Kể từ lúc mâm cỗ giao thừa được đặt lên bàn thờ, chị Hảo (25 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) bị mẹ chồng ghét ra mặt.
Nhiều gia đình Việt vẫn giữ tục kiêng kỵ đầu năm. Ảnh: Phan Dương. |
Nguyên nhân vì bà đã dặn chị không được cúng gà nhưng cô dâu trẻ vẫn làm gà đón tổ tiên.
Chị Hảo cho biết, mẹ chồng tuổi gà, Hảo lại tuổi rắn. Trước khi Hảo và chồng đến được với nhau cũng đã bị mẹ chồng phản đối vì tuổi chị sẽ "đè" mất tuổi mẹ chồng. Sau một thời gian dài đấu tranh, cuối cùng mẹ chồng cũng phải nhượng bộ.
"Lúc tôi làm cơm cúng giao thừa, mẹ chồng nói với tôi mỗi câu 'Hôm nay không cần làm gà cúng'. Tôi nghĩ mẹ chồng 'kẹt', lại thấy cả năm có mâm cơm này là quan trọng nhất, sao lại không có gà đặt lên bàn thờ tổ tiên. Tôi cũng muốn làm luôn để sáng mai khỏi phải làm. Thế là sáng sớm mẹ chồng ngủ dậy đã làm ầm cả lên", Hảo nhớ lại.
Cô dâu trẻ giải thích, năm nay là năm con rắn, nếu cúng gà năm rắn thì khác nào "trù ẻo" mẹ chồng. "Lúc đầu mẹ chồng tôi cứ chửi đổng mà vợ chồng tôi không rõ lý do. Sau dò hỏi mãi mới lộ ra bà sợ rắn bắt mất mình", Hảo lắc đầu ngán ngẩm.
Từ hôm qua tới nay, Kim Chi - vừa về làm dâu ở Thường Tín, Hà Nội – đang bị mẹ chồng nhìn với con mắt “hình viên đạn”.
Chi hậm hực: “Sau giao thừa anh em kéo đến đông, uống bia, rượu, bánh kẹo rồi hướng dương vứt đầy nhà. Tôi thấy nhà ngợp rác chẳng nhẽ không quét và hốt đổ đi. Thế mà sáng mùng 1, mẹ chồng đã trách mắng là tôi hốt vận may đổ đi, rồi cứ bóng gió tôi là con quạ đen, năm nay có gì không tốt là đổ do tôi”.
Kim Chi phân trần, cô cũng biết người Việt có phong tục kiêng quét nhà, hốt rác đầu năm, song nhà chồng cô vốn nhỏ, để cả một đống rác bên góc hiên thì rất mất vệ sinh. “Nhà bố mẹ đẻ tôi còn chẳng kiêng kỵ gì. Ngày chưa lấy chồng, trước giao thừa bố toàn đánh thức tôi dậy quét lại sân, vườn, nhà cửa một lượt. Sáng sớm mùng 1 cũng đã gọi dậy quét nhà sạch sẽ đón khách. Tôi thấy vận may chẳng liên quan gì tới chuyện quét nhà, thế mà mẹ chồng tôi cứ làm ầm lên. Ngày Tết mất cả vui”, Chi bực ra mặt.
Bù đầu vào dọn dẹp ngày Tết, chị Hà (42 tuổi, Nam Đàn, Nghệ An) không biết giao thừa đã đến nên vẫn chạy sang nhà hàng xóm trả chảo và xin lửa. Vô tình chị trở thành người xông nhà cho hàng xóm.
Nhớ lại sự kiện mà chị Hà cho là đáng xấu hổ vừa diễn ra đêm giao thừa, chị Hà đỏ mặt, nói: “Tôi mượn chảo gang nhà hàng xóm rang hướng dương, rồi sau tiếp tục chuẩn bị vài món ăn cho sáng mai mà không biết giao thừa đã đến. Tầm 12h20’ lúc làm xong việc, tôi sang hàng xóm trả chảo, đồng thời mượn bật lửa vì cái bật lửa ở nhà vừa hết gas. Ông bà hàng xóm ngạc nhiên khi thấy tôi sang xông đất nhà họ đầu tiên nhưng vẫn vồn vã mời vào uống cốc bia. Thật xấu hổ hết chỗ nói”.
