Bí ẩn suối cá thần, đền thờ thần rắn Cẩm Thuỷ
Thứ sáu, 01/02/2013 10:44

"Suối cá thần" từ lâu luôn ẩn chứa những câu chuyện huyền bí xung quanh nguồn gốc của loài cá cũng như con suối kỳ diệu này.

Miệng hang cá thần

Miệng hang cá thần

Từ TP Thanh Hoá men theo quốc lộ 45 khoảng 70km, gặp đường Hồ Chí Minh đi hơn 15 km, hiện ra ngay trước mắt là chiếc cầu treo Cẩm Lương nối ngang đôi dòng sông Mã với một con đường mòn ven sông Mã khúc khửu, uốn quanh núi Trường Sinh. Đây chính là lối dẫn vào "suối cá thần" mà từ lâu luôn ẩn chứa những câu chuyện huyền bí xung quanh nguồn gốc của loài cá cũng như con suối… Sự bí ẩn cùng với những câu chuyện mang đậm chất liêu trai đã giữ được vẻ tự nhiên, nguyên sơ "độc nhất vô nhị" của suối cá cùng một đền thờ thần rắn mà cho đến nay vẫn là một bí ẩn đối với con người.

Bí ẩn loài cá thần

Từ nhiều thế hệ nay, người dân bản Mường nơi đây vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá bắt đầu từ một truyền thuyết về thần rắn. Suối "cá thần Cẩm Lương" là một sự kết tinh kỳ thú của thiên nhiên và là một sự tích kỳ bí về loài cá thần, chỉ có duy nhất ở Thanh Hoá. Khi đến Thanh Hoá một mảnh đất tứ sơn hùng vĩ với nhiều câu chuyện ly kỳ như: hang ma ở núi Pa Cáng, Quan Hoá; thành nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Lương là một bí ấn chưa có lời giả thích làm thỏa mãn trí tò mò của du khách cũng như con người bản địa. Nét độc đáo, huyền bí của suối cá thần được thiên nhiên ban tặng cho nơi đây từ xa xưa, mà mãi cho đến năm 1993 mới được công nhận di tích lịch sử và di sản văn hóa.

Suối "cá thần" ẩn mình dưới chân núi Trường Sinh, thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện miền núi Cẩm Thủy, Thanh Hóa, nơi có 100% là người dân tộc Mường sinh sống, cách dòng sông Mã không đầy 2 km. Nằm giữa bốn bề núi đá vôi dựng đứng sừng sững, dòng "suối tiên" Lương Ngọc bé nhỏ có chiều dài rất khiêm tốn chỉ hơn một trăm mét, chỗ hẹp chỉ có hai mét, chỗ rộng được đến trên ba mét, và sâu khoảng 30 - 50 cm. Tại đây, có tới hàng nghìn con cá, nối đuôi nhau thành từng hàng bơi quanh miệng hang đá với đường kính chừng một mét, không ai có thể biết tại sao từ trong lòng núi lúc nào cũng tuôn chảy ra một nguồn nước trong và xanh biếc.

Người dân tộc Mường ở bản Ngọc gọi loài cá sống trong "suối tiên" này là cá dốc, phần đầu giống cá chép nhưng thân lại giống cá trắm sông. Có một điều kỳ lạ đó là cá ở đây chỉ quẩn quanh phía bên trên của dòng suối gần hang đá chứ không bao giờ đi xa khỏi khu vực quanh suối. Cụ Phạm Hồng Đức là người Mường năm nay 85 tuổi cho biết: "Có mùa nước lũ đổ về nước dâng cao lên khắp cả con đường lối dẫn vào suối nhưng kỳ lạ thay cá vẫn không đi đâu, số lượng cá vẫn đông đúc và chỉ quanh quẩn bên suối, kể cả cá bé lẫn cá lớn, con nhỏ khoảng từ 3 đến 5 kg, có con nặng tới hàng chục kg. Chúng thoải mái đùa giỡn từ sáng sớm đến chiều tối, khi cá nô đùa lộ rõ phần bụng và lưng màu đen óng ánh có pha sắc vàng, môi đỏ, vây đỏ rất đẹp và kỳ bí như loài cá cảnh mà ta vẫn hay nuôi nhưng đó không phải là cá cảnh mà là "cá thần" tự nhiên".

