“Không nên đăng cai Asiad bằng mọi giá”
Thứ tư, 11/04/2012 11:27

Đó là phát biểu của ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng, chủ nhiệm Ủy ban TDTT - xoay quanh đề án đăng cai Asiad 2019 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Ông Dự nói:

Về mặt chủ trương, tôi ủng hộ Bộ VH-TT&DL xây dựng đề án đăng cai Asiad 2019. Tôi nghĩ đến năm 2019 tình hình kinh tế của chúng ta đã khác hơn rất nhiều nên việc đăng cai Asiad phù hợp và xứng đáng với sự phát triển của thể thao VN ở thời điểm đó. Nhưng muốn đăng cai Asiad, ngành thể thao phải chuẩn bị và tính toán rất nhiều thứ, nhất là chuẩn bị lực lượng VĐV để giành thành tích cao nhất có thể, xứng tầm với vị thế của nước chủ nhà. Không thể đăng cai Asiad như một đại hội thể thao phong trào được.

SEA Games 2003 vượt dự toán 4-5 lần

- Ông có còn nhớ quyết toán cuối cùng sau khi VN tổ chức xong SEA Games 22 năm 2003?

Khi tôi còn đang làm bộ trưởng, dự trù toàn bộ chi phí để đăng cai SEA Games 22 khoảng 1.200 tỉ đồng. Sau khi SEA Games 22 kết thúc, quyết toán toàn bộ chi phí xây dựng, tổ chức đại hội, số tiền đội lên gấp 4-5 lần con số dự trù ban đầu, rất khủng khiếp!

Ông Hà Quang Dự. (Ảnh: K.X).

- Số liệu trên báo chí cho biết tổng số tiền phải chi cho SEA Games 22 là trên 4.700 tỉ đồng, con số này có chính xác?

Cũng phải đến khoảng đó. Trong đó chi phí xây dựng khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, các nhà thi đấu ở Hà Nội, TP.HCM và vùng phụ cận, sửa sang cơ sở vật chất... là hơn 3.000 tỉ đồng. Tuy nhiên chi phí thực tế cho công tác tổ chức thì ở thời điểm tổ chức SEA Games 22 chúng ta tính toán không sát.

Những cán bộ chủ chốt đang làm thể thao hiện nay phần lớn đến năm 2019 đều đã nghỉ hưu. Do vậy những tính toán ở thời điểm hiện nay phải sát thực, có trách nhiệm để đến năm 2019 với số tiền đó chúng ta có thể tổ chức được Asiad. Phải tính làm sao với mức chi phí phù hợp nhất nền kinh tế của đất nước, tiết kiệm thuế, tài nguyên đất nước và không được đụng đến việc vay nợ nước ngoài để tổ chức đại hội.

- Chi phí cao như vậy, nguồn thu về của SEA Games 22 là bao nhiêu?

Tôi không nhớ con số thu về nhưng ở VN quảng bá qua thể thao là việc còn mới. Không nên hi vọng các công ty, tập đoàn sẽ quảng bá qua thể thao để có tiền. Gánh nặng tài chính để đăng cai, tổ chức các đại hội này vẫn trên vai ngân sách nhà nước. Nguồn thu của các đại hội này chả đáng bao nhiêu và không có khả năng bù đắp được gì với số tiền bỏ ra để tổ chức đại hội.

- Muốn đăng cai Asiad, VN phải xác định sẽ mất tiền?

Đúng thế, bởi tiền thu được qua quảng bá, du lịch chẳng đáng là bao.

Hãy vì tinh thần Olympic

- Các chuyên gia thể thao cho rằng với 6-7 năm, nếu có bắt tay ngay cũng không đủ thời gian để chuẩn bị một thế hệ VĐV cho Asiad 2019?

Đó là việc rất quan trọng mà những người làm thể thao hiện nay như anh Hoàng Vĩnh Giang, Vương Bích Thắng phải đưa ra câu trả lời và phải trả lời trung thực trong việc với ngần ấy thời gian, thể thao VN có cho ra lò được một thế hệ VĐV tốt để mang về thành tích xứng tầm ở Asiad 2019.

- Theo ông, đề xuất đưa vovinam, đá cầu vào đại hội để lấy huy chương có nên không?

Asiad không giống SEA Games, vì vậy tôi không bao giờ ủng hộ cách làm này. VN phải làm đàng hoàng và trung thành với những môn Olympic chứ không thể đưa vovinam, đá cầu... vào Asiad. Tôi cho rằng đến lúc đó quốc tế cũng không đồng ý với việc VN đưa những môn thế mạnh không có trong chương trình Olympic vào để lấy thành tích. Việc đưa những môn không phải Asiad, Olympic vào thi đấu nếu được tổ chức tại VN thì đó là cách làm không bình thường, không phù hợp với tinh thần Olympic. Nếu có ai đó thuyết minh để đưa những môn này vào chương trình thi đấu của Asiad 2019, những nhà lãnh đạo hiện nay không nên chấp nhận.

