Cho rằng “Không ai kêu ca, phàn nàn”, Bộ Công an sẽ tiếp tục