Virus 'nở rộ' trong thời tiết nồm ẩm, làm ngay 3 việc để phòng bệnh
Thứ sáu, 03/02/2023 17:42

Đối phó với thời tiết nồm ẩm, chắc chắn nhiều người trong số chúng ta dễ stress. Đó là còn chưa kể sức khỏe bị ảnh hưởng.

Nếu như những người lãng mạn cho rằng mùa xuân là mùa của sự sinh sôi, của trăm hoa đua sắc báo hiệu sự phát triển thì với không ít người ở miền Bắc, đây chính là khoảng thời gian "ác mộng" trong năm. Bởi lẽ, đó chính là mùa... nồm ẩm đi kèm với mưa phùn. Không những thế, đây còn là mùa mà nhiều virus "nở rộ", khiến nhiều người dễ mắc bệnh, đặc biệt là người già và trẻ con.

Virus

4 nhóm bệnh phổ biến phát triển trong điều kiện nồm ẩm

1. Hô hấp là nhóm bệnh hàng đầu

Thời điểm nồm ẩm mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi dễ phát tán mầm bệnh trong không khí, lan truyền bệnh từ người này sang người khác. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em và người già, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi có sức đề kháng kém là đối tượng hay mắc bệnh trong điều kiện thời tiết này. Nhóm bệnh hàng đầu hay gặp khi thời tiết nồm ẩm là các bệnh viêm đường hô hấp cấp tính như: Dị ứng đường hô hấp, viêm phổi, viêm mũi dị ứng, viêm khí quản, phế quản cấp…

Virus

Người mắc bệnh hô hấp có các biểu hiện như sốt, chảy mũi, ho, khò khè. Đặc biệt, với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản rất dễ lên cơn hen trong thời tiết này do tác động của không khí ẩm, lại thêm tác nhân nấm mốc ở ngay trong nhà.

2. Bệnh cúm

Cúm là bệnh phổ biến có thể gặp quanh năm, nhưng trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao như mùa đông xuân thì tỉ lệ mắc cúm cao hơn ở tất cả các đối tượng. Triệu chứng phổ biến của bệnh cúm bao gồm ho, sốt, đau đầu, đau mình mẩy, rét run... sau một vài ngày thì đỡ. Tuy nhiên một số trường hợp sẽ trở nặng. Bệnh cúm theo mùa có khả năng lây lan thành dịch, nhất là một số chủng cúm A như H5N1, H1N1...

Virus

3. Bệnh đường tiêu hóa

Khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh, thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan. Bên cạnh các bệnh hô hấp thì tiêu chảy cũng là một bệnh dễ mắc trong thời gian này. Nguyên nhân chính của bệnh tiêu chảy là do người bệnh ăn uống mất vệ sinh, không khoa học cộng thêm ô nhiễm từ môi trường khiến bệnh tiêu chảy dễ phát sinh. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dễ dẫn tới tình trạng mất nước, nặng có thể dẫn đến tử vong.

4. Bệnh phụ khoa

Theo BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp), thời tiết mùa xuân có đặc trưng là độ ẩm trong không khí cao với nhiều cơn mưa phùn kéo dài. Điều này khiến cho quần áo của nhiều gia đình luôn trong tình trạng không được phơi khô hoàn toàn, khi mặc sẽ góp phần tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm cả bệnh phụ khoa.

Phòng bệnh khi thời tiết chuyển sang nồm ẩm

Đối phó với thời tiết nồm ẩm, chắc chắn nhiều người trong số chúng ta dễ stress. Đó là còn chưa kể sức khỏe bị ảnh hưởng. Để bảo vệ bản thân trong khoảng thời gian khắc nghiệt này trong năm, mọi người nên làm tốt những việc sau đây:

1. Tăng cường sức đề kháng

Sức đề kháng kém khiến cho cơ thể khó chống lại các mầm bệnh, vậy nên, trong thời điểm virus "bủa vây" như khi trời nồm ẩm thì tăng cường sức đề kháng lại càng quan trọng. Lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng hàng, kết hợp với hoa quả tươi, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, tập luyện thể thao hàng ngày là cách tốt nhất để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Virus

2. Giữ ấm cơ thể

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Đây cũng là cách giúp tăng cường đề kháng và hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh bên ngoài.

3. Giữ gìn vệ sinh nhà cửa, loại bỏ nấm mốc

Nên đóng kín các cửa sổ để hạn chế không khí vào nhà vì khi không khí vào nhà sẽ để lại hơi nước dẫn đến ẩm mốc. Nấm mốc do nồm ẩm ngoài những vết rêu mốc trên tường, sân nhà... còn là các vi nấm lơ lửng trong không khí, bám vào quần áo, sách vở, chăn chiếu... mà mắt thường không thấy. Nếu không biết làm giảm độ ẩm trong nhà, sớm dọn sạch đồ vật bị nấm mốc thì những người trong nhà rất dễ bị dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp.

Thường xuyên lau nhà cửa bằng những loại vải dễ hút nước. Chăn màn cũng nên thay đổi đề phòng nấm mốc, ẩm ướt gây nhiều loại bệnh hay virus. Sử dụng máy hút ẩm để làm giảm lượng ẩm trong nhà cũng là một giải pháp khả thi khi trời nồm.

Toquoc.vn

Nguồn: https://toquoc.vn/virus-no-ro-trong-thoi-tiet-nom-am-lam-ngay-3-viec-de-phong-benh-20230203104753642.. Nguồn: https://toquoc.vn/virus-no-ro-trong-thoi-tiet-nom-am-lam-ngay-3-viec-de-phong-benh-20230203104753642.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Trời nồm ẩm , chăm sóc sức khỏe