Bắt cào cào xây nhà khang trang
Thứ sáu, 09/01/2015 11:30

Thú chơi chim cảnh ngày càng thịnh hành, kéo theo đó là nhu cầu lớn nguồn thức ăn tươi cho chim.

“Làm chơi ăn thiệt”

6h sáng, từ khắp các ngả đường ấp 2 xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) hàng trăm người đàn ông túa đi khắp đồng cỏ săn cào cào. Bộ đồ nghề “kiếm cơm” của một thợ bắt cào cào rất đơn giản. Một chiếc vợt lớn có cán bằng tre dài chừng 1m, miệng vợt đường kính khoảng 60-70cm uốn từ những thanh sắt, gắn lên đó mảnh vải dù. Một chiếc đụt là loại giỏ kín miệng đan bằng tre trúc, thân rộng, miệng nhỏ đựng cào cào.  

Vòng vèo một hồi, chiếc xe cà tàng của anh Nguyễn Văn Thạnh (32 tuổi) dừng ở một trảng cỏ thuộc xã An Phú, huyện Củ Chi. Cỏ ở đây cao chưa tới đầu gối, rất xanh tốt. Anh Thanh co chân đá nhẹ vào đám cỏ, vài con cào cào thấy động giật mình bay lên. 

Anh vui vẻ: “Trúng  ổ rồi”, tay đưa chiếc vợt qua lại nhẹ nhàng uyển chuyển như múa. Những động tác không cần mạnh nhưng phải nhanh và liên tục, nếu không những đám cào cào sẽ rào rào bay đi hết. Ít phút sau anh chỉ cần túm vợt lại, trút những con cào cào vừa sa bẫy vào trong chiếc đụt.

Dưới trời nắng gắt, người thợ bắt cào cào tay thoăn thoắt đưa vợt, chân chậm rãi đi sâu dần vào trong trảng cỏ. Hơn 2 tiếng, chiếc áo anh mặc ướt đẫm mồ hôi. Ngồi ngay vệ cỏ, mở miệng chiếc đụt ra, anh hồ hởi: “Chỗ này khoảng 10 ngàn con. Tức là 500 bịch. Đủ tiền mua gạo rồi. Nghỉ thôi” 

Nụ cười tươi rói nở trên khuôn mặt rám nắng người đàn ông dễ mến: “Tôi cầm vợt từ năm 16 tuổi. Nghề này người ngoài ngó vô có vẻ cực vì nhìn lam lũ nhưng thật ra khá nhẹ nhàng. Trừ khi mùa khô thì phải đi các tỉnh xa, còn mùa mưa thì chỗ nào cũng có. 

Một ngày nếu không tính thời gian di chuyển, một người thường chỉ làm từ 8 - 10h sáng, chiều 14 - 16h. Thợ trung bình ngày bắt được khoảng 300-500 bịch (1 bịch bình quân 20 con). “Cao thủ” có người được khoảng 1.000 bịch. Mỗi bịch cào cào bán cho người thu mua có giá 1.000đ. Một ngày cũng kiếm được vài ba trăm ngàn, không quá vất vả mà cũng đủ nuôi vợ con”.

Theo kinh nghiệm của những người thợ bắt cào cào thì đầu mùa mưa, nông dân xuống mạ, đến Củ Chi, Tây Ninh là nơi cào cào tập trung nhiều nhất. Vào mùa nắng phải chạy lên Bến Lức (Long An) vì nơi đây có nhiều đồng cỏ cao, xanh tốt quanh năm, cào cào đổ về tránh nắng. 
Được hỏi “bí kíp” thành “cao thủ” trong nghề, anh Thạnh khiêm tốn: “Nhìn chiếc vợt như vậy, nhưng nó vừa to vừa nặng. Người thợ bắt cào cào ngoài sức khỏe, đòi hỏi khéo léo giữa tốc độ quơ nhanh và liên tục. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là “duyên”, thật ra “duyên” ở đây là kinh nghiệm, nếu xác định đúng “ổ” thì có thể quơ vài tháng mới hết”.

