Bí mật trong khu vườn hoang nơi 'đại gia' làng giấu 'thần dược cho heo nhanh lớn'
Thứ ba, 01/04/2014 21:12

Vợ là giáo viên, chồng có tiếng là người quảng giao, hiểu biết, nhưng lại lén trồng cần sa giữa vườn nhà hàng xóm.

Ông Bình lén trồng cần sa trong vườn nhà hàng xóm. (Ảnh minh họa)

Ông Bình lén trồng cần sa trong vườn nhà hàng xóm. (Ảnh minh họa)

Một số người tin lý do ông Bình trồng để lấy lá cho gia súc. Nhưng không ít người thắc mắc: Nhà ông này có gần 20 công đất và mười mấy công ruộng, kinh tế thuộc dạng giàu có trong xã, nếu muốn nuôi heo, nuôi gà nhanh lớn thì ra chợ mua bột tăng trưởng về cho ăn, việc gì phải lén lút vào vườn hoang người khác trồng cần sa?

Vợ là giáo viên, chồng có tiếng là người quảng giao, hiểu biết, nhưng lại lén trồng cần sa giữa vườn nhà hàng xóm. Nhiều người nghi ngờ lời khai có vẻ “ngây ngô”: “Trồng cần sa để lấy lá cho heo, gà ăn, vì ăn lá cần sa chúng mau lớn”.

“Vô ý” trồng cần sa trong vườn… hàng xóm

Chiều ngày 23/3/2014, người dân ấp Đắc Lực (xã Hồ Đắc Kiện, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) hết sức ngỡ ngàng khi nghe tin công an đã bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Bình (SN 1974) vì trồng cần sa.

Theo nguồn tin từ Công an huyện Châu Thành, ông Bình khai nhận đã trồng 93 cây cần sa từ 3 tháng trước, trên diện tích đất khoảng 80m2 của nhà… hàng xóm. Lúc bị công an phát hiện và tiêu hủy, mỗi cây cần sa trong vườn đã cao hơn 1m, tổng trọng lượng của 93 cây cần sa này là 45,5kg.

Ông Bình khai trồng cần sa để lấy lá cho heo, gà ăn. Do đây là lần đầu vi phạm, lại chưa có bằng chứng cụ thể liên quan đến việc buôn bán, sử dụng cây cần sa vào mục đích khác nên Công an huyện Châu Thành đã phạt hành chính, bắt ông Bình làm cam kết không tái phạm, sau đó trả tự do.

Được biết, mảnh đất mà ông Bình lén trồng cây cần sa là của ông Lim, bà Diệp sát cạnh nhà. Hai người này ở xa, rất giàu có, lại nhiều đất nên chủ yếu cho người khác mướn, hiếm khi tới trông coi. Hơn bốn năm nay không ai mướn nên mảnh đất bị bỏ hoang, cây cối mọc um tùm, không có người qua lại.

Sau khi làm bờ rào vây quanh vườn của mình, ông Bình đã chừa một lối nhỏ, mở một con đường “bí mật” để sang giữa vườn bên cạnh trồng cần sa. Phần vì khu vực hoang vu, phần vì ông Bình ngụy trang rất kĩ lối đi nên mãi sau này mới có người phát hiện và trình báo công an.

Nhiều người dân xung quanh ấp Đắc Lực đều bất ngờ hay tin có người trồng cần sa ngay trên địa bàn. Một số người tin lý do ông Bình trồng để lấy lá cho gia súc. Nhưng không ít người thắc mắc: Nhà ông này có gần 20 công đất và mười mấy công ruộng, kinh tế thuộc dạng giàu có trong xã, nếu muốn nuôi heo, nuôi gà nhanh lớn thì ra chợ mua bột tăng trưởng về cho ăn, việc gì phải lén lút vào vườn hoang người khác trồng cần sa? Quan sát xung quanh nhà ông này, dễ nhận thấy chuồng gà rất đơn sơ, chuồng heo cũng chỉ có vài con. Lý do gì chủ nhà lại phải “cầu kỳ” trồng cần sa để cho heo, cho gà? Hàng xóm cho biết vợ ông Bình là giáo viên một trường tiểu học, bản thân ông ta cũng là người giao tiếp rộng, hiểu biết nhiều, không hiểu sao lại “vô ý” trồng cây cấm như vậy? Một người còn đưa câu hỏi: “Không biết ông Bình lấy giống cần sa ở đâu ra?”.

Dân nhìn cần sa không biết cây gì

Đến nhà ông Bình, người thân từ chối tiếp phóng viên với thái độ rất căng thẳng. Riêng ông Bình không thấy xuất hiện. Việc ông Bình trồng cần sa ngay trên địa bàn ấp Đắc Kiện đã làm vùng quê đang yên bình trở nên ồn ào, nhiều lời bàn tán xôn xao và cả nỗi lo âu, sợ hãi.

Ông Thạch Hoàng (55 tuổi, người làm công cho nhà ông Bình) cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi ông Bình bị bắt. Tôi đã làm công bao nhiêu năm nay cho ông ấy, từ làm cỏ, bón phân cho đến chặt củi, hái quả... Việc gì tôi cũng làm, cũng biết, nhưng không nghe ông ấy hay vợ con nói gì đến việc trồng cần sa. Tôi nghe nói nhà nước cấm trồng loại cây đó, mà tôi có biết “mặt ngang mũi dọc” cây đó như thế nào đâu, có thấy ngoài vườn có khi cũng không biết. Khi công an tới vườn bên, họ nói đó là cây cần sa rồi nhổ và mang cây đi, tôi mới thấy nó lần đầu”.

Cũng như ông Thạch Hoàng, chị Hà (một người dân trong ấp Đắc Lực) kể: “Hôm đó, tôi đang ngồi giặt đồ trên xuồng, một lúc sau thấy công an tới bắt và đưa ông Bình đi, có mang theo một loại cây, lá xanh xanh, tôi thắc mắc mãi, không biết đó là cây gì. Nhìn xa xa, tôi thấy nó giống cây lúa mì, đến khi nghe rõ mọi việc mới biết đó là cây cần sa. Tôi chỉ nghe nói không được trồng loại cây đó vì nhà nước cấm, còn ngoài đời có thấy cũng không nhận ra”. Chị Hà còn bày tỏ lo lắng: “Lỡ có ai đó xúi giục, lừa gạt và dụ dỗ trồng, có lẽ tôi cũng không biết và bị mắc lừa rồi”.

Thống kê sơ bộ, trên địa bàn ấp Đắc Lực có 527 hộ với khoảng 2088 nhân khẩu, chỉ có 7 hộ là người dân tộc Khmer. Phần lớn đều lắc đầu, trả lời “không biết” khi được hỏi về cây cần sa.

Ông Võ Hoàng Sâm (còn có tên Mười Sâm, trưởng ấp Đắc Lực) giải thích: “Chính quyền xã nói chung, chính quyền ấp Đắc Lực nói riêng thường tổ chức tuyên truyền cho bà con về pháp luật theo định kỳ. Trong đó, có việc nghiêm cấm trồng cây cần sa với bất kì mục đích gì. Bên cạnh đó, tác hại của loại cây này cũng được các phương tiện truyền thông như báo, đài phát thanh, đài truyền hình nhiều lần đưa tin. Tuy nhiên, do bà con trong ấp chỉ lo công việc ruộng đồng, ít cập nhật thông tin nên mới không nhận biết được hình thù của cây cần sa”.

Về trường hợp ông Bình, người trưởng ấp trầm ngâm: “Sự việc của ông Bình khiến tôi rất trăn trở. Sắp tới đây, tôi sẽ xin ý kiến của cấp trên để thành lập hẳn một ban tuyên truyền, đi tới nhà dân, phổ biến kiến thức và mang theo những hình ảnh thực tế nhất, sinh động nhất về cây cần sa để minh họa”.

Điều 192 Bộ luật Hình sự:
1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:
a. Có tổ chức;
b. Tái phạm tội này.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Theo quy định tại Mục 1 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì:
“Các loại cây khác có chứa chất ma túy” là các loại cây có chứa chất gây nghiện, chất hướng thần theo quy định của Chính phủ, trừ cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa.
1.2. “Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy” là hành vi gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch các bộ phận của cây (như lá, hoa, quả, thân cây có chứa chất ma túy).
1.3. Người thực hiện hành vi trồng cây có chứa chất ma túy chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Đã được giáo dục nhiều lần”, “đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
a) “Đã được giáo dục nhiều lần” là đã được cơ quan nhà nước, tổ chức, người có trách nhiệm ở địa phương từ hai lần trở lên vận động, thuyết phục, nhắc nhở về việc không được trồng cây có chứa chất ma túy hoặc phổ biến đường lối, chính sách, quy định của pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy. Các biện pháp giáo dục này phải được thể hiện bằng biên bản. Chỉ bị coi là “đã được giáo dục nhiều lần” nếu việc giáo dục được thực hiện trước khi bị xử phạt hành chính.
b) “Đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống” là đã được hỗ trợ về tiền vốn, kỹ thuật để sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi hoặc đã được hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực… để thay thế các loại cây có chứa chất ma túy.
c) “Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” được hiểu là trước đó đã có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và đã bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, mà lại tiếp tục có hành vi trồng cây có chứa chất ma túy và bị phát hiện.
1.4. Người nào biết người khác gieo trồng, chăm bón hoặc thu hoạch cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” mà vẫn giúp họ thực hiện một trong các hành vi đó thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm về tội này.
1.5. Trường hợp người trồng cây có chứa chất ma túy, đã được áp dụng đầy đủ cả ba biện pháp: “Giáo dục nhiều lần”, “tạo điều kiện ổn định cuộc sống” và “đã bị xử phạt hành chính” nhưng không chịu phá bỏ mà bán lại cho người khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy theo quy định tại Điều 192 của BLHS. Người mua lại cây có chứa chất ma túy để tiếp tục chăm sóc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm.
Người nào mua bán trái phép cây có chứa chất ma túy khi cây hoặc các bộ phận của cây có chứa chất ma túy là đối tượng (chất ma túy) quy định tại Điều 194 của BLHS thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy theo Điều 194 của BLHS.

Mộ Vân (Pháp luật và thời đại) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Trồng cây cần sa , trồng cây thuốc phiện , tin , bao , cay anh tuc , Sóc Trăng