Cậu trò ham học vào tù vì nông nổi đánh bạn đến tàn phế
Thứ năm, 03/10/2013 16:26

Chỉ vì những mâu thuẫn, xô xát không đáng có, một người phải đối diện với ngục tù còn người kia nhiều khả năng phải sống cảnh tàn phế suốt đời, cả hai chỉ vừa bước qua tuổi 16.

Bị cáo Tưởng và Kha tại toà

Bị cáo Tưởng và Kha tại toà

Đánh bạn tàn phế chỉ vì nỗi hoài nghi mù mờ

Hội trường UBND xã Vinh Thái, TAND huyện Phú Vang mới diễn ra phiên xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với hai bị cáo Dương Văn Tưởng và Huỳnh Công Kha (đều sinh năm 1997, trú xã Vinh Thái, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Các bị cáo mặc quần xanh áo trắng, lê từng bước thất thần, nặng nhọc vào phòng xử. Thấy bị hại ngồi co quắp, xiêu vẹo ở hàng ghế đầu tiên, bị cáo chỉ cúi đầu, vội vã bước nhanh qua. Nhiều bạn bè của bị cáo và bị hại đều mặc đồng phục học sinh.

Theo hồ sơ vụ án, sáng 12/11/2012, Tưởng rủ bạn Phan Thị Thắm (sinh năm 1996) học cùng lớp 10B trường THPT Nguyễn Sinh Cung ra quán internet ở bưu điện văn hóa xã cùng tham khảo các bài văn trên mạng. Khi đến nơi, thấy không còn máy để sử dụng, cả hai sang ăn bánh ép ở quán bên. Đang ngồi ăn, Tưởng nhìn thấy Bùi Duy Long (SN 1997) cùng hai người bạn chạy xe máy ngang qua.

Cho rằng trước đây Long là người đã đánh mình nên Tưởng gọi điện cho Kha, rủ đến đánh Long trả thù. Một lát sau Kha đến, cả ba ngồi chuyện trò rôm rả. Cùng lúc đó, Long và hai người bạn chạy xe trở lại. Thắm nhìn thấy liền gọi Long cùng ngồi chơi. Đồng thời Thắm yêu cầu Tưởng và Kha không được đánh Long vì Long là bạn của Thắm. Tưởng và Kha vờ đồng ý.

Tuy nhiên, khi Long vừa quay xe lại quán nước, đang đứng nói chuyện với Thắm thì Kha và Tưởng nháy mắt ra hiệu. Kha tiến đến hỏi Long: “Mày có phải tên Long không”. Long trả lời “phải” liền bị Kha tát hai tát vào mặt. Tưởng cầm ống sắt trong quán nước đi ra đánh vào đầu Long. Thấy bạn bị đánh, hai người bạn đi cùng Long cũng nhảy vào đánh trả. Phải đến khi mọi người xung quanh can ngăn, cuộc ẩu đả mới chấm dứt. Long được người nhà đưa đi cấp cứu.

HĐXX công bố kết quả giám định pháp y, theo đó nạn nhân bị chấn thương sọ não, khuyết sọ lớn, liệt nửa người bên phải. Tỉ lệ tổn hại sức khỏe là 50%. Mẹ nạn nhân nhìn con trai đờ đẫn ngồi bên cạnh, không kìm lòng được cất tiếng khóc ai oán. Bị cáo vẫn cúi gằm mặt bên cạnh cha mẹ thẫn thờ đứng nhìn.

Tưởng khai nhận do nghi ngờ Long là người đã đánh mình trước đây, nên mới đánh lại để trả thù.

Bố bị cáo Tưởng đến dự tòa với bộ quần áo lao động nhàu nát. Ông bảo ngày nào mình cũng quần quật làm thuê làm mướn ngoài đồng. Nhiều lần về nhà, thấy con trai bị trầy xước, tóc tai rối bời, quần áo xộc xệch. Ông gặng hỏi thì Tưởng chỉ im lặng, sau ông mới biết con bị bạn đánh. “Nó sợ tôi biết lại ăn đòn nên giấu nhẹm. Trước giờ con trai tôi rất ngoan và học giỏi. Năm nào cháu nó cũng đạt kết quả học tập nhất nhì lớp”.

