Bão số 11 đổ bộ Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế: Cường độ mạnh cấp 11 và 12
Thứ ba, 15/10/2013 07:42

Di chuyển nhanh hơn so với dự báo, sáng sớm hôm nay 15/10, bão Nari (bão số 11) cập bờ, đổ bộ vào phía Bắc Đà Nẵng- Thừa Thiên - Huế, với cường độ cấp 11 và 12.

Dự báo hôm nay bão Nari sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với cường độ cấp 11 và 12

Dự báo hôm nay bão Nari sẽ đổ bộ vào Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với cường độ cấp 11 và 12

Nhiều nhà dân bị tốc mái

Từ hôm qua 14/10, mặc dù chưa vào đất liền nhưng bão Nari được nhận định mạnh tương đương bão số 10 vừa qua đã gây sóng to, gió lớn ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Gió ghi nhận vào chiều tối qua ở cấp 9, cấp 10, nhiều nhà của nhân dân đã bị tốc mái, những cột sóng biển cao từ 6-10m liên tục dội vào bờ. Ở các tỉnh Nam Trung bộ đã có mưa vừa đến mưa to từ chiều qua. Báo cáo từ Trung tâm PCLB miền Trung- Tây Nguyên cho hay, các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Quảng Nam trong hôm nay phải sơ tán 38.381 hộ dân với 155.544 người.

Trong sáng qua 14/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp dẫn đầu đoàn công tác vào Quảng Nam - Quảng Ngãi chỉ đạo phương án phòng chống bão. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng BCĐ PCLB Trung ương Cao Đức Phát cũng đã có mặt ở Thừa Thiên Huế để kiểm tra tình hình.

Thừa Thiên Huế di dân khẩn cấp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có cuộc họp khẩn với địa phương đề nghị di dân khẩn cấp trong ngày 14/10. Do lực lượng của địa phương không đủ, Bộ trưởng đã yêu cầu Quân khu 4 chi viện lực lượng, phương tiện cho Thừa Thiên-Huế và vùng phía nam Quảng Trị. Đến 19h cùng ngày, Thừa Thiên Huế đã di dời gần 3500 hộ dân với hơn 11.000 khẩu. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới tiến hành xả nước để đón lũ mới bởi mực nước tại các hồ đã đầy.

Theo báo cáo của lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hương Điền, công tác xả lũ ở đây được bắt đầu từ 15h ngày 13/10 với lưu lượng khoảng 200m3/s. Nhưng, vào 9h sáng 14/10, (tại thời điểm lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra), mực nước của công trình hồ chứa thủy điện Hương Điền là 57,90m/58m. Điều đó cho thấy, Nhà máy đang tích nước, không chấp hành đúng theo quy chế phối hợp và chỉ đạo của tỉnh trong điều tiết xả lũ phòng chống bão lụt. Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao yêu cầu trước 24h ngày 14/10, Nhà máy phải xả lũ theo quy trình: 9h, xả 500m3/s, tăng dần lưu lượng xả 200m3/s một lần, để đạt 1.000m3/s, vào khoảng 13h ngày 15/10.  Trong quá trình xả lũ, đơn vị phải thường xuyên báo cáo với BCH PCLB tỉnh để theo dõi, có sự chỉ đạo điều tiết, xả lũ hợp lý nhằm tránh mực nước ở hạ du tăng đột biến.

Huyện miền núi A Lưới có 808 hộ, 3.451 khẩu nằm ở vùng trũng, gần sông suối có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đã được di dời đến nơi an toàn. Huyện đã tích cực chuẩn bị phương tiện, thiết bị ứng cứu phân bổ về các xã như: áo phao, phao cứu sinh, bao tải, rọ đá, cuốc xẻng, nhà bạt; đồng thời, huy động 50 xe con, xe tải, máy ủi phục vụ công tác phòng chống, ứng phó bão, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại và sẵn sàng đối phó nếu sạt lở tắc đường 49 tuyến Huế - A Lưới.

Chiều 14/10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã có mặt ở Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy đối phó với bão số 11.

Người dân Đà Nẵng chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ

Ưu tiên hàng đầu là chống bão

Sáng 14/10, TP Đà Nẵng đã phát đi thông báo cho học sinh nghỉ học từ chiều 14/10 và cả ngày hôm nay 15/10. UBND TP Đà Nẵng cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả các sở, cơ quan ban ngành, đoàn thể tạm dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo đối phó, khắc phục hậu quả bão số 11. Công tác sơ tán dân, chằng chống nhà cửa cũng đã được hoàn tất trước 12h trưa ngày 14/10. Tại TP Đà Nẵng, hơn 60.000 dân ở quận Liên Chiểu đã được sơ tán đến nơi an toàn.

Do ảnh hưởng của bão số 11, chiều 14/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị đình hoãn các cuộc họp để tập trung cao cho công tác phòng chống bão, lũ. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra về các xã ven biển trên địa bàn yêu cầu các địa phương kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú bão, hướng dẫn người dân neo, chằng chống nhà và lên phương án di dời các hộ ở các vùng xung yếu. UBND các huyện, thành phố, cơ quan và các đơn vị trên địa bàn tỉnh bảo đảm quân số, phương tiện trực 24/24h theo phương châm “4 tại chỗ” để theo dõi diễn biến cơn bão và chủ động, sẵn sàng đối phó và khắc phục hậu quả bão số 11. Công tác chỉ đạo dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cho nhân dân ở các vùng có nguy cơ bị chia cắt, vùng ngập sâu và các vùng dân cư khác đảm bảo đủ sử dụng trong thời gian tối thiểu 7 ngày, đề phòng bị chia cắt lâu dài.…

Anninhthudo.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Bão trên biển Đông , Cơn bão , Thiên tai , Siêu bão , Miền Trung , Thiệt hại , Khí tượng thủy văn