“Chỉ cấm bác sĩ nhận phong bì trước và trong điều trị”
Thứ năm, 28/03/2013 08:03

Để loại trừ tiêu cực, Bộ cấm y bác sĩ nhận phong bì của bệnh nhân trước và trong điều trị, còn sau điều trị lại là phạm trù khác.

Quá tải BV khiến bệnh nhân và y bác sĩ đều chịu áp lực lớn

Quá tải BV khiến bệnh nhân và y bác sĩ đều chịu áp lực lớn

Phát biểu tại một lớp tập huấn về y đức ngày 27/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, thầy thuốc cũng là người, đâu đó không tránh khỏi có những y bác sĩ cư xử chưa đúng mực. 

Bí thư tỉnh ủy cũng bị “hành”

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vấn đề tu nghiệp, tu đức và nâng cao đạo đức nghề nghiệp luôn cấp thiết. Hiện tại, các y bác sĩ nước ta đang phải làm việc trong điều kiện, môi trường hết sức khó khăn, từ vấn đề quá tải BV luôn trầm trọng, cơ sở vật chất hạn chế, cuộc sống của cán bộ nhân viên y tế còn khó khăn, cộng thêm sự tác động của cơ chế thị trường… nên đâu đó vẫn tồn tại những phản ánh bức xúc về y đức, y nghiệp. Bộ trưởng chia sẻ, bác sĩ cũng là con người bình thường, không thể lúc nào cũng lẩm nhẩm trong miệng 2 chữ y đức được. Việc nảy sinh các trường hợp tiêu cực là khó tránh khỏi song đó cũng chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Có điều nghề y là một nghề đặc biệt nên khi có các vấn đề chưa đúng mực về y đức sẽ gây bức xúc lớn cho xã hội, dễ tạo thành cái nhìn méo mó về hình ảnh của người thầy thuốc, của ngành y.

Cho rằng sự xuống cấp về y đức chỉ tồn tại ở một số y bác sĩ, nhân viên y tế chứ không phải hiện tượng phổ biến, song Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, không ở đâu như nước ta, trong mối quan hệ giao tiếp giữa thầy thuốc với người bệnh đã hình thành nên một văn hóa giao tiếp rất lạ, không giống ai. Nhiều y bác sĩ tự coi mình như bề trên trong cách ứng xử với người bệnh. “Tôi đã được nghe trường hợp có một ông Bí thư tỉnh ủy vào BV thăm người thân, đến cửa khoa khám bệnh hỏi nhân viên BV thì bị người này quát “đi vào trong mà hỏi”. Đến buồng bệnh, thấy mấy điều dưỡng đang đứng buôn chuyện, ông Bí thư vào hỏi thì lại bị một cô hất hàm lên tường nhà quát “có hết chỉ dẫn trên tường, không nhìn thấy chữ à”. Rồi một ông Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh của một địa phương khác khi vào BV cũng gặp phải cảnh ngộ tương tự… Chính điều đó càng tạo bức xúc về vấn đề y đức” – người đứng đầu ngành y tế dẫn ví dụ.

Quyết tâm thay đổi

Về chuyện phong bì trong BV, Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích, người nhà bệnh nhân nào khi đến BV cũng đều muốn được khám trước, được chăm sóc tốt hơn nên họ chủ động “nhét tiền” cho điều dưỡng, bác sĩ, chứ bản thân y bác sĩ không ai đòi hỏi họ phải đưa. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khám chữa bệnh phải thường xuyên tập huấn, tuyên truyền, vận động về y đức đến tất cả các cán bộ công nhân viên. Với mỗi BV, phải thực hiện ký kết, cam kết giữa Giám đốc BV và các trưởng phó khoa, giữa trưởng phó khoa đến nhân viên về việc không nhận phong bì của người bệnh trước và trong điều trị. Người nhà bệnh nhân cũng phải cam kết không được đưa phong bì cho y bác sĩ trước và trong điều trị, còn sau điều trị thì lại là một vấn đề khác.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kể: “Trong miền Nam, có trường hợp bệnh nhân đưa phong bì cho bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi, bác sĩ từ chối, người bệnh nói rằng, nếu bác sĩ không nhận quà thì bệnh của tôi không khỏi được… Quà của bệnh nhân biếu bác sĩ sau khi đã được điều trị khỏi phần nhiều thể hiện tình cảm, sự biết ơn của người bệnh với người thầy thuốc nên không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận trong trường hợp này”. Cũng theo Bộ trưởng, cái gốc của vấn đề tiêu cực trong BV chính là do BV quá tải, tình trạng nằm ghép phổ biến, trong khi đa số người dân chưa có văn hóa xếp hàng, ai đến viện cũng muốn được khám trước, được ưu tiên, từ đó người thì “gọi điện cho người thân nhờ vả”, người thì tìm cách “nhét phong bì” cho bác sĩ.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho các địa phương, các đơn vị y tế trực thuộc. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết: “Với tất cả các biện pháp đang triển khai, ngành y tế, toàn bộ cán bộ nhân viên ngành y quyết tâm thay đổi chân dung người thầy thuốc Việt Nam trong mắt dư luận, nhân dân và toàn xã hội trong thời gian sớm nhất”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Giám đốc BV Mắt Trung ương: Xử lý việc đưa, nhận phong bì phải linh hoạt

Theo tôi, việc yêu cầu y bác sĩ cam kết không nhận phong bì và đề nghị người bệnh ký cam kết không đưa phong bì cho y bác sĩ trước, trong điều trị chỉ có thể thực hiện với bệnh nhân điều trị nội trú. Còn ở khu vực phòng khám thì chỉ có thể treo băng rôn, bảng biển để nhắc nhở người bệnh.

Việc xử lý nếu có trường hợp cố ý đưa và nhận “phong bì” phải thực hiện linh động bởi có những bệnh nhân nhiều khi cứ ra sức “nhét phong bì” cho nhân viên y tế dù nhân viên y tế đã từ chối, nếu cứ giằng co như vậy thì sẽ tạo ra hình ảnh và tâm lý không tốt. Ở trường hợp này, có thể nhân viên vẫn cầm phong bì này nhưng sau đó đưa về khoa và khoa sẽ trả lại cho bệnh nhân. Nếu làm cứng nhắc quá đôi khi là oan cho nhân viên y tế.

ThS. Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế: Bác sĩ phải nói “cảm ơn” với người bệnh

Muốn nâng cao y đức trong ngành y trước hết phải bắt đầu từ đội ngũ điều dưỡng bởi hơn 60% người bệnh khi vào viện thường tiếp xúc trực tiếp với điều dưỡng đầu tiên và suốt quá trình điều trị. Do đó, Bộ Y tế vừa ban hành chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên. Cũng phải nói rằng áp lực công việc của điều dưỡng viên trong các BV công hiện nay rất lớn nên ngoài việc ép họ vào chuẩn đạo đức nghề nghiệp, cần phải xây dựng được văn hóa giao tiếp trong BV. Điều dưỡng viên hay bác sĩ phải biết tươi cười khi tiếp đón người bệnh, phải biết nói lời cảm ơn với người bệnh, vì có người bệnh thì mới có điều kiện cho họ hành nghề, mới giúp tăng nguồn thu cho BV và tăng thu nhập cho bản thân họ.

 

ANTĐ

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Phong bì , Bệnh viện , Bác sĩ , Quá tải , Nguyễn Thị Kim Tiến , Tiêu cực , Bác sĩ nhận phong bì , Y đức , Dúi phong bì