Vé tàu hỏa bị tẩy chay vì giá cao chóng mặt
Thứ hai, 20/01/2014 07:49

Đến thời điểm này, ngành đường sắt còn tồn trên 20.000 vé tàu tết. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra.

Ga Sài Gòn vắng khách đến xếp hàng mua vé. Ảnh: MINH PHONG

Ga Sài Gòn vắng khách đến xếp hàng mua vé. Ảnh: MINH PHONG

Sở dĩ người dân quay lưng với tàu tết một phần vì giá vé tăng quá cao, phần nữa do thái độ phục vụ của ngành không làm hài lòng hành khách đi tàu. Lý giải việc tăng giá vé, ngành đường sắt cho rằng để bù lỗ cho những chiều chạy vắng khách trong dịp tết (chiều từ Hà Nội vào TP.HCM trước tết và chiều ngược lại sau tết).

Tăng giá cao và sớm

Việc tăng giá vé như trên đã trở thành thông lệ, không chỉ ở đường sắt mà hàng không hay đường bộ cũng vậy. Hai nhóm được cho là phục vụ người dân bình dân, có thu nhập thấp là tàu hỏa và ô tô, hằng năm đều có rất đông khách lựa chọn. Trong khi xe đò tăng giá vào những ngày cận tết thì tàu hỏa đã tăng mạnh từ giữa tháng Chạp.

Theo thông báo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, giá vé tàu tết bắt đầu tăng từ ngày 14/1 đến 21/2 (tức từ 14 tháng Chạp đến 22 tháng Giêng). Ngành đường sắt không thông báo rõ ràng mức tăng giá vé mà chỉ nêu: Tùy từng giai đoạn giá vé sẽ tăng 2%-10% so với tết năm trước. Qua tham khảo bảng giá vé tàu tết năm nay, mức tăng ở mỗi loại ghế, giường đều khác nhau. Tuy nhiên, ở nhiều loại ghế, loại tàu có giá vé tăng rất… choáng.

Điển hình, tuyến Bắc-Nam, loại ghế ngồi cứng có điều hòa của các tàu SE4, 6, 8… giá ngày thường xấp xỉ 900.000 đồng nhưng đã tăng lên đến 1,2 triệu đồng/vé (30%) từ ngày 14/1. Cũng loại vé này, từ ngày hôm nay (20/1) giá tiếp tục tăng thêm gần 600.000 đồng/vé. Như vậy, so với ngày thường, loại vé này tăng trên 65%. Đặc biệt, ghế phụ của loại tàu SE6 (tuyến Sài Gòn - Hà Nội) ngày thường giá 616.000 đồng/vé, từ ngày 14/1 đã vọt lên 1.016.000 đồng/vé (tăng 65%); đến ngày cao điểm tết (sau ngày 20/1) tăng thành 1.342.000 đồng/vé, tức 117%.

Tiếp tục so sánh giá vé của tuyến TP.HCM - Diêu Trì (Bình Định) ở một số loại tàu TN2, 18… cho thấy giá đã tăng 32%-92%. Trong đó các loại ghế phụ, ghế ngồi cứng điều hòa… có mức tăng cao nhất. Những ngày cao điểm sắp tới, giá vé tàu tuyến này tiếp tục “bứt phá”, ghế phụ tăng giá 157% thành 515.000 đồng/vé; ghế ngồi cứng điều hòa tăng 117% thành 580.000 đồng/vé.

Giá cao lại… chảnh

Năm nay ngành đường sắt cùng lúc thực hiện nhiều hình thức bán vé tàu tết, gồm bán tại các ga, các đại lý, bán vé tin nhắn SMS, bán vé đăng ký qua điện thoại tại ga, bán vé cho các tập thể đặt chỗ trước… Mặc dù đang tồn đến 20.000 vé tàu tết nhưng ngành đường sắt lại bỏ lửng việc giảm giá để giải quyết số vé đang ế.

“Bằng nhiều cách, tôi tìm mua vé cho tuyến TP.HCM - Diêu Trì hai tháng nay nhưng nhân viên bán vé ga Sài Gòn trả lời hết vé. Không hiểu sao bây giờ lại lòi ra đến 9.000 vé ế! Bây giờ có vé tôi cũng không mua vì đã mua vé xe đò chứ không thể chờ họ” - ông Vương Hữu Dũng (quận Thủ Đức) chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Tình (quê Nam Định) cho biết cách đây gần một tháng đã đến ga Sài Gòn để mua vé về quê nhưng tất cả cửa bán đều trả lời vé đã bán hết từ tháng 10/2013. “Một điều lạ là trong ga nói hết vé nhưng “cò” vé bên ngoài lại khẳng định muốn lấy bao nhiêu vé, đi ngày nào cũng có. Càng vô lý hơn khi tôi và nhiều người khác xuống ở ga Nam Định, Thanh Hóa… nhưng vẫn phải trả tiền như đi Hà Nội” - ông Tình bức xúc.

Theo ông Dũng, ông và gia đình thường xuyên đi tàu hỏa, có lúc chấp nhận trả thêm 100.000-200.000 đồng để mua vé ở “cò”. Tuy nhiên, nếu cách phục vụ như hiện nay vẫn tiếp diễn, ông và gia đình sẽ lựa chọn loại hình khác. “Nhu cầu về quê ăn tết của người dân là rất lớn. Nếu ngành đường sắt cứ duy trì, không thay đổi cung cách phục vụ. Nhân viên bán vé, nhân viên trên tàu thì cau có, chất lượng bữa ăn kém… lẽ tất yếu người dân sẽ quay lưng với họ” - ông Dũng bày tỏ.

Plo.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Ga Sài Gòn , Đường sắt Việt Nam , Vé tàu Tết , Hành khách , Vận tải