Chiến công của những họa sĩ chuyên phác họa chân dung tội phạm
Thứ ba, 04/02/2014 06:10

Các điều tra viên có kinh nghiệm trong ngành Công an đều cho rằng việc phác hoạ chân dung tội phạm qua lời kể nhân chứng rất hữu ích cho quá trình phá án.

Chân dung thủ phạm vụ bắt cóc trẻ sơ sinh qua nét vẽ của họa sĩ

Chân dung thủ phạm vụ bắt cóc trẻ sơ sinh qua nét vẽ của họa sĩ

Ngày 13/1, đối tượng Lê Thị Bích Trâm (trú tại quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) đã ra đầu thú tại cơ quan Công an quận 7 (TP Hồ Chí Minh) và giao nộp cháu bé bị cô ta bắt cóc trước đó tại Bệnh viện quận 7. Trâm trình bày khi thấy hình ảnh của họa sĩ phác họa nghi phạm quá giống với mình được công bố trên báo chí, thị cảm thấy chột dạ.

Những tên cướp bị “lột mặt”

Rất nhiều kỳ tích họa sĩ giúp công an phá án từng được ghi nhận trước đây. Vào năm 1999, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các địa bàn lân cận như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương xuất hiện nhiều tên tội phạm rất liều lĩnh. Những tên tội phạm này thường xuyên hoạt động vào ban đêm để che giấu thân phận thật của mình.

Đồng lõa với bóng đêm, những tên cướp đột nhập vào nhà, quán ăn thậm chí cả cơ quan nhà nước để cướp, nếu gặp người chúng sẵn sàng kề dao vào cổ uy hiếp. Chúng còn ngang nhiên chặn xe ô tô, đe dọa lái xe để cướp tài sản. Sự lộng hành của nhưng tên cướp “bóng đêm” khiến người dân mất ăn mất ngủ.

chan-dung41

Đối tượng Phó Văn Chính qua nét vẽ của họa sĩ Thành (trái) và qua ảnh thật (phải)

Vào thời điểm đó, Công an tỉnh Đồng Nai đã tung rất nhiều trinh sát, các bộ điều tra giỏi nhằm truy bắt nhóm đối tượng trên. Tuy nhiên, do hoạt động vào đêm khuya nên hầu hết nạn nhân đều không thể nhận dạng được đối tượng, tất cả chỉ là trí nhớ “mang máng” nên đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác điều tra. Lúc này, Công an tỉnh Đồng Nai đã mời họa sỹ Võ Tấn Thành (trú tại Đồng Nai) vào cuộc phác họa chân dung thủ phạm.

Sau nhiều ngày đi gặp gỡ các nhân chứng, nghe họ miêu tả về nhân dạng thủ phạm, dù với các chi tiết hết sức rời rạc nhưng họa sỹ Thành bằng bút pháp và trí liên tưởng của mình đã phác thảo lên chân dung của một đối tượng “cộm cán”.

Sau khi đưa lại cho các nạn nhân xem, ai cũng khẳng định đối tượng ấy giống đến 80% so với bức ảnh mà họa sỹ Thành đã vẽ. Từ tấm hình phác thảo, Công an tỉnh Đồng Nai đã tiến hành xác định đối tượng tình nghi số một là Phó Văn Chính (sinh năm 1963 ngụ tại Bà Rịa – Vũng Tàu) từng có tiền án tiền sự về tội trộm cắp.

Cũng vào gia đoạn cuối năm 1999 – đầu năm 2001, băng cướp có trang bị vũ khí của Dũng “chim xanh” hoành hành trên QL1A (đi qua địa phận Đồng Nai, TP.HCM…) gây chấn động dư luận thời bấy giờ. Bộ Công an đã mời họa sĩ Võ Tấn Thành phác họa chân dung tên tướng cướp này.

Dù băng cướp Dũng “chim xanh” luôn gây án vào ban đêm, nạn nhân không thấy rõ mặt mũi của hắn nhưng qua khắc họa của ông Thành, chân dung Dũng “hiện hình” gần giống với chân dung thật. Từ bức phác họa chân dung, lực lượng trinh sát đã tích cực truy lùng và băng cướp Dũng “chim xanh” sa lưới.

Sau đó gần 10 năm, tại thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) xảy ra một vụ cướp tiệm vàng hết sức táo tợn. Nhóm cướp có vũ khí, rất manh động đã xông vào tiệm vàng lấy đi 100 cây vàng. Mặc dù vào thời điểm xảy ra vụ án, camera của cửa hàng có ghi lại được hình thủ phạm nhưng rất mờ, không thể nhận dạng nổi. Lúc này, họa sỹ Thành lại được mời tham gia.

Qua nhiều ngày lặn lội tiếp xúc với nạn nhân, ông Thành cũng có phác thảo khuân mặt đối tượng. Tuy nhiên, trong lúc cơ quan công an đang truy lùng nhóm đối tượng thì 2 tháng sau, tại huyện Tịnh Biên (An Giang) tiếp tục xẩy ra vụ cướp tiệm vàng. Bọn cướp có 6 người đều bịt mặt có súng và cướp đi 300 cây vàng.

Qua quá trình điều tra, cơ quan công an nhận định, nhóm cướp này rất có thể là người nước ngoài nên đã phối hớp với Cảnh sát Hoàng gia Campuchia truy bắt được băng cướp này.

