Di dời hàng ngàn hộ dân ven biển miền Trung tránh bão số 4
Thứ năm, 19/09/2024 17:41

Hàng ngàn hộ dân sống ven biển tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam được di dời đến nơi an toàn trước khi cơn bão số 4 đổ bộ.

Địa bàn biên giới ở Quảng Bình bị chia cắt do lũ ngập

Từ đêm 18/9 đến trưa 19/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình mưa to đến rất to trên diện rộng do ảnh hưởng của bão số 4. Một số tuyến đường ở địa bàn vùng biên giới của huyện Minh Hóa bị ngập sâu do nước sông, suối dâng cao và nhiều bản làng bị chia cắt.

Lực lượng Đồn Biên phòng Ra Mai vận động hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn.

Lực lượng Đồn Biên phòng Ra Mai vận động hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở
 của xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, di chuyển đến nơi trú ẩn an toàn.

Cụ thể, tại ngầm tràn vào bản K Ai (xã Dân Hóa); các ngầm tràn Cu Pi, Tà Cổ (xã Trọng Hoá); cầu Cây Bươu, ngầm cầu tràn bản Lương Năng (xã Hóa Sơn) của huyện Minh Hóa bị ngập sâu 0,5 - 1m. Người và phương tiện ở tại các bản làng thuộc địa bàn không thể qua lại vì nước dâng, chảy xiết và đang tạm thời bị chia cắt.

Lực lượng chức năng chốt chặn khu vực ngập sâu ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, để ngăn người dân qua lại.

Lực lượng chức năng chốt chặn khu vực ngập sâu ở xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa,
để ngăn người dân qua lại.

Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình, do chuẩn bị phương án ứng phó với mưa bão từ trước nên các đồn Biên phòng đã kịp thời phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, lập chốt chặn tạm thời và tuyên truyền người dân không qua lại, tránh gây thiệt hại về người và của.

Ngay trong đêm 18/9, Đồn Biên phòng Cà Xèng, Đồn Biên phòng Ra Mai (đóng trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa) đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tổ chức di dời 105 hộ với 506 nhân khẩu.

Một đường vào các bản làng ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa bị lũ ngập, chia cắt.

Một đường vào các bản làng ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa bị lũ ngập, chia cắt.

Đây là những cộng đồng người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa và nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập lũ cao.

Hiện bà con đã di dời đến nơi trú ẩn an toàn là các nhà văn hóa cộng đồng và những nhà người dân kiên cố.

Các địa bàn khác trong tỉnh cũng đã sơ tán thêm 238 hộ với 918 nhân khẩu.

Toàn bộ các tàu thuyền và người lao động ngư nghiệp của tỉnh Quảng Bình đã vào bờ neo đậu ổn định để trú tránh bão số 4.

Việc chốt chặn tại các cung đường bị lũ ngập được triển khai từ đêm 18/9.

Việc chốt chặn tại các cung đường bị lũ ngập được triển khai từ đêm 18/9.

Lực lượng BĐBP tỉnh này đang duy trì 42 tổ với 120 cán bộ chiến sĩ bám nắm tình hình các địa bàn xung yếu. Một lực lượng khác gồm 220 cán bộ chiến sĩ, bao gồm: 2 tàu biển với 16 cán bộ trực chiến, Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động 30 cán bộ chiến sĩ, 12 tiểu đội cơ động thuộc các đồn Biên phòng, 8 ca nô và đầy đủ trang bị để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT và TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, từ trưa 19/9, các huyện: Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, thị xã Ba Đồn, TP Đồng Hới gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9 - 10. Trên vùng biển, sóng cao 2 - 4m, vùng gần tâm bão 3 - 5m, biển động mạnh.

Lực lượng Đồn Biên phòng Lý Hòa giúp ngư dân đẩy thuyền vào sâu trong bờ tránh bão.

Lực lượng Đồn Biên phòng Lý Hòa giúp ngư dân đẩy thuyền vào sâu trong bờ tránh bão.

Mực nước tại các trạm thủy văn đang ở dưới mức báo động I. Dự báo, 24 giờ tới, trên các sông có sẽ xuất hiện 1 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông dao động ở mức BĐ1 đến BĐ2 có sông trên BĐ2.

Từ hôm nay (19/9) đến đêm 20/9 sẽ có đợt mưa lớn, có nơi mưa rất lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng lượng mưa được dự báo ở: các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa dao động từ 130 - 280mm, có nơi trên 380mm; huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Bố Trạch và TP Đồng Hới từ 140 - 290mm, có nơi trên 390mm; huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy từ 150 - 300mm, có nơi trên 400mm.

Mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá; vùng núi các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thuỷ. Ngập úng tại các vùng trũng thấp, ven sông, các khu đô thị và cảnh báo người dân phải hết sức cẩn thận để ứng phó với thiên tai bất ngờ có thể xảy ra.

Lực lượng Đồn Biên phòng Lý Hòa giúp ngư dân đẩy thuyền vào sâu trong bờ tránh bão.

Lực lượng Đồn Biên phòng Lý Hòa giúp ngư dân đẩy thuyền vào sâu trong bờ tránh bão.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Bình, mưa lớn kèm theo gió mạnh đã bắt đầu xuất hiện từ sáng 19/9, kéo dài đến trưa cùng ngày. Nước các sông, hồ chứa đang dâng lên và chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Dẫu vậy, việc ứng phó với bão số 4 được chính quyền, nhân dân tỉnh này được chuẩn bị và triển khai thực hiện khá sớm nên bà con nhân dân đang chủ động trước mưa bão. Chính quyền địa phương các cấp ở tỉnh này vẫn đang kiểm soát tình hình và vẫn đang trong trạng thái sẵn sàng với các diễn biến của mưa bão.

Cũng trong sáng 19/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã gửi công điện hỏa tốc gửi giám đốc, thủ trưởng các sở, ban ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố yêu cầu triển khai quyết liệt công tác ứng phó với phương châm “4 tại chỗ” tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với bão số 4.

Quảng Trị: Mưa lớn gây ngập và chia cắt nhiều điểm

Trưa 19/9, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo nhanh về tình hình triển khai công tác ứng phó với bão số 4 và mưa lớn trên địa bàn.

Theo đó, lúc 10h cùng ngày, tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; tại Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) có gió giật cấp 8.

Lượng mưa trên địa bàn tỉnh từ 19h ngày 18/9 đến 11h ngày 19/9 phổ biến từ 80-140mm, có nơi cao hơn như: La Tó 223mm, Tà Long 195,8mm, Ba Nang 152,8mm,…

Hiện nay, mực nước ở thượng lưu các sông ở Quảng Trị đang lên chậm, hạ lưu các sông ảnh hưởng thủy triều còn ở mức thấp dưới báo động 1.

Cụ thể, tại cầu tràn A Ngo – A Bung thuộc tuyến Quốc lộ 15D, ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo, tràn Ly Tôn (xã Tà Long), ngầm tràn thôn Làng Cát (xã Đakrông) nước ngập từ 0,3 -0,5m gây chia cắt nhiều điểm dân cư.

Tại huyện Hướng Hóa, tràn thôn Coóc (xã Hướng Linh); tràn thôn Loa, thôn Trùm (xã Ba Tầng); Tràn Bản Bù (xã Tân Lập); tràn xã Lìa đi xã Xy; tràn Húc Thượng (xã Húc)... ngập 0,5-1,0m gây chia cắt giao thông.

Tại các khu vực trên, lực lượng chức năng đã tổ chức rào chắn, chốt chặn để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện.

Do ảnh hưởng mưa lớn từ cơn bão số 4, sáng cùng ngày, tại vườn nhà bà Đoàn Thị Thức (ngụ khu phố 8, thị trấn Cam Lộ) xuất hiện 1 hố sụt lún, nằm cách ngôi nhà bà Thức khoảng 5m. Bề mặt hố sụt lún hình tròn, rộng hơn 1m, chiều sâu gần 5m, hàm ếch gần 2m, dưới hố có nhiều nước.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo huyện Cam Lộ và chính quyền địa phương đã đến kiểm tra, chỉ đạo lực lượng cắm biển và hàng rào cảnh báo nguy hiểm, không để người dân đến khu vực này. Đồng thời, đang tiếp tục theo dõi, có phương án di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Về tình hình thiệt hại, thống kê bước đầu từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, do lốc xoáy, trường Mầm non thị trấn Cửa Việt (điểm trường trung tâm) bị hư hỏng khoảng 5m2 trần la phong nhựa tại phòng hiệu trưởng, máy tính xách tay bể màn hình, gãy đổ một số chậu hoa và cây xanh trong khuôn viên trường, khoảng 10m2 tôn nhựa bao che nhà xe bị hư hại.

