Mỗi lần huy động/nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, Vingroup tập trung phát triển bất động sản, trung tâm thương mại... còn Masan thì đi tắt, đón đầu...
Hàng trăm triệu USD “đổ” vào Vingroup |
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về vốn - sản xuất kinh doanh, thì hai tập đoàn tư nhân lớn trên sàn chứng khoán Việt Nam lại đang thu hút được khoản vay/đầu tư hàng trăm triệu USD mỗi lần huy động. Đó là tập đoàn Vingroup - công ty cổ phần (mã VIC) và công ty cổ phần tập đoàn Masan (mã MSN). Nếu xét tổng vốn nước ngoài rót vào hai tập đoàn này, thì con số đã đạt khoảng 1,5 tỷ USD.
Mỗi lần huy động/nhận vốn đầu tư từ nước ngoài, Vingroup tập trung vào phát triển các dự án bất động sản, trung tâm thương mại... Còn Masan thì ngoài vào hoạt động kinh doanh, Tập đoàn này còn "đi tắt" đón đầu mở rộng hoạt động mua bán doanh nghiệp, như việc mua lại 40% cổ phần của Proconco với giá trị xấp xỉ khoảng gần 2.000 tỷ đồng (96 triệu USD), mua thêm cổ phần nước khoáng Vĩnh Hảo với giá trị trên 500 tỷ đồng, thâu tóm Vinacafé Biên Hòa… Cùng điểm lại những đợt huy động/hút vốn đầu tư ngoại tiêu biểu của hai tập đoàn trên.
Dự án Royal City của Vingroup
Đầu tháng 11 này, tập đoàn Vingroup công bố hoàn thành đợt phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế, kỳ hạn 4,5 năm, lãi suất cố định 11,625% và không có tài sản đảm bảo. Vingroup cho biết, số tiền huy động từ đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần này sẽ được Vingroup chuyển cho công ty Vincom Retail - là công ty con sở hữu và vận hành toàn bộ hệ thống các trung tâm thương mại Vincom Center và Vincom Mega Mall. Trước đó không lâu, ngày 8/10/2013, Vingroup công bố đã hoàn thành việc đàm phán và ký kết hợp đồng vay hợp vốn quốc tế trị giá 100 triệu USD. Đến 17/10/2013, tập đoàn đã đàm phán và ký kết hợp đồng vay hợp vốn quốc tế bổ sung thêm trị giá 50 triệu USD, nâng tổng vốn mức vay hợp vốn lên thành 150 triệu USD.
Còn ngày 15/7/2013, Vingroup công bố hoàn tất đợt 1 thương vụ đầu tư 150 triệu USD của Warburg Pincus Consortium vào công ty cổ phần Vincom Retail, một đơn vị thành viên của Vingroup. Trước đó, Warburg Pincus Consortium đã chính thức ký hợp đồng góp 200 triệu USD để mua khoảng 20% cổ phần của công ty cổ phần Vincom Retail. Bên cạnh đó, theo thỏa thuận này, Warburg Pincus còn cam kết sẽ đầu tư 25 triệu USD khi Vingroup niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài và thỏa thuận này cũng cho phép Warburg Pincus có quyền đầu tư thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail để phát triển hệ thống trung tâm thương mại của Vincom Retail tại Việt Nam.
Ngoài việc góp vốn, đại diện Warburg Pincus, Joseph Raymond Gagnon - Giám đốc điều hành, cũng có một vị trí trong Hội đồng Quản trị Vingroup, nhiệm kỳ 2011-2016. Với mỗi lần huy động vốn, Credit Suisse, Deutsche Bank, ING, Maybank Investment Bank Berhad là những ngân hàng tư vấn, đầu mối thu xếp cho các đợt huy động vốn cho Vingroup.
Báo cáo tài chính hợp nhất đến 30/6/2013 cho thấy, Vingroup có tổng tài sản đạt hơn 58.538 tỷ đồng, xếp đầu các công ty niêm yết (trừ ngân hàng vì đặc thù cơ cấu tài sản). Trong đó, tài sản ngắn hạn của Vingroup đạt trên 31.528 tỷ đồng và tài sản dài hạn đạt trên 27.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng lợi thế thương mại được định giá trên 5.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng tài sản, nợ phải trả của Vingroup lên tới hơn 43.487 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt trên 14.637 tỷ đồng (vốn cổ phần đạt hơn 9.286 tỷ đồng). 6 tháng đầu năm, Vingroup lãi trước thuế 5.517 tỷ đồng. Lúc 10h35 ngày 8/11, giá cổ phiếu VIC của Vingroup đạt 66.500 đồng, vốn hóa thị trường đạt 60.430 tỷ đồng, tương đương gần 2,9 tỷ USD.
