Ăn bớt vắc xin: Cơ quan chức năng nói gì?
Thứ năm, 09/05/2013 19:37

Chiều ngày 9/5, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội nhân viên tiêm Bùi Thị Phương Hoa giải trình việc "ăn gian vắc xin".

 Ông Nguyễn Việt Cường (áo kẻ) và ông Nguyễn Nhật Cảm

Ông Nguyễn Việt Cường (áo kẻ) và ông Nguyễn Nhật Cảm

Xin ông cho biết về sự việc bị cho là "ăn gian vắc xin" tiêm cho trẻ xảy ra tại Trung tâm Y tế dự phòng?

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội: Đúng là có sự việc nhân viên tiêm chủng không tiêm đủ lượng vắc xin cho trẻ xảy ra tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ở cơ sở 70 Nguyễn Chí Thanh. Sự việc này xảy ra vào ngày 19.4. Ngay hôm đó, khi nhận được điện thoại, tôi và anh Cảm giám đốc Trung tâm đã tới lập biên bản làm việc.

Tại sao cán bộ tiêm chủng lại ăn bớt vắc xin, mục đích ăn bớt vắc xin là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Cường: Theo báo cáo gửi lãnh đạo, cán bộ tiêm chủng Bùi Thị Phương Hoa giải trình hôm đó chị bị mệt, sức khỏe không tốt nên dẫn tới sai sót trong tiêm chủng.

Vậy chị Hoa bị bệnh gì thưa ông và tại sao Trung tâm lại bố trí cán bộ đang bị bệnh tiêm cho trẻ vì việc này có thể khiến trẻ lây bệnh?

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội: Đó là lý do nhân viên giải trình sai sót gửi lên chúng tôi.  Mỗi năm Trung tâm đều tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên và chị Bùi Thị Phương Hoa không mắc bệnh trầm trọng, bệnh lây lan và hoàn toàn có đủ sức khỏe để làm việc. Sau khi sự việc xảy ra chị Hoa mới giải trình hôm đó chị bị mệt nên dẫn tới sai sót trong tiêm chủng, nếu nhân viên này báo cáo sự việc lên lãnh đạo trước thì chúng tôi đã bố trí người khác làm thay.

Theo phản ánh của anh Lam, bố cháu Dương Kiều Phong phụ huynh này còn phát hiện có 2 lọ vắc xin khác đủ trong hộp catton cùng với lọ vắc xin tiêm cho con anh. Vậy xin ông cho biết, 2 loại vắc xin đó là vắc xin gì và có còn vắc xin hay không?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Ngay tại thời điểm đó chúng tôi kiểm tra thì ngoài lọ vắc xin 5 trong 1 Pentaxim là lọ vắc dại và uốn ván. Tuy nhiên, 2 lọ vắc xin dại và uốn ván không còn vắc xin dư trong lọ.

Việc cháu bé Dương Kiều Phong tiêm chưa được 1 nửa liều lượng vắc xin theo tiêu chuẩn (bé chỉ được tiêm 0,2ml trong khi liều vắc xin là 0,5ml) ảnh hưởng như thế nào đến khả năng miễn dịch cũng như sức khỏe của bé?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Về nguyên tắc việc còn lại vắc xin, không tiêm hết cho trẻ dù ít hay nhiều cũng đều ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng miễn dịch của trẻ. Để phòng bệnh hiệu quả bắt buộc phải tiêm vắc xin đủ liều, đủ lượng.

Vậy trong trường hợp của bé Phong, Trung tâm Y tế dự phòng có hướng giải quyết thế nào để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho bé?

Chúng tôi đã hẹn gia đình cháu bé, một tháng sau ngày tiêm chúng tôi sẽ có trách nhiệm đưa bé đi tiến hành định lượng kháng thể để có kết luận chính thức. Hiện chúng tôi đang liên hệ để tìm nơi tiến hành xét nghiệm định lượng kháng thể cho cháu bé.

