Dư luận bị sốc khi ở cơ quan điều tra, Khuyến vẫn lạnh lùng cho rằng mình không hề hối hận về việc đã làm, thậm chí khẳng định rằng “cô ấy đáng bị như thế".
Hiện trường nơi xảy ra án mạng |
Người dân Sài Gòn lại một phen rúng động vì án mạng giết người. Nhưng đây không phải là giết người cướp của, hay là các băng nhóm xã hội đen thanh toán nhau, cũng không phải là mâu thuẫn dân sự dẫn đến xô xát… mà đây là vụ án tình.
Gã con trai dùng mã tấu chém đứt cổ người con gái mà anh ta gọi là yêu. Có lẽ chưa bao giờ trên mạng làn sóng phẫn nộ phản đối Đặng Văn Khuyến – kẻ giết người yêu - lại mạnh mẽ như vậy. Dư luận thật sự bị sốc khi mà ở cơ quan điều tra, Khuyến vẫn lạnh lùng cho rằng mình không hề hối hận về việc đã làm, thậm chí khẳng định rằng “cô ấy đáng bị như thế”. Trên facebook còn có hẳn một Hội những người mong muốn pháp luật tử hình Đặng Văn Khuyến. Có quá nhiều những lời cảm thán, luận tội. Riêng bản thân tôi thì dấy lên một câu hỏi lớn rằng: “Tại sao anh giết người mà anh yêu?!”
Sự ngộ nhận của kẻ giết người
Sau khi vụ án xảy ra, cộng đồng mạng phát hiện ra trang facebook được cho là của Đặng Văn Khuyến, với những lời lẽ có thể nói là “văn chương bóng bẩy, thậm chí là mang tính triết lý về tình yêu và cuộc sống”.
Nguyên đoạn tự sự trên facebook của Đặng Văn Khuyến như sau: “Đây là lần cuối mình viết những dòng tâm sự chia sẻ với các bạn. Những ai yêu nhau và đã yêu nhau cùng san sẻ mọi đắng cay, ngọt bùi trong cuộc sống, khi đã cùng nhau vượt qua mọi thử thách, cùng nhau ăn chung một ổ bánh mì, góp tiền chỉ đủ mua chung một hộp cơm cùng ăn mà cảm thấy rất hạnh phúc, đó là lúc tình cảm rất bền chặt, càng gian khổ càng nắm chặt tay và vững niềm tin ở nhau vì có ngày mai tốt đẹp hơn.
Khi cùng đi trên một chiếc xe đạp cà tàng, dù đi xa đến đâu cũng nhìn về một hướng. Khi ra trường đi làm, cuộc sống trở nên dễ thở vì có lương, tuy không cao nhưng điều kiện tốt hơn, cũng là lúc con người ta lại thay lòng đổi dạ.
Cứ ngỡ là gặp người trong mộng, tình đầu là tình cuối, sẽ hạnh phúc vô bờ bến vì mình tự hào chăm sóc, tạo lập tất cả cho người mà mình yêu thương nhất. Rồi một ngày bạn nhận ra đó chỉ là một sự giả dối, bạn phát hiện ra rằng người con gái mà bạn yêu thương nhất đã phụ bạc bạn từ lâu mà mình không hề hay biết. Người mà mình gửi gắm tất cả yêu thương, tình yêu, trách nhiệm, tương lai, hạnh phúc và cả sự nghiệp vào đó… giờ đổ vỡ… mình không còn là chính mình vì mình đã đưa những gì tốt đẹp người con gái đó giữ tất cả… mình chỉ còn lại cái xác không hồn, mất hết niềm tin, hy vọng, chỉ còn lại con người tồi tệ, độc ác, nhẫn tâm.
Đã bao lần mình thầm cầu mong và hy vọng người con gái ấy quay trở lại để mình trở về con người tính thiện, thế mà… Giết người mình yêu thương nhất cũng là giết mình… Chào tất cả các bạn. Mai mình đi tù… “Cuộc sống như một củ hành, khi bóc ra thấy mùi hăng, bóc xong rùi lệ tràn mi”.
Hung thủ Đặng Văn Khuyến trước khi gây án
Nếu cho những dòng tự sự của Đặng Văn Khuyến là tự đáy lòng, là lời nói cuối cùng trước khi đi tù (mà cũng có thể là đối diện với cái chết) thì rõ ràng kẻ giết người cũng có những niềm riêng. Theo suy đoán thì Khuyến và người yêu Lê Thị Thúy H. đã từng sống với nhau từ thủa hàn vi, cùng đèo nhau trên một chiếc xe đạp, cùng chia nhau ổ bánh mì.
Khi một người con gái đoạn tuyệt được nghèo khó, nhưng thay lòng đổi dạ thì không gì tồi tệ bằng. Nhưng người yêu của tên Khuyến có thay lòng đổi dạ không thì chỉ có người trong cuộc mới trả lời được. Điều mà chúng ta thấy ở đây (qua lời khai ban đầu của tên Khuyến cũng như những người thân trong gia đình Khuyến và nạn nhân) thì Khuyến lộ rõ một kẻ có bản chất gia trưởng, côn đồ. Khuyến từng nhiều lần đánh đập người yêu, thậm chí đánh cả em gái, cậu ruột của người yêu. Nói một cách nào đó thì Khuyến mặc dù từng học đại học nhưng lại hành xử như một kẻ biền võ thất học. Nhưng điều đáng nói nhất ở đây là, Khuyến đã nghĩ gì về tình yêu?