- Không đưa những môn này vào thì làm sao thể thao VN thực hiện được mục tiêu đoạt 10-16 HCV?

Tôi hi vọng điền kinh, bơi lội, những môn Olympic có thể phát triển và đạt được những thành tích nhất định tại châu lục. Những môn võ VN cũng có thể phát triển mạnh hơn nữa để lấy huy chương Asiad.

- Trong bối cảnh giao thông, y tế, giáo dục là những vấn đề bức xúc hơn cần phải được quan tâm, việc bỏ ra bấy nhiêu tiền đăng cai Asiad, theo ông, có cần thiết hay không?

Vì thế càng phải lo lắng hơn và tôi nói phải tính toán thật kỹ. Tôi khuyến cáo vẫn nên đăng cai Asiad nhưng phải tính toán thật kỹ. Thời điểm hiện nay không phải là thời điểm có thể đăng cai Asiad bằng mọi giá mà phải tính toán đến yếu tố kinh tế - xã hội. Phải tính sòng phẳng, công khai chứ không phải cố tình đặt Nhà nước vào tình huống đã rồi và bỏ ra chi phí tổ chức dưới bất kỳ giá nào. Thể thao lâu nay chưa tạo được những nguồn thu trực tiếp cho ngân sách nên phải tính toán thật kỹ khi xin tiền Nhà nước.

- Ông có được tiếp cận hay được cho ý kiến đánh giá về đề án này?

Tôi không được ai hỏi ý kiến về đề án đăng cai Asiad 2019. Không thể đánh giá được thể thao VN sẽ thế nào ở năm 2019

- Có ý kiến cho rằng nguồn lực lãnh đạo của thể thao hiện nay quá yếu nên không tham mưu được cho Chính phủ, đề án viết ra không ai phản biện?

Việc không có ai phản biện đề án cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng hi vọng 6-7 năm nữa thể thao VN sẽ khác, ai có tâm sẽ chung tay vào làm để thể thao VN tốt hơn.

- Nhiều ý kiến nói rằng vì kinh tế quá khó khăn, nhiều quốc gia không muốn đăng cai nên VN bỗng dưng trở thành ứng viên sáng giá cho Asiad 2019?

Theo tôi, không nên đánh giá dễ dãi như vậy. Asiad cũng là đại hội lớn tạo nên vị thế cho quốc gia đăng cai. Hãy nghĩ rằng VN cũng đã đến lượt nên đăng cai Asiad chứ mình đi thi đấu mãi mà không làm gì cũng không nên. Có điều mình có làm được hay không thôi.

- Ông có nghĩ nên lùi thời điểm đăng cai Asiad 2019?

Nên đăng cai nhưng không nhất thiết phải đăng cai năm 2019 nếu tình hình kinh tế khó khăn và sự chuẩn bị cho thể thao VN đến năm 2019 chưa tốt. Nhưng tôi nghĩ nói thì vậy thôi chứ khó lắm bởi nhiều người không đánh giá được năm 2019 thành tích của thể thao VN sẽ như thế nào.

Quan trọng nhất là tiết kiệm

“Việc chi tiêu cho các công trình xây dựng, công tác tổ chức thi đấu phải tính toán kỹ hơn với tiêu chí quan trọng nhất là tiết kiệm. Ngành thể thao phải rút kinh nghiệm từ SEA Games 22 năm 2003 tổ chức tại VN. Cái gì thật cần hãy làm, không thể phóng tay như chi cho SEA Games 2003. Chẳng hạn có nhất thiết phải làm thêm nhiều nhà thi đấu không khi hiện nay chúng ta có rất nhiều nhà thi đấu quanh khu vực Hà Nội, TP.HCM. Và có nhất thiết phải xây dựng một nhà thi đấu đa năng tại Mỹ Đình với số tiền đến 50 triệu USD?

Những người quản lý thể thao nên nhớ rằng dù tiền đó từ đâu thì đều xuất phát từ tiền thuế của dân. Mặt khác tỉ giá hối đoái đến năm 2019 có thể sẽ còn trượt giá nên phải tính kỹ lưỡng nếu muốn đăng cai Asiad 2019. Dự trù hiện nay là 150 triệu USD nhưng đến thời điểm đó sẽ khác xa rất nhiều con số này nếu không được tính toán kỹ”.

Ông HÀ QUANG DỰ

 

Tuổi Trẻ
Tag: Asiad , Asian Games 18 , Hà Quang Dự , Hoàng Vĩnh Giang , Việt Nam xin đăng cai Á vận hội , Thể thao