Tuy nhiên, sự “vô ý” này không dừng lại ở đó, chị Hà đem kể lại cho chồng thì anh chồng quát mắng chị từ đêm tới sáng, ngoài nói chị ngu, đần còn bảo chị đem “vận rủi” đến cho nhà người khác.
“Nhà người ta là dân làm ăn, rất quan trọng người xông đất. Cô không thấy năm nào họ cũng đi xem tuổi tác người xông đất rồi chủ động mời người ta đến nhà đầu tiên. Thế mà cô ngu dốt phá hỏng cả vận may của người ta. Năm nay nhà họ có đen đủi gì lại đổ tại cho cô. Mà ai đời, giao thừa lại chạy sang nhà người khác xin lửa bao giờ”, chị Hà dẫn lại lời chồng.
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Mạnh Linh - Ban phong thủy, Viện Nghiên cứu tiềm năng con người thì người Việt có rất nhiều phong tục đầu năm mới như xông đất, khai bút, mừng tuổi, mở hàng, mua muối và một số kiêng kỵ lấy may như kiêng xin lửa, quét nhà, nói tục, chửi bậy đầu năm mới...
Về tục xông nhà: Người xông nhà là người bước chân đầu tiên vào nhà mình sau phút giao thừa. Do muốn được may mắn, hiện nay nhiều gia đình hay xem tuổi xông nhà rồi mời người đến nhà mình với mong muốn mọi chuyện trong năm sẽ thuận lợi. Đồng thời, cũng do nhiều người kiêng, chỉ muốn người hợp tuổi xông nhà cho nên sáng mùng 1 cũng ít người đi chúc tết vì sợ không hợp tuổi gia chủ, mang lại điềm xấu.
Tương tự, tục kiêng quét nhà đầu năm: Vừa liên quan đến năm mới chào đón vận may, người ta sợ quét nhà đổ rác sẽ có thể vứt đi những sự may mắn tốt lành tới nhà mình trong năm mới; lại vừa liên quan đến văn hóa đón Tài thần. Nên ngày Tết mọi người đều hết sức giữ gìn nhà cửa, không vứt rác bừa bãi. Phong tục tùy mỗi nơi một khác, nhưng thường có hai thuyết phổ biến. Một là chờ đến mùng 5, vì đây là ngày phá trừ, đồ cúng dỡ bỏ, có thể quét nhà, nhiều nơi khai trương mở hàng đón Ngũ lộ tài thần. Hai là chờ đến ngày "động thổ" mới tiếp tục đổ rác và quét nhà. Ngày "động thổ" tra theo sách lịch Cát tường Bách Linh, hoặc năm nay có lịch treo tường của công ty Đại Nam cũng ghi cụ thể. Tuy vậy nhiều khi chờ đến mùng 5, hoặc chờ ngày "động thổ" để rác lâu ngày trong nhà cũng mất vệ sinh, nên hiện đa phần đến mùng 3 là mọi người bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, đổ bỏ rác thải.
"Tuy nhiên một số gia đình không nặng nề chuyện này, quan trọng là nhà cửa sạch sẽ nên không kể ngày nào đều quét nhà sạch sẽ. Có lẽ vì thế, một số cô dâu hay 'bị ghét' vì phạm phải kiêng kỵ ngày Tết ở nhà chồng", chuyên gia phong thủy nói.
Ngoài những phong tục trên, một số người kiêng kỵ đến mức mê tín. "Năm nay năm Tỵ, nhiều người sợ rắn bắt mất gà, nên không cúng gà. Hoặc năm nay Lập Xuân đến trước giao thừa, năm sau Lập Xuân lại đến sau giao thừa, Âm lịch năm nay không có Lập Xuân, nên được cho là năm xấu, bất lợi cưới gả nhưng thực tế không phải như vậy. Kiêng kỵ cũng có điều tốt song đừng làm quá lên, ảnh hưởng đến không khí gia đình đầu năm mới", chuyên gia Nguyễn Mạnh Linh khuyên.
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?