Trong năm 2011, cũng như phần lớn các nước trên thế giới, Việt Nam đã gặp phải không ít thách thức nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực. Nhưng có lẽ không có việc nào đau lòng bằng thực trạng có những người tốt nghiệp đại học phải đi bán vé số.
|
Trước hết và có lẽ gốc rễ của sự bất cập trong giáo dục hiện nay là lối tư duy quá chú trọng đến từ chương khoa cử, đã hằn sâu vào đầu óc của người Việt Nam từ bao đời nay. Ban đầu, nền giáo dục này có mục đích đào tạo nhân tài phục vụ đất nước. Dần dà về sau, hệ thống giáo dục quan lại này đã biến thái và trở thành một nền giáo dục từ chương khoa cử, yếu kém về chất lượng, không đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Ba yếu tố tạo nên sức mạnh của một nền giáo dục tiên tiến mà hiện nay chúng ta đang thấy còn mờ nhạt, nếu không nói là thiếu vắng là: (1) Một triết lý giáo dục để giúp định hướng sự nghiệp giáo dục đào tạo của dân tộc; (2) Một bộ quy tắc ứng xử trong học đường để thầy và trò biết rõ các trách nhiệm cốt lõi của mình (từ xưa đến nay những công thức giáo huấn “tôn sư trọng đạo” đã làm thui chột không biết bao nhiêu thế hệ thanh niên, gần đây mới có một sự chuyển hướng tích cực rằng xem người dạy học vừa là một người thầy, vừa là một người bạn); (3) Các phương pháp dạy và học thích hợp với hoàn cảnh của từng trường, từng địa phương, nhằm khuyến khích sự chủ động trong học tập và tính sáng tạo ở mỗi học sinh.
Chất lượng giáo dục là điều kiện tiên quyết để có một nền giáo dục vững mạnh. Giáo dục đào tạo trong phần lớn các trường đại học (ĐH) tại Việt Nam hiện nay là thiếu chất lượng. Để có một nền giáo dục có thể sản xuất ra được một nền kinh tế tri thức, phải gấp rút thành lập cho được một tổ chức hoạch định các chính sách kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Tại cấp quốc gia, tổ chức này phải được lãnh đạo và quản lý bởi một hội đồng kiểm định chất lượng quốc gia (Mỹ có 6 vùng giáo dục và có 6 cơ quan kiểm định chất lượng khác nhau).
Tại mỗi trường ĐH phải có ban kiểm định chất lượng riêng, hợp tác chặt chẽ với hội đồng kiểm định chất lượng quốc gia. Khác với Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ GDĐT hay Tổng cục Dạy nghề, hội đồng kiểm định chất lượng phải là một tổ chức độc lập, không nằm trong các bộ, không sáp nhập với Cục Khảo thí vì chức năng của khảo thí và chức năng của kiểm định chất lượng khác nhau.
Với Quyết định số 911/QĐ-TTg của Chính phủ, đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ” có mục tiêu rất tốt. Trong thời gian ngắn 10 năm, để đào tạo được vài chục nghìn tiến sĩ là một thách thức rất lớn. Chúng tôi nghĩ Bộ GDĐT cần thành lập một bộ máy thường trực để đặc biệt theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá chất lượng của từng khâu trong đề án, đặc biệt là các trường đào tạo tiến sĩ ở trong nước.
Về số lượng và tài trợ các trường ĐH và CĐ, hiện nay Việt Nam có khoảng trên 400 trường ĐH, CĐ, cả công lập và ngoài công lập với khoảng 2 triệu sinh viên. Với dân số gần 90 triệu người, số trường và số sinh viên trên không nhiều. Hiện nay, Nhà nước chỉ chú trọng đến khu vực công. Kết quả, phần lớn các trường ĐH ngoài công lập thiếu chất lượng, tổ chức và quản lý yếu kém. Việt Nam phải tìm mọi nguồn lực, ít nhất là tương đương với 2% GDP để giúp củng cố và tái cấu trúc hệ thống các trường ĐH (công lập và ngoài công lập) và hằng năm tài trợ cho các trường dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ GDĐT phân phối.
