Bão 315 km/giờ sắp vào Việt Nam
Thứ sáu, 08/11/2013 22:06

Siêu bão Haiyan có khả năng hủy diệt khủng khiếp với sức gió khoảng 315 km/giờ, giật 379 km/giờ; dự kiến sẽ đổ bộ vào nước ta sáng 10/11.

Đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử từng vào biển Đông và có thể là mạnh nhất từng vào bờ biển Việt Nam

Đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử từng vào biển Đông và có thể là mạnh nhất từng vào bờ biển Việt Nam

Chiều 8/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến bàn biện pháp đối phó với siêu bão Haiyan.

Đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp

Báo cáo về siêu bão Haiyan, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ông Bùi Minh Tăng, cho biết đến chiều 8/11, bão ở khu vực miền Trung Philippines, mạnh cấp 16-17, giật cấp 17. Khi vào biển Đông, bão vẫn ở cấp rất cao, tốc độ di chuyển 30 km/giờ. Đây là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử từng vào biển Đông và có thể là mạnh nhất từng vào bờ biển Việt Nam, sánh ngang với những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nhân loại như Andrew hay Katrina - từng tàn phá kinh hoàng tại nước Mỹ.

Việt Nam cũng chưa bao giờ có cơn bão nào mạnh hơn cấp 13 đổ bộ. Cơ quan Khí tượng Mỹ nhận định siêu bão Haiyan đạt cấp độ 5 (cấp độ lớn nhất) theo thang báo của Mỹ, trong khi Việt Nam chưa trải nghiệm và chưa có kinh nghiệm đối phó với cơn bão nào có sức hủy diệt ở cấp độ 5.

Theo ông Bùi Minh Tăng, trước khi bão Haiyan đổ bộ vào nước ta, từ trưa và chiều 9/11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có gió mạnh cấp 10, sau tăng lên cấp 12, 14; vùng gần tâm bão đi qua giật cấp 16, 17; giật trên cấp 17; biển động dữ dội.

Dự kiến các tỉnh, thành có cấp gió mạnh từ cấp 12-14, thậm chí có thể giật đầu cấp từ 15-17 gồm: Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình. Đặc biệt, tại các đảo ven bờ, ngoài khơi như Lý Sơn, Cồn Cỏ, Hòn Ngư, có thể sóng sẽ đánh rất sâu vào bờ. “Các nhà ven bờ và sâu trong bờ sẽ không thể chịu nổi” - ông Tăng cho biết.

Ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chằng néo tàu thuyền tránh bão

Lượng mưa ở các tỉnh Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên, Bắc Bộ từ 200 mm, một số nơi lượng mưa đạt từ 500-600 mm. Khu vực ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi đề phòng nước biển dâng kết hợp với triều cường cao từ 4-6 m, sóng biển từ 5-8 m, vùng gần tâm bão sóng có thể cao gần 10 m. “Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra ở nước ta. Trong trường hợp này, cần phải xem xét công bố tình trạng khẩn cấp” - ông Tăng đề xuất.

Trước tình hình này, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương sẽ tăng cấp dự báo 1 giờ/lần từ chiều 9-11 để kịp thời cung cấp thông tin. Theo dự báo, bão có thể cập bờ từ 4 đến 10h ngày 10/11.

Dừng toàn bộ hội họp

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương (ban chỉ đạo), lo lắng: Tàu cá di chuyển với tốc độ 10 km/giờ nhưng bão Haiyan di chuyển tới 30 km/giờ. Các địa phương phải nắm chắc liên lạc với từng tàu trên biển, không nắm được thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. “Giật 17 là hết sức khủng khiếp. Các cột điện, cột phát sóng phát thanh truyền hình, cột phát sóng di động có nguy cơ sụp đổ rất cao nên phải sơ tán dân triệt để trước 19h ngày 9/11 đối với toàn bộ trẻ em, phụ nữ, người già; đến nửa đêm 9/11, toàn bộ dân phải sơ tán” - Bộ trưởng Phát quả quyết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận: Sức tàn phá của bão Haiyan rất nặng nề, do vậy phòng tránh bão là nhiệm vụ số một của cả hệ thống chính trị. Quan trọng nhất là tính mạng của người dân và trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với dân là vào lúc này. Các tỉnh, thành phải bám sát chỉ đạo trung ương để chỉ đạo, thực hiện biện pháp phòng, chống bão, đồng thời dừng toàn bộ các cuộc hội họp, hoạt động không quan trọng khác từ Thanh Hóa đến Cà Mau để dồn sức phòng chống bão.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát vào miền Trung phân công lập Ban Chỉ huy tiền phương.

