“Nhà ở xã hội nhưng lên tới 1 tỷ đồng, trong khi đó nếu phải đi vay thì tiền lãi suất người dân phải trả có thể lên tới cả trăm triệu đồng/năm.
Nhà ở cho người nghèo mà giá cao chót vót |
Đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lấy dẫn chứng tại buổi thảo luận về các giải pháp giải cứu thị trường bất động sản do Ủy ban kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng 24/1.
Phân khúc nhà bình dân đã “ấm” lên
Trong báo cáo gửi tới Uỷ ban Kinh tế trước phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, các giải pháp đã và đang thực hiện khiến giá nhà đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá năm 2008-2010. Nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.
Ông Dũng cũng đánh giá, đây là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Gần đây, thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu ấm dần lên.
Trình bày hướng giải pháp cho thời gian tới, ông Dũng cho biết sẽ thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, bất động sản. Bộ Xây dựng chủ trương dừng các dự án chưa giải phóng mặt bằng hoặc đang giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương.
Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương cũng yêu cầu chính quyền địa phương tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh, không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
Đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn thì tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân.
Các dự án nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép cơ cấu lại, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.
Nhà nước cũng cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở tồn kho không bán được sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại.
Về vấn đề tín dụng và giải quyết nợ xấu, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, cơ quan chức năng đang hoàn thiện đề án xử lý nợ xấu của các ngân hàng, trong đó quan tâm đến nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường bất động sản, ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng bất động sản.
Các ngân hàng thương mại nhà nước sẽ dành một lượng vốn hợp lý (tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ) cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.
Đối tượng được vay vốn cũng áp dụng với các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang dự án nhà ở xã hội với lãi suất hợp lý và kỳ hạn trả nợ phù hợp với kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng trả nợ của khách hàng.
Nhà cho nghèo mà giá tiền tỷ?
Đánh giá về các giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra, đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban tư pháp của Quốc Hội cho rằng, các giải pháp này chỉ mang tính chất đông y, trong khi “cơ thể” đang ốm nặng, thì càng kéo dài sẽ càng ốm nặng hơn.
“Các giải pháp đưa ra cũng có giải pháp Tây y như chia nhỏ căn hộ, nhà ở xã hội….nhưng tác động như thế nào thì vẫn chưa được đánh giá cụ thể. Tôi cho rằng, các giải pháp đưa ra cần phải xem xét xem có cứu cánh được cho doanh nghiệp, người dân, xã hội và cả các nhà đầu cơ hay không?”, ông Đương đặt vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) cũng thẳng thắn cho rằng, việc tiếp cận để đưa ra các giải pháp của Bộ Xây dựng hình như đang đi từ phía nguồn cung, tức là từ doanh nghiệp. Còn phía cầu, tức là người dân, người mua nhà thì chưa thấy nhiều.
“Chúng ta cần cân nhắc lại vấn đề tiếp cận. Ngoài ra, cơ cấu cung không hợp lý, cầu mà Bộ trưởng đánh giá là nhà ở xã hội cũng chỉ là 1 bộ phận nhỏ”, ông Hòa nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu Hòa, giá bất động sản ở Việt từ lâu đã đặt trên nền bong bóng, tức là giá không thật, vậy vấn đề là phải làm sao phải kéo giá về đúng giá thật.
“Chúng ta không chỉ nhìn hàng tồn kho, mà còn phải làm sao cho cầu trong tương lai phát triển mạnh”, đại biểu Hòa nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng đề xuất là thay vì thu tiền đất trong giá nhà thì chuyển sang thu thuế đất trong một khoảng thời gian nhất định, nhằm giảm giá nhà cho người mua.
“Tôi xin lấy một ví dụ là một căn hộ giá 1 tỷ đồng, trong đó tiền đất là 500 triệu đồng, nếu số tiền này chuyển sang thu thuế đất trong vòng 50 năm thì giá sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Và như vậy, người có nhu cầu sẽ có thể sở hữu được 1 căn hộ ở mức giá thấp. Ngoài ra, các ngân hàng cũng nên xem việc cho mua nhà là một nghiệp vụ chính.
Nếu chỉ là chính sách khuyến khích, hỗ trợ thì người dân sẽ không yên tâm. Đồng thời, cũng không nên đẩy trách nhiệm pháp lý về người mua nhà”, ông Hòa đề xuất.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong các giải pháp đưa ra không phải là không quan tâm đến vấn đề cầu, mà là gián tiếp tạo ra những gói kích cầu.
Cầu hiện nay đang thấp, cung hiện nay cũng là cung thực. Cân đối cung – cầu là việc làm quan trọng. Cách giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra thực chất chủ yếu là kích cầu vì tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản là gắn với nhà ở xã hội.
“Làm nhà ở xã hội sẽ có nhiều hỗ trợ. Và vì thế, thay vì nhà nước đổ một số tiền lớn đề đầu tư thì tạo ra 1 gói kích cầu để người mua mua được nhà”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Một trong những vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu đưa ra là việc làm nhà ở xã hội nhưng mức giá quá cao.
Đại biểu Ngô Văn Minh, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lấy dẫn chứng, nhà ở xã hội nhưng lên tới 1 tỷ đồng, trong khi đó nếu phải đi vay thì tiền lãi suất người dân phải trả có thể lên tới cả trăm triệu đồng/năm. Người thu nhập thấp mà trả số tiền cao như vậy thì cũng không thể chi trả được.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, giá nhà ở xã hội mà lên đến 1 tỷ đồng thì quá cao. Giá nhà ở xã hội chỉ nên dưới 500 triệu đồng, thậm chí rẻ hơn nữa. Ở Bình Dương đã có những căn hộ giá chỉ 90 – 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh là để người nghèo mua được nhà thì lãi suất cho vay mua nhà cũng cần phải hạ xuống thấp nữa. Có như vậy, người dân mới có đủ điều kiện để mua.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?