Sau hiện tượng Uyên Linh, mấy ngày qua cộng đồng teen phát cuồng với 'Nơi tình yêu bắt đầu' của 'Hoàng tử kính cận'.
Nhiều người chỉ biết tới Bùi Anh Tuấn sau khi anh tham gia The Voice Việt 2012. |
Đêm thi thứ 4 của vòng Giấu mặt Giọng hát Việt, Bùi Anh Tuấn nổi lên như một hiện tượng, không thua kém Uyên Linh Idol 2 năm trước. Sau phần trình diễn tiết mục Nơi tình yêu bắt đầu, Bùi Anh Tuấn khiến khán giả phát cuồng khi thể hiện một ca khúc nhạc Việt xuất sắc, gây được ấn tượng mạnh đối với khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Trên YouTube, clip phần thi của "Hoàng tử kính cận" thu hút lượt xem cao cùng cả "rừng" bình luận mà hầu hết là tán thưởng hết lời. Có teen còn bày tỏ bất ngờ vì không biết nhạc Việt lại có ca khúc hay đến thế.
Giọng hát của Bùi Anh Tuấn còn tạo nên cơn sốt tìm kiếm bài hát gốc do Bằng Kiều và Lam Anh trình bày để so sánh. Hơn một tuần qua, các quán cà phê, shop thời trang hay ở những nơi có đông đảo teen tụ tập dường như bị "bội thực" bởi những ca khúc này khi mà nhiều teen lẩm nhẩm hát theo đến thuộc lòng. "Ta quen nhau đã bao lâu rồi, hỡi đêm đêm có hay..." trở thành câu hát cửa miệng của nhiều teen trong thời gian gần đây. Bạn Kim Anh (17 tuổi) nói vui: "Mình hát riết rồi lậm luôn hay sao á! Bật lên ca khúc một cách vô thức, có khi tua đi tua lại cả chục lần trong ngày luôn".
Trang fanpage của thí sinh Bùi Anh Tuấn đạt hơn 70 nghìn lượt "like" chỉ 10 ngày sau phần biểu diễn với một ca khúc thuần Việt.
Từ lúc chương trình phát sóng, có không ít thí sinh "tạo bão" với dư luận bằng chất giọng thiên phú của mình như Hương Tràm với I'll always love you, Đồng Lan với Lavie en Rose nhưng chỉ mới dừng lại ở mức bất ngờ chứ chưa có sức công phá "trái tim" khán giả yêu nhạc. Chỉ đến khi Bùi Anh Tuấn thể hiện một ca khúc thuần Việt 100% thì cảm xúc khán giả bị đẩy lên cao trào tương tự điều Uyên Linh từng làm tại Vietnam Idol mùa thứ 3. Hiện tượng Bùi Anh Tuấn khiến khán giả, đặc biệt là fan của chương trình The Voice phải suy ngẫm về việc thí sinh hát tiếng mẹ đẻ trong chương trình mang tên Giọng hát Việt.
Nhìn lại mùa giải Vietnam Idol 2010, Uyên Linh thực sự gây ấn tượng mạnh khi làm sống lại hàng loạt ca khúc nhạc Việt vốn không còn được công chúng trẻ ưa chuộng. Mùa đông sẽ qua, Trở lại tuổi thơ và đặc biệt Chỉ là giấc mơ qua giọng hát Uyên Linh tạo nên cơn sốt chưa từng có cho những khán giả vốn thờ ơ với nhạc Việt xưa nay, đồng thời không làm mất đi tinh thần gốc của bài hát. Giám khảo - nhạc sĩ Quốc Trung khen ngợi Uyên Linh đã biết khơi dậy sự mới mẻ cho những ca khúc vốn quen thuộc.
Trước đó, mùa đầu tiên của Vietnam Idol năm 2007, Phương Vy cũng là cái tên tạo được ấn tượng trong lòng công chúng với khả năng tìm tòi, thể nghiệm những bát hát xưa cũ theo một phong cách mới. Ca khúc 60 năm cuộc đời (Y Vân) được Phương Vy thể hiện theo hơi hướng blue/jazz độc đáo, khác lạ so với các phiên bản cũ, thuyết phục hoàn toàn ban giám khảo cùng khán giả trong đêm chung kết. Phong cách trình diễn sáng tạo của Phương Vy được một số thí sinh tham gia các cuộc thi hát sau này học hỏi.
Thí sinh Uyên Linh của Vietnam Idol 2012 đã tạo thành 'cơn sốt' nhạc Việt đối với khán giả lớn tuổi lẫn khán giả trẻ.
Trước đó, bên cạnh những phản hồi tích cực từ truyền thông và dư luận, chương trình Giọng hát Việt đồng thời gây nên tranh cãi, một trong số đó là việc có đến 80% thí sinh hát nhạc ngoại. So sánh Giọng hát Việt với cuộc thi The Voice ở các quốc gia khác, có thể thấy Giọng hát Việt là phiên bản có nhiều thí sinh chọn hát nhạc ngoại nhất.
Tại Hàn Quốc, một trong 3 quốc gia châu Á mua lại bản quyền The Voice bên cạnh Việt Nam và Trung Quốc, cuộc thi cũng đang tạo được sức hấp dẫn với công chúng. Không sử dụng nhạc ngoại, các thí sinh The Voice Hàn Quốc vẫn gây ấn tượng với những ca khúc bằng tiếng mẹ đẻ. Hàng loạt các ca khúc Kpop thời thượng như 2 Different Tears (Wonder Girls), Hoot (SNSD), I Need a Girl (Taeyang)... được các thí sinh trình bày một cách sáng tạo với cá tính riêng biệt. Cuộc thi đồng thời có sự góp mặt của nhiều du học sinh Hàn từ Mỹ, Canada... trở về quê hương và đều hát tiếng mẹ đẻ.
