“Bầu” Kiên và 4 cú sốc với bóng đá Việt Nam
Thứ tư, 22/08/2012 06:23

Việc Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên bị bắt chỉ là 1 trong những cú sốc mà ông dành cho bóng đá Việt Nam.

Không biết “bầu” Kiên có đoạn tuyệt với bóng đá hay không sau biến cố này?

Không biết “bầu” Kiên có đoạn tuyệt với bóng đá hay không sau biến cố này?

Năm 2000, khi mà bóng đá Việt Nam mới đang chập chững từng bước lên chuyên nghiệp, ông Nguyễn Đức Kiên, khi ấy đang là thành viên HĐQT Ngân hàng Á châu (ACB), một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, đã bắt đầu ghi danh vào làng bóng đá, với việc tiếp quản đội bóng Đường sắt Việt Nam để “thai nghén” ra CLB ACB, thi đấu ở hạng Nhất. Sau 2 năm, đội được lên V-League và mang tên LG.ACB.

Tuy nhiên, đến mùa bóng 2003, đội thi đấu không thành công và bị xuống hạng. Với con mắt lọc lõi và tinh đời, “bầu” Kiên đã mua lại CLB Hàng không Việt Nam (có tiền thân là CAHN) để tiếp tục thi đấu ở V-League, với cái tên LG.HNACB. “Bầu” Kiên nổi tiếng bởi chính sách “tiết kiệm” rất khác người. Tuy trong tay có khối tài sản khổng lồ, nhưng ông Kiên không mấy được lòng các cầu thủ vì rất ít khi móc hầu bao để thưởng, và cũng chi li từng đồng khi trả lương cho họ. Trong các hoạt động bóng đá chung của VFF, nếu như các ông “bầu” khác thi thoảng có nhỏ to góp ý thì ông Kiên hầu như tồn tại giống một “ốc đảo”, với thái độ “im lặng tuyệt đối”. Cũng vì lẽ đó, rất nhiều người bị sốc với cái cách mà “bầu” Kiên “quăng bom” trong cuộc họp để khẳng định sự tồn tại của mình, bắt đầu từ buổi tổng kết mùa giải 2011 “lịch sử”.

Buổi tổng kết mùa giải 2011 của VFF đã trở thành diễn đàn riêng của “bầu” Kiên, với bài phát biểu “vô tiền khoáng hậu” chỉ trích gần như mọi vấn đề còn tồn tại, mọi “ung nhọt” của bóng đá Việt Nam trên hành trình tiến lên chuyên nghiệp. Thời điểm đó, ông Kiên đã được ngợi ca chẳng khác nào một “người hùng”, dám nói thẳng những việc mà từ trước tới nay chẳng ai dám nói. Trong đó có những đoạn thực sự như “vỗ mặt” các quan chức VFF và các trọng tài: “Nếu tôi là lãnh đạo VFF, tôi sẽ không thông qua dự thảo của BTC giải và HĐTT vì không nêu được thực chất những vấn đề của bóng đá Việt Nam thời gian qua”, “Tôi nói thẳng anh em trọng tài đừng buồn. Trọng tài giờ tiêu cực hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn mùa giải 2005 rất nhiều. Tôi xin hỏi các anh, nếu không có bàn tay của các trọng tài, bóng đá Hải Phòng liệu có trụ hạng nổi không”, hay “VFF luôn nói câu quen thuộc: Bằng chứng đâu? Bằng chứng trong tay các anh cả. Các anh biết hết trọng tài nào tốt, trọng tài nào không tốt. Tôi bảo đảm các anh biết. Bóng đá là một sân khấu và diễn viên người ta có thể xem được cả bốn mặt…”.

