt chảy cả nước mắt, chả ai biết là bà khóc vì mừng hay quá lo chuyện không có tiền cho cháu đi học. Xoay xở mãi, rồi thì làng xóm, chính quyền đoàn thể phường động viên, giúp đỡ, cuối cùng bà cũng gom được 7-8 trăm nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi, bà dắt cháu lên Thủ đô nhập học rồi lại tất tả về Nam Định nhặt nhạnh từng hạt cơm nuôi cháu học đại học.
Mỗi tháng một lần Thảo về thăm bà và lấy tiền để đóng học phí và trang trải nơi đô thành. Kể đến đây, bà thở dài bảo: "Dạo này, Thảo đang đi làm thêm ở tàu du lịch vào cuối tuần nên lâu lắm không về thăm bà. Bà sốt ruột lắm, chủ nhật này bà sẽ khăn gói lên thăm Thảo. Sáng qua bà đã ra nhà cô tổ trưởng tổ dân phố nhờ cô thuê xe để bà đi Hà Nội rồi. Cô tổ trưởng này tốt lắm nên có việc gì bà cũng nói với cô và nhờ cô giúp". Và lần nào cũng vậy, mỗi lần lên thăm Thảo, bà lại mang theo gạo rồi con gà, con vịt để cháu tẩm bổ.
Còn nhiều lắm những nỗi lo
Năm nay, Thảo đã bước vào năm thứ 3 đời sinh viên rồi, cũng đã biết đi làm thêm kiếm tiền. Nhưng vẫn còn một năm nữa Thảo mới ra trường. Bà sẽ gắng ăn xin cho đến khi Thảo ra trường rồi bà sẽ thôi không đi ăn mày nữa. Cháu bà ra trường, có việc làm, bà sẽ tìm đám tốt để gả chồng cho nó. Sau đó bà sẽ xin vào nương tựa nơi cửa chùa, sống những ngày cuối đời. Tính vậy đấy nhưng bà lại chép miệng bảo: "Không biết cháu có sống được đến lúc đấy không nữa...". Sức khỏe bà yếu lắm rồi, nhất là sau lần bị xe tông "9 phần chết, 1 phần sống" vào giữa năm 2011. Sau lần tai nạn đó, bà phải nằm bất động trên giường 5 tháng trời. Không có tiền thuốc thang, các vết thương cứ lở loét mãi không lành. Hàng xóm vào thăm, ai cũng giật mình thảng thốt, lo bà sẽ ra đi.
Ấy vậy mà khi gia đình người gây tai nạn đến bồi thường, bà lại chỉ lấy có 500.000 đồng. Bà bảo người ta nghèo khó, mình lấy nhiều người ta cũng đâu có tiền mà đền. Những ngày bệnh tật đó, phải nằm một mình suốt mấy tháng trời, bà thấm nỗi cơ cực của cuộc sống đơn thân lắm. Nên bà mong sao cháu bà chăm học, nên người, tìm được người thật lòng yêu thương, bà sẽ tính chuyện cưới xin để cháu bà có gia đình, có người thân yêu bên cạnh. Theo cách nói của bà thì Hà Nội xa hoa lắm, học cái ngoan thì lâu mà cái xấu thì nhanh nên bà sợ lắm, sợ cháu bà sẽ bị cám dỗ bởi những phù phiếm mà đi chệch chí hướng. Khi cuộc sống cơ hàn của 2 bà cháu bà được đưa lên các phương tiện truyền thông, nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm đã dang tay giúp đỡ.
Có vị giám đốc một công ty du lịch đã tìm về tận nhà bà, đề nghị được hỗ trợ mỗi tháng 500.000 đồng phụ bà nuôi Thảo ăn học và sẽ nhận Thảo vào làm khi Thảo học xong. Đón nhận những tấm lòng hảo tâm đó bà vô cùng biết ơn. Nhưng bà không dám nhận sự giúp đỡ của vị giám đốc ấy. Bởi bà ái ngại tuổi bà đã cao, không biết sẽ ra đi lúc nào nên nếu hứa hẹn với người ta rồi mà không thực hiện được thì bà sẽ mắc nợ với đời. Thảo lại đang đi học, nếu bà nhận sự hứa hẹn nào đó, biết đâu cháu gái bà ỷ lại, không cố gắng nữa thì bà biết tính thế nào?
Với lại Thảo cũng đã lớn, bà không muốn áp đặt Thảo. Bà để cháu bà tự lựa chọn nghề nghiệp sau này. Việc UBND phường Trần Hưng Đạo rồi các ban ngành, đoàn thể khác đề nghị xây sửa lại căn nhà mới cho bà, bà cũng không nhân bởi ở căn nhà cũ này hai bà cháu đã có biết bao kỷ niệm. Hơn nữa biết mai này cháu bà có về lại ngôi nhà này hay ổn định ở một miền đất khác? Còn bà cũng chẳng bao lâu nữa là sẽ giã từ cuộc sống. Vậy nên ông trời còn thương, còn cho bà sống được ngày nào, bà sẽ gắng đi ăn xin để có tiền nuôi Thảo học tiếp. Mai này Thảo nên người cũng đáng công sức bà hy sinh.
Thế mới thấy rằng, ở bất kỳ đâu và vào bất cứ hoàn cảnh nào, chỉ cần có tình yêu thương chân thành thì con người ta có thể làm bất cứ điều gì vì người mình thương yêu. Và nếu có ai đó đã mất niềm tin vào tình thương trên cõi đời này thì tôi tin rằng câu chuyện này sẽ sưởi ấm lại trái tim khát yêu thương của họ, giúp họ cảm nhận được cuộc đời này còn nhiều yêu thương lắm. Tôi cũng tin rằng tình thương xuất phát từ trái tim của bà sẽ giúp Thảo tiếp tục vượt qua chông gai để trưởng thành.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%