Thông tin từ luật sư riêng của ông Huỳnh Uy Dũng khẳng định, di chúc của ông này hoàn toàn không có chi tiết trao lại chức Chủ tịch HĐQT Cty Đại Nam cho cậu bé.
Cha con ông Huỳnh Uy Dũng - Huỳnh Hằng Hữu. |
Báo chí thông tin sai?
Ngày 24/9, ông Phan Văn Hải - luật sư riêng của ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng Giám đốc khu du lịch Đại Nam - khẳng định thông tin cậu bé Huỳnh Hằng Hữu giữ chức Chủ tịch HĐQT Cty Đại Nam là hoàn toàn không đúng với di chúc của ông Huỳnh Uy Dũng cũng như chưa đúng với công bố của ông Dũng tại tiệc mừng sinh nhật con trai.
“Báo chí đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc về chức danh Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đại Nam với chức danh Chủ tịch HĐQT Hội đồng giám sát Quỹ Thiện nguyện” - ông Hải nói với phóng viên. “Cty Đại Nam hiện hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nên không có việc để cậu bé 1 tuổi làm Chủ tịch HĐQT”.
Những ngày qua, dư luận đã tò mò với thông tin ông Huỳnh Uy Dũng công bố di chúc giao lại toàn bộ tài sản của mình cho con trai ông là Huỳnh Hằng Hữu, tại tiệc thôi nôi ngày 21.9. Đồng thời, có nhiều thông tin bé Huỳnh Hằng Hữu vừa tròn một tuổi cũng chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đại Nam (Bình Dương).
Cậu bé Huỳnh Hằng Hữu không phải là Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Nam.
Việc Huỳnh Hằng Hữu mới 1 tuổi đã giữ chức Chủ tịch HĐQT Cty Đại Nam đã gây nhiều thắc mắc trong dư luận, rằng việc giao chức vụ cho một người chưa đủ tuổi trưởng thành là trái quy định luật pháp.
Theo luật sư Hải, ông Dũng chỉ là một trong rất nhiều cổ đông tại Cty Đại Nam. Hiện ông Dũng vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty cổ phần Đại Nam. Ông Dũng có di chúc trao toàn bộ tài sản của mình cho con trai.
Số tài sản này thuộc về một “quỹ thiện nguyện” và Huỳnh Hằng Hữu có quyền sở hữu với tài sản nằm trong quỹ này. Một hội đồng giám sát quỹ thiện nguyện được thành lập, với 12 thành viên, gồm: Huỳnh Hằng Hữu – đứng đầu với chức danh Chủ tịch HĐQT, kế đó là ông Huỳnh Uy Dũng và vợ ông Dũng - bà Nguyễn Phương Hằng. Tiếp theo là 9 thành viên khác giữ các chức vụ khác trong Hội đồng giám sát Quỹ Thiện nguyện.
Hội đồng giám sát sẽ quản lý tài sản trong suốt thời gian cậu bé Hữu chưa đủ tuổi trưởng thành; đến khi Hữu tròn 18 tuổi thì sẽ được quyết định riêng theo di chúc mà cha mẹ để lại.
Luật doanh nghiệp không cho phép
Theo luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Nghĩa (TPHCM) - pháp luật quy định cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; do đó ông Huỳnh Uy Dũng có quyền lập “di chúc” để lại tài sản cho đứa con trẻ 1 tuổi của ông Dũng. Tài sản để lại là toàn bộ số cổ phần trong DN. Với số cổ phần đó đủ để có thể nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT Cty. Nhưng đây chỉ là “di chúc” chưa có hiệu lực pháp luật, nên con trẻ 1 tuổi chưa trở thành chủ sở hữu thật sự của khối tài sản; vì vậy chưa thể tham gia vào HĐQT Cty.
Ông Dũng vẫn còn toàn quyền quyết định đối với khối tài sản này và cũng có thể hủy bỏ “di chúc” bất cứ lúc nào. Như vậy, con trẻ 1 tuổi là chủ sở hữu hợp pháp của khối tài sản vừa được cha tặng cho. Pháp luật quy định tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự thì do cha mẹ quản lý. Vì con trẻ 1 tuổi là trẻ chưa thành niên, do đó ông Dũng và bà Hằng là người đại diện theo pháp luật, nên có quyền tiếp quản và quản lý tài sản của con trẻ 1 tuổi.
Với khối tài sản để lại đủ để có thể nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT Cty Đại Nam, thì trẻ em 1 tuổi có quyền nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT được không?
Huỳnh Hằng Hữu chưa đủ năng lực hành vi để làm Chủ tịch HĐQT.
Theo luật sư Lễ, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện (Điều 21). Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác (Điều 20).
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: Trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, có tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên (Điều 46). Tại Điều 110 Luật Doanh nghiệp năm 2005 - quy định về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên HĐQT: Phải có đủ năng lực hành vi dân sự và Điều 111 quy định: Đại hội đồng cổ đông hoặc HĐQT bầu chủ tịch HĐQT theo quy định tại điều lệ công ty. Trường hợp HĐQT bầu chủ tịch HĐQT thì chủ tịch được bầu trong số thành viên HĐQT.
Từ các quy định pháp luật nêu trên, có thể thấy rằng: Trẻ em 1 tuổi là trẻ vị thành niên, không có năng lực hành vi dân sự nên không thể đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên HĐQT, do đó không thể được bầu làm chủ tịch HĐQT trong số thành viên HĐQT. Mặt khác, dù trẻ 1 tuổi với tư cách là chủ sở hữu khối tài sản cổ phần, nhưng quyền định đoạt tài sản đó thì do cha mẹ (người đại diện theo pháp luật) quyết định, nên trẻ 1 tuổi càng không thể tự tham gia vào các hoạt động của DN nên không thể ứng cử vào thành viên HĐQT và không thể trở thành chủ tịch HĐQT của Cty.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?