Vua nghe gian thần khiến tôi trung bỏ đi
Thứ tư, 01/05/2013 15:45

Nội bộ nhà Mạc tự phân hóa, lại thêm vua ngu tối nghe gian thần, khiến Lê Bá Li về với nhà Lê, làm thay đổi tình thế cuộc chiến Lê - Mạc.

Tranh minh họa Trịnh Kiểm chiêu mộ anh hùng, hào kiệt.

Tranh minh họa Trịnh Kiểm chiêu mộ anh hùng, hào kiệt.

Bị ép phải khởi binh

Hai cha con Phạm Quỳnh, Phạm Dao bàn nhau, chuyện đã như thế, nếu lọt đến tai chủ cũ sẽ mang họa vào thân. Thế là nửa đêm 12 tháng 2 âm lịch (1551) chúng tự ý đem quân bản bộ đến vây bắt Lê Bá Li ở trại Hồng Mai và một cánh quân khác đến bắt Đô ngự sử Nguyễn Thiến. Nhưng chúng là một bọn ngu dốt, không điều tra trước, nên vồ hụt. Bởi vì hôm ấy, Lê Bá Li không ngủ ở nhà mà đang ở trại quân; Nguyễn Thiến vào triều họp chưa về. Khi chúng vào lục soát trại Hồng Mai, có người đầy tớ tên là Đồi Mồi lẻn trốn ra được, chạy nhanh đến báo tin cho Lê Bá Li. Lão tướng nhanh chóng tập hợp quân dưới trướng và người nhà đóng cửa cố thủ. Mặt khác, ông cấp báo cho các con và người thân đến cứu viện. Một lát sau, các con trai, con nuôi và con rể (Nguyễn Quyện) mỗi người dẫn ba ngàn quân, có cả cấm binh đến giao chiến với quân Quỳnh - Dao. Quỳnh - Dao thua chạy trở về đóng cửa thành.

Lê Bá Li cùng thuộc hạ đem quân đến chiếm giữ cửa Chu Tước. Kinh thành cực kỳ náo loạn. Mạc Phúc Nguyên hoảng sợ chạy trốn qua sông đến đóng ở Bồ Đề, một mặt cấp báo với Kính Điển, một mặt sai sứ thần mang thư đến dụ Lê Bá Li bãi binh. Lê Bá Li yêu cầu bắt cha con Quỳnh, Dao đến nộp thì mới chịu bãi binh.

Phúc Nguyên triệu tập các tướng từ Sơn Tây hợp quân về chống lại. Lê Bá Li cũng có thêm quân của Khải Khang Hầu kéo tới trợ giúp. Quân của Bá Li đánh tan quân nhà vua. Bá Li tiến quân đến Cầu Hà, đối mặt với nhà vua bên kia sông, rồi lạy sang bái vọng và cất lời thống thiết: "Cha con hạ thần thực không dám mưu tính sự gì, chẳng qua vì kẻ gian thần bức bách, vu cho hạ thần là phản nghịch. Chúng định hãm hại, cho nên hạ thần phải dùng binh tự vệ. Xin bệ hạ bắt cha con Quỳnh, Dao, giải đến để úy lạo ba quân thì hạ thần xin bãi binh ngay".

Mạc Phúc Nguyên tảng lờ không nghe, quay phắt đi, võng lọng bầy đoàn tiến về phía Đông. Lê Bá Li nổi giận, mắng nhiếc vua là kẻ hôn quân, ngu tối.

Lão tướng không đuổi theo mà thu quân về kinh thành. Ông tập hợp con cái và các tướng lại, cất lời tâm sự: "Ta có chút tài mọn, nguyên thờ Quang Thiệu hoàng đế (tức Lê Chiêu Tông), chính tay ta đã dựng nên bốn đời vua nhà Mạc, hao phí biết bao tâm lực. Nay gặp hôn quân, không biết minh đoán, chỉ nghe lời kẻ gièm pha, khiến cho bao nhiêu nghĩa biển tình non đều thành băng tan, ngói trút! Sự thể đã như vậy, thôi còn nói gì.

Ta nghe vua Lê lên ngôi ở Thanh Hoa, có Thái sư họ Trịnh là một vị anh hùng tài lược, chuyên ý phò tá, ra quân có danh, bốn phương quy phục. Đó thực là vị chúa trung hưng vậy". Sau đó ông ngỏ ý đem quân về với nhà Lê, hỏi ý các tướng. Mọi người đều nghe theo.

Tháng Ba năm Tân Hợi (1551), Lê Bá Li đem một vạn bốn nghìn quân cùng các con trai và cả Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện kéo về Vạn Lại đầu hàng. Vua Lê và Trịnh Kiểm thấy vị lão tướng 77 tuổi, râu tóc bạc phơ vẫn còn quắc thước thì cả mừng, đón tiếp vô cùng trọng hậu. Các tướng đi theo đều được ban chức tước như cũ.

Nắm bắt lấy cơ hội, Trịnh Kiểm phát động cuộc Bắc tiến. Lão tướng Lê Bá Li và các tướng dưới quyền được cử làm tiên phong chia ba ngả đánh vào Thăng Long. Lê Bá Li lại viết tờ văn bằng chữ Nôm, kể tội Mạc Phúc Nguyên và bọn gian thần gửi đi các lộ, làm nao núng các tướng nhà Mạc.

Mạc Phúc Nguyên hoảng sợ chạy đi Kim Thành (Hải Dương) để mặc Mạc Kính Điển cầm quân chống cự. Kinh thành bỏ trống, lần đầu tiên quân Lê - Trịnh chiếm được Thăng Long. Tuy nhiên lực lượng Mạc Kính Điển còn mạnh, Trịnh Kiểm chưa dám mời vua Lê ra Thăng Long  mà rút quân trở về Thanh Hoa. Cuộc chiến Nam - Bắc triều dằng dai kéo dài đã mấy chục năm không phân thắng bại, đến đây đã có bước chuyển biến mới.

Kienthuc.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”

Tag: Vua nghe gian than , Vua nghe gian thần , Lê Bá Li , Nhà Lê , Sử cũ , Thâm cung bí sử , Cuộc chiếc Lê Mạc