Bầu Đức "cân não" với tổ chức quốc tế
Thứ sáu, 17/05/2013 10:26

Là một nhà đầu tư lớn với nhiều dự án "khủng" cả trong và ngoài nước, bầu Đức không tránh khỏi sự "quan tâm" quá mức của các tổ chức quốc tế.

Theo bầu Đức, những cáo buộc mà Global Witness đưa ra là hoàn toàn bịa đặt

Theo bầu Đức, những cáo buộc mà Global Witness đưa ra là hoàn toàn bịa đặt

Gần đây, Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) đã có một báo cáo vào đầu tháng 5 về hoạt động của các ông trùm cao su tại Lào và Campuchia. Trong đó, đề cập tới việc ông trùm cao su mới như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đang hủy hoại sinh kế của người dân địa phương, cũng như môi trường trong các khoản đầu tư ào ạt vào cao su tại đây.

Tổ chức này cho rằng, HAGL đã phớt lờ luật pháp, phớt lờ các quy định về bảo vệ môi trường và xã hội. Cụ thể, HAGL đang được bố trí 81,919 ha đất đai mà theo giới hạn pháp lý tại Campuchia thì tập đoàn chỉ được 10.000 ha. Global Witness còn thông tin, HAGL công khai thừa nhận các hoạt động của họ tại hai quốc gia đều không tuân theo pháp luật.

Từ đó, Global Witness đề xuất Chính phủ Campuchia và Lào nên hủy bỏ việc nhượng quyền cho các công ty của Tập đoàn HAGL tại hai nước trên, đồng thời đình chỉ mọi hoạt động khác có liên quan của HAGL, điều tra toàn bộ hoạt động của HAGL và khởi tố những nơi xảy ra hoạt động bất hợp pháp. Tổ chức này cho rằng, Chính phủ cũng nên chấm dứt các hoạt động chặt đốn gỗ bất hợp pháp có liên quan đến các vùng nhượng quyền này và khởi tố những bên có liên quan.

Phản pháo về những lời lẽ trong báo cáo của Global Witness, bầu Đức khẳng định, những thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt và sẵn sàng cung cấp bằng chứng cụ thể.

Theo bầu Đức, các công ty con của HAGL đang có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực trồng cao su, mía đường tại Lào và Campuchia đã tuân thủ pháp luật nước sở tại, bao gồm cả việc bảo vệ rừng. HAGL không tham gia vào việc khai thác gỗ, kể cả gỗ có giá trị kinh tế trong khu vực nhượng quyền của HAGL.

Bầu Đức cũng cho biết thêm, Global Witness đã liên lạc với HAGL với một loạt các câu hỏi về các hoạt động của HAGL nhưng không cung cấp và chia sẻ các bằng chứng cũng như nêu lên một cách cụ thể các dẫn chứng liên quan đến các vấn đề mà họ đã đề cập. HAGL sẽ giải quyết mọi vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư tại hai nước này khi Global Witnetss đưa ra được bằng chứng xác thực, bầu Đức nhấn mạnh. Trong phản ứng mới nhất từ phía HAGL, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cáo buộc Global Witness "tìm cơ hội quảng bá tên tuổi" và "xin tài trợ".

Đáp trả lại bầu Đức, phía Global Witness cho biết, báo cáo của tổ chức này dựa trên 3 lý do chính đó là: bản điều tra ý kiến người dân địa phương sống gần khu đất trồng cao su, thuộc các chi nhánh của HAGL; ảnh chụp vệ tinh cho thấy trước khi HAGL được phân đất, sau đó phần rừng này đã biến mất; bản cáo bạch do chính HAGL công bố khi niêm yết ở sàn chứng khoán London, trong đó thừa nhận các hoạt động kinh doanh ở Lào, Campuchia chưa hoàn toàn phù hợp với luật pháp các nước sở tại.

Ảnh chụp vệ tinh do Global Witness cung cấp, vào thời điểm tháng 1/2011 vẫn còn rừng và tháng 2/2013 đã biến mất.

Trả lời về vấn đề này, bầu Đức cho hay, các nước này thường xuyên cập nhật và thay đổi chính sách về trồng và khai thác rừng. Vào thời điểm công bố cáo bạch, một số dự án của HAGL đang phát triển mà chưa có đầy đủ các loại giấy phép cần thiết của Chính phủ. Ngoài ra, Chủ tịch HAGL cũng cho rằng các lập luận GW đưa ra thông qua ảnh vệ tinh không thể chính xác. Khu đất đã được Chính phủ Lào, Campuchia quy hoạch và cho phép tập đoàn khai hoang.

Rừng cao su của bầu Đức tại Lào

Trước đó, bầu Đức cho biết đã trả lời 49 câu hỏi Global Witness đưa ra để mời tổ chức này sang Việt Nam thảo luận trực tiếp vào tháng 5, tuy nhiên tổ chức này đã không tới. Đại diện GW không đề cập đến cuộc gặp mặt vào tháng 5, chỉ cho biết đã hồi âm lời mời của HAGL và sẽ đến Việt Nam vào tháng 6.

Trong khi hai bên chưa chính thức gặp nhau, sự việc chưa được làm sáng tỏ, bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai ít nhiều đã phải chịu những thiệt hại đầu tiên. Đó là sự giảm giá chứng khoán. Trong phiên giao dịch ngày 14/5, thời điểm cáo buộc "phá rừng" được lan truyền rộng rãi, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai, giảm giá rất mạnh. Đóng cửa ngày 14/5, HAG giảm 1.400 đồng/cp, tương ứng 6,1% và đóng cửa ở mức 21.400 đồng/cp. Tới ngày 15/5, HAG giảm thêm 200 đồng/cp. Như vậy, chỉ sau 2 phiên, với việc sở hữu hơn 260 triệu cổ phiếu HAG, bầu Đức đã mất hơn 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, tới ngày hôm nay (16/5), HAG đã lấy lại được lòng tin của nhà đầu tư khi tăng nhẹ.

