Vì sao lập xuân luôn vào ngày 4 hoặc 5 tháng 2 dương lịch?
Chủ nhật, 05/02/2023 16:43

Mùng 4, mùng 5 tháng 2 Dương lịch là khởi điểm của tiết lập xuân theo quan điểm của người phương Đông. Nếu nói thật chính xác thì xuân phân là một điểm, không phải một ngày.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam đã có những phân tích về các tiết khí, các ngày phân và chí để hiểu đúng về thời điểm bắt đầu của các mùa trong năm.

Các ngày phân và chí

Xuân phân , thu phân, hạ chí và đông chí là bốn mốc thời gian rất cơ bản. Mặc dù thường được coi là một ngày, nhưng thực tế thì không phải. Trong lịch 24 tiết khí thì mỗi cái tên trên là tên của một tiết khí dài tới 15 ngày, và cái mà chúng ta gọi là ngày xuân phân chỉ là ngày khởi đầu của tiết xuân phân (tương tự với những ngày còn lại).

Trên thực tế, ngày nay lịch 24 tiết khí ít được sử dụng vì nó không thực sự cần thiết. Những cái tên phân và chí trên được sử dụng để gọi tên những ngày tương ứng trong Dương lịch.

Trong Dương lịch, nếu nói thật chính xác thì xuân phân là một điểm, không phải một ngày. Điểm xuân phân là một trong hai điểm giao nhau của hoàng đạo (đường đi biểu kiến của Mặt trời trên bầu trời) và xích đạo trời (hình chiếu của xích đạo Trái đất lên bầu trời). Nói dễ hiểu hơn, xích đạo Trái đất và quỹ đạo của nó là 2 mặt phẳng lệch nhau ~23,5 độ, nên có 2 điểm giao như vậy trên bầu trời.

Lập xuân luôn vào ngày 4-5 tháng 2 dương lịch (ảnh minh họa)

Khi Mặt trời đi qua giao điểm theo hướng tiến về phía Bắc thì đó là điểm xuân phân, còn về phía Nam thì là thu phân (đối với Bắc bán cầu, còn ở Nam bán cầu thì ngược lại). Khi Mặt trời đi qua xích đạo trời, tức là nó nằm trên đúng mặt phẳng xích đạo Trái đất, thì hai bán cầu có thời lượng được chiếu sáng như nhau, vì thế nên vào những ngày lân cận điểm này chúng ta thấy ngày và đêm dài gần đúng bằng nhau

Còn hai ngày chí, được gọi chung là soltice, có gốc Latin là sol (Mặt trời) và sistere (dừng lại). Việc này hàm ý nói về vị trí của Mặt trời. Hạ chí (với Bắc bán cầu) là khi Mặt trời đi lên (biểu kiến) tới xích vĩ (declination/DEC) cao nhất ở phía Bắc và nó hãm lại để sau đó dịch chuyển dần xuống phía Nam. Ngược lại, đông chí là thời điểm Mặt trời tới xích vĩ cao nhất về phía Nam và quay ngược trở lại.

Mùa bắt đầu lúc nào? Ở phương Đông, chúng ta coi khởi điểm của tiết lập xuân (mùng 4 tháng 2 Dương lịch) là khi mùa xuân bắt đầu (tương tự như vậy có lập hạ, lập thu và lập đông). Ngày khởi đầu các tiết phân và chí (tức 4 ngày phân và chí trong Dương lịch) được coi là ngày giữa của các mùa. Tuy vậy, ở văn hóa phương Tây, thì các ngày phân và chí này là những ngày bắt đầu các mùa.

Cách tính 24 tiết khí

Nhiều người mặc nhiên cho rằng các tiết khí là Âm lịch. Điều này là sai. Âm lịch dựa trên chu kỳ tuần Trăng, cứ 12 tuần Trăng (12 tháng Âm lịch) thì là một năm. Tuy nhiên, chu kỳ thời tiết thì phụ thuộc chủ yếu vào quỹ đạo của Trái đất quanh Mặt trời - vì Mặt trời là nguồn nhiệt chính cung cấp cho Trái đất, còn Mặt trăng thì không liên quan gì cả.

Nhưng chu kỳ quỹ đạo của Trái đất thì dài hơn tổng độ dài của 12 tuần Trăng khoảng 10 ngày. Chính vì vậy, sau này người phương Đông thêm vào tháng nhuận, là tháng thứ 13 trong năm Âm lịch. Thông thường, cứ 3 năm thì có 1 năm có tháng này, và như vậy thì Âm lịch sẽ đuổi kịp chu kỳ thời tiết.

Vì sự lệch nêu trên, Âm lịch vốn không phản ánh được chu kỳ thời tiết. Nhưng vì không nắm rõ điều này, nên nhiều người thường áp dụng một cách máy móc những kinh nghiệm dân gian vốn dĩ chỉ mang tính tương đối để dự đoán thời tiết.

Chẳng hạn "tháng 7 mưa ngâu" là một kinh nghiệm có tính tương đối. Tháng 7 Âm lịch không phải một khoảng thời gian chính xác, mà bị dao động với biên độ mỗi năm từ 10 tới 20 ngày khi so sánh tháng 7 của 2 năm liên tiếp nhau.

Ở miền Bắc cũng như nhiều khu vực khác của Việt Nam, khoảng thời gian mùa thu thường có những trận mưa không lớn nhưng kéo dài, thường xuyên, được gọi là mưa ngâu theo kiểu gọi dân gian. Không có bất cứ cơ sở nào để khẳng định nó chỉ diễn ra vào tháng 7 Âm lịch, hay thậm chí nhất quyết phải trong một phạm vi thời gian cụ thể là nửa tháng hay một tháng nào đó. Như vậy, những kinh nghiệm dạng này chỉ mang tính tham khảo, không có giá trị dự báo thời tiết.

Trong khi đó, lịch 24 tiết khí không hề phụ thuộc vào Âm lịch, mà chỉ phụ thuộc vào chu kỳ thời tiết. 24 tiết khí là 24 khoảng thời gian, mỗi khoảng dài 15 hoặc 16 ngày, mô tả 24 giai đoạn thời tiết khác nhau trong năm. Vì chu kỳ này phụ thuộc vào vị trí của Trái đất trên quỹ đạo, nên nó gần như trùng với Dương lịch.

Đa số người Việt Nam ngày nay vẫn cứ tra cứu xem lập xuân năm tới là mùng mấy Tết, nhưng thực tế nó luôn là mùng 4 hoặc mùng 5 tháng Hai theo Dương lịch. Những tiết khác cũng như vậy.

Tuy nhiên, nếu nói 24 tiết khí thuộc về Dương lịch thì cũng là sai. 24 tiết khí là do người Trung Quốc lập quy ước, do đó nó không thuộc về Dương lịch (Cần lưu ý rằng các tiết khí có tên gọi dựa trên khí hậu của Trung Quốc, chẳng hạn như "Đại tuyết" thì chắc chắn không mô tả khí hậu ở Việt Nam rồi). Dù vậy, như đã nói, vì hai chu kỳ này khớp nhau nên nếu bạn muốn biết một tiết nào đó bắt đầu vào ngày nào hàng năm thì tốt nhất nên tra Dương lịch .

Phapluat.suckhoedoisong.vn

Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/vi-sao-lap-xuan-luon-vao-ngay-4-hoac-5-thang-2-duong-lich-1622302.. Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/vi-sao-lap-xuan-luon-vao-ngay-4-hoac-5-thang-2-duong-lich-162230205144918882.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Lập xuân , Mùa xuân , Xuân phân