Xử lý xe buýt vi phạm: Nan giải !
Thứ bảy, 07/01/2012 09:09

“Những sai phạm của xe buýt rất nhiều và ai cũng thấy, thậm chí khi bị lực lượng chức năng xử lý các lái xe còn cố tình chống đối. Tạm giữ xe thì không được, vì doanh nghiệp lại không còn xe để chạy…”.

Ông Hoàng Văn Mạnh - Phó Chánh Thanh tra Giao thông vận tải (Sở GTVT) cho biết (ngày 6.1) tại Hội nghị triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông xe buýt năm 2012.

Gần 1.900 vụ xe buýt vi phạm

Theo báo cáo của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội), trong năm 2011 đã có gần 1.900 vụ việc vi phạm quy định về hoạt động xe buýt bị lập biên bản xử lý, trong đó đa phần là các lỗi vi phạm về chất lượng phương tiện (49%), bán vé, chạy sai lộ trình, dừng đỗ…

Một vụ tài xế xe buýt đánh người trên đường Nguyễn Trãi.

Một vụ tài xế xe buýt đánh người trên đường Nguyễn Trãi khiến hàng trăm người dân phẫn nộ bao vây...

Về tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông, trong năm 2011 đã có có 699 lượt xe không hoàn thành tuyến do va chạm, tai nạn giao thông; có 149 vụ việc vi phạm của xe buýt bị xử lý.

Ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, xe buýt chiếm một phần rất quan trọng trong kế hoạch hạn chế xe cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, theo ông Linh, hiện nay xe buýt đang bị người dân quay lưng vì chất lượng không thỏa mãn nhu cầu. Nhiều vấn đề của xe buýt cần phải chấn chỉnh như: tai nạn xe buýt, an ninh trên xe buýt, thái độ phục vụ của lái và phụ xe buýt, tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu,…

Về chất lượng xe buýt, ông Linh khẳng định: Kiểm tra xe, 50% số lỗi là từ chất lượng phương tiện không đạt yêu cầu. Trong khi, số tiền thành phố trợ giá (mỗi năm khoảng 1.000 tỉ đồng - PV) có tính cả chi phí bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, nhưng doanh nghiệp không làm là đã sử dụng tiền trợ giá không đúng mục đích.

Lực lượng chức năng ngại xử lý?

Hàng

Xe buýt từng bị coi là "hung thần" đường phố

Về những sai phạm và xử lý, ông Hoàng Văn Mạnh - Phó Chánh Thanh tra Giao thông vận tải (Sở GTVT) cho biết: Những sai phạm của xe buýt rất nhiều, và ai cũng thấy, thậm chí khi bị lực lượng chức năng xử lý các lái xe còn cố tình chống đối. Tạm giữ xe thì không được, vì doanh nghiệp lại không còn xe để chạy.

“Có xe vừa kiểm định xong, 6 ngày sau lực lượng thanh tra phát hiện có vấn đề đem đi kiểm định lại thì có tới 3/5 tiêu chí về chất lượng không đạt yêu cầu… Do đó về đăng kiểm cũng còn nhiều vấn đề cần xem xét lại”. – Ông Mạnh cho hay.

Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đánh giá: Tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông diễn ra rất phổ biến. Thanh tra giao thông với Công an nhiều khi không muốn xử lý, con số bị xử lý chỉ là một phần rất nhỏ, chỉ những trường hợp quá đáng, vi phạm nghiêm trọng mới bị xử lý...

Đối với công tác đăng kiểm xe buýt, theo ông Linh còn nhiều bất cập là do chính sách xã hội hóa công tác đăng kiểm, chính các doanh nghiệp kinh doanh xe buýt tự lập các trung tâm đăng kiểm phương tiện của mình. “Không ai biết xe có được đăng kiểm thật hay không, hay chỉ đưa xe tới dán tem rồi tiếp tục cho hoạt động. Chúng tôi sẽ đề xuất thành phố quản lý chặt chẽ hơn các trung tâm đăng kiểm trên toàn địa bàn”. - Ông Linh khẳng định.

Nói về nguyên nhân dẫn đến những vi phạm, ông Phó giám đốc Sở GTVT cho rằng chủ yếu xuất phát từ tình trạng thiếu lái xe có bằng E. Khi lái xe bị kỷ luật, chấm dứt hợp động ở doanh nghiệp này lại chạy sang lái xe cho doanh nghiệp khác. Từ đó, dẫn đến tâm lý của các lái xe là không làm ở doanh nghiệp này thì đi làm ở doanh nghiệp khác.

Ông Linh yêu cầu: “Các doanh nghiệp cần nâng cao vai trò quản lý. Trong năm 2012 Sở sẽ lập các đoàn thanh tra chất lượng phương tiện, thái độ của lái và phụ xe, an ninh trật tự trên xe buýt… Các doanh nghiệp cần ký thỏa ước, khi lái xe bị sa thải thì dứt khoát các doanh nghiệp khác không được nhận vào, như thế lái xe họ mới biết sợ”.

Lao Động
Tag: Xe bus , Hà Nội , An toàn giao thông , Xe buýt gây tai nạn