Theo phân tích của các nhà khoa học, đàn cá dốc ở suối Cẩm Lương thuộc bộ cá chép, tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus, cá quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, còn có cá chài, cá mại hình thù nhiều hoa văn, màu sắc ấn tượng. Ðàn cá rất thân thiện với con người. Khi có người đến là đàn cá lại tập trung vây quanh nô đùa làm huyên náo cả một khúc suối. Cho đến nay vẫn không ai có thể giải thích được từ đâu mà cá lại có nhiều như thế, kể cả đã có nhiều đoàn khoa học trong nước cũng như quốc tế về đây khảo sát, có lẽ là sự kết tinh kỳ bí thiêng liêng của sông núi nơi đây đã tích tụ từ nghìn đời nay mà không có một cơ sở nào để giải thích được.

Vào ban ngày, từng đàn nối đuôi nhau bơi lượn từ trong hang ra ngoài và ngược lại chào đón du khách, đêm đến lại chui vào hang trú ẩn. Đi từ đầu nguồn suối lần lên đỉnh dãy Trường Sinh, sẽ bắt gặp động Ðăng ở độ cao khoảng 50 m so với mặt đất. Trong động, có những thạch nhũ thiên tạo mang nhiều hình thù khác nhau lấp lánh nhiều sắc màu, có tiếng róc rách của con suối nhỏ, khởi nguồn của dòng nước trong hang cá Cẩm Lương. Dọc dãy Trường Sinh, hiện có nhiều hang động nguyên sơ chưa được khám phá và hệ thống rừng nguyên sinh với các loài động vật, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới, thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông, Cúc Phương mà cho đến nay vẫn chưa có lời giả thích thỏa đáng.

Theo lời kể của người dân thì vào năm 1958 đã từng có người trong làng chui vào trong hang thám hiểm và cho biết trong lòng núi Trường Sinh có rất nhiều suối ngầm nông, sâu khác nhau, nước trong vắt. Trong suối ngầm lại chia thành hai dòng nước nóng, lạnh. Đàn cá bám theo dòng nước ấm và nơi lý tưởng nhất mà chúng tìm được là quanh khu vực có nguồn nước tinh khiết chảy ra từ dòng suối.

Điều kỳ lạ dù là nơi thường xuyên bị lũ lụt nhưng cá trong suối không bao giờ trôi đi, khi nước lớn tràn vào suối, những con cá lớn chui vào hang, hốc để trốn, những con nhỏ nếu bị nước cuốn đi cũng có thể tự biết đường bơi trở lại. Từ khi phát hiện ra "Suối cá thần" người dân trong bản đã lập ban thờ bên cạnh khu vực hang động nằm cách suối cá 10m. Những câu chuyện ly kỳ xung quanh suối cá thần là đề tài thu hút khách thập phương. Người dân ở đây tin rằng sự sung túc của bầy cá là biểu tượng của sự bình yên, no ấm. Họ cho rằng suối cá rất linh thiêng, ai dám bắt và ăn thịt các loại cá trên dòng suối này đều bị xem là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây tai họa cho mình mà còn cho cả cộng đồng. Hằng năm, lễ tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối được mở từ ngày 8 đến 15 tháng Giêng âm lịch, đông đảo người dân gần xa đến chiêm ngưỡng và cầu may.

Những câu chuyện huyền bí xung quanh suối cá thần được người dân truyền tai nhau kể lại

Có một đôi vợ chồng làng khác vì đói quá nên đã đến suối bắt "cá thần" về làm thịt. Nhưng khi nấu lên không thấy cá đâu mà chỉ thấy một nồi nước trong veo, vợ chồng họ hoảng sợ quá nên mang lễ vật đến đền Ngọc thờ "Tứ phủ Long Vương" để xin thần cá cùng trời đất ân xá. Cũng có câu chuyện kể rằng cứ vào mùng 8 tháng giêng dân bản Mường tổ chức làm lễ khai hạ, tổ chức thờ cúng cỗ linh đình. Khi thờ cúng đến phần giữa của lễ thì đánh 3 tiếng cồng khi có 3 tiếng cồng đó con nào chạy vào hang thì cá chúa cho ăn, còn con nào không vào kịp miệng hang để trốn vào bên trong thì thần cho dân bắt lên ăn thịt. Nhưng đến nay thì người dân không được bắt ăn thịt nữa, nên nếu ai bắt sẽ bị thần trừng phạt. Lại có câu chuyện đồn rằng có một đôi thanh niên từ xa lên xem "cá thần". Sau đó vì tò mò họ đã dùng đá đánh chết một con cá. Trên đường quay trở về, hai thanh niên đó đã gặp tai nạn và tử vong. Những người dân trong bản đều tin rằng nếu ai trêu đùa, làm hại cá thần hay làm bẩn nước, nhẹ sẽ bị ốm, còn nặng sẽ bị "mất mạng"

Hàng trăm con cá thần đang đùa giỡn cùng người đến thăm quan.