Phải chăng, Khuyến nghĩ rằng người mình yêu phải là vật sở hữu của mình? Người đó phải răm rắp nhất mực làm theo ý mình, sống theo lập trình của chính mình? Đó thật sự là một ngộ nhận lớn về tình yêu. Nếu như chúng ta yêu một ai đó, thì đương nhiên phải có tâm lí chiếm hữu, nhưng cao hơn cái tâm lí muốn “ôm mãi người yêu trong vòng tay” là phải tạo cho người mình yêu hạnh phúc. Bởi, xét về sinh học thì mỗi con người là một bản thể khác nhau, có cấu trúc gen, có suy nghĩ, ý thích khác nhau… Cho nên khi yêu nhau là chia sẻ cùng nhau, chứ không thể triệt tiêu cá tính của nhau. Hơn nữa, trong tình yêu, con người ta cũng có quyền được thay đổi. Đó cũng là điều tự nhiên trong hành trình đi tìm “một nửa còn lại” của chính mình.
Nói gì đi nữa, nạn nhân vẫn còn là một cô gái trẻ, chưa có nhiều trải nghiệm. Với một anh người yêu rất “khó khăn” và thêm tính cộc cằn, thì không cô gái nào lại thích thú. Trong trường hợp cụ thể này, một cô gái tìm cách thoát ra khỏi anh người yêu của mình thì đáng cổ vũ hơn là lên án.
Tình yêu không phải ngục tù
Sở dĩ tôi nói hành động thoát khỏi những anh chàng người yêu “khó chơi” đáng cổ vũ hơn lên án là bởi tôi đã từng chứng kiến những “cuộc tình ngục tù” thật đáng sợ. Tôi từng biết có một cặp tình nhân trẻ rất yêu nhau, lãng mạn, say đắm, nhưng cũng đầy dự định tương lai. Thế nhưng vì một phút xao lòng của chàng trai (mà cô gái bắt gặp) khiến hai người xung khắc. Anh chàng sau đó rất ân hận, tìm đủ cách làm lành, nhưng cô gái vì quá cố chấp đã thề độc chia tay. Anh chàng thất tình đau khổ, bỏ thành phố đi đâu không rõ. Cô gái sau đó quen với một anh chàng khác.
Anh chàng này không nghề nghiệp ổn định, nhưng được cái rất dẻo miệng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, cô gái phát hiện ra anh người yêu mới này rất ích kỷ, lại hay ghen, thậm chí không kiểm soát được những hành động thô lỗ, cục cằn. Cô muốn chia tay. Nhưng khi cô ướm lời thì anh ta nói thẳng: “Em mà bỏ anh thì anh sẽ giết chết em ngay, sau đó anh sẽ tự sát”. Nhìn vào ánh mắt anh ta lúc đó, cô gái biết chắc anh ta sẽ làm như vậy. Từ đó, cô như sống trong địa ngục. Mặc dù, họ cặp kè bên nhau, ta vẫn cứ tưởng đó là một đôi hạnh phúc.
Những người đang sống trong tình yêu ngục tù như thế có phải là cá biệt không? Theo tôi là không, trái lại còn khá phổ biến. Vì sao? Vì tâm lý chiếm hữu, vì tâm lý muốn làm kẻ thắng cuộc. Nhưng khi muốn chiếm hữu trái tim thì không đọc được lý lẽ của trái tim, khi muốn làm kẻ mạnh thì cư xử như kẻ hèn mạt. Chính vì điều đó mà tình yêu vụn vỡ. Kết cục dẫn đến cái chết như trên không còn là điều hiếm hoi.
Vậy như thế nào là một tình yêu thực sự? Tôi nghĩ, thi sĩ – triết gia Kahlil Gibran thật sự vĩ đại khi cho rằng tình yêu chính là sự tận hiến. Mỗi người yêu là vì người mình yêu. Sự đáp đền nối tiếp trong tình yêu tuyệt vời như thế, chứ không theo nghĩa dung tục tầm thường.
Vậy thì, trở ngược lại vấn đề của câu chuyện: Nếu tên Khuyến bảo rằng mình rất yêu thương H. thì tại sao hắn lại giết cô ấy? Tại sao anh lại giết người anh yêu? Anh giết người mà anh bảo rằng yêu, thì hóa ra anh không hề yêu người đó, mà chỉ yêu chính bản thân mình. Tôi nghĩ đó chính là sự ngộ nhận về tình yêu lớn nhất của Khuyến, cũng là sự ngộ nhận tình yêu của rất nhiều người. Khi nào bước qua được sự ngộ nhận này thì tình yêu mới được trả về đúng với tên gọi của nó.
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?