Hàng đêm, người dân thấy bóng người xõa tóc đi trên hàng lang. Sau khi phát giác, người ta mới biết, đó là chiêu trò của tội phạm bị truy nã.
Bóng áo trắng trong căn nhà ma và bí mật động trời (Ảnh minh họa) |
Đỗ Trần Uyên Hạ (sinh năm 1982, ngụ Phường 1, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một người làm ăn ở thành phố biển, nhờ vào sự hậu thuẫn của mẹ, các dì và các cậu trong gia đình. Cô gái trẻ là “bà trùm” có uy tín, máu mặt trong lĩnh vực cầm cố nhà đất.
Năm 2010, trong một phi vụ làm ăn, Hạ có mâu thuẫn với anh Nguyễn Đình (sinh năm 1977, ngụ quận 2, TP HCM) về quyền sử dụng căn nhà của anh này. Hạ liên lạc mẹ là Trần Thị Mỹ Hiến và dì là Trần Thị Mỹ Nghĩa nhờ tư vấn. Sau đó, Hạ móc nối Nguyễn Trung Thủy (sinh năm 1965, là “anh chị” có tiếng đất Cảng dạt vào Sài Gòn sống bằng nghề đòi nợ thuê).
Nghĩa, Hiến, Hạ bị bắt vì hành vi giam giữ người trài phép và cưỡng đoạt tài sản.
Chiều ngày 11/12/2010, anh Đình bị nhóm người gồm mẹ, dì, cậu và Hạ, đi cùng đó là tên Thủy và các đàn em, áp tải lên xe ôtô đưa về khách sạn ở quận Thủ Đức. Tại đây, bọn chúng thu điện thoại di động, đánh đập, buộc nạn nhân phải trả nợ thay, nếu không sẽ giết chết hết gia đình.
Do hoảng sợ, anh này đành khai trong tài khoản của mình ở ngân hàng có 3,5 tỷ đồng. Cả nhóm vội bắt xe taxi “hộ tống” nạn nhân đến tận ngân hàng quận 1 để chuyển 3,5 tỷ đồng sang tài khoản của Nghĩa. Sau đó, bọn chúng đưa anh này về lại khách sạn ép viết giấy nợ 3,5 tỷ đồng, đồng thời viết giấy bán nhà ở quận 2 giá tiền 8,5 tỷ đồng.
Do sợ bị công an phát hiện, bọn chúng đưa nạn nhân đến khách sạn thuộc quận 12 giam giữ. Lợi dụng lúc đi vệ sinh, nạn nhân lấy điện thoại nhắn tin cho người thân trình báo công an đến giải cứu và bắt giữ những tên này. Dù vậy Trần Thị Mỹ Hiến, Đỗ Trần Uyên Hạ, Trần Thị Mỹ Nghĩa và ba đàn em của Trần Trung Thủy bỏ trốn.
Công an TP HCM ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, truy nã thủ phạm bỏ trốn đã có hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản. Sau khi rà soát lại những thông tin, tài liệu, các trinh sát được cử xuống Vũng Tàu, ra Khánh Hòa, về Đồng Nai, ngược Bình Thuận… dựng lại một cách cơ bản nhất về nhân thân lai lịch, các mối quan hệ, các địa điểm nghi vấn những tên này có thể lẩn trốn.
Cảnh sát nhận định, trong cả gia đình, Nghĩa là người có uy tín, tầm ảnh hưởng nhất. Nếu tìm được người này, việc truy tìm các thành viên còn lại sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên Mỹ Nghĩa là người đàn bà khôn ngoan. Rất cảnh giác, sử dụng nhiều biện pháp chống theo dõi, thậm chí cả tung tin giả là đã trốn sang Singapore để đánh lạc hướng cảnh sát.
Suốt nhiều tháng ròng, nhiều trinh sát được cử đi ngược xuôi khắp các tỉnh, nhưng tung tích của bà trùm vẫn như “bóng chim tăm cá”. Có điều lạ, sau khi mẹ bị bắt, người con trai 23 tuổi của Nghĩa vẫn sinh hoạt bình thường. Suốt nhiều tháng theo dõi, trinh sát không phát hiện hành động nào khả nghi của người này. Các trinh sát dày dặn kinh nghiệm vẫn tin rằng sớm muộn gì người mẹ cũng tìm cách liên hệ với con trai.
Mỹ Hiến khi bị bắt.
Quả đúng như dự đoán, cuối cùng trinh sát phát hiện đặc điểm bất ngờ. Con trai Nghĩa ban ngày sinh hoạt bình thường nhưng ban đêm khoảng một tuần một lần, thường bí mật đi khỏi nhà 2-3 tiếng đồng hồ.
Khi những mối quan hệ tình cảm, bạn bè đã lần lượt được xác minh loại trừ, lý do cuối cùng để lén lút ra khỏi nhà lúc đêm khuya chỉ có thể là gặp mẹ. Nhiều lần bố trí bám theo nhưng anh ta rất khôn ngoan nên cứ vào đến khu vực đường D5, phường 25 (quận Bình Thạnh) thì trinh sát lại mất dấu.