Thành lập VPF và cuộc chiến bản quyền truyền hình

Sau bài phát biểu để đời ấy của “bầu” Kiên, cán cân quyền lực của bóng đá Việt Nam đã dần được thay đổi với sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), mà điều hành chính là các ông “bầu”. Có thể nói, “bầu” Kiên đóng vai trò then chốt trong việc thành lập VPF, nó giúp các ông chủ các đội bóng thực sự làm chủ cuộc chơi và đẩy VFF về hậu trường. Cú áp phe đầu tiên của VPF chính là “cuộc chiến” bản quyền truyền hình với AVG, điều nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận và khiến báo chí tốn rất nhiều giấy mực. Theo ông Kiên, bản hợp đồng 20 năm của VFF và AVG là “bất bình thường” và “không thể chấp nhận”. Cuộc chiến giữa VPF và AVG đã có những thời điểm được đẩy lên cao trào và vô cùng căng thẳng, nhưng cuối cùng, hai bên đã nhượng bộ nhau với một thỏa thuận riêng, theo đó sẽ mang lại lợi nhuận tối thiểu 50 tỷ đồng/năm cho bóng đá Việt Nam từ việc khai thác bản quyền truyền hình.

Bất ngờ mua Công Vinh với giá kỷ lục

“Bầu” Kiên chỉ trích mạnh mẽ cách tiêu tiền của nhiều CLB, bỏ ra số tiền quá lớn để sở hữu một tuyển thủ khiến cho giá trị cầu thủ Việt Nam vô hình trung bị “ảo”. Tuy nhiên, người ta có cảm giác chính ông Kiên lại dùng cách ấy để gây dựng đội bóng của mình. Bằng chứng là không lâu sau chỉ trích trên, Công Vinh bất ngờ rời HN T&T của “bầu” Hiển để ngả vào vòng tay “bầu” Kiên. Có thông tin cho rằng giá chuyển nhượng của Công Vinh lên tới 13 tỷ đồng, có tin lại nói chỉ dưới 10 tỷ đồng. Nhưng bất luận là thế nào, chắc chắn ông Kiên cũng mất một số tiền không nhỏ để sở hữu tiền đạo số 1 Việt Nam. Trong thương vụ này, người ta lại càng thấy sự lọc lõi và lối chơi khó lường của “bầu” Kiên.

Bị bắt vì “kinh doanh trái phép”

Đây có lẽ là thông tin sốc nhất đối với CLB BĐ HN nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung ở thời điểm này. Ông Kiên bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ công an bắt giam vào chiều tối 20-8 vì hành vi “cố ý làm trái” liên quan đến các hoạt động kinh tế. Việc Phó chủ tịch VPF (một trong những người có tiếng nói và quyền lực nhất của bộ máy này) bị bắt (dù không liên quan tới thể thao) chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và những kế hoạch sắp tới của VPF, cũng như của CLB BĐ Hà Nội, đội bóng thuộc sở hữu của “bầu” Kiên và vừa trụ hạng thành công.

Cầu thủ CLB BĐ Hà Nội nói gì khi ông Kiên bị bắt?

Trung vệ Đại Đồng: “Tôi rất sốc”

Anh em trong đội đang vui vì vừa trụ hạng thành công, tôi mới nghe được thông tin này và lúc đầu cứ nghĩ chỉ là đùa. Tôi thực sự rất sốc khi biết là ông Kiên bị bắt. Rất may là mùa giải đã kết thúc, nhưng dù sao đây vẫn là thời điểm khó khăn của CLB.

Tiền đạo Sỹ Mạnh: “Tôi đã không tin vào tai mình”

Một số đồng đội đã thông báo cho tôi tin này và tôi thực sự không tin vào tai mình. Tôi cũng như các thành viên trong đội đều đang rất lo lắng và mong mọi chuyện sẽ sớm ổn thỏa.

 

ANTĐ
Tag: Bầu Kiên , Nguyễn Đức Kiên , Bầu Kiên bị bắt , Bóng đá Việt Nam , CLB BĐ Hà Nội , VFF , VPF , Nguyễn Trọng Hỷ