Theo thông tin mới nhất, để tôn trọng sự thật khách quan cũng như để trả lời cho dư luận, cổ đông về những việc làm đúng pháp luật, minh bạch và hiệu quả của mình, HAGL chính thức gửi thư mời Global Witness đến VN vào đầu tháng 6/2013 để tham quan, kiểm tra bất cứ dự án nào của Tập đoàn này.     

Đây không phải là lần đầu tiên bầu Đức phải "đối đầu" với những tổ chức quốc tế có những lời lẽ không hay về hoạt động của Tập đoàn HAGL. Trước đó, cuối năm 2011, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's đã hạ bậc tín nhiệm và rút toàn bộ xếp hạng của HAGL.

Với lý do triển vọng về năng lực và khả năng thanh khoản của công ty không tốt, ngày 8/12/2011, hãng Standard & Poor's thông báo hạ xếp hạng tín nhiệm của HAGL từ B xuống B-. Xếp hạng đánh giá quy mô của HAGL trong khu vực Asean cũng bị giáng từ mức "axBB-" xuống "axB".

Tuy nhiên, hãng này nói, sẽ sửa triển vọng của HAGL từ "tiêu cực" sang "ổn định" nếu thanh khoản cao hơn và công ty giảm số vay nợ (600 tỷ đồng lúc đó).

Phản ứng về nhận định này, bầu Đức lại cho rằng, việc Standard & Poor’s hạ định mức tín nhiệm HAGL xuống hạng B là quá tốt. Bởi lẽ, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới khó khăn, nhiều nước có nền kinh tế mạnh như Mỹ và một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam cũng bị hạ bậc tín nhiệm. Tại Việt Nam, nền kinh tế vĩ mô cũng bất ổn, riêng lĩnh vực bất động sản lại đang xuống, mà doanh thu chính tại thời điểm này của HAGL lại là bất động sản thì việc HAGL bị hạ định mức tín nhiệm cũng là bình thường. Ngược lại, trong bố cảnh khó khăn chung này, nếu tăng bậc mới là lạ.

Sau đó, theo yêu cầu của HAGL, Standard & Poor’s đã rút lại tất cả đánh giá xếp hạng trên, nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng thanh khoản của HAGL còn yếu, triển vọng cải thiện lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh bất động sản, quặng sắt và các dự án cao su trong vòng 6-12 tháng tới còn hạn chế.

Sau Standard & Poor's, đến đầu năm 2012, Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings cũng tuyên bố hạ triển vọng tín nhiệm của HAGL từ "ổn định" xuống "tiêu cực", tức từ B xuống B-.

Fitch cho biết, việc điều chỉnh triển vọng tín nhiệm đối với Hoàng Anh Gia Lai phản ánh những rủi ro tín dụng gia tăng mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt do doanh số bất động sản sụt giảm mạnh tại thị trường TP.HCM. Theo Fitch, tổ chức này có thể tiếp tục có những động thái tín nhiệm bất lợi đối với Hoàng Anh Gia Lai nếu công ty không đạt tiến bộ trong việc giảm lượng hàng bất động sản tồn kho.

Ngay lập tức, HAGL đáp trả nhận định này. Tập đoàn này cho rằng: “Fitch chỉ căn cứ vào giá trị sổ sách của tài sản để tính toán hệ số khả năng thu hồi của nợ không đảm bảo là không hợp lý. Các nông trường cao su và quỹ đất của HAGL có giá trị thị trường cao hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách mà Fitch không tính tới. Đã vậy, Fitch còn chiết khấu giảm giá trị của những tài sản này thì quá phi lý”.

Cũng theo HAGL, mặc dù HAGL đã cung cấp thông tin và giải thích rõ hàng tồn kho bất động sản nằm trong mục sản phẩm dở dang chứ không phải thành phẩm, nhưng Fitch vẫn nói là “căn hộ đã hoàn thành nhưng chưa bán”.

Tiếp diễn biến của vụ việc này, tháng 10/2012, hãng xếp hạng Fitch bất ngờ thông báo rút xếp hạng tín nhiệm của HAGL với lý do là không đủ thông tin cần thiết. Theo đó, Fitch rút xếp hạng phát hành nợ bằng nội tệ và cả ngoại tệ trong dài hạn của HAGL (hiện đang ở mức B). Lô trái phiếu trị giá 75 triệu USD đáo hạn vào năm 2016 mà trước đó Fitch xếp hạng ở mức B- cũng được tổ chức này tuyên bố rút bỏ.

Tổ chức này công bố cũng sẽ không đưa ra các đánh giá hay phân tích về Hoàng Anh Gia Lai.

Với tuyên bố rút đánh giá của Fitch, tại thời điểm này không còn tổ chức quốc tế nào xếp hạng tín nhiệm HAGL.

Đứng trước những thông tin không có lợi cho HAGL, tập đoàn của bầu Đức đều lên tiếng gay gắt. Tuy nhiên, không rõ những cáo buộc hiện tại của Global Witness có đủ sức lay động một tập đoàn lớn như HAGL? 

Kienthuc.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Hoàng Anh Gia Lai , Đoàn Nguyên Đức , Khai thác gỗ , Phá rừng , Trồng cao su , Trồng mía đường , Cáo buộc