Làm thế nào để sau khi học xong lớp 12 và vừa tốt nghiệp THPT là học sinh có thể biết được là mình có thể vào học tại trường Đại học, Cao Đẳng nào (không phải dựa vào kỳ thi Đại học như hiện nay).
Tương đương văn bằng là lỗ hổng trong học đường Việt Nam. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, trong đó ở Australia có tổ chức Tương đương văn bằng (NOOSR) đã chính thức công nhận một số chương trình ĐH thuộc hệ chính quy của một số trường ĐH Việt Nam. Sự công nhận này giúp du học sinh Việt Nam có thể học các chương trình tương đương tại Australia và giúp họ có cơ sở để đánh giá kỹ năng của những người muốn nhập cư vào Australia. Được công nhận tương đương là một thuận lợi rất lớn. Tuy nhiên, lúc cọ xát thực tế mới để lộ lỗ trống yếu kém trong giáo dục của nước nhà. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH ở Việt Nam, khi vào học chương trình thạc sĩ trong các trường ĐH
trung bình không theo nổi vì tốc độ đọc sách chậm, trong khi số lượng sách và tài liệu phải đọc quá lớn.
Việt Nam hằng năm có khoảng 10.000 học sinh tốt nghiệp THPT có năng lực học tập xuất sắc và giỏi. Vì vậy, hỗ trợ việc xây dựng mới một vài trường ĐH chất lượng cao là một trách nhiệm quan trọng của xã hội nếu chúng ta thực sự muốn có một nền giáo dục ĐH hướng đến việc hình thành một nền kinh tế dựa trên tri thức. Chúng ta không nhất thiết phải chủ trương xây dựng một vài trường ĐH thuộc đẳng cấp quốc tế, nhưng nếu có một vài trường ĐH có sinh viên tốt nghiệp đáp ứng được mục tiêu và kỳ vọng của xã hội thì các trường đó chính là các trường ĐH có đẳng cấp quốc tế. Trường ĐH chất lượng cao là một trường chú trọng đến nghiên cứu - đào tạo và ngay từ đầu có cả bậc ĐH và trên ĐH. Ngôn ngữ dạy và học là tiếng Anh. Giáo viên được tuyển chọn quốc tế không phân biệt người trong nước hay người nước ngoài, kể cả các chuyên gia trí thức Việt kiều. Các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo phải dựa trên nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, từ khoa học công nghệ, kinh tế tài chính đến khoa học xã hội và nhân văn.
Sau cùng, công cuộc cải tổ hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ không thể hoàn tất nếu chúng ta không cải tổ chương trình giáo dục THPT (cấp ba). Mục tiêu là làm thế nào để sau khi học xong lớp 12 và vừa tốt nghiệp THPT là học sinh có thể biết được mình có thể vào học tại trường ĐH, CĐ nào (không phải dựa vào kỳ thi ĐH như hiện nay). Việt Nam có thể rút kinh nghiệm cải tổ giáo dục cấp 3 của một số nước phát triển, đặc biệt là chương trình lớp 11 và 12 và chứng chỉ tốt nghiệp VCE tại bang Victoria (kết quả vào các ĐH, CĐ dựa trên cả hai lớp 11 và 12 và trong kỳ thi VCE) hoặc chương trình lớp 12 và chứng chỉ tốt nghiệp HSC tại bang New South Wales của Australia.
Ngoài chương trình và chứng chỉ tốt nghiệp THPT, chương trình giáo dục bậc tiểu học và trung học của Việt Nam còn yếu kém một số mặt, thể hiện rất rõ khi sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài, như: Một là cạnh tranh quá lớn trong học đường, giờ học với giáo viên quá nhiều, chưa chủ động trong học tập; hai là thiếu sáng kiến, tầm nhìn chưa vượt ra khỏi ngưỡng cửa gia đình hay rộng hơn là biên giới quốc gia, và chưa được khuyến khích hay có tư vấn chuyên nghiệp để hình thành dần một hướng nghề nghiệp cho tương lai lúc bắt đầu vào học bậc ĐH; ba là học sinh chưa được khuyến khích đọc sách, truyện nhiều và học cách đọc nhanh, tóm lược nội dung sách; bốn là kiến thức tổng quát, đặc biệt là về thế giới còn rất hạn chế so với các em cùng tuổi học trong các nước phát triển.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?