Cá nhiễm chất cấm: Giá giảm, người dùng e ngại
Thứ tư, 18/04/2012 15:00

Giá cá hạ, bán hàng ế ẩm, cả người bán lẫn người mua đều ngán ngại trước thông tin cá nhiễm chất cấm. Cơ quan quản lý lên tiếng trấn an và quyết tâm siết chặt nguồn gốc sản phẩm...

Sau khi có thông tin về việc cá diêu hồng bị nhiễm chất trifluralin bị phát hiện tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM), lượng  tiêu thụ đối với mặt hàng này đã có phần giảm sút, giá cá diêu hồng tại đây đã giảm khoảng 5.000 đồng/kg.

Khi được hỏi về thông tin cá nhiễm chất cấm, nhiều tiểu thương và người tiêu dùng đều tỏ ra bức xúc.

Ông Lê Minh Hoàng, chủ vựa cá Hoa Trang, kinh doanh tại chợ đầu mối Bình Điền khẳng định “Cá ở đây bán đều đảm bảo chất lượng, có giấy chứng nhận hẳn hoi. Chúng tôi không hề muốn sản phẩm của mình làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng; chỉ vì một trường hợp cá biệt đã khiến người tiêu dùng có cái nhìn xấu về nguồn hàng của chúng tôi, làm mất uy tín của các vựa cá ở đây”.

Giá cá cùng sản lượng bán giảm đang trở thành nỗi lo cho các vựa cá

Chị Nguyễn Thanh Liêm, đã có hơn 4 năm làm bán thủy sản ở chợ Bình Điền cho biết sau khi có thông tin trên báo chí, sản lượng và giá bán cá diêu hồng giảm, có thể thời gian tới nguồn hàng sẽ khan hiếm. Chị Liêm vẫn đang bối rối, chưa tìm ra cách tiêu thụ hết số cá diêu hồng còn lại.

Chi Liêm cho biết thêm, chi nghe thông tin sắp tới chợ sẽ có quy định về việc liệt kê xuất xứ của nguồn hàng, việc này sẽ gây nhiều khó khăn cho vựa thu hoạch cá và giảm tốc độ kinh doanh.

Về phía người tiêu dùng, nhiều bà nội trợ khi được hỏi đều dè dặt trước thông tin cá diêu hồng nhiễm trifluralin. Có người đã chuyển hẳn sang ăn món khác.

Chị Thu Hà (quận 3) TP. HCM tỏ ra lo lắng với tin cá điêu hồng nhiễm chất cấm: “Thường ngày tôi mua cá ở chợ, từ khi có tin về chất cấm thì phải chịu khó đi xa một chút, vào siêu thị mua. Cá là loại thực phẩm hàng ngày, không bỏ được. Hy vọng ở siêu thị họ quản lý nguồn gốc tốt hơn...”.

Còn cô Quỳnh Thị Bảo Trân (quận 8) chia sẻ: “Dạo gần đây cứ liên tục nghe tin về tôm cá, thịt bị nhiễm chất này nọ tôi đã chủ trương ăn chay và khuyên người thân không nên dùng thịt, cá”.

Tại chợ đầu mối Bình Điền, bà Nguyễn Thị Minh Hoàng, phó giám đốc Công ty quản lí và kinh doanh chợ Bình Điền cho biết, để nhanh chóng trấn an người tiêu dùng, đồng thời hạn chế tối đa nguồn hàng tương tự nhập vào chợ, ban quản lí chợ đã phải áp dụng các biện pháp cấp bách.

Chúng tôi đã mời các tiểu thương buôn bán cá diêu hồng đến để trao đổi, phổ biến về tác hại của hoạt chất trifluralin, kêu gọi các tiểu thương nên thận trọng khi lựa chọn đầu vựa. Ngoài ra, hằng đêm chúng tôi còn có thông báo trên loa, tuyên truyền để tiểu thương hiểu hơn” - bà Hoàng nói.