Tại địa bàn khu phố 3, thị trấn Cửa Việt, hộ gia đình ông Trần Đình Học bị gió lốc làm tốc mái che, nhà tắm, chuồng trại; hư hỏng toàn bộ 40 tấm tôn bờ rô xi măng, 1 tấm tôn kẽm và 3 tấm tôn nhựa giả ngói.

Ngoài ra còn có một số cây xanh bị gãy đổ. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 40 triệu đồng. Hiện tại nhà trường, hộ dân bị ảnh hưởng đã nhờ lực lượng tại chỗ hỗ trợ khắc phục.

Thừa Thiên Huế chủ động di dời dân ở những vị trí nguy cơ ngập lụt, sạt lở

Trước tình hình mưa gió do ảnh hưởng bão số 4, sáng 19/9, một số địa phương miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiến hành di dời hàng trăm hộ dân ở những vị trí có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao đến nơi an toàn.

Tại xã Hồng Hạ (huyện A Lưới) từ đêm 18 đến sáng 19/9, trên địa bàn xã xuất hiện mưa xối xả, một số khu vực trọng điểm xuất hiện ngập lụt cục bộ và nguy cơ trượt lở đất đá.

Theo ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã, chính quyền đã tiến hành di dời khẩn cấp 11 hộ dân với 45 nhân khẩu tại thôn Pa Hy. Đây là điểm có địa hình phức tạp, đồi núi dốc. Những hộ dân đã được di dời đến nhà người thân kiên cố hơn, các khu vực cao ráo và được bố trí thức ăn, nước uống.

Cũng trong sáng cùng ngày, các xã Hồng Bắc, Hồng Kim, Hồng Thủy, Quảng Nhâm đã di dời hàng trăm hộ dân đến nơi an toàn. Để chủ động ứng phó bão số 4 gây mưa lớn, UBND huyện A Lưới chỉ đạo các địa phương triển khai các phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Tổ chức điều tra, rà soát, nắm cụ thể hộ dân ở từng thôn có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để triển khai phương án kịp thời di dời dân đến nơi an toàn trong điều kiện cần thiết.

UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện A Lưới đã lên phương án di dời số hộ có nguy cơ ảnh hưởng do mưa bão, lũ lớn với tổng số hộ 2.981 hộ với 11.087 khẩu.

Còn tại tại huyện Nam Đông, ngay trong đêm 18/9, cơ quan chức năng đã tiến hành sơ tán 34 hộ với 119 khẩu đến vị trí an toàn. Cụ thể, tại xã Thượng Long 16 hộ với 64 khẩu; xã Thượng Nhật 3 hộ với 12 khẩu và thị trấn Khe Tre 15 hộ với 43 khẩu. Đây là những hộ dân nằm ở các vị trí dễ ngập lụt, trượt lở đất đá trên đồi núi, sông suối.

Hiện nay các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang ở mực nước thấp, vận hành đảm bảo an toàn.

Các địa phương và đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu và trực cứu hộ, cứu nạn.

Huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) di dời 51 hộ dân

Ảnh hưởng của cơn bão số 4 đã gây mưa lớn kéo dài khiến một số khu vực ở huyện miền núi Nam Trà My bị sạt lở. Để đảm bảo an toàn, chính quyền huyện đã tiến hành sơ tán 51 hộ dân với 164 nhân khẩu đến nơi trú ẩn mới.

Ngày 19/9, thông tin từ UBND huyện Nam Trà My, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, từ trưa 18/9 trên địa bàn huyện mưa lớn, nước sông dâng cao chảy xiết và xuất hiện nhiều điểm sạt lở.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, ngay trong đêm, huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành sơ tán khẩn cấp 51 hộ dân với 164 nhân khẩu ở các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao về nơi trú ẩn mới.

Đất đá sạt lở xuống nhà dân tại xã Trà Vân.

Đất đá sạt lở xuống nhà dân tại xã Trà Vân.

Cụ thể, xã Trà Mai đã sơ tán 8 hộ với hơn 20 nhân khẩu khu dân cư Tăk Ven về trú ẩn tại khu trung tâm lễ hội sâm Ngọc Linh. Một số hộ dân dọc đường DH10 khu trung tâm hành chính Tắc Pỏ được sơ tán về Trường PTDTBT - THCS Trà Mai.

Tại xã Trà Leng đã triển khai di dời 3 hộ/10 nhân khẩu ngay trong đêm 18/9. Xã Trà Nam đã di dời 13 hộ/35 người về nơi an toàn. Còn tại các xã Trà Vân, Trà Dơn, Trà Don cũng tiến hành sơ tán nhiều hộ dân ngay trong đêm qua để đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con.

