Câu chuyện nghe chừng còn hiếm và khó tin ở cái thời hiện đại này, nhưng lại là sự thực 100% mà PV ghi lại được trong một ngày nắng nóng.
![]() |
|
Tại vùng đất Quảng, xứ Thanh (Quảng Xương, Thanh Hoá).
Hôm ấy, đang đi dạo ở khu trung tâm thành phố Thanh Hoá, chúng tôi bắt gặp một người đàn bà bán hàng rong. Bà là Lê Thị Thặng (61 tuổi, người làng Bùi, xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá). Không có gì khác biệt so với những người đàn bà bán hàng rong khác, dáng bà gầy khô, da sạm nắng, gương mặt nhẫy bóng mồ hôi và in rõ sự khắc khổ. Sẽ chẳng có gì lạ về bà, bởi hình ảnh những người phụ nữ như bà đã thành quen thuộc nơi mảnh đất thị thành này, nếu tôi không bắt gặp cảnh bà ve mẩu thuốc lào, cầm cây điếu và rít một hơi giòn tan... cùng lời nói: “Về quê tui, đàn bà con gái như tui ai cũng hút, đã thành cái tục rồi”.
Hút thuốc từ khi “dậy thì”
Chúng tôi, vì tò mò, tìm đến nhà bà. Căn nhà không khó kiếm, nằm ngay mặt con đường trung tâm của xã. Trong căn nhà trống huơ trống hoác, chúng tôi gặp lại bà Thặng, có điều lần này, bà ở trong một vai trò khác - vai trò một người phụ nữ trong gia đình và một bà chủ bán than tổ ong. Rót nước mời khách, bà bảo: “Nhạt mồm, nhạt miệng lắm, phải làm một hơi đã”. Lấy từ trong túi áo gói thuốc lào thủ sẵn, bà rít một hơi giòn tan rồi ngửa cổ nhả khói vào không trung một cách điêu luyện. Hớp ngụm trà đặc, bà chép miệng: “Con gái làng ni không hút thuốc lào không lấy được chồng”. Đó cũng là câu cửa miệng mà khắp một vùng gần xa nói về phụ nữ làng Bùi và cũng chỉ có làng Bùi mới có cái phong tục lạ lùng ấy.
Bà Thềm với 70 năm thâm niên hút thuốc.
Nhà bà Thặng có 7 anh chị em thì có tới 5 người hút thuốc lào, trong đó có 4 chị em gái. Đến nay, chị gái của bà, đã 90 tuổi, vẫn hút bình thường. Bà Thặng cho biết, phụ nữ làng Bùi tập hút thuốc từ nhỏ, từ khi mới lớp 4, lớp 5, nhưng hút chính thức thì khoảng 15 tuổi đổ đi, khi mà con gái bắt đầu dậy thì. Theo bà, ngoài lý do bắt chước bố mẹ và phong tục lâu nay của phụ nữ làng Bùi, một phần nguyên nhân khác khiến mấy chị em bà đến với thuốc lào là do thấy bạn bè đứa nào cũng hút, thậm chí thi nhau hút, thi nhau rít điếu cày xem ai hút kêu, hút hơi dài hơn ai… Vì vậy, không chỉ mấy chị em bà mà con gái làng Bùi ai cũng đến với thuốc lào từ rất sớm, thậm chí còn hút sành sỏi hơn cả nam giới.
Không chỉ đơn thuần là hút thuốc mà phụ nữ làng Bùi còn phải lựa chọn cho mình thứ thuốc ngon mới hút. Thuốc ngon là thuốc không có mùi hôi, thuốc hút phải êm cổ, không sốc, không nặng cũng không nhẹ. Thuốc được trồng ở vùng Quảng Xương như thuốc Quảng Định, Quang Trung thường là loại thuốc ngon... Bên cạnh đó, việc lựa chọn chiếc điếu cày hút cho đúng vị cũng hết sức công phu, kĩ lưỡng, mà giá mỗi chiếc điếu có chất lượng bây giờ trên thị trường tính trung bình cũng lên đến tiền triệu. Nói rồi, bà đem ra một gói thuốc nhỏ cất trong người, ve ve cho chúng tôi xem, “cô chú có hút thì hút thử xem là biết, đây là thuốc ngon, chỉ khách quý thì tôi mới mời đấy”, bà nói.
