Cả nhà nhập viện, một người tử vong vì... muỗi đốt
Thứ sáu, 28/12/2012 09:18

Gia đình nhà chồng chị ở trong rẫy ca phê rộng 1,5 ha và đang sửa nhà nên không có chỗ mắc màn nên đã bị muỗi đốt nhưng không ngờ là muỗi gây bệnh sốt rét.

Cả gia đình nhận kết cục bi đát vì ngủ không mắc màn (Ảnh minh họa)

Cả gia đình nhận kết cục bi đát vì ngủ không mắc màn (Ảnh minh họa)

Ngày 27/12, TS.BS Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM (BV BNĐ) cho biết, BV vừa có ca bệnh sốt rét tử vong đầu tiên trong năm 2012. Bệnh nhân tử vong Nguyễn Thị X (52 tuổi, ngụ tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), được chẩn đoán là sốt rét não, vàng da, suy thận, sốc. Bệnh nhân đã được điều trị thuốc kháng sốt rét, thở máy, lọc máu tại khoa Nhiễm Việt – Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM sau khi chuyển viện từ Bệnh viện Bảo Lộc II, tỉnh Lâm Đồng xuống được hơn 10 tiếng đồng hồ.

Chị Lê Võ Chiêu H, con dâu bệnh nhân X cho hay, do không biết là bị sốt rét, trước đó mẹ chị chỉ kêu chóng mặt nhức đầu, bà vốn bị cao huyết áp nên cứ nghĩ là do huyết áp. Còn ba chồng chị thì tưởng bị cảm xoàng nên chỉ mua thuốc uống. Đến khi chuyển vợ và cháu nội lên cấp cứu ở BV BNĐ thì ông cũng bị sốt cao phải nhập viện, nhưng ngày 26/12 khi vợ tử vong, ông đã tự ý bỏ điều trị để về quê để lo hậu sự cho vợ.

Trước đó, cháu Triệu V. – con gái chị Chiêu H. sống với ông bà nên không biết cháu bị bệnh hôm nào, khi bà nội bị trọng bệnh thì mới gọi điện kêu vợ chồng chị Chiêu H. ra đón cháu về chăm. Lúc đầu cháu V. cũng than chóng mặt, nhức đầu, sốt, khi đi khám ở trạm y tế xã thì BS chẩn đoán là viêm họng và cho thuốc về uống. Về nhà bé không bớt mà vẫn sốt cao, mệt mỏi, bỏ ăn, lười uống sữa, miệng khô thì lại tiếp tục đưa đi khám. Tuy nhiên, BS chẩn đoán cháu bị nhiễm trùng tiêu hóa. Đến 4 giờ sáng ngày 25/12, thấy bà nội bị nặng, sùi bọt mép, không thở được, gia đình đưa bà đi cấp cứu thì đưa cháu đi cùng.

Theo BS Huỳnh Trung Triệu, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc trẻ em BV BNĐ cho biết, cháu Lâm Lê Triệu V. bị sốt rét Plasmodium Falciparium, kèm sốt cơn và đau bụng.  BV BNĐ phết máu thì thấy nồng độ ký sinh trùng sốt rét trong máu bệnh nhân rất nhiều. Hiện huyết áp ổn, bé tỉnh, ngoan, đi tiểu bình thường, không bị vàng da và bệnh nhi có đáp ứng với phác đồ điều trị, sốt đã hạ.

Các chuyên gia cũng lưu ý, sốt rét là một bệnh không có miễn dịch đủ để bảo vệ nên bệnh nhân đã bị sốt rét thì hoàn toàn có thể bị lại khi bị muỗi cắn. Đối với sốt rét do plasmodium vivax thì sốt rét có thể tồn tại trong gan bệnh nhân nhiều năm, gây ra những đợt sốt rét cơn tái phát. Người dân cần chú ý khi đi vào vùng dịch tễ sốt rét, phải ngủ màn tuyệt đối, thậm chí là phải ngủ màn có tẩm thuốc diệt muỗi. Nếu có điều kiện có thể uống phòng ngừa mỗi ngày 1 viên artesunate 50mg cho đến khi ra khỏi vùng sốt rét. Tuy nhiên đối với người dân sống lâu dài, cách bảo vệ tốt nhất là ngủ màn tẩm thuốc diệt muỗi.

Theo số liệu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM từ đầu năm đến nay, BV đã điều trị cho hơn 200 trường hợp sốt rét, nhưng ca chị Nguyễn Thị X. là ca tử vong đầu tiên ở BV này.

Chị Chiêu H. cũng cho biết thêm, gia đình chồng chị ở trong rẫy ca phê rộng 1,5 ha và đang sửa nhà nên không có chỗ mắc màn nên gia đình đã bị muỗi đốt nhưng không ngờ là muỗi gây bệnh sốt rét và kết cục bi đát là mẹ chồng chị bị tử vong, ba chồng bệnh và con gái nằm cấp cứu ở TP.HCM.

Kiến Thức
Tag: Muỗi đốt , Sốt rét , Sức khỏe , Y tế , Tử vong , TP.HCM , Bệnh nhiệt đới