Ca sĩ Tùng Dương nói về đời sống nhạc Việt: Về đâu, nếu game show nhan nhản?
Thứ ba, 11/03/2014 20:46

Đời sống âm nhạc sẽ chẳng đi đến đâu nếu như game show cứ nhan nhản như vậy và festival âm nhạc thì cứ dần thưa vắng.

Tùng Dương tại “Độc đạo concert in Paris” tối 2/3/2014

Tùng Dương tại “Độc đạo concert in Paris” tối 2/3/2014

Mới đầu năm mà nghe chừng anh đã nhận được khá nhiều tin vui đấy nhỉ: “Độc đạo concert” đánh đường sang Pháp thành công, đồng thời lần thứ 9 đưa Tùng Dương lọt đề cử Cống Hiến 2014 ở cả 2 hạng mục: “Album của năm” lẫn “Chương trình của năm”…

- “Độc đạo” sẽ không dừng ở những dấu ấn đã tạo dựng được trong 2013 mà sẽ còn theo tôi và Nguyên Lê cùng êkip trong nhiều năm tới bằng việc góp mặt tại các festival âm nhạc quốc tế. 

Hay ở quy mô nhỏ hơn, nhưng không kém phần ý nghĩa là những buổi diễn phục vụ kiều bào như chương trình “Độc đạo concert in Paris” vừa diễn ra tại Pháp hôm 2/3 vừa rồi, hay tới đây là tại Nhật (18/4 tại Tokyo và 20/4 tại Osaka) trước khi đến được festival âm nhạc quốc tế dự kiến diễn ra tại Pháp vào tháng 8 tới... 

Nếu quả đúng “đi một ngày đàng học một sàng khôn” thì “Độc đạo” quả thật đã mang đến cho chúng tôi những món quà vô giá. 

´ Anh nghĩ sao khi cố gắng có tính đột phá đó của anh lại được “xếp cùng mâm” với sản phẩm của game show: Phương Mỹ Chi của The Voiec Kids?

- Điều đó cho thấy ảnh hưởng của game show mỗi lúc một sâu rộng và dù muốn hay không, người ta vẫn phải thừa nhận nó bằng cách này hay cách khác.

´ “Game show thì ăn không hết, festival thì lần không ra” là nhận định của nhạc sĩ Quốc Trung về hoạt động âm nhạc VN những năm gần đây. Và vì vậy mà Quốc Trung đã cố gắng tổ chức một festival âm nhạc quốc tế tại VN vào tháng 10 tới. Anh nghĩ đó là một động thái lội ngược dòng cần thiết, hay cũng chỉ là “đá ném ao bèo”?

- “Đá ném ao bèo” ư? Tôi không nghĩ thế. Mỗi cố gắng được chưng cất từ tâm huyết và trách nhiệm theo tôi đều mang lại một giá trị nhất định và đó cũng là lý do tôi và anh Nguyên Lê đã vui vẻ nhận lời tham dự. Dĩ nhiên là không thể lội ngược dòng với những gì thuộc về số đông mà món ăn yêu thích của họ là ngon - bổ - rẻ - tiện. Nhất lại là những đám đông được tạo nên từ... scandal. 

Nhưng không vì thế mà những nỗ lực khẳng định dấu ấn cá nhân sẽ dễ bề bị xô đổ ở những nghệ sĩ giàu tâm huyết, dù số đó không nhiều. Vấn đề không phải là bên nào áp đảo bên nào, mà có những giá trị không thể bị cào bằng hay biến mất. 

´ Nhạc Việt từng chứng kiến những cố gắng đến từ bên ngoài như Liên hoan nhạc jazz châu Âu, nhưng rồi ngọn lửa yếu dần vì sự thờ ơ của truyền thông lẫn khán giả. Trong khi, để tổ chức được một festival âm nhạc quốc tế ở ta thì khó đủ bề. Theo anh, có nên… cố?

- Khó, tất nhiên rồi! Nhưng một đời sống âm nhạc sẽ đi đến đâu nếu game show cứ nhan nhản như vậy và festival âm nhạc cứ dần thưa vắng, không giao lưu, không kết nối, không thăng hoa, học hỏi...? Sẽ đi về đâu, nếu ngày càng nhiều nghệ sĩ tên tuổi thay vì theo đuổi những dự án cá nhân ghi đậm dấu ấn sáng tạo, lại mải mốt chạy sô hết game show này đến game show khác? 

Nếu không vì “cơm áo không đùa” thì cũng là để giữ sức nóng và tự ru ngủ mình bằng ý nghĩ “mình là trung tâm của thế giới”? Mấy ai được như Quốc Trung, “ngồi ghế nóng không quên nhiệm vụ”, vẫn canh cánh giấc mơ tổ chức được một festival âm nhạc quốc tế tại VN, dù khó khăn bộn bề. Trong đó, khó khăn về kinh phí chắc chắn là số 1. Thêm một “bất công” nữa là game show thì dễ lên sóng truyền hình trực tiếp, còn festival thì đừng mơ!

´ “Liệu cơm gắp mắm”, đã có sáng kiến tranh thủ khách mời nhân chuyến lưu diễn vòng quanh châu Á của họ nhằm giúp tiết giảm chi phí - như đã từng áp dụng thành công tại Rock Storm 2014. Anh có nghĩ đó cũng là một giải pháp đáng giá để tổ chức những festival âm nhạc quốc tế tại VN?

- Một sáng kiến... “mưu trí”, nhưng nếu tính lâu dài, thì giải pháp “ăn may” ấy nghe chừng không ổn. Vì không thể chủ động. Trên thực tế, từng có festival âm nhạc quốc tế được tổ chức ở ta với sự chung tay của cả các ĐSQ..., nhưng vẫn chưa thực sự mời được những cái tên giàu sức nặng, hoặc chỉ nổi tiếng trong phạm vi hẹp của họ, khiến quy mô sự kiện thậm chí còn thua những cuộc “của nhà giồng được” như Rock Storm.

´ Đang có sự dịch chuyển thấy rõ của làn sóng live show từ Nam ra Bắc, thay vì luôn coi TP HCM là bãi đáp số 1, như trước. Theo anh là vì sao?

- Để ý thì hầu hết chủ nhân của những live show ấy đều là người Bắc, nên hơn ai hết, họ biết nên tổ chức live show ở đâu thì sẽ dễ gặp khán giả ruột của mình hơn. Cũng giống như tôi có thể mang “Tình ca” vào Sài Gòn, nhưng không dám làm điều đó với “Độc đạo”. 

Thêm nữa, tới lúc này, khán giả Sài Gòn đã gần như bị “bội thực” vì cơ hội diện kiến “sao” như cơm bữa bởi game show, phòng trà và nhất là các event... Thế thì còn mong gì khiến được họ bỏ tiền triệu ra mua vé xem live show như ngoài Bắc?

Laodong.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Tùng Dương , Ca sĩ Tùng Dương , Game show , Đời sống nhạc Việt , Festival