Chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 2014 có khá nhiều khác biệt so với một chương trình từng thất bại cách đây 17 năm...
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). |
“Đây không phải chương trình tín dụng cho không!”, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói với pv, trong cuộc trao đổi về chương trình tín dụng đánh bắt xa bờ sắp được Chính phủ ban hành.
Bài học 1997
Thưa ông, còn nhớ năm 1997, chương trình đánh bắt xa bờ theo Quyết định 393 gần như thất bại và lần này, Chính phủ lại sắp tung ra một chương trình nữa. Ông có liên tưởng gì đến những bài học của chương trình lần trước?
Tôi được biết Chính phủ đang dự thảo và sắp ban hành nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, nhằm tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất thủy sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho ngư dân, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh ngư trường biển Đông của ta bị tàu nước ngoài chèn ép, đâm húc, tranh giành, gây nguy hiểm cho tính mạng của ngư dân.
Năm 1997, Chính phủ cũng có một chương trình cho vay đánh bắt xa bờ.
Bản chất của chương trình lần đó là cho vay đóng tàu, mua ngư cụ, lưới đánh bắt với tài sản bảo đảm là tàu, ghe hình thành từ vốn vay. Điều này đã dẫn đến những rủi ro hiện hữu như: ảnh hưởng bão chìm tàu, mất tích, chết, bị nước ngoài bắt, nhất là độ rủi ro cao trong cho vay khi đối mặt với nhiều rủi ro: cháy tàu, làm ăn thua lỗ không có khả năng trả nợ; tài sản bảo đảm cho khoản vay là con tàu nhưng đây lại là tài sản di động, hoạt động ngoài vùng biển xa nên dễ xuống cấp và hư hỏng.
Trong khi một bộ phận khách hàng vay vốn thiếu trách nhiệm trả nợ dẫn đến việc thu hồi vốn khó khăn trong nhiều năm, tỷ lệ nợ xấu cao; không thể quản lý được nguồn hàng - tiền do đánh bắt xa bờ nên đánh bắt ở đâu được là bán ở đó ngay.
Cũng do không có quy trình quy định chặt chẽ, ràng buộc trách nhiệm; giá trị phát mãi tài sản thấp chỉ bằng 1/3 giá trị thực của con tàu; tài sản đảm bảo được hình thành từ chính vốn vay, không có gì ràng buộc trách nhiệm khách hàng trả nợ… nên khó tránh khỏi những thất bại.
Bên cạnh đó, thực tế triển khai đã cho thấy đây là chương trình quy mô lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại thấp, do các mẫu tàu thiết kế chưa phù hợp với tập quán khai thác của ngư dân, dẫn đến hiệu quả sử dụng thấp.
2014: Không cho vay theo kế hoạch
Vậy lần này, làm thế nào ngân hàng cho vay không dẫn đến tình trạng “thả gà ra đuổi” như năm 1997?
Đây chính là một trong những điểm mới và then chốt của nghị định lần này so với Quyết định 393 trước kia.
Lần này, cơ chế tín dụng cho vay đánh bắt xa bờ theo phương án dự kiến ban hành có sự đồng bộ, đầy đủ, có phạm vi và đối tượng rộng hơn. Cơ chế mới tạo chủ động cho tổ chức tín dụng lựa chọn người vay có kinh nghiệm, có năng lực tài chính, có khả năng quản lý tốt nhất để đảm bảo việc sử dụng vốn, khai thác tài sản có hiệu quả, tăng khả năng thu hồi vốn.
Nếu Quyết định 393 chỉ quy định một nội dung duy nhất là cho vay theo kế hoạch của Nhà nước, thì nghị định mới quy định toàn diện các chính sách về phát triển thủy sản, bao gồm: chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, chính sách tín dụng, bảo hiểm, chính sách khoa học, công nghệ, khắc phục rủi ro, một số chính sách khác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất thủy sản.
Thứ hai, đối tượng hưởng lợi cũng toàn diện hơn: tất cả tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thủy sản: khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ hậu cần khai thác, tổ chức, cá nhân sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản. Quyết định 393 trước đây chỉ áp dụng đối với đánh cá xa bờ và dịch vụ đánh cá xa bờ.
Thứ ba, đối tượng vay vốn gồm tất cả các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện vay vốn theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước và quy định của các ngân hàng thương mại cho vay. Các ngân hàng thương mại được chủ động lựa chọn người vay, không phải chỉ lựa chọn trong danh sách theo đề nghị của các cấp chính quyền địa phương.
Thứ tư, nghị định mới bao gồm tất cả ngân hàng thương mại cho vay, trong khi Quyết định 393 chỉ bao gồm các ngân hàng thương mại được chỉ định cho vay.
Như vậy, so với cơ chế theo Quyết định 393 trước đây, cơ chế tín dụng cho vay đang dự thảo xác định rõ: Nhà nước thực hiện chính sách cấp tín dụng ưu đãi, nhưng theo nguyên tắc vay vốn thương mại có hoàn trả, các ngân hàng thương mại hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn khách hàng và xem xét, quyết định cho vay; hỗ trợ đồng bộ và toàn diện cho các ngư dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế biển trên các khía cạnh: khai thác, phát triển dịch vụ, đầu tư hệ thống hạ tầng, tổ chức lại hoạt động khai thác, cung cấp dịch vụ.
