Từng chứng kiến nhiều đổi thay của mảnh đất Hà Nội, cầu Long Biên mấy năm trở lại đây còn trở thành chứng nhân bất đắc dĩ cho tình yêu của giới trẻ Hà Thành.
Một đôi chung một ổ khóa cho đỡ tốn? Hay là "khóa cô đơn"? |
Cầu Long Biên đã có lịch sử 110 năm (khánh thành năm 1902) từng chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của mảnh đất Hà Nội. Cây cầu chính là chứng tích tiêu biểu nhất của các công trình mà người Pháp đã xây dựng ở Hà Nội và là niềm tự hào của mảnh đất này bao năm nay. Nhưng mấy năm trở lại đây cầu Long Biên còn trở thành chứng nhân bất đắc dĩ cho tình yêu của giới trẻ Hà Thành.
Theo chân một đôi bạn trẻ “tự sướng”
Những ngày nắng oi ả, trên lan can hai bên thành cầu, chúng tôi thấy san sát các đôi bạn trẻ ngồi trên xe máy, kề vai vào nhau, thầm thì nhỏ to trong làn gió lồng lộng thổi qua. Cũng như nhiều đôi bạn trẻ khác, hôm nay Vinh và Hằng sau khi tan buổi giảng đường đã rủ nhau ra đây hóng mát. Tất cả đều là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội trọ học, sống trong những căn phòng trọ tấm lợp xi măng thì ai cũng biết nóng đến cỡ nào.
Đôi bạn trẻ lượn lờ một vòng rồi cũng tìm được chỗ đứng ở đoạn cầu khá vắng vẻ. Bẽn lẽn và có phần e thẹn, Hằng - cô sinh viên năm thứ 3, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội - móc ra một ổ khóa từ trong túi xách.
Cấm cửa khóa tình yêu
Các quan chức thành phố Venice (Ý) cho rằng những hành động lãng mạn của các cặp tình nhân đang trở thành mối họa. Nhưng thời gian tới, chủ nhân những ổ khóa tình yêu này có thể bị khép vào tội phá hoại công cộng. Hành vi đó có thể bị phạt tới 3.000 euro và ngồi tù 1 năm.
Không chỉ ở Venice, người ta có thể thấy khóa tình yêu treo trên những cây cầu, cánh cổng, đèn đường, thậm chí trên cây khắp các thành phố Rome, Florence, Bologna...
Khi ánh mặt trời đã lặn hẳn, đèn cầu bật sáng, đôi bạn trẻ cho xe vào sát lề, tiến đến bên thành cầu như sắp làm một việc gì đó. Không biết có sự sắp đặt hay may mắn mà đôi bạn trẻ này đã tìm thấy ngay được một lỗ nhỏ đục sẵn trên thành cầu. Vậy là chiếc ổ khóa với dòng chữ yêu thương viết vội bằng bút xóa được Hằng móc vào lỗ nhỏ kia. Sau cái bấm khóa đầy hào hứng, họ đã vứt chiếc chìa khóa xuống dòng nước sông Hồng đang cuộn chảy.
Như một người đi hóng mát, chúng tôi bắt chuyện với hai người họ. Vinh và Hằng đã đồng ý dừng lại ít phút ở chỗ vừa móc khóa để cùng tâm sự với chúng tôi. “Bọn em hay đi qua cầu Long Biên lắm, vì có nhà bà con bên này, nhưng ít khi dừng lại trên cầu.
Mấy hôm trước tình cờ bạn em nhìn thấy những ổ khóa được móc ở đây về khoe. Chúng em có xem lại một clip trên mạng thấy cái này hay hay nên mang thử một ổ khóa ra móc xem sao. Anh ơi! cái này có linh không nhỉ?” Vừa tâm sự xong, Vinh buột miệng hỏi lại tôi như thế.
Khóa nhỏ móc vào khóa to
Tôi cũng chỉ biết trả lời cho đôi bạn trẻ rằng đây là một trào lưu rất thịnh hành, được các đôi uyên ương bên Trung Quốc, Ý, Đức... thể hiện tại những điểm công cộng. Mấy năm gần đây các bạn trẻ ở Hà Nội cũng học theo và thể hiện điều đó trên cầu Long Biên, còn linh nghiệm hay không là tùy ở chính suy nghĩ của mỗi người.
Trào lưu và du nhập
Ở Ý, cầu Milvio là biểu tượng của tình yêu. Những người trẻ ở đây thi nhau lên cầu móc khóa sau khi đọc được cuốn tiểu thuyết của một nhà văn trẻ nước này viết về chuyện tình của một đôi trai gái. Tác giả đã tưởng tượng ra cảnh họ lên giữa cầu thề nguyền bằng cách quấn dây xích vào chân cột đèn rồi khóa lại bằng một ổ khóa to và vứt chìa đi.
Khóa tình yêu ở Venice, Ý
Chiếc chìa vĩnh viễn theo dòng nước cuốn đi như tình yêu vĩnh cửu của họ. Từ đó, những người yêu nhau không chỉ ở Ý mà ở khắp nơi trên thế giới đều muốn được đặt chân lên cầu và ghi dấu tình yêu của mình bằng cách để lại ổ khóa tại đây. Do có quá nhiều khóa khiến cho cây cầu cổ kính quá tải, chính quyền thành phố Rome đã phải cắt bớt đi và dựng biển cấm du khách để lại khóa. Dù vậy, quy định này vẫn không ngăn nổi các cặp tình nhân móc ổ khóa có lời thề non hẹn biển của mình.