Cách đây hơn 1 năm đã từng rộ lên thông tin sự việc tương tự cán bộ tiêm chủng ăn bớt vắc xin khi tiêm cho trẻ xảy ra tại Trung tâm mình. Vậy xin ông cho biết liệu sai sót lần này có phải mang tính hệ thống và từ trước đến nay mình đã phát hiện ra sai phạm này chưa?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Đúng là trước kia đã có thông tin cán bộ tiêm chủng ăn gian vắc xin. Nhưng tôi khẳng định trước đó là tin đồn, bởi ngay khi có thông tin chúng tôi đã tiến hành rà soát lại hoạt động tiêm chủng và kiểm tra, giám sát nhưng không phát hiện ra sai phạm. Trường hợp của bé Dương Kiều Phong là sai phạm lần đầu được phát hiện tại Trung tâm.

Vỏ vắc xin 5 trong 1 Pentaxim cháu Phong bị nhân văn ăn bớt vắc xin (Ảnh Mai Hương)

Sự việc xảy ra cách đây đã 20 ngày nhưng đến hôm nay Trung tâm mới có việc làm việc để thông tin công khai đến người dân. Như thế liệu có phải là chúng ta đã phản ứng quá chậm?

Ông Nguyễn Việt Cường: Ngay khi sự việc xảy ra chúng tôi những người chịu trách nhiệm cao nhất là giám đốc trung tâm, chánh thanh tra sở và cán bộ phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của trung tâm – đơn vị phụ trách vấn đề tiêm chủng đã có mặt, lập biên bản và làm việc. Từ đó đến nay chúng tôi đã họp và rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng. Hiện tại, Trung tâm cũng đã quyết định thành lập bộ phận tiếp nhận thông tin từ phía khách hàng, sáng mai Trung tâm sẽ công bố số điện thoại đường dân nóng đến người dân.

Giả sử số vắc xin bị ăn bớt này được quay vòng sử dụng, tiêm lại cho trẻ khác thì có gây hậu quả gì thưa ông?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Vắc xin tiêm cho trẻ được bảo quản theo dây truyền lạnh ở nhiệt độ 2-80C, việc tiêm cho vắc xin đã mở cho trẻ là không được. Do chưa xảy ra trường hợp này nên tôi không thể đánh giá được chính xác mức độ tác hại là thế nào. Tuy nhiên, với quy trình tiêm chủng như hiện nay tôi khẳng định việc tái sử dụng vắc xin thừa cho trẻ khác là rất khó xảy ra.

Chị Bùi Thị Phương Hoa đã có bao nhiêu năm công tác trong lĩnh tiêm chủng? Trung tâm có hướng xử lý thế nào với sai phạm của nhân viên này?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Chị Hoa trước làm ở Trung tâm Y tế dự phòng ở Hà Tây cũ. Từ tháng 10/2008, sau khi Hà Tây sát nhập với Hà Nội, chị Hoa chuyển về làm tiêm chủng cho trẻ tại cơ sở 70 Nguyễn Chí Thanh. Ngay khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã yêu cầu cán bộ tiêm là chị Bùi Thị Phương Hoa làm bản tường trình lại sự việc. Trước mắt, chị Hoa đã được cho nghỉ ở nhà làm bản tường trình. Trung tâm đã họp và đề xuất hình thức kỷ luật. Trong tuần tới, chúng tôi sẽ họp và đưa ra hình thức kỷ luật cuối cùng đối với sai phạm này.

Xin cho biết, hiện mỗi ngày Trung tâm Y tế dự phòng tiếp nhận khoảng bao nhiêu trẻ đến tiêm?

Ông Nguyễn Nhật Cảm: Mỗi ngày Trung tâm Y tế dự phòng tiếp nhận khoảng 100-200 cháu đến tiêm chủng tại cơ sở 70 Nguyễn Chí Thanh.

Xin cảm ơn hai ông!

Khampha.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Vắc xin , Ăn bớt vắc xin , Quinvaxem , Sức khỏe của trẻ , Thuốc , Phòng bệnh