Việc các quỹ đầu tư mua trái phiếu, cho Vingroup vay với tổng giá trị hàng trăm triệu USD sẽ khiến tổng tài sản của Tập đoàn này tăng lên, đồng nghĩa với nghĩa vụ nợ tăng theo. 6 tháng đầu năm, Vingroup chi hơn 800 tỷ đồng trả lãi vay.
Masan, nam châm “hút” vốn ngoại
Sản phẩm thực phẩm của công ty Hàng tiêu dùng Masan.
Đầu năm 2013, Masan công bố, KKR, một công ty quản lý đầu tư hàng đầu trên thế giới với số tài sản thuộc quyền quản lý hơn 66 tỷ USD, đã chính thức ký hợp đồng để tăng cổ phần sở hữu trong công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Cụ thể, KKR đầu tư 200 triệu USD, bên cạnh 159 triệu USD đã đầu tư vào tháng 4 năm 2011, bằng cách tăng cổ phần của mình thông qua việc mua lại cổ phiếu phát hành mới và đang lưu hành của Masan Consumer.
Đến đầu tháng 7 năm nay, Masan tiếp tục công bố Quỹ đầu tư tăng trưởng của TPG (TPG Growth), một quỹ đầu tư vốn tăng trưởng của TPG, một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư vốn tư nhân hàng đầu thế giới, đã chính thức ký hợp đồng để mua lại 49% cổ phần của công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Mười Giờ với khoản tiền mặt trị giá khoảng 50 triệu USD. Khoản đầu tư này tiếp nối khoản đầu tư đầu tiên của TPG Growth vào Masan Group trong năm 2009 và là khoản đầu tư thứ 3 của TPG tại Việt Nam.
Tiếp đó vài ngày, Masan công bố huy động khoản vay trị giá 175 triệu USD. Khoản tiền thu được sẽ được sử dụng để tái cấp vốn cho khoản vay 108 triệu USD hiện hữu và tiếp tục đầu tư thêm vào các mảng kinh doanh hàng tiêu dùng của tập đoàn Masan. Hiện Tập đoàn Masan là một trong những công ty niêm yết lớn nhất trong khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam với trọng tâm phát triển nhắm vào ngành hàng tiêu dùng và tài nguyên khoáng sản ở thị trường nội địa.
Báo cáo tài chính đến 30/6 năm 2013 cho thấy tổng tài sản của Masan đạt 41.398 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn đạt 8.580 tỷ đồng, tài sản dài hạn đạt 32.817 tỷ đồng. Là một công ty có nhiều thương vụ múa bán sáp nhập doanh nghiệp nên giá trị danh mục đầu tư dài hạn của Masan lên tới 11.246 tỷ đồng. Trong cơ cấu tổng tài sản, nợ phải trả của Masan là 18.769 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 15.233 tỷ đồng (trong đó vốn cổ phần là hơn 7.000 tỷ đồng). Tập đoàn này tính đến 30/6 còn tới hơn 6.000 tỷ lợi nhuận chưa phân phối và gần 8.000 tỷ đồng thặng dư cổ phần.
6 tháng đầu năm nay, Masan đạt 4.270 tỷ đồng doanh thu thuần và 583 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tính đến 30/6, Masan nắm hơn 30% cổ phần Techcombank, nắm 77,4% cổ phần công ty Hàng tiêu dùng, công ty công nghiệp Masan (77,4%), công ty Hoa Mười giờ (77,4%), công ty Vinacafe Biên Hòa (41,2%), công ty Tài Nguyên Masan (67,2%), công ty khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (67,2%)... Lúc 10h35 sáng 8/11, giá cổ phiếu MSN ở mức 80.000 đồng/cổ phiếu, đưa tổng giá trị vốn hóa thị trường lên 59.160 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,8 tỷ USD.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Từ 15/1/2025: Đi xe máy mới mua chưa có đăng ký xe và chưa có biển số sẽ bị CSGT tịch thu, đúng không?
- 230 triệu năm trước, có một trận mưa kéo dài suốt 2 triệu năm, đưa loài khủng long lên vị trí thống trị
- Tin vui: BHXH sẽ trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp vào trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Cảnh báo: Chủ tài khoản ngân hàng bị phạt đến 100 triệu đồng, xử lý hình sự nếu vi phạm điều này
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành