Bi kịch ngày về của người đàn ông 25 năm cùng vợ trốn lệnh truy nã
Thứ bảy, 20/04/2013 11:44

Một ngày, sau 25 năm dài dằng dặc bặt vô âm tín ông bỗng trở về. 75 tuổi, tóc bạc, da mồi, tong teo vì bệnh tật...

Ông Bàn đầu thú sau 25 lẩn trốn

Ông Bàn đầu thú sau 25 lẩn trốn

Giữa phi trường, em không nhận ra anh, cháu không biết mặt ông nhưng cũng vỡ òa nước mắt. Cố hương sau 25 năm trong mắt ông giờ đã đổi khác. Còn ông, khi ra đi tay trắng và trở về cũng vẫn trắng tay. Nước mắt ngày về mặn đắng sau những câu chuyện của 25 năm chui lủi, vùi mình trong nỗi sợ hãi. Và giờ, khi đã gần đất xa trời ông mới dám trở về, bởi nếu cấn cá nữa thì cái nợ đời của ông sẽ không bao giờ trả nổi. Ông bảo, không thể mang nỗi dằn vặt, dày vò này sang thế giới bên kia!

Đêm của 25 năm trước

Vào năm 1989, thời điểm ấy, ông Bàn là Chủ nhiệm hợp tác xã Tín dụng xã Trường Thịnh- huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ). Cũng ở thời điểm này, cuộc chơi hụi, họ nổ ra rầm rộ. Với vai trò là người đứng đầu của Hợp tác xã, ông Bàn đứng ra mượn tiền của Ngân hàng và Quỹ tín dụng cho dân vay, không ngờ vỡ nợ. Tổng số nợ xấu không thể thu hồi thống kê chi tiết cũng chưa đến 20 triệu đồng. Nhưng ở thời điểm mà giá vàng chỉ hơn 200 nghìn một lượng thì những vụ vỡ hụi liên tiếp trở nên chấn động.

Ông tên đầy đủ là Đỗ Văn Bàn, sinh năm 1938, là con trai đầu trong gia đình có 5 anh em ở thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh. Một đêm cuối năm 1989, ông bỏ lại cậu con trai để dắt vợ trốn chạy biệt xứ chính là vì nguyên nhân vỡ hụi ở trên. Ông sợ bị truy tố trước pháp luật, sợ cái danh dự của gia đình và cả cái tiếng là đảng viên. Nhưng, 25 năm sau ngày về ông nói “giá như... đêm ấy tôi không bỏ trốn”.

Làng nghề tăm tre Hoa Đường nằm sát con lộ 21B, rẽ phải, ngoặt trái mấy vòng tôi cũng tìm được vào nhà ông Đỗ Văn Soạn. Ông Soạn năm nay cũng qua tuổi thất tuần. Già, hom hem, tai nghe người nói không rõ nhưng rất khoái chí khi nghe tiếng rít của điếu cày. Thoạt đầu tôi hơi lạ, bởi cứ hỏi nhà ông Bàn thì người dân lại chỉ nhà ông Soạn, thì ra họ là anh em. Tôi đến, ông Bàn không có nhà.

Chờ ông Soạn kéo xong mấy hơi thuốc lào tôi mới chậm dãi đặt vấn đề: “Ông có nhớ chuyện ở xã mình 25 năm về trước không?”. Ông cười nhạt: “Thời gian ông ấy (ông Bàn-PV) bỏ đi thì tôi còn đang ở lính, tuyệt nhiên chả biết gì”.

Vợ ông Soạn nãy giờ nằm trên võng ca thán về chứng đau đầu kinh niên bỗng nhổm dậy góp chuyện: “Lúc đó ông xuất ngũ rồi chứ. Đêm ấy trời tối đen như mực, hai bác ấy xách túi bỏ đi. Mà tôi cũng chả nhớ họ đi ngày nào. Cũng hơn hai chục năm rồi còn gì”. Ông Soạn mới thở hắt: “Từ hôm về có đêm nào thấy ông ấy chợp mắt được đâu. Người trăm thứ bệnh, lần này về chắc cũng chả đi vào nữa. Mà có đi cũng chả về thêm được lần nào, sức yếu quá rồi”.

Ông Đỗ Văn Soạn, em trai của ông Bàn

Hành trình trốn chạy

Đang vui chuyện thì ông Bàn về. Ông mặc cái áo trắng xuệch xoạc, chân đi đôi dép lê tổ ong, thân hình gày gò, khắc khổ. Ông ngồi phệt xuống hiên nhà ẩm thấp, vươn cổ ra để cố hít một chút khí trời vào trong lồng ngực, rồi ho sặc sụa. Trong đôi mắt của ông lão 75 tuổi, tôi biết ông không còn ý định trốn chạy, dù chỉ thêm một giây nào nữa. Ông kể về quãng thời gian 25 năm, chậm như đong đếm từng điếu thuốc lào mà phía trong nhà ông Soạn cứ đều đặn kéo.

“Ngày đó, để tôi nhớ lại đã nào”- ông Bàn bắt đầu trầm ngâm. Trước tiên là về người vợ đã cùng ông rong ruổi suốt mấy chục năm trên hành trình trốn nã. Bà là Trương Thị Y, kém ông 2 tuổi. Đêm ấy, ông vẫn nhớ là một đêm rất tối ông kéo vợ ra đi khi trong túi chỉ có mấy đồng bạc lẻ. Bà Y khóc như mưa. Trong căn nhà tối như hũ nút ông vạch ra kế hoạch trốn chạy một cách tỉ mỉ. Ông Bàn quyết định rất phũ phàng là để lại con trai ở nhà, còn hai vợ chồng cao chạy xa bay.

Điểm đầu tiên trong hành trình ông vạch ra là vùng đất mỏ Quảng Ninh. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, vùng đất mỏ là nơi lý tưởng để ẩn náu. Những bãi than chẳng thiếu đầu trộm đuôi cướp, anh chị giang hồ trú ngụ. Hơn nữa, ở đây ông cũng có bạn bè, họ hàng nên cũng dễ bề xoay xở. Nhưng sự thật không như ông nghĩ. Với cái cảnh chui lủi, dù không muốn vùi mặt vào than thì cuộc sống vẫn tối đen. Đêm thấp thỏm sợ bị bắt, ngày lo lắng gặp công an, ông Bàn lại bảo vợ nên đi xa thêm một chút. “Tôi và bà ấy vào Tây Nguyên. Trên tàu, tôi viết thư về nhà. Không biết ngày ấy, các chú, các thím có nhận được thư không. Tôi xác định đi là không hẹn ngày trở lại”- ông Bàn tâm sự.

Tây Nguyên bao la rừng cây, bạt ngàn đồi núi. Hai vợ chồng ông đáp tàu xuống vùng đất bazan nắng gió ấy với hi vọng có thể làm nên một cuộc sống mới. Nhưng lại một lần nữa, chỉ được dăm bữa, nửa tháng ông nhận ra rằng không thể ở đó được lâu. Chân chưa quen đất, mặt chưa quen trời thì tiền hết, hai vợ chồng ông rơi vào cảnh lao đao. Để có tiền, ông làm đủ thứ việc miễn là có được miếng ăn. “No bụng là còn lo được đường sống”- ông nói.

Đêm đêm trong cái lều rách nát, ông nghe vợ thì thụt khóc. Nhớ nhà, nhớ con ngẫm cảnh mình, ông cũng nhòe nhoẹt nước mắt. Nhưng, ngay cả ở tình thế đó ông cũng không chịu quay đầu lại. Thế rồi, trên con đường thiên lý hai vợ chồng ông lại tiếp tục hành trình vào Nam. Cứ thế, cuộc sống chui lủi, tối tăm kéo dài đến 25 năm sau.

Chiếc giường ọp ẹp nơi ông Bàn ngủ

Sáng của 25 năm sau

Sáng mùng 1 Tết Quý Tỵ, tiếng chuông điện thoại nhà ông Soạn đổ dồn. Bên kia đầu dây, tiếng người đàn ông nghèn nghẹn mãi mới thành tiếng: “Tôi đây, ông Bàn đây”. Ông Soạn lập cập đặt lại ống nghe vào tai hỏi lại, vẫn cái giọng rất lạ, ngay cả cái tên cũng trở nên lạ lẫm. Sau 25 năm, anh em hội ngộ qua tiếng điện thoại, ông Bàn đã khóc, ông Soạn cũng khóc. Ông Bàn không hỏi thêm câu gì, nói thêm lời gì ngoài dặn trước rằng: “Có thể, năm nay tôi sẽ về đầu thú”.

Lại kể đến nguyên nhân căn cơ của quyết định ông ra đầu thú cũng gian nan và dài đằng đẵng. Trong suốt quãng thời gian trốn chạy, đã có hàng chục, hàng trăm lần ông nghĩ đến chuyện trở về trình diện. Nhưng ý nghĩ ấy chợt đến rồi cũng chợt đi ngay. Tù tội ư? Không bao giờ. Ông tự hỏi rồi cũng tự trả lời một cách quyết liệt để bác bỏ suy nghĩ liên miên ám ảnh ông suốt ngần ấy năm ròng.

Bao nhiêu năm lo nghĩ trốn chạy, sống thiếu thốn, chui lủi, lao động cực nhọc khiến ông sinh bệnh tật. Mảnh bom bi trong người, từ cái ngày ông đi Thanh niên xung phong vẫn chưa được lấy ra cứ nhói đau quặn thắt. Đau yếu, chẳng biết bấu víu vào đâu ông ngầm liên lạc với cậu con trai mà ông đã bỏ lại quê sau khi đưa vợ cùng bỏ trốn. Anh con trai thương cha mẹ già yếu liền bán nhà, bán đất đưa vợ vào thành phố Hồ Chí Minh sinh cơ lập nghiệp, nuôi dưỡng mẹ cha.

Trong suốt thời gian đó, người con trai liên tục khuyên cha ra đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Mỗi lần nhắc đến chuyện ấy, ông Bàn lại gạt phắt. Phần thương cha bệnh tật nhưng phần lại không muốn cha mình những ngày tháng cuối đời lại sống trong nỗi dày vò, dằn vặt vì những sai lầm trong quá khứ. Anh con trai cứ bền bỉ khuyên cha. Những năm gần đây, ông gắng gỏi chống chọi với căn bệnh phổi, dạ dày, rồi lao lực. Người phụ nữ bị cuốn vào vòng xoáy của ông, bà Y cũng ủ đủ thứ bệnh trong người nên không thể cùng ông về lại cố hương.

Cho đến ngày 9/4/2013, đúng 25 năm phát lệnh truy nã, tại Công an huyện Ứng Hòa ông Đỗ Văn Bàn đã ra đầu thú.

“25 năm qua, ngày nào tôi cũng lo lắng, sợ hãi là sẽ bị bắt. Không phải già rồi tôi mới về, mà ngày nào cũng có ý định ấy nhưng tôi không làm được. Đầu thú cũng là cách giải thoát cho tôi. Tôi thấy thanh thản nhiều rồi”- ông Bàn tâm sự.

Theo Trung tá Nguyễn Thế Kỷ - Đội phó Đội 3 Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (CA TP Hà Nội) thì người viết lệnh truy nã toàn quốc đối ông Bàn đã nghỉ hưu và mất cách đây một thời gian. Ông Bàn là đối tượng truy nã có thời gian lẩn trốn lâu nhất, già nhất ra đầu thú khi đã ở tuổi 75.

 

Biên Thùy

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Trốn nã , Lệnh truy nã , Hà Nội , Hồ sơ vụ án , Sát thủ , Đỗ Văn Bàn , Tội phạm