Bà kể lại một câu chuyện cách đây khoảng 4 năm. Lúc đó, bà đi viện mổ khối u, nằm cả tuần liền không được hút thuốc, thèm quá bà ra hẳn khu đất trống của bệnh viện lấy lá chuối quấn lại làm nỏ rồi cho thuốc lào vào châm lửa hút cho đỡ nhớ. Khi vào phòng, các bệnh nhân khác hỏi, sao không thấy ai hút thuốc lào mà lại có mùi thuốc, truy ra thì biết bà là người hút. Bà phải giải thích mãi, các bệnh nhân khác mới chịu thông cảm cho. Lớp trẻ bây giờ không hút thuốc lào, chứ lứa tuổi từ 40 đổ lên hầu như phụ nữ ở làng này ai cũng hút, giờ vẫn hút. Có người lấy do chồng con không cho hút nên bỏ, nhưng cũng có nhiều người cương quyết không chịu bỏ thuốc vì đó là sở thích đã ăn vào máu, là tục lệ của con gái làng Bùi.
Nhịn cơm, nhịn nước, dễ chi... nhịn thuốc
Bà Lê Thị Thềm (78 tuổi, thôn 6, làng Bùi) - người có thâm niên 70 năm hút thuốc - cho biết: “Tôi hút từ năm 7, 8 tuổi. Bây giờ, mỗi ngày chỉ hút chừng 20 điếu, con dâu tôi thì vô kể, cứ nhạt mồm nhạt miệng là sẵn điếu hút luôn”. Theo bà Thềm, nguồn gốc việc phụ nữ làng Bùi hút thuốc lào không biết có tự bao giờ, cũng như nguồn gốc tên làng Bùi cũng không ai biết vì sao lại có. Khi lớn lên, bà đã thấy ông bà, bố mẹ hút thuốc lào, rồi bắt chước, hút cho tới tận bây giờ, số năm bà hút đã lên tới 7 thập kỷ - một con số khủng về thâm niên hút thuốc. Gia đình bà Thềm có 5 anh chị em thì tất cả đều hút. Bây giờ, chị gái của bà đã hơn 80 tuổi cũng vẫn hút.
Bà Thềm cho biết, thời của bà không ai quan niệm chuyện phụ nữ hút thuốc lào như bây giờ, chuyện đó bình thường như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Phụ nữ làng Bùi khi ấy cũng ít khi lấy chồng ở xa mà chủ yếu lấy người trong làng nên tục hút thuốc lào cả xã này cũng chỉ có mỗi làng Bùi chứ làng khác, xã khác không có. Có người bảo vui, “bỏ ăn, bỏ uống chứ không ai bỏ thuốc bao giờ”. Theo bà, nếu phải nhịn hút thuốc một ngày thì trong người sẽ thấy lâng lâng, nôn nao, mệt mỏi, khó chịu gấp nhiều lần so với nhịn ăn. Vậy nên, hễ đi đâu xa là trong người chị em phụ nữ làng Bùi bao giờ cũng thủ sẵn một gói thuốc lào. Đi say xe hút một điếu là khỏi. Người mệt mỏi hút một điếu là tỉnh táo, làm việc hăng say. Làm kĩ thuật hay công việc liên quan đến đầu óc thì hút một điếu là thông suốt vấn đề… Bà Thềm cũng thẳng thắn cho biết, hút thuốc lào là có hại cho sức khoẻ, những người hút thuốc lào không mấy ai béo tốt mà gầy yếu, hút nhiều còn ảnh hưởng đến phổi và một số bệnh lý khác.
Để thấy cảnh chị em phụ nữ hút thuốc lào ở làng Bùi thực không khó, chỉ đi qua các nhà hàng ăn sáng, quán café, quán nước hay dạo một vòng quanh chợ Bùi là có thể bắt gặp hình ảnh từng tốp các mẹ, các chị cầm điếu hút thuốc. Chợ Bùi cũng gắn với tên làng, với tục phụ nữ nơi đây hút thuốc, song tuổi của nó không ai nắm được. Nay, chợ Bùi đã được nâng cấp cao đẹp hơn trước, nhiều nét mới xuất hiện, nhưng bên cạnh đó, hình ảnh các bà bán thuốc lào vẫn không thể thiếu. Tại các hàng bán thuốc, chúng tôi thấy thúng thuốc lào luôn được các bà cẩn thận đặt vào những túi nilon kín, bên cạnh thúng luôn có từ 1 - 2 cái điếu. Trong vòng 30 phút quan sát, chúng tôi thấy có cả chục người đến hỏi mua thuốc và dù mua hay không mua thuốc song ai nấy đều hút thử một điếu, phần để thử xem thuốc ngon hay không, phần là giải quyết nỗi thèm thuồng trong lòng.