Khép kín quy trình
Như ông nói, nghị định lần này mang tính chất toàn diện, đồng bộ chứ không “ném tiền qua cửa sổ” như chương trình đánh bắt xa bờ năm 1997, cụ thể ở đây là gì?
Chương trình đánh bắt xa bờ lần này, bên cạnh những đề xuất về chính sách khuyến khích đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản thì vấn đề hỗ trợ ngư dân sản xuất, đánh bắt xa bờ là nội dung chủ đạo.
Các chính sách tín dụng cho đánh bắt xa bờ và xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá với nhiều cơ chế mới và mức đầu tư lớn chưa từng có đang được hoàn thiện.
Cụ thể, ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục hạ tầng thiết yếu của cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão, tàu dịch vụ hậu cần. Tập trung ưu tiên xây dựng, nâng cấp công trình tại các đảo Lý Sơn, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc, Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cồn Cỏ và một số tỉnh ven biển Nam Trung Bộ.
Về chính sách tín dụng, chủ tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ được vay vốn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu với hạn mức vay bằng 90% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ thép, vật liệu mới trong 10 năm; 70% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ gỗ (bao gồm cả ngư cụ, thiết bị trên tàu) trong bảy năm. Lãi suất vay tối đa 3%/năm, tức là chưa bằng một nửa lãi suất huy động với thời gian ân hạn một năm.
Đặc biệt, ngư dân được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp để bảo đảm vốn vay.
Nhưng tại sao cứ phải thay thế tàu vỏ gỗ bằng vỏ sắt, composite với chi phí rất lớn nhưng chưa rõ cơ chế bảo hiểm như thế nào, thưa ông?
Hầu hết các tàu xa bờ của ngư dân hiện nay là vỏ gỗ, tuy rẻ hơn nhưng khó vươn xa, rủi ro trướ bão gió lớn, khả năng cấp đông cho thực phẩm sau đánh bắt kém.
Thế nên, chính sách tín dụng đặc biệt này được kỳ vọng sẽ là cơ sở để hiện thực hóa giấc mơ tàu vỏ thép của nhiều ngư dân.
Ngoài ra, vốn vay lưu động cũng được điều chỉnh. Hạn mức vay tối thiểu 200 triệu đồng/năm đối với tàu khai thác hải sản; tối thiểu 500 triệu đồng/năm đối với tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản. Riêng với vấn đề bảo hiểm, ngư dân sẽ được hỗ trợ 70% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, 100% kinh phí mua bảo hiểm kết hợp con người cho thuyền viên trên tàu đánh bắt xa bờ.
Song song, để khắc phục rủi ro trên biển, chính sách mới cũng đề cập đến nhiều vấn đề như: ngư dân chết, mất tích khi khai thác trên biển được hỗ trợ ít nhất là 25 lần mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội; cấp 15 kg gạo/tháng/người trong thời gian ba tháng cho các đối tượng là con dưới 18 tuổi, những người thân khác trên 60 tuổi hoặc mất khả năng lao động, sống phụ thuộc trực tiếp vào người lao động bị chết, mất tích. Tàu, thuyền được huy động hoặc tự nguyện tham gia cứu người, tàu, thuyền bị rủi ro trên biển được hỗ trợ 100% chi phí nhiên liệu...
Tôi nghĩ, đây là những chính sách nhân văn, có sức động viên to lớn giúp ngư dân yên tâm bám biển, vươn khơi.
Chậm chân thì thiệt
Khá nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, họ không muốn tham gia vào chương trình tín dụng nói trên vì rủi ro lớn và rất có thể, các ngân hàng thương mại nhà nước chi phối vốn phải đảm nhiệm. Quan điểm của ông như thế nào?
Chúng ta từng biết Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có nền công nghiệp khai thác đánh bắt thủy hải sản cực kỳ phát triển và là một trong những mũi nhọn kinh tế rất hấp dẫn đầu tư.
Vậy thì, một khi đã xác định một tầm nhìn chiến lược và những mục tiêu được hoạch định rõ ràng, không có lý gì Việt Nam không làm được như vậy. Với những giải pháp sắp được đưa ra, Việt Nam sẽ hình thành những trung tâm khai thác, chế biến thủy hải sản hiện đại. Ở đó, khép kín từ khâu đánh bắt, nuôi trồng đến bảo quản đúng chuẩn mực; hình thành những trung tâm chế biến và giao dịch hàng hóa nội địa và xuất khẩu như một ngành kinh doanh khép kín theo chuỗi, lợi nhuận cao.
Như vậy, ngân hàng nào chậm chân thì bị thiệt thôi.
Còn với BIDV, chúng tôi nhận thấy, khi chính sách đã khép kín như nói trên, chắc chắn là nghề cá của Việt Nam sẽ là lĩnh vực sinh lời, có hiệu quả cao. Là ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chi phối vốn và đứng đầu trong hệ thống, hoạt động của chúng tôi hướng đến hai mục tiêu cơ bản nhất: sinh lời và trách nhiệm với đất nước.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- 7 ngày nữa nếu muốn xuất nhập cảnh, công dân bắt buộc phải thực hiện quy định mới này
- Có 1 người kiếm tiền nhiều hơn cả Elon Musk nhưng không lọt top 10 người giàu nhất thế giới, là ai?
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Đàn ông sở hữu 4 đặc điểm này trên mặt, 'cầm chắc số' giàu sang phú quý
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?