Xây căn cứ Gạc Ma: Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam
Thứ hai, 16/06/2014 22:23

Đó là nhận định của ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ trước thông tin Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma.

Ảnh chụp công trình quân sự Trung Quốc trên đảo Gạc Ma năm 1995

Ảnh chụp công trình quân sự Trung Quốc trên đảo Gạc Ma năm 1995

Trong lúc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục cho biết, Trung Quốc đang âm thầm biến các đảo chìm ở Trường Sa mà họ xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 đến nay thành đảo nổi, căn cứ quân sự.

Ông nhận định, phía Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam diễn ra gần như đồng thời với những gì đang diễn ra trên Gạc Ma và các bãi cạn khác thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Điều đó cho thấy tất cả đều có sự liên kết với nhau. Trung Quốc đã tính toán, sắp xếp bài bản cho một chiến dịch hành quân xâm lăng kiểu mới”, ông Trục cho hay.

Tuy nhiên, ông so sánh việc Trung Quốc biến Gạc Ma và một số đảo chìm khác ở Trường Sa thành đảo nổi nhân tạo lại nghiêm trọng và nguy hiểm hơn rất nhiều so với vụ giàn khoan 981. 

Bởi xây dựng căn cứ quân sự trên đảo Gạc Ma là “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia” đối với quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, hạ đặt giàn khoan trái phép 981 là xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hơn nữa, vị trí của nhóm đảo Gạc Ma nằm về phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, trực tiếp đối diện và gần với bờ biển miền Trung Việt Nam.

Khu vực này rất gần với khu vực thềm lục địa - nơi mà hiện nay Việt Nam đang khai thác dầu khí…

“Nhóm đảo Gạc Ma trở thành “tàu sân bay cố định” sẽ  là mối hiểm họa  khôn lường đối với Việt Nam về quân sự cũng như an ninh, kinh tế và các hoạt động giao thương”, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói.

Ông Trục phân tích, về mặt quân sự, an ninh, một sân bay và cầu cảng hiện đại nếu mọc lên tại Gạc Ma sẽ nhân sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại khu vực Trường Sa lên nhiều lần.

Đồng thời, uy hiếp các hoạt động vận tải, tiếp tế từ đất liền ra đảo của Việt Nam, uy hiếp trực tiếp đến quốc phòng an ninh của Việt Nam.

Về mặt kinh tế, một đảo chìm biến thành đảo nổi có công sự kiên cố kết hợp đường băng sân bay, cầu cảng... sẽ trở thành lực lượng bảo hộ chắc chắn cho những giàn khoan kiểu như 981 bành trướng, hoạt động trái phép, tranh cướp tài nguyên trong các vùng biển Việt Nam.

“Tôi cho rằng, đến lúc đó không chỉ các đảo, đá, rặng san hô ở Trường Sa ta đang có quân canh giữ bị đe dọa, mà ngay cả các giếng dầu ta đang hợp tác khai thác nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cũng trở thành mục tiêu nhòm ngó, thôn tính của Trung Quốc”, ông Trục nói.

Sau khi tạo nên những căn cứ, cơ sở kinh tế và quân sự kiên cố, Trung Quốc sẽ tiến tới khống chế Biển Đông phục vụ chiến lược trở thành cường quốc biển trước khi làm siêu cường quốc tế. Từ đó, thực hiện cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa”, giấc mộng bá quyền.

Ông Trần Công Trục cho rằng, Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc xây dựng trên đảo Gạc Ma.

Ông nói: “Việt Nam cần ứng phó, vạch trần những thủ đoạn này của Trung Quốc. Nếu không, sẽ bất lợi cho chúng ta trong cuộc đấu tranh trên phương diện ngoại giao và pháp lý”.

Đặc biệt, Trung Quốc thường có cách hành xử “được đằng chân lân đằng đầu”, dễ dàng chiếm được chỗ này sẽ mở thêm nhiều địa điểm khác nữa. Do vậy, Việt Nam cần lập tức, chủ động có biện pháp ứng phó ngay”.

Khampha.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Bien Dong , tinh hinh bien dong , Trung Quoc xay can cu ở Gac Ma , gian khoan hai duong 981 , xay dung can cu qua su o Gac Ma , tin , bao