Cào cào nuôi sống 3 thế hệ    

Theo chân anh Thạnh về nhà, trước mặt chúng tôi là căn nhà khá khang trang. Chỉ tay vào nhà, anh tự hào: “Nhờ cào cào mà bố tôi xây được căn nhà này đó”. Có 6 chiếc vợt đang dựng trước cửa. Rất nhiều thùng giấy được bắc que tre ngang để gác túi cào cào lên. Mỗi thùng hàng trăm bịch cào cào được cột thành chùm “an vị” ngay ngắn trong thùng xốp.


Đóng gói cào cào xuất đi các tỉnh.  

Ông Nguyễn Văn Cắt (tên thường gọi là ông Năm Cắt, cha anh Thạnh) đang lọ mọ xếp túi cào cào vào trong giỏ. Năm nay đã ngoài 60 tuổi, cơ thể đã ốm yếu sau một cơn tai biến nhưng khi nói về nghề cào cào, ông vui vẻ hẳn: "Trước giải phóng, hai vợ chồng ông sống khổ cực nuôi con nhờ vài ba sào lúa không đủ ăn. Tình cờ, tôi gặp một “tay” chơi chim kiểng trên thành phố xuống hỏi “muốn mua cào cào về cho chim ăn””. Câu hỏi đó đã đưa ông đến với nghề bắt cào cào. 

Chưa có kinh nghiệm trong tay, ông ngày đêm “đùm cơm” đi học những người từng hành nghề cào cào trong vùng như cụ Tám Miếng, cụ Ba Hữu… Họ đã truyền nghề cách làm vợt, cầm vợt, cách nhận biết vùng cỏ có nhiều cào cào.

Xã Xuân Thới Thượng có nhiều nhà như nhà ông Năm Cắt. Riêng ấp nhà ông có hơn 30 hộ với hàng trăm người đàn ông chuyên đi bắt. Hàng trăm phụ nữ làm dịch vụ “ăn theo” là đóng gói, chuyển hàng đi các tỉnh. 

Trước đây, mỗi lần người chồng đi “đánh bắt” về, người vợ có nhiệm vụ ra chợ côn trùng bên hông Thuận Kiều Plaza (quận 5) đứng bán. Nhận thấy nhu cầu cào cào của các điểm nuôi chim ngày càng cao, ông Năm Cắt bàn vợ mở điểm thu mua cào cào bán cho các chợ đầu mối. Hiện điểm thu mua của gia đình ông lớn nhất xã. Ba người con dâu, 1 cô con gái học đại học vừa xong cũng phụ mẹ theo nghiệp.
 Mỗi ngày, điểm thu mua của bà cung cấp khoảng 5000 -7000  bịch cho các mối lái ở Miền Tây, Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Riêng ở TP.HCM tiêu thụ 500 bịch.   


 Nghề bắt cào cào đã nuôi sống nhiều gia đình

“Sau khi bị bắt, cào cào chỉ sống được 2 ngày. Vì vậy, làm sao để cào cào sống sống đến tay người mua là rất quan trọng. Cách tốt nhất là lót lá chuối dưới thùng đựng, đặt túi cào cào lên trên để tạo bóng mát. Xuất cào cào ra các tỉnh khác bằng cách bỏ cào cào vào thùng đá lạnh”, vợ ông Cắt chia sẻ. Tùy vào từng loại cào cào có giá khác nhau. Cào cào đưa về phải phân ra con non, con già. Với con non, mỗi bịch 20 con bán sỉ được 1 ngàn, bán lẻ giá 2 ngàn cho các chủ nuôi chim.  

Một “thợ săn” khác cho biết: “10 năm trước, vợ chồng tôi trồng lúa, trồng rau giá cả bấp bênh nên cuộc sống gia đình cứ nay no mai đói. Tình cờ đến đây thuê ở trọ thấy nhiều người trong ấp bắt cào cào kiếm sống nên tôi cũng làm theo. Ai ngờ cái nghề hay hay này lại đem lại thu nhập hơn 200 ngàn/ngày, lại không sợ thất nghiệp vì người nuôi chim cảnh càng nhiều”./.

Baophapluat.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Nghề bắt cào cào , cào cào , thú chơi chim cảnh , thức ăn cho chim