Trước tòa, mẹ bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo bởi cậu học sinh còn quá trẻ, tương lai còn dài phía trước. Tuy nhiên khi cán bộ trợ giúp viên pháp lý cũng đề nghị tòa cho phép các bị cáo hưởng án treo để các bị cáo có cơ hội tiếp tục đến lớp học tập, xây dựng tương lai thì mẹ bị hại lại vật vã phản đối. Bà bảo con trai của mình giờ tàn phế, tương lai phía trước mờ mịt, trong khi các bị cáo vẫn được cắp sách đến trường, vun đắp cho tương lai như là quá bất công.

Tại phiên phúc thẩm ngày 19/9/2013, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên y án sơ thẩm, phạt Tưởng 3 năm tù, Kha 2 năm tù.

Miệt mài đến trường trước ngày vào trại giam

Sau phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi tìm về gia đình Long, nạn nhân trong vụ án. Ngôi nhà cấp bốn xập xệ, nền xi măng bong tróc nham nhở, trong nhà chẳng có gì đáng giá. Nghe con gái báo có khách, người mẹ đang làm thuê gần đó tất tả chạy về tiếp chuyện. Đó cũng là buổi làm thuê đầu tiên của chị sau nhiều ngày miệt mài chăm con ở bệnh viện.

Ngước nhìn con trai đang ngồi ở giường, chị rầu giọng: “Hồi trước nó vui vẻ, hoạt bát lắm, lại ăn nói rất có duyên. Nhưng từ ngày xảy ra chuyện, ngoài bị liệt nửa người, Long không nói được nữa, chỉ cất vài tiếng như trẻ con”.

Ngồi kế bên mẹ, Long thẫn thờ nhìn khách và mẹ trò chuyện như người vô thức. Dáng người ốm yếu, khuôn mặt sáng sủa nhưng xanh xao cho thấy Long không còn như người bình thường. Thời gian qua, Long tập vật lý trị liệu nhưng kết quả chưa như ý.

Kể lại buổi sáng xảy ra chuyện, mẹ nạn nhân cho biết, sau khi bị bạn đánh, sợ về nhà bị mẹ la rầy nên Long được bạn chở sang nằm nghỉ ở nhà bạn. Đến khi nghe tin con đánh nhau, người mẹ đi tìm và chuyển con đến bệnh viện. “Khi tôi đưa thằng Long đến viện nó chỉ còn ú ớ mà không nói rõ tiếng. Bác sĩ ở đây quát tôi sao đưa con đến muộn như thế”, người mẹ khốn khổ kể.

Sau đó nạn nhân được chuyển lên bệnh viện Đại học y dược Huế điều trị. Được bác sĩ tận tình cứu giúp, Long qua cơn nguy kịch. Mẹ Long cho biết, trải qua hai cuộc phẫu thuật não và phẫu thuật đặt lại nắp sọ, Long trở về nhà với di chứng liệt nửa người bên phải, nói năng khó khăn.

Trẻ con đánh nhau, chẳng may gây ra họa, còn người lớn vốn không có thù oán. Bởi vậy khi bố mẹ thanh niên đánh con mình sang đề nghị gia đình viết đơn bãi nại xin giảm án, mẹ Long chấp nhận không điều kiện. Phải chăng sự đồng cảm khiến người phụ nữ này rộng lòng tha thứ. Chị than thở nhà chồng mấy đời “độc đinh”, đến đời chồng chị cũng chỉ sinh được Long là con trai nhưng hiện lại phải sống cảnh tàn phế.

Cách đoạn không xa là nhà của bị cáo Tưởng và Kha. Khi chúng tôi tìm đến, cửa nhà Kha khóa kín. Còn bố mẹ Tưởng cho biết con trai họ vừa đi học.

Theo bố của bị cáo, 10 năm qua, Tưởng luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Cầm tệp giấy khen trên tủ, mẹ Tưởng xót xa cho biết, năm nào con mình đều đạt thành tích học tập đứng tốp đầu của lớp, nào ngờ vì phút nông nổi mà rơi vào cảnh tù tội. Sau phiên tòa phúc thẩm, biết mình phải đi tù nhưng Tưởng vẫn lên lớp tìm thầy chủ nhiệm nhờ hướng dẫn làm thủ tục xin bảo lưu kết quả học tập, đợi khi ra tù sẽ học tiếp.

Phapluatvn.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Đánh bạn trọng thương , Đánh bạn tàn phế , Mâu thuẫn , Thừa Thiên Huế , Dương Văn Tưởng , Huỳnh Công Kha