Xuất khẩu lao động ở ĐBSCL: Không nên gói gọn thị trường Hàn Quốc
Thứ ba, 28/02/2012 16:01

Hai năm 2010 - 2011, ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL, tỉ lệ LĐ đi xuất khẩu lao động thị trường Hàn Quốc chiếm từ 70 - 90%/tổng số người đi XKLĐ.

Nhiều LĐ ở vùng đất lúa chọn Hàn Quốc vì đây là thị trường chi phí không quá cao, thu nhập khá. Tuy nhiên, trong số đó vẫn còn nhiều LĐ hồ sơ đã gửi đi nhưng vẫn phải kéo dài thời gian chờ đợi. Thực tế này cho thấy, muốn đẩy mạnh hoạt động XKLĐ, các địa phương ở ĐBSCL cần có các giải pháp tuyên truyền, vận động để LĐ không nên chỉ kỳ vọng vào thị trường Hàn Quốc…

Thông tin về XKLĐ ở ĐBSCL có nhiều thị trường để LĐ lựa chọn. Ảnh: L.N.G

Đi… Hàn Quốc hết nghèo!

Ông Hồ Văn Hùng ở xã Mỹ Quý (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) có 2 người con được TTGTVL Đồng Tháp giới thiệu đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2007 và năm 2010. Theo ông Hùng, bình quân mỗi tháng 2 người con gửi về cho gia đình 2.000USD. Từ nguồn tiền này, gia đình ông Hùng tậu được miếng đất, cất nhà, mua sắm đồ dùng sinh hoạt tổng cộng khoảng 400 triệu đồng.

Số tiền còn lại, ông Hùng gửi tiết kiệm để khi 2 người con hết hạn hợp đồng về nước có vốn làm ăn. Còn ở huyện Châu Thành (Hậu Giang), từ năm 2007 đến năm 2011, ông Lê Văn Điền - cán bộ LĐTBXH xã Đông Phước A - có đến 4 người con (2 gái, 2 trai) lần lượt đi XKLĐ tại Hàn Quốc với mức thu nhập từ 17 - 20 triệu đồng/người/tháng.

Từ chỗ gia đình thuộc diện khó khăn, từ khi các con đi làm việc tại Hàn Quốc gửi tiền về, gia đình ông mua đất, cất nhà mở cửa hàng mua bán vật tư nông nghiệp. Với cương vị là cán bộ ngành LĐTBXH, từ thực tế gia đình mình, ông Điền thường vận động bà con chòm xóm cho con đi XKLĐ; trường hợp nào cuộc sống khó khăn quá không lo nổi chi phí ông Điền còn cho mượn.

Đó chỉ là 2 trường hợp trong số nhiều gia đình ở vùng ĐBSCL có con đi XKLĐ ở Hàn Quốc, gia đình từ chỗ cuộc sống khó khăn trở nên khấm khá từ nguồn tiền các con dành dụm gửi về.

Nhưng không chỉ có Hàn Quốc...

Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều LĐ ở các địa phương vùng ĐBSCL có nguyện vọng đi XKLĐ ở Hàn Quốc, hồ sơ đã gửi, song vẫn trong thời gian chờ đợi để được chọn. Có trường hợp chờ đợi tới khi chứng chỉ kiểm tra tiếng Hàn hết hạn vẫn chưa thấy gọi. Đã có những người nản chí bỏ cuộc dù đã có tốn kém, mất thời gian.

Ấy nhưng, xu hướng chung hiện nay của hầu hết LĐ ở ĐBSCL muốn đi XKLĐ thì vẫn lựa chọn thị trường Hàn Quốc. Nếu LĐ có nguyện vọng đi XKLĐ chỉ... "chăm bẵm" mỗi thị trường này, các địa vùng ĐBSCL khó tăng số lượng người đi XKLĐ như mong muốn. Trong khi đó, qua liên kết với các DN hoạt động lĩnh vực XKLĐ, “đầu ra” còn có nhiều thị trường khác.

Thời điểm hiện nay, chỉ TTGTVL Đồng Tháp, ngoài thị trường Hàn Quốc, còn đang rao tuyển LĐ đi XKLĐ tại nhiều thị trường: Nhật Bản (200 LĐ), Macau (100 LĐ), Singapore (150 LĐ), Đài Loan (100 LĐ) với nhiều ngành nghề, điều kiện phù hợp với LĐ vùng ĐBSCL (trình độ văn hóa từ lớp 6, lớp 9, lớp 12 trở lên; trừ một số ngành đối với thị trường Singapore yêu cầu trình độ đại học).

Vấn đề đặt ra là, các ngành chức năng, các địa phương vùng ĐBSCL cần có giải pháp tuyên truyền vận động sao cho người LĐ thấy rằng XKLĐ không chỉ có thị trường Hàn Quốc. Một số trị trường khác như Nhật Bản, Đài Loan thu nhập cũng khá cao. Chẳng hạn như làm các nghề cơ khí, hàn tiện, điện tử... ở Đài Loan thu nhập bình quân khoảng 19 triệu đồng/tháng.

Không chỉ Hàn Quốc mới có... “thực tế sinh động” về các trường hợp đi XKLĐ giúp gia đình khấm khá. Ở xã Tân Bình (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang), bà Phạm Thị Thương có con đi làm việc tại Nhật Bản, mới một năm đã gửi về nhà trên 100 triệu đồng...

Báo Lao động
Tag: Xuất khẩu lao động , Thị trường lao động Hàn Quốc , Việc làm , Tin tức