4 người mất tích vì mưa lũ

Báo cáo của Cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết tính đến 11h ngày 8/11, biên phòng các tỉnh, thành tuyến biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đã phối hợp với gia đình chủ tàu, thuyền thông báo, hướng dẫn cho 85.249 phương tiện/385.392 người biết hướng đi của siêu bão Haiyan để chủ động di chuyển phòng tránh.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 8/11 đã lập phương án di dời 29.507 hộ dân với trên 113.000 nhân khẩu, trong đó phải sơ tán khẩn cấp 11.274 hộ với trên 50.000 nhân khẩu ở ven biển trước 13h ngày 9/11. Các hộ dân này tập trung ở các huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc. Tỉnh đang chỉ đạo các hồ thủy điện xả nước để có dung tích phòng lũ trước khi bão vào.

TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch di dời 20.000 hộ dân. Tất cả các lực lượng cùng vào cuộc chống bão, có sự tham gia của Quân khu 5. Chiều 8/11, ngư dân dọc theo biển Đà Nẵng bắt đầu đưa tàu thuyền lên bờ; các phường, xã cho xe chạy trên đường phố thông báo cho người dân chằng chống nhà cửa để giảm thiểu thiệt hại.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Phước Thanh, cho biết Quảng Nam có mưa rất lớn, nhiều nơi trên 20 mm. Cả tỉnh có 73 hồ chứa nước, trong đó 46 hồ đã đầy nước, 27 hồ lên 80% dung tích, qua kiểm tra cơ bản bảo đảm. Theo ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An, đến chiều 8/11, đã thực hiện việc sơ tán, di dời đối với các hộ dân tại xã đảo Tam Hiệp (Cù Lao Chàm) và những hộ dân ở vùng ven biển như Cẩm An, Cửa Đại.

Mưa lớn 2 ngày qua đã khiến nhiều huyện trong 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên ngập nặng. Dự kiến tỉnh Phú Yên sẽ có khoảng 30.000 hộ dân phải di dời để tránh bão.

Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên, tính đến ngày 8/11, đã có 15 hồ thủy điện xả tràn, trong đó có 8 hồ xả tràn với lưu lượng từ 500-4.400 m3/giây. Đến sáng 8-11, đã có 4 người mất tích (trong đó Quảng Ngãi 2 người, Thừa Thiên - Huế 1, Quảng Trị 1) và 1 người chết ở Phú Yên do mưa, lũ và xả hồ chứa nước.

Mẹ và con thiệt mạng trong lũ

Chiều 8/11, chị Trần Thị Diễn (35 tuổi, ngụ xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cùng chồng là anh Nguyễn Cường chèo ghe chở theo con gái 11 tuổi (học lớp 6 TrườngTHCS Hương Toàn) và một người cháu vượt cánh đồng thôn Giáp Đông để đi bán bún. Khi ra giữa đồng, chiếc ghe bị lật. Mặc dù nỗ lực cứu vợ con nhưng do nước sâu nên anh Cường và người cháu bơi được vào bờ còn chị Diễm và đứa con gái bị nước cuốn trôi.

 

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: Bão , Miền Trung , Mưa lớn , Mưa bão , Không khí lạnh , Trời nắng , Bão số 12 , Nghỉ học , Phụ huynh , Bão số 13 , Siêu bão , Bão Hải Yến