Tại cơ quan điều tra, nghi vấn về việc nhóm cướp này đã từng cướp tiệm vàng Lan Anh tại thị xã Hà Tiên (Kiên Giang) được đặt ra, tuy nhiên các đối tượng không nhận. Chỉ đến khi các điều tra viên đưa ra bức phác họa khuôn mặt đối tượng cướp tiệm vàng Lan Anh mà họa sĩ Thành đã thực hiện trước đó thì các đối tượng trên mới cúi đầu nhận tội.

chan-dung42

Họa sĩ Võ Tấn Thành chụp ảnh cùng một vị lãnh đạo Bộ Công an

Rất ít người vẽ được

Quay trở lại vụ bắt cóc trẻ sơ sinh tại BV quận 7 (TP Hồ Chí Minh), theo họa sỹ Phan Vũ Linh (Giảng viên ĐH Mỹ thuật TP.HCM), anh đã tình cờ được một người bạn nhờ đến phác họa chân dung thủ phạm qua lời kể của các nhân chứng. Việc phác hoạ chân dung thủ phạm được thực hiện từ lời kể của vợ chồng anh Hên, chị Tâm (mẹ cháu bé bị bắt cóc) và người em gái kết nghĩa. Họ là ba nhân chứng đã trực tiếp giáp mặt với nghi can nhiều lần. Việc phác thảo từ nét vẽ đầu tiên cho tới khi hoàn thành chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 20 phút. Theo hoạ sĩ Linh, vì có lời kể của nhiều nhân chứng, mỗi người kể một chi tiết nên bản vẽ khá chính xác.

Đầu tiên, hoạ sĩ vẽ những chi tiết lớn thấy rõ nhất, bao gồm khuôn mặt tròn, mái tóc bới cao… những nét vẽ cơ bản này dựa trên 60% lời kể của người mẹ.Sau đó, anh Hên và người em kết nghĩa xác nhận lại những chi tiết sâu hơn, như người chồng nói đôi môi của cô ta không cong lên nhiều. Trong khi đó, người em kết nghĩa nhớ kỹ nhất, vì chị có tâm lý ổn định hơn, lại có điều kiện quan sát rất kỹ hung thủ trước đó. Người này xác định thêm một số chi tiết như tóc màu vàng, trái tai hơi dài, giúp hoạ sĩ có thông tin tổng hợp hoàn chỉnh lại.

Sau khi bản phác thảo bằng bút chì đã được cả ba nhân chứng xác nhận là rất giống với nghi can, ngay trong đêm đó họa sĩ Linh đã scan bức phác họa lên máy tính và tô màu bản vẽ bằng chì. Sáng hôm sau, anh tiếp tục mời bố cháu bé đến tận nhà ngồi cùng để chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh.

Đến khi Trâm ra đầu thú thì tất cả đều ngạc nhiên vì khuôn mặt thật của Trâm với bức vẽ của anh Linh gần như khớp nhau.

Việc phác hoạ chân dung tội phạm qua lời kể nhân chứng ở nước ngoài rất thường xuyên sử dụng, đặc biệt là tại Mỹ. Tuy nhiên tại các nước này họ luôn có sẵn bộ thư viện hình ảnh, hoạ sĩ gắn từng bộ phận vào một khuôn mặt sao cho giống nhất, nhưng hiện nay ở Việt Nam hình thức này vẫn còn khá mới mẻ.

Theo Trung tá Lê Việt Dũng (Phòng PC 54, Công an Hà Nội) thì việc vẽ chân dung thủ phạm qua lời kể của nhân chứng không hề đơn giản. Để có được một tấm hình giống với thủ phạm thì việc miêu tả của nhâng chứng là hết sức quan trọng.

Trên khuôn mặt có nhiều điểm phải nhìn kỹ và mô tả được cho họa sỹ như hình dáng khuôn mặt, miệng, mũi và đặc biệt là đôi mắt. Trung tá Dũng cho hay do yêu cầu rất nhiều yếu tố nên phương pháp này chưa thực sự phổ biến trong việc điều tra các vụ án.

Cũng theo Trung tá Dũng khó khăn nhất ở đây không chỉ là trí nhó và sự miêu tả chính xác của nhân chứng mà còn phụ thuộc rất nhiều vào họa sỹ vẽ “có hồn” hay không.

PGS.TS, Đại tá Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm - Học viện Cảnh sát nhân dân nhận định: "Theo tôi biết trong các trường Cảnh sát ở phương Tây đều có chuyên ngành đào tạo các điều tra viên có khả năng vẽ hay phác thảo chân dung tội phạm. Nhưng hiện tại ở Việt Nam gần như chưa đào tạo riêng đội ngũ này.

Tuy nhiên, những năm 80 của thế kỷ trước, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam cũng từng sử dụng phương pháp này nhiều lần, vì lúc đó các phương tiện truyền thông, máy ảnh… chưa thông dụng như bây giờ và các phương tiện kỹ thuật khác cũng chưa có. Điển hình như vụ án vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga bị sát hại, Công an cũng sử dụng phương pháp này để phác họa nghi phạm…

Những năm gần đây, do phương tiện kỹ thuật hiện đại và thông dụng nên cơ quan Công an cũng sử dụng nhiều phương pháp, nghiệp vụ điều tra khác nhau vì vậy phương pháp ký họa này không còn thiết yếu nữa nhưng vẫn hữu ích trong các vụ án cụ thể nào đó. Trong vụ án bắt cóc trẻ ở quận 7 có thể nghi phạm không nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan Công an, đối tượng không phải là lưu manh hay đối tượng hình sự nên rất ít manh mối, vì thế cần sử dụng phương pháp này để truy tìm nghi phạm".

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Chân dung tội phạm , Họa sĩ , Vẽ phác họa , Hồ sơ tội phạm , Án mạng , Tội phạm truy nã , Giết người trốn nã