Được biết, đến 10 giờ sáng 19/9, lượng mưa trên địa bàn huyện Nam Trà My đã giảm, tuy nhiên nguy cơ sạt lở là rất lớn do địa hình đồi dốc cao và đất đã “ngậm” nước nhiều.

Nhiều hộ dân Nam Trà My bị ảnh hưởng sạt lở nên phải di dời đến nhà khác để ở.

Nhiều hộ dân Nam Trà My bị ảnh hưởng sạt lở nên phải di dời đến nhà khác để ở.

UBND huyện Nam Trà My đã yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra bám sát tình hình thực tế và sẵn sàng triển khai di dời các hộ dân đến nơi an toàn nếu thấy nguy cơ sạt lở.

Theo thống kê của UBND huyện Nam Trà My, đợt mưa kéo dài từ chiều 17 – 18/9 đã khiến 17 ngôi nhà bị thiệt hại (8 nhà bị đất đá sau nhà sạt tràn vào nhà và 9 nhà bị nứt nền nhà – PV). Mưa lớn cũng làm taluy dương sau điểm trường Răng Chuỗi (thôn 1, xã Trà Tập) bị trôi tuột, đất rơi từng mảng, nước bên ngoài ép tràn cả vào phòng học; các điểm trường Tong Pua và điểm trường Lâng Loan thôn 3, xã Trà Cang có hiện tượng đất đá sạt trước phía sau…

Bên cạnh đó, mưa lớn đã làm sạt lở nhiều tuyến đường đi xã, đi thôn với mức độ lớn nhỏ, như: Sạt lở tuyến đường từ UBND xã Trà Tập đi làng Răng Chuỗi thôn 1, Trà Tập gây ách tắc giao thông đi lại. Đặc biệt, khối đất đá sạt lở này đã trôi sát làng Lăng Lương, uy hiếp 22 hộ/95 nhân khẩu tại làng này.

Đất đá đổ xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông.

Đất đá đổ xuống mặt đường, gây ách tắc giao thông.

Tuyến đường ĐH5 đi Trà Vân bị sạt 2 điểm (tại khu vực làng ông Sinh và làng ông Bích) sạt taluy dương đất đá tràn xuống đường, chỉ lưu thông bằng xe máy, xe ô-tô không lưu thông được; tuyến đường trên địa bàn xã Trà Don bị sạt 5 điểm, trong đó 2 điểm bị sạt lớn phương tiện giao thông không đi lại được, 3 điểm sạt lở nhỏ đã huy động nhân dân khắc phục đi lại bình thường. Ngoài ra, mưa lớn còn gây sạt lở taluy âm tuyến đường ĐH3, Trà Cang, ĐH1 Trà Dơn - Trà Leng.

Theo UBND huyện Nam Trà My, nhằm đảm bảo công tác dự trữ gạo phục vụ công tác phòng chống thiên tai, không để nhân dân bị thiếu đói khi thiên tai xảy ra, nhất là trường hợp thôn, xã bị chia cắt do mưa bão, đến nay dự huyện đã trữ trên 300.000 kg gạo tại các nhà kho của xã, trường học, nhà kho thôn, các cửa tiệm tạp hóa và trong nhân dân.

Mưa lớn khiến một số trục đường ĐH trên địa bàn huyện Nam Trà My bị sạt lở. Địa phương đang chỉ đạo lực lượng tại chỗ tiến hành giải phóng đất đá để đảm bảo lưu thông.

Mưa lớn khiến một số trục đường ĐH trên địa bàn huyện Nam Trà My bị sạt lở. Địa phương
đang chỉ đạo lực lượng tại chỗ tiến hành giải phóng đất đá để đảm bảo lưu thông.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, dự báo từ nay đến hết ngày 20-9, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến 50-150 mm, có nơi trên 200 mm.

Trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều huyện: Bắc Trà My, Đại Lộc, Đông Giang, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Nông Sơn, Núi Thành, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Tiên Phước.

Theo Pháp Luật Việt Nam

Nguồn: https://baophapluat.vn/di-doi-hang-ngan-ho-dan-ven-bien-mien-trung-tranh-bao-so-4-post525942.html.. Nguồn: https://baophapluat.vn/di-doi-hang-ngan-ho-dan-ven-bien-mien-trung-tranh-bao-so-4-post525942.html

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Di dời dân tránh bão , cơn bão số 4 , miền trung