Trong tự nhiên, xyanua được tìm thấy ở hơn 2.000 loài thực vật. Bạn cần phải biết để tránh gây ngộ độc cho bản thân và gia đình.
|
Xyanua (cyanide) là một chất độc cực mạnh gây ra các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng nếu tiếp xúc vô tình hoặc cố ý. Nó tác động đến hô hấp và gây ra tổn thương cho hệ thần kinh và các cơ quan khác trong cơ thể.
Xyanua là một chất độc cực mạnh
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, xyanua là một chất hóa học có tác dụng nhanh, có khả năng gây chết người, cản trở khả năng sử dụng oxy của cơ thể.
Xyanua có thể là chất khí hoặc chất lỏng không màu như hydro xyanua (HCN) hoặc xyanogen clorua (CNCl). Nó cũng có thể ở dạng tinh thể (rắn) như natri xyanua (NaCN) hoặc kali xyanua (KCN).
Các thực phẩm tự nhiên chứa xyanua
Điều đặc biệt nguy hiểm là Xyanua có thể được tìm thấy trong tự nhiên từ các thực phẩm như sắn (khoai mì),hạnh nhân, đậu lima, măng chưa được sơ chế kỹ, hay có trong hạt trái cây của đào, táo, mơ, lê, mận, cherry. Nguyên nhân là vì những thực phẩm trên có chứa glycoside amygdalin sẽ giải phóng xyanua bên trong hệ tiêu hóa nếu tiêu thụ.
Tuy nhiên, xyanua trong thực vật thường tồn tại dưới dạng glycoside cyanogen, một hợp chất tương đối an toàn. Chỉ khi được tiêu hóa, glycoside cyanogen sẽ chuyển hóa thành hydro xyanua gây ngộ độc.
May mắn thay, việc nấu chín kỹ các thực vật này trong nước sôi có thể phá hủy glycoside cyanogen giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ ngộ độc.
Bên cạnh đó, Xyanua còn được sử dụng phổ biến trong sản xuất, có thể tìm thấy trong khói thuốc lá, khói đám cháy hay trong các sản phẩm dệt may, sản xuất giấy, nhựa, thuốc trừ sâu.
Cách phòng ngừa ngộ độc hai loại thực phẩm dễ gây ngộ độc xyanua nhất
Trong số các loại thực vật dễ gây ngộ độc xyanua nhất có sắn và măng tươi. Đây là loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình.
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa cho biết, ngộ độc xyanua trong thực phẩm xảy ra khi người ăn sắn không được chế biến đúng cách. Nguyên nhân là trong sắn có chất nhóm xyanua. Khi hấp thụ vào cơ thể nó sinh ra acid xyanhidric (HCN) có độc tính cao gây ngộ độc. Chất độc có nhiều nhất ở vỏ sắn, hai đầu củ sắn, lõi sắn.
Không chỉ trong sắn mà trong củ măng tươi cũng chứa xyanua. Người bị ngộ độc do sử dụng măng tươi không qua quá trình ngâm luộc hoặc uống nước luộc măng.
Do đó, để đảm bảo an toàn khi sử dụng các loại thực phẩm này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo mọi người cần lưu ý cách loại bỏ độc tố khi chế biến thực phẩm.
Chất độc xyanua dù rất độc nhưng nó lại có đặc tính tan trong nước, bay hơi ở nhiệt độ cao. Vì thế, trước khi chế biến cần ngâm sắn trong nước một vài tiếng để loại bỏ bớt xyanua; gọt bỏ sạch vỏ bên ngoài, cắt bỏ phần đầu và đuôi của củ sắn. Khi luộc sắn cần cho ngập nước và mở vung để xyanua bay, khi ăn bỏ phần lõi. Không nên ăn các loại sắn cao sản chế biến công nghiệp. Không ăn sắn khi đói.
Đối với măng cần phải thái ngâm trong nước, luộc lên đổ nước đi rồi mới chế biến. Với các loại măng khô cần phải ngâm bỏ nước và luộc kỹ rồi mới chế biến.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Từ 01/11/2024, Hà Nội chính thức tăng giá vé xe buýt
- Mênh mông biển nước ở vùng ‘rốn lũ’ Quảng Bình
- Cuộc sống ở ngôi làng lạnh nhất thế giới, nhiệt độ xuống tới âm 71 độ C
- Dự báo giá vàng cuối năm 2024 và 5 năm tới
- Không còn xếp loại học lực giỏi, trung bình, yếu, kém từ năm học 2024-2025: Cách xếp loại nào sẽ thay thế?
- Những thành phố đáng sống tốp đầu Việt Nam
- Tết Âm lịch 2025 là ngày mấy dương lịch? Còn mấy ngày nữa đến Tết Âm lịch 2025?
- Dự báo mùa đông năm nay có lạnh không?