Lee So Jung trình bày ca khúc hit 2 Different Tears của Wonder Girls rất xuất sắc trong The Voice phiên bản Hàn.
Trong cuộc thi Giọng hát Việt, một số ý kiến cho rằng, nhạc trẻ Việt không có nhiều bài hát để các thí sinh khoe giọng và thuyết phục ban giám khảo, còn những ca khúc chất lượng thì đa phần xưa cũ, không thích hợp sử dụng trong một cuộc thi có format mới mẻ, hiện đại như Giọng hát Việt. Tuy vậy, một trong những yếu tố đánh giá tài năng của thí sinh là ở việc liệu họ có khả năng xử lý một ca khúc quen thuộc trở nên mới lạ và độc đáo hơn. Trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc tại Việt Nam trước đây, không hiếm thí sinh đã làm được điều đó.
Bên cạnh nguyên nhân sở thích, một số ý kiến khác lý giải thí sinh The Voice chọn thể hiện các ca khúc nhạc ngoại như một biện pháp an toàn. Bởi với đa số công chúng Việt Nam, bản thân việc nghe nhạc ngoại và nghe người Việt hát nhạc ngoại còn ít nhiều mới lạ. Thí sinh hát nhạc ngoại cũng không cần quá đầu tư cho việc xử lý sáng tạo, khi đa số phần thi đều sử dụng y nguyên bản phối gốc.
Đồng Lan, thí sinh lọt vào vòng Giấu mặt của đội Mr Đàm chia sẻ: "Lan thấy hầu hết các cuộc thi hát ở Việt Nam đều hướng thí sinh hát nhạc Việt. Điều đó đúng vì người Việt cần tôn vinh bản sắc của dân tộc mình. Nhưng như thế không có nghĩa bạn không nên hát các ca khúc nước ngoài phải không? Với Lan, âm nhạc không có ranh giới về màu da, ngôn ngữ. Âm nhạc phải được tự do tung bay, thăng hoa theo cảm xúc của người hát. Riêng việc Lan chọn hát nhạc Pháp cũng từ một lý do đơn giản. Giọng hát Việt có nhiều thí sinh hát tiếng Anh và Việt rồi nên Lan chọn một ca khúc tiếng Pháp để góp thêm một màu sắc khác trong bức tranh đa màu sắc của cuộc thi này dành cho khán giả".
Khán giả có nickname phamlinhsan... bày tỏ: “Nghe thì hơi buồn cười, nhưng xem Giọng hát Việt mà cứ đụng phải toàn bài hát tiếng Anh. Thí sinh hát y chang người nước ngoài thì được khen, nhưng nếu thế thì lên YouTube xem nước ngoài họ hát cho xong!”.
Hà Văn Đông gây sốt ở tập 2 với ca khúc Tâm hồn của đá.
Bạn Ngọc Thảo, nhà ở Đắk Nông, Đắk Lắk chia sẻ: "Cả nhà mình từ ông bà đến các em nhỏ, ai cũng nghiện The Voice hết. Nhưng có một điều cả nhà mình luôn thắc mắc là tại sao các thí sinh hát tiếng nước ngoài nhiều đến thế. Thêm vào đó, chương trình lên sóng quốc gia, đại gia đình đều ngồi quây quần bên chiếc ti vi để xem, đâu phải ai cũng biết tiếng Anh để mà cảm hết cái hay của các ca khúc. Nếu vậy thì Giọng hát Việt đã không thật sự làm tốt vai trò của mình rồi".
Bình luận về việc "Giọng hát Việt đâu nhất thiết phải hát tiếng Việt, phải hát tiếng Anh để vươn xa ra thế giới", bạn Huy Hoàng thẳng thắn: "The Voice Hàn Quốc hay Anh Quốc hấp dẫn với khán giả Việt vì họ mang nét văn hóa của họ vào, chúng ta xem và cảm thấy mới mẻ, lạ lẫm. Ngược lại, ở khía cạnh là khán giả, những nước khác cũng muốn theo dõi nét riêng biệt từ chương trình của chúng ta. Hát tiếng Anh để vươn tầm thế giới thì phải bằng chất giọng hay, các thí sinh vượt trội chứ không phải bằng cách dùng tiếng nước ngoài".
Nếu đặt quyền lợi của thí sinh Giọng hát Việt lên trước nhất, chương trình này đang đi đúng hướng. Nhưng lấy mục tiêu khán giả lên hàng đầu, thì có lẽ thí sinh cần có một một tầm nhìn dài hạn hơn. Bởi khán giả có thể say sưa với một món fastfood lạ miệng nhưng sẽ trung thành với thực đơn chính của mình.
- Chọn tuổi xông nhà 2025 cần lưu ý gì? Tuổi xông đất hợp với 12 con giáp
- Công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế được hưởng cùng lúc hàng loạt chế độ trợ cấp cực lớn này
- 'Khủng' nhất Việt Nam: Ai là người vừa được thưởng Tết Nguyên đán hơn 1,9 tỷ đồng?
- Tại sao năm Ất Tỵ 2025 Âm lịch lại có tới 384 ngày?
- Ngày đẹp trong tháng Chạp để làm những nghi lễ cuối năm quan trọng nhất trước khi Tết đến
- Trường hợp nào được đi xe máy lên vỉa hè mà không bị phạt từ 4-6 triệu đồng?
- Ba năm Tam Tai không bằng một năm Thái Tuế, vậy Thái Tuế là gì? Năm Ất Tỵ 2025, tuổi nào phạm Thái Tuế?
- Từ 1/1/2025, công chức và viên chức nằm trong diện tinh giản biên chế được hưởng cùng lúc 8 chính sách này