Bà Hoàng cũng cho hay là để đảm bảo chất lượng của nguồn hàng rất lớn nhập vào chợ Bình Điền mỗi đêm, ban quản lí chợ đã tổ chức kết hợp chặt chẽ  với 4 chi cục: Chi cục thú y, Chi cục Quản lí chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCL và BVNLTS) TP. HCM, Chi cục bảo vệ thực vật và Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn xảy ra sự việc một lượng lớn cá bị nhiễm chất cấm nhập vào chợ, trước đó đã có thông tin về việc thịt heo có chất tạo nạc cũng bị phát hiện tại chợ.

Lí giải cho sự việc này, bà Hoàng cho rằng, khi mua hàng tại các tỉnh thương lái thường kiểm tra bằng cảm quan nên khó có thể phát hiện cá bị nhiễm chất cấm hay không. Còn khi cơ quan chức năng vào cuộc, lấy mẫu kiểm tra cũng phải 4 đến 5 ngày sau mới có kết quả, khi ấy, nguồn hàng hóa được lấy mẫu kiểm tra đã tiêu thụ hết từ lâu. Do vậy, rất khó để truy xuất được nguồn gốc. Chỉ có quản lý tại nơi chăn nuôi mới kiểm soát được tốt chất lượng sản phẩm nhập vào thành phố .

Cách quản lý tốt nhất là từ đầu nguồn nuôi.

Bà Hoàng cho biết thêm: “Về phần mình, chúng tôi đã có kế hoạch thành lập tổ  kiểm tra chất lượng với các thiết bị kĩ thuật hiện đại ngay tại chợ để kiểm tra nhanh các sản phẩm nhập vào chợ, sớm phát hiện chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.Các tiểu thương sẽ được tập huấn thường kì, có sổ sách rõ ràng, giấy phép để được kinh doanh trong chợ. Hiện đã có 968/1014 tiểu thương có giấy xác nhận của công ty chợ Bình Điền”.

Còn phía Chi cục QLCL và BVNLTS TP. HCM, ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng cho biết tới đây chi cục sẽ tổ chức trạm kiểm soát ngay tại chợ đầu mối Bình Điền, lấy mẫu test nhanh tại chỗ để kịp thời xử lý.

Nếu phát hiện hàng thủy sản có chứa chất trifluralin, chúng tôi sẽ tiến hành lập biên bản và tiêu hủy ngay. Việc kiểm soát chất cấm, nếu chỉ TPHCM làm thì không xuể, nhất là quản lý từ đầu nguồn nuôi. Do vậy, chúng tôi đã mời cơ quan chức năng các tỉnh họp bàn và tham gia cam kết cung cấp thực phẩm an toàn cho TP” - ông Vĩnh nói.

Hóa chất, kháng sinh thủy sản bán tràn lan

Chợ Kim Biên (quận 5) là đầu mối cung cấp các hóa chất trong chăn nuôi thủy sản cho hầu hết các tỉnh miền Tây. Tại đây nhiều thuốc, hóa chất và kháng sinh dùng cho thủy sản được bày bán tràn lan, nhãn mác sơ sài, không ghi rõ nguồn gốc. Khi được hỏi về thành phần thuốc thì ít hộ kinh doanh trả lời được. Dễ dàng nhận thấy với một môi trường hàng hóa “hỗn tạp” như vậy, người chăn nuôi rất có thể mua phải chất kháng sinh với thành phần trifluralin mà không hề hay biết. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hóa chất nhập khẩu vào nước ta, nhất là không nên bỏ lửng khâu kiểm tra chất lượng, thành phần, nguồn gốc của hóa chất.

 

VNN
Tag: Cá nhiễm độc , Cá nhiễm chất trifluralin , Chất cấm trong chăn nuôi , Thủy sản nhiễm độc , An toàn vệ sinh thực phẩm