Trùng hợp là cùng thời điểm đó, khu vực đường D5 xuất hiện tin đồn một ngôi biệt thự bỏ hoang ở đây “có ma”. Ngôi nhà đã nhiều năm không người ở, cỏ mọc ngang cửa sổ, những ổ khóa đã hoen rỉ, tường loang lổ vết ố mốc. Nhiều người dân trong khu vực khẳng định những đêm trăng sáng, họ thấy bóng người thấp thoáng sau tấm rèm ở cánh cửa trên tầng 1 của ngôi nhà nhiều năm không người ở, thỉnh thoảng ngôi nhà có ánh sáng bí ẩn lóe lên rồi tắt.
Trong vai là người đi mua nhà, trinh sát tìm đến ông tổ trưởng tổ dân phố hỏi thăm về ngôi biệt thự bỏ hoang. Ông tổ trưởng chân thành: “Ngôi nhà đó có ma, các chú mua làm gì. Ban ngày không ai dám bén mảng tới, còn ban đêm hàng xóm xung quanh không ai dám ra đường vì sợ”.
Nhận thấy ngôi nhà bí ẩn trên có nhiều điều bất thường. Hai trinh sát được cắt cử hàng đêm đứng trên lầu 3 của một ngôi nhà gần đó quan sát bằng ống nhòm. Thiếu tá Võ Duy Thắng, Đội phó Đội 4 nhớ lại, đêm thì dài và buồn, mà đêm nào cũng phải mỏi mắt, ê lưng nhìn ống nhòm. Bực mình là nửa tháng trời vẫn chưa phát hiện biểu hiện nào bất thường.
Vào một đêm, sau một hồi quan sát mỏi mắt mà không phát hiện bất thường, hai trinh sát ngả người nằm một lúc thư giãn đỡ mỏi lưng. Thiếu tá Thắng cầm ống nhòm lên nhìn bâng quơ về căn biệt thự, dưới ánh trăng vằng vặc, anh giật mình chợt thấy cánh quạt của cục nóng máy lạnh đang chuyển động. Anh nghĩ có thể do gió, tuy nhiên khi hướng ống nhòm xuống ống nước của máy lạnh, anh kêu lên khe khẽ: “Đây rồi”. Nước đang nhỏ giọt thành vũng ở dưới sàn ban công. Có người nào đó đã ở trong ngôi nhà hoang và bật máy lạnh.
Rà soát nhanh, các trinh sát biết được, chủ căn biệt thự bỏ hoang trên có mối quan hệ quen biết với Trần Thị Mỹ Nghĩa. Từ hành tung bất thường của cậu con trai, mối quan hệ của người chủ ngôi nhà với kẻ trốn nã, cảnh sát nhận định “con ma” ở biệt thự chính là người mà các anh vất vả lặn lội truy tìm suốt gần một năm qua.
Sáng 7/12/2012, PC52 đã phối hợp với công an phường, quận dùng kìm cắt 3 lớp khóa rỉ sét cửa căn biệt thự để vào nhà. Tầng trệt ngôi nhà đồ đạc vẫn còn nguyên, phủ lớp bụi dày, không hề có dấu hiệu có người ở. Khi tổ trinh sát đi lên cầu thang, đụng ngay một người đàn bà làn da trắng bệch, tóc dài, ngồi im lặng ở chiếu nghỉ. Đó chính là Trần Thị Mỹ Nghĩa.
Phòng khách ngôi “nhà ma” nơi Nghĩa lẩn trốn.
Tại cơ quan điều tra, Nghĩa khai, được một người bạn làm ăn chung giúp đỡ đưa về ngôi nhà trên cho ẩn náu. Bên hông biệt thự có một hẻm nhỏ, một vài ngày sẽ có người (thường là con trai của bà ta) mang thức ăn và đồ dùng sinh hoạt đến để vào chiếc giỏ có buộc dây, Nghĩa chỉ việc kéo lên. Nghĩa đã sống trong ngôi nhà hoang trên suốt một thời gian dài.
Để người dân trong khu vực sợ không dám bén mảng đến gần ngôi nhà, vào những đêm trăng sáng, Nghĩa lại xõa tóc “đi dạo” ở hành lang. Ánh sáng lóe lên là thỉnh thoảng Nghĩa mở cửa phòng để ra ngoài. Chiêu trò của kẻ trốn nã ranh ma đã khiến dư luận khu vực sợ hãi, thêu dệt đủ chuyện ly kỳ.
Do thời gian dài ở trong nhà kín, hàng ngày Nghĩa đều cố gắng ngồi dưới giếng trời tận dụng chút ánh sáng hiếm hoi phơi nắng, mà làn da vẫn trắng bệch vì cớm nắng.
Từ những lời khai của Nghĩa, manh mối những tên còn lại cũng lần lượt được làm rõ. Vào lúc 16h ngày 6/5/2013, PC52 xác định, Hiến sau khi trốn ở Đồng Nai, Bình Thuận, Vũng Tàu, Bình Dương, đã vừa về ở đường Hoa Sứ, phường 7, quận Phú Nhuận và bị bắt ngay lập tức.
PC52 chủ động kêu gọi Hạ, kẻ khởi nguồn vụ án, ra đầu thú để được hưởng chính sách khoan hồng. Vào lúc 11h ngày 7/5/2013, Hạ là người cuối cùng của chuyên án ra trình diện.
Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?