“Bây chừ con gái không hút vì sợ… ế chồng!”
“Đó là điều dễ hiểu vì hút thuốc lào không những ảnh hưởng đến sức khoẻ mà còn có mùi hôi, đi đâu cũng bị nhận ra. Con gái làng Bùi bây giờ không hút thuốc như các bà, các mẹ là đúng!”, ông Trần Văn Hùng - trưởng thôn 6, làng Bùi - đồng tình.
Theo ông Hùng, phụ nữ làng Bùi hút thuốc đã nổi tiếng từ xưa, hễ đi đâu người ta cũng chọc ghẹo các bà là “cho tôi xin điếu thuốc lào làng Bùi”. Truyền thống thuốc lào nơi đây có từ rất xa xưa, thậm chí trong lịch sử của Đảng bộ xã Quảng Giao người ta cũng có trích lược sử là, tên làng cũng như phong tục phụ nữ nơi đây hút thuốc không biết có từ bao giờ. Đến nay vẫn lưu truyền miệng một số câu hát vui về tục phụ nữ hút thuốc lào nơi đây như: “Những lúc say men cũng muốn chừa/ Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa/ Hay ưa đến nỗi không chừa được/ Chừa được nhưng ta vẫn không chừa” hay như câu “Yêu nhau vì điếu thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”...
Làng Bùi có 9 thôn thì tới 7 thôn là có phụ nữ hút nhiều, riêng thôn 6 có tới 90% số người hút thuốc, chủ yếu là nam giới và nữ giới độ tuổi từ 40 trở lên. “Nhiều người ở đây họ không hút thuốc lá vì cho rằng thuốc lá có hại nhiều cho sức khoẻ và hút nhạt miệng hơn thuốc lào. Tuy nhiên, các cháu nữ thanh niên bây giờ không còn theo cái tục hút thuốc lào như các mẹ, các chị xưa, thậm chí các cháu còn đưa ra quan niệm trái ngược câu ca của các bậc tiền bối rằng “không hút thuốc vì sợ… ế chồng”, ông Hùng cho biết.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”


-
Xã nhỏ nhất Việt Nam nhưng mật độ dân số cao gấp 16 lần Hà Nội sắp sáp nhập để trở thành đô thị ven biển
-
15 quyền lợi chỉ có ở lao động nữ, số 1 nhiều người không biết mà hưởng
-
Sau sáp nhập tỉnh, người dân có cần đổi biển số xe, đăng ký xe không?
-
Quận đông dân bậc nhất Hà Nội sắp mở rộng đường huyết mạch, hiện tại đang tiến hành thu hồi đất




-
Xã nhỏ nhất Việt Nam nhưng mật độ dân số cao gấp 16 lần Hà Nội sắp sáp nhập để trở thành đô thị ven biển
-
Tin vui cho hàng triệu Giáo viên: Được xếp lương cao nhất trong thang bậc hành chính, đãi ngộ riêng biệt, thêm cơ chế bảo vệ danh dự
-
Dự kiến tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của 34 tỉnh, thành sau sáp nhập
-
Quy định mới nhất về khoảng cách bật xi nhan trước khi rẽ, người tham gia giao thông lưu ý kẻo dính phạt
-
Một tỉnh nghèo miền núi bất ngờ lọt top 5 tỉnh thành tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, vượt mặt Hải Phòng, Quảng Ninh
-
2 tỉnh sở hữu ‘kho vàng’ lớn nhất miền Bắc: Trữ lượng nhiều vô kể, vẫn còn ‘ngủ yên’ dưới lòng đất
-
Rất nhiều người không biết: Muốn cấp đổi Căn cước, VNeID bắt buộc phải cập nhật định danh mức độ 2
-
'Qua sắp xếp, nhiều tỉnh miền núi sẽ có biển và tỉnh miền biển sẽ có núi'