Cạnh suối cá, có đền thờ thần Rắn

Theo truyền thuyết của người Mường kể lại rằng: Ngày xưa, bản Ngọc dưới chân dãy Trường Sinh thường xuyên bị hạn hán, mất mùa. Ở bản có hai vợ chồng hiếm muộn con, hằng ngày thường ra ven suối trồng trọt và bắt tôm cá kiếm sống qua ngày. Bỗng một hôm, bà ra suối mò cua, bắt cá lại mò được một quả trứng lạ. Bà thả quả trứng xuống nước rồi tiếp tục mò, nhưng vẫn chỉ mò được quả trứng đó. Ba bốn lần như vậy, thấy lạ bà liền mang trứng về nhà rồi kể lai câu chuyện cho chồng nghe. Rồi ông bà đem trứng cho gà ấp thử, không ngờ ít hôm sau, quả trứng đó nở ra một con rắn. Thấy lạ ông lão liền mang rắn ra suối Ngọc thả cho rắn đi, nhưng cứ sáng mang ra thả thì tối rắn lại quay về nhà và dần dần sống trong nhà thân quen như những con vật nuôi khác.

Từ khi có rắn sinh ra, đồng ruộng ở đây trở nên tốt tươi, dân bản Mường được ấm no, hạnh phúc, họ yêu quý rắn nên gọi rắn là chàng Rắn. Cuộc sống yên bình cứ trôi đi, bỗng một đêm trời mưa to gió lớn, sấm rền chớp giật đùng đùng. Quá lo sợ người dân đóng kín cửa ở trong nhà tránh mưa to gió lớn, khi gió mưa ngừng thì cũng là lúc rạng sáng. Sáng hôm sau, người dân thấy xác chàng Rắn nằm dưới chân núi Trường Sinh, bên bờ suối Ngọc. Thần linh báo mộng cho dân làng biết, chàng Rắn vì chiến đấu với thủy quái về phá hoại bản làng mà bỏ mạng, cho nên đã được Ngọc Hoàng phong là Thần và giao cho chức Tứ Phủ Long vương. Không hiểu lý do tại sao cũng từ khi nhân dân trong bản lập đền thờ bên bờ suối để tưởng nhớ công lao chàng Rắn thì cũng từ đó, suối Ngọc xuất hiện có đàn "cá thần" với hàng chục nghìn con ngày đêm về chầu thần và canh gác quanh nơi đền Ngọc cho đến tận ngày nay lúc nào cũng đông đúc.

Với niềm tin suối cá là nơi linh thiêng có thể che mưa, phủ nắng cho bản làng, sự đông đúc của đàn cá trong dòng suối là sự bình yên, no ấm cho cuộc sống dân làng nơi đây, nên từ bao đời nay, bà con dân tộc Mường luôn gìn giữ và xem loài cá thần này là loài cá thiêng và cũng là báu vật của người Mường nơi đây.

Do đó, đàn cá ở suối Ngọc ngày càng thêm đông đúc. Bỏ qua các yếu tố tâm linh, khi đến đây ta không khỏi thấy lạ lùng là số lượng cá nhiều như thế, nhưng nguồn nước vẫn rất sạch, còn được người dân bản sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy suối nhỏ, nước nông, nhưng đàn cá vẫn sinh sôi nảy nở, nước không có mùi hôi tanh, không có hiện tượng cá lớn ăn cá bé. Đặc biệt sau mỗi đợt mưa lũ nước suối dâng to trắng băng chảy thông với cánh đồng ra sông Mã, nhưng khi nước rút đàn cá ở đây vẫn nguyên vẹn. Các nhà khoa học cũng mới phỏng đoán, có thể ở hồ nước ngầm bên trong chứa nguồn thức ăn dồi dào cho đàn cá.                                                                                          

Lê Duẩn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Suối cá , Suối cá thần , Suối cá Cẩm Thủy , Cầu may , Xã hội , Phóng sự , Phong su , Thanh Hóa