Còn ở Trung Quốc, rất nhiều đôi uyên ương đã thực hiện cuộc hành trình leo lên đỉnh núi Nga Mi (tỉnh Tứ Xuyên) móc ổ khóa của mình vào lan can, rồi ném chìa xuống vực thẳm, sau đó thề nguyền sống chết bên nhau như những câu chuyện tình lãng mạn nhất ở các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.
Khi trào lưu về Việt Nam, thì cầu Long Biên chính là điểm lý tưởng nhất để các bạn trẻ thực hiện ý tưởng lưu giữ kỷ niệm tình ái của mình. Các đôi trai gái thường lên cầu Long Biên tâm tình khi màn đêm buông xuống, chỉ còn lại ánh đèn lấp lánh trên mặt nước sông Hồng, cũng chính thời điểm này những ổ khóa bắt đầu được móc vào thành cầu.
Đã có một thời gian, mọi người đi qua không còn nhìn thấy bất kỳ một ổ khóa nào trên thành cầu nữa. Lý giải về chuyện này, chị Hoa cho biết: “Năm 2009, Hà Nội tổ chức lễ hội ký ức cầu Long Biên nên ban tổ chức đã đi cắt bỏ những ổ khóa, sơn sửa lại thành cầu để trả lại mỹ quan”.
Theo chị Hoa, một người bán nước giải khát nhiều năm trên cầu Long Biên thì phong trào giới trẻ kéo nhau ra cầu móc ổ khóa vào thành cầu và ném chìa xuống sông Hồng bắt đầu nở rộ cách đây 4 năm. Chúng tôi đã lang thang trên cầu Long Biên và đếm được hiện có cả trăm ổ khóa đủ các loại, kích cỡ, màu sắc hiện đang bám lấy thành cầu. Có những ổ khóa đã han rỉ theo năm tháng, nhưng cũng có ổ khóa vẫn còn mới nguyên như thể vừa được móc vào đây vài đêm trước vậy.
Chú Tính, một người nhà ở gần cầu khi nghe tôi nói đến chuyện khóa tình thì nói: “Không hiểu đây là biểu hiện cho cái gì của tình yêu bọn trẻ hiện nay nhỉ. Yêu nhau thì cần nhất hiểu nhau, tấm lòng thủy chung, chân thật chứ móc khóa ném chìa xuống sông nếu chuyện chẳng thành lại đổ tại chuyện móc khóa không linh nghiệm à…”.
Có lẽ quan điểm về chuyện tình yêu của những người thuộc thế hệ chú Tính và các bạn trẻ bây giờ đã khác nhau. Nhưng quả thực yêu là phải có niềm tin ở nhau, lòng chân thành sẽ được chứng minh qua năm tháng, còn khóa có móc rồi cũng sẽ han gỉ qua mưa nắng. Những lời thề thốt, ký hiệu yêu đương của các bạn trẻ với chứng nhân là ổ khóa tình móc vào thành cầu ngày một nhiều liệu có bảo đảm cho một tình yêu và hạnh phúc vững bền?
Biến tướng
Không chỉ có móc khóa vào thành cầu như để chứng minh cho tình yêu vĩnh cửu của mình, mà các đôi trai gái còn lấy bút xóa, bút màu viết, vẽ lên đó những dòng chữ yêu thương, hình trái tim méo mó vội vã.
Cứ thế chỉ một thời gian ngắn thành cầu đã trở thành nơi chứng kiến cho những lời thề non, hẹn biển của các đôi trai gái tuổi yêu ở Hà thành. Nhiều người cao tuổi đi qua đây, nếu bắt gặp cũng chỉ biết nhìn và lắc đầu như chú Tính mà chúng tôi đã từng tâm sự, trước kiểu thể hiện tình yêu chẳng giống ai của bọn trẻ.
Một đôi bạn trẻ hào hứng móc khóa vào thành cầu
Khóa tình và những dòng chữ trên cầu Long Biên có thể trở thành kỷ niệm đẹp cho những đôi trai gái yêu nhau, nhưng nó cũng là chứng tích cho nỗi hận tình. Đã từng có những đôi yêu nhau và khi thất tình họ lại ra cầu Long Biên kêu khóc, thậm chí có người đã nhảy xuống dòng sông Hồng tự vẫn.
Dù là trào lưu đua đòi theo nước ngoài, nhưng quả thực mỗi khi đi qua cầu Long Biên nhìn những ổ khóa, dòng chữ nhem nhuốc trên thành cầu mỗi người Hà Nội không khỏi chạnh lòng, tiếc nuối. Chúng tôi thiết nghĩ, tự mỗi bạn trẻ Hà thành hãy ý thức được giá trị văn hóa và lịch sử của cây cầu để trả lại vẻ đẹp cổ kính, trường tồn cho nó.
- Phía sau những bức ảnh 'đắt giá' đưa Việt Nam ra thế giới
- Ngắm vẻ đẹp tinh khôi của hoa ban trắng ngay giữa lòng Hà Nội
- Những bức ảnh thay lời kêu cứu thống thiết từ môi trường, khi nghệ thuật dùng để kể những câu chuyện của hành tinh
- Vẻ đẹp khắc nghiệt của thiên nhiên qua những tác phẩm thắng giải nhiếp ảnh bảo tồn 2022
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?