Chồng dí xe bắt ghen vợ, làm chết tình địch phạm tội gì?
Thứ tư, 04/06/2014 14:36

Phát hiện vợ mình đi với người đàn ông từ trong khách sạn ra, người chồng đuổi theo gây tai nạn làm chết người đàn ông.

Người chồng bị tội gì, vi phạm giao thông hay vô ý làm chết người?

Người chồng bị tội gì, vi phạm giao thông hay vô ý làm chết người?

VKS quận Bình Tân (TP.HCM) vừa hoàn trả hồ sơ cho tòa án cùng cấp vụ Nguyễn Văn An bị truy tố tội vô ý làm chết người (theo khoản 1 Điều 98 BLHS). Theo đó, Viện giữ nguyên quan điểm tội danh này và không đồng ý với việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của tòa trước đó.

Hậu quả chết người

Theo cáo trạng, vợ bị cáo An là nhân viên phục vụ một quán ăn trên đường Vành đai trong tại quận Bình Tân. Chiều 2/11/2013, anh Nguyễn Chí Nam đến quán này nhậu với một số bạn bè và vợ An. Đến tối, Nam lấy xe máy chở vợ An đến một quán khác ở quận 6 nhậu tiếp. Tàn cuộc nhậu, Nam và vợ An đi khách sạn. Khuya, từ khách sạn ra, Nam chở vợ An lưu thông trên đường Vành đai trong.

Ngay lúc này, An chạy xe phát hiện Nam chở vợ mình bèn đuổi theo và đến một đoạn thì tăng ga cho xe kè sát bên tay trái xe Nam, yêu cầu Nam dừng xe để hỏi chuyện. Thấy An đuổi theo, Nam tăng ga bỏ chạy. Do hai xe lưu thông sát nhau nên dẫn đến va chạm và cùng ngã làm Nam và vợ An bất tỉnh. Người dân đưa Nam đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đã Nam tử vong. Vợ An được bạn đưa về phòng trọ. An cũng bị xây xát nhẹ và sau đó ra công an đầu thú. Kết luận giám định xác định Nam chết do đa chấn thương.

Tại cơ quan điều tra, An khai nhận mục đích dí xe theo Nam là để yêu cầu Nam dừng xe lại nói chuyện về mối quan hệ giữa Nam với vợ An. An không có mục đích ép xe Nam, việc Nam ngã dẫn đến tử vong là ngoài ý muốn chủ quan của An.

Tòa và Viện chỏi nhau

Trên cơ sở này, VKS khởi tố, truy tố An về tội vô ý làm chết người. Tuy nhiên, khi hồ sơ chuyển qua tòa chuẩn bị xét xử thì TAND quận Bình Tân lại không đồng ý với tội danh này.

Theo tòa, trên thực tế tại nơi xảy ra vụ án cả hai xe (xe của An và xe của anh Nam) đều chạy với tốc độ cao. Trong lúc đó tay lái bên phải xe của An va chạm vào tay lái bên trái xe anh Nam làm cho cả hai xe ngã khiến anh Nam tử vong. Do việc điều khiển xe của An không giữ khoảng cách an toàn với xe anh Nam là vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, gây nguy hiểm cho cả người và xe tham gia giao thông đường bộ. Hành vi của An vi phạm Điều 8 và Điều 12 Luật Giao thông đường bộ, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Nam. Còn các tình tiết khác chỉ là việc mâu thuẫn cá nhân chứ không phải là hành vi xâm hại đến tính mạng của anh Nam.

Từ đó tòa cho rằng hành vi của An cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (theo Điều 202 BLHS) chứ không phải tội vô ý làm chết người như cáo trạng truy tố. Do vậy tòa trả hồ sơ cho VKS điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, VKS lại không đồng tình với tòa và vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Theo Viện, An và nạn nhân Nam quen biết nhau từ trước; thời điểm va chạm nhau, An phát hiện Nam chở vợ mình nên đuổi theo yêu cầu dừng xe nói chuyện. Mục đích là làm rõ tại sao đi chơi với vợ An, không nhằm mục đích nào khác. Vì An không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho Nam (dù pháp luật buộc An phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó) nên lỗi của An là lỗi vô ý do cẩu thả. Hành vi của An đã vi phạm quy tắc bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe người khác chứ không phải quy tắc an toàn giao thông đường bộ. Việc truy tố An về tội vô ý làm chết người là phù hợp...

Chúng tôi sẽ thông tin tiếp khi vụ án có diễn tiến mới.

Không tham gia giao thông thì mới xử tội vô ý làm chết người

Trong vụ trên, quan điểm của tòa đúng hơn của viện. Cả hai tội đề cập đều do lỗi vô ý và có hậu quả chết người. Nhưng hành vi khách quan của An thỏa mãn, trùng khớp với cấu thành tội vi phạm... giao thông hơn.

Khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch 09/2013 (hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông) nói rõ hành vi vi phạm... giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 BLHS được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ. Hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Nếu phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển không bị truy cứu về tội vi phạm... giao thông mà bị truy cứu về tội phạm tương ứng khác, nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó. Ví dụ tội vô ý làm chết người, tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính hoặc tội vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Một vụ án tương tự

Một kiểm sát viên (đề nghị không nêu tên) dẫn chứng vụ án mà TAND huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) vừa xét xử để cho rằng trường hợp nói trên xử tội vô ý làm chết người mới đúng. Theo đó, khoảng gần nửa đêm, hai dân quân xã thấy Nguyễn Công Cảnh chạy xe máy chở bốn bèn đuổi theo ép xe, đưa gậy cao su hù dọa khiến xe Cảnh mất lái tông vào trụ điện. Cảnh chết tại chỗ, ba người ngồi sau bị thương. Tòa Hòa Vang đã xử hai dân quân xã mỗi người sáu tháng tù về tội vô ý làm chết người.

Plo.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: danh ghen , tai nan giao thong , co y lam chet nguoi , tin , bao , tinh dich