Xung quanh đề án đăng cai Asiad 2019: “Điệp vụ bất khả thi”

Có thể thấy, đề án xin đăng cai Asiad 2019 không hề thiếu nghiêm túc và cũng chẳng kém khả thi. Bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là đang phát triển, đều rất muốn đăng cai một sự kiện thể thao lớn nhất châu lục như vậy.

Đó là cơ hội để nâng cao vị thế quốc gia, kích thích tăng trưởng kinh tế và phát triển nền thể thao nội địa. Thế nhưng,...

Từ SEA Games 2017 đến Asiad 2019

Một sự kiện thể thao tầm cỡ như Asiad khác biệt so với bất kỳ sự kiện văn hóa – thể thao nào khác. Trong hơn 60 năm lịch sử, chỉ mới có 9 quốc gia châu Á đăng cai. Cả vùng Tây Á giàu có cũng chỉ mới 2 lần được trao quyền (Tehran 1974, Qatar 2006). Và cũng vì tính chất đặc biệt quan trọng của sự kiện mà việc xin đăng cai Asiad 2019 lại cần phải được xây dựng trên cơ sở chiến lược hẳn hoi. Những vấn đề liên quan đến công tác tổ chức để tạo được thành công về kinh tế - xã hội chắc chắn sẽ được Chính phủ cân nhắc. Tuy nhiên, chỉ xét trên lĩnh vực thể thao, có quá nhiều điều đáng bàn.

Cách đây không lâu, cũng đã có đề xuất về việc TP. HCM đăng cai SEA Games 2017, đã nhận được sự ủng hộ lớn nhưng lại không thấy triển khai để rồi bây giờ, lại là việc đăng cai Asiad 2019. Chỉ riêng chuyện này thôi đã thấy ngành thể thao chưa hề có kế hoạch rõ ràng trong việc tổ chức một sự kiện tầm châu lục.

Đề án đăng cai Asiad 2019 bất khả thi ngay từ trong trứng nước.

Trong lịch sử Asiad, Thái Lan đã 3 lần đăng cai tổ chức vào các năm 1966, 1970 và 1998, đều là thời điểm phát triển kinh tế tốt nhất của quốc gia này. Cũng trong khoảng thời gian đó, thủ đô Bangkok cũng xen kẽ tổ chức đến 4 kỳ SEA Games. Không khó để thấy, Thái Lan tận dụng tốt thế nào về tính thời điểm cũng như việc khai thác hiệu quả cơ sở vật chất. Ở mức độ cao hơn, Nhật Bản đăng cai Asiad năm 1958 để 6 năm sau tổ chức Olympic đầu tiên tại châu Á (1964). Hàn Quốc tổ chức Asiad 1986 và Olympic 1988, Trung Quốc tổ chức Asiad 1998, 2010 và Olympic 2008.

Đâu chỉ vì tiền?

Với Việt Nam, Asiad chắc chắn là một sự kiện thể thao khổng lồ mà chúng ta phải có một chiến lược mang tầm quốc gia. Vậy mà gần 10 năm sau SEA Games 2003, chưa thấy các nhà quản lý thể thao nói gì đến kỳ SEA Games lần thứ 2 mà đã nghĩ ngay đến Asiad lần thứ 1 trong khi thông thường, chừng 10 năm là phải tính đến chuyện đăng cai SEA Games tiếp theo để tận dụng tốt cơ sở vật chất cũ.

Điều đáng ngạc nhiên nữa là những người xây dựng đề án lại đưa con số 150 triệu USD như thể chứng minh tính khả thi của đề án. Đây là chi tiết gây… cười bởi tính phi thực tế của nó. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu xem Asiad là một chiến lược hẳn hoi thì số tiền bỏ ra gấp 10 hay thậm chí 100 lần con số 150 triệu USD vẫn có thể chấp nhận được bởi những gì mà Asiad đem lại có thể là vô giá trong thời điểm nào đó.

Cuối cùng, dù mang bao nhiêu mục đích đi nữa thì với một sự kiện thể thao, thành tích thi đấu của nước chủ nhà vẫn là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá. Và một lần nữa, đề án đăng cai Asiad 2019 bất khả thi ngay từ trong trứng nước. Từ thành công SEA Games 2003 đến nay đã không có sự nhảy vọt nào của thể thao chuyên nghiệp tại Việt Nam, thay vào đó đây lại đang là thời điểm kết thúc chu kỳ thành công ấy.

Hiện nay, tất cả các môn thể thao tại Việt Nam hầu như chỉ tổ chức được các giải vô địch quốc gia chứ không còn đủ khả năng duy trì và phát triển hệ thống giải đấu mang tính chuyên nghiệp. Con người không có, năng lực tổ chức đang thụt lùi, lấy cơ sở nào để nói chúng ta đủ năng lực tổ chức Asiad 2019.