Vi phạm giao thông: Tán thành việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính
Thứ năm, 31/05/2012 17:15

Liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ĐBQH tại phiên thảo luận ở Hội trường chiều 30/5.

Đa số ý kiến ĐB đồng tình với chủ trương tăng mức phạt tiền và phạt "nặng" ở các TP lớn. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng thống nhất rằng, đây không phải là biện pháp hữu hiệu duy nhất để hạn chế vi phạm.

"Mặc dù không phải là biện pháp duy nhất để hạn chế vi phạm nhưng việc tăng mức xử phạt có ý nghĩa quan trọng trong thực tế, vừa xử phạt người vi phạm vừa có tác dụng răn đe, phòng ngừa rất lớn" - ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định. Từ quan điểm này, ĐB Hiến thống nhất cao với việc áp dụng mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, môi trường và quản lý đô thị ở khu vực nội thành của TP trực thuộc Trung ương như Dự thảo Luật quy định. Theo ĐB Hiến, Chính phủ đã thí điểm áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn tại TP. Hà Nội và TP. HCM và bước đầu đã có kết quả tích cực. Đến thời điểm hiện nay, việc áp dụng mức xử phạt cao hơn này cần phải được luật hóa.

Tăng mức xử phạt VPHC để góp phần giảm thiểu vi phạm về giao thông. (Ảnh: TL)

ĐB Trần Văn Độ (An Giang) nhấn mạnh, mức thu nhập bình quân trên đầu người ở nước ta hiện nay chỉ khoảng 2 triệu đồng/ tháng mà Dự thảo Luật quy định mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa là 1 tỷ đồng như vậy là quá cao, sẽ không phù hợp với tính nhân bản của pháp luật nước ta. Đặc biệt trong các lĩnh vực môi trường, chứng khoán, tài nguyên… mà QH vừa mới sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì mức phạt tối đa của các tội phạm cũng chỉ đến 500 triệu đồng đối với cá nhân thì không có lý nào xử phạt vi phạm hành chính lại lên tới 1 tỷ đồng.

"Mức xử phạt "quá khốc liệt" như vậy chỉ tạo ra sự chai lỳ, tiêu cực đến người vi phạm và không khả thi trên thực tế" - ĐB Độ nhấn mạnh. Theo ông, cần phân biệt rõ về mức xử phạt đối với cá nhân và tổ chức, có thể nâng mức xử phạt tối đa của tổ chức lên đến 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với vi phạm của cá nhân, mức xử phạt chỉ nên tối thiểu là 50 nghìn đồng và tối đa không quá 500 triệu đồng".

Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến ĐB cũng quan tâm đến việc xử lý tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 126 của Dự thảo Luật.

Theo ĐB Vũ Xuân Trường (Nam Định), việc xử lý tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm như trong Dự thảo Luật XLVPHC là chưa đầy đủ, cụ thể, dễ bị lạm dụng vì nhiều trường hợp người điều khiển sử dụng phương tiện vận tải thực hiện không đúng mục đích sử dụng, lạm dụng phương tiện để chở thêm hàng hóa. Theo ý kiến của ĐB, đối với trường hợp chủ sở hữu không có lỗi thì không thể tịch thu mà phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu.

Báo cáo giải trình, tiếp thu về Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, quy định việc xử lý tang vật, phương tiện như trong Dự thảo Luật XLVPHC sẽ làm phương hại đến quyền sở hữu hợp pháp của công dân, tổ chức được quy định trong Hiến pháp và pháp luật; đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội khác được quy định trong Bộ luật Dân sự (quan hệ cho mượn, cho thuê tài sản) và không thống nhất với Bộ luật Hình sự là trường hợp tang vật, phương tiện, tài sản "bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để phạm tội" thì được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp khi những người này không có lỗi.

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, Dự án Luật XLVPHC là Dự án Luật quan trọng, tác động đến nhiều đối tượng trong xã hội trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Dự án Luật đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri và ĐBQH. Ngay sau phiên thảo luận chiều nay, các ý kiến đóng góp của ĐBQH sẽ được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện chỉnh lý để trình QH xem xét, thông qua vào ngày 20/6/2012 tới.

PLXH
Tag: Vi phạm giao thông , Xử phạt hành chính , Quốc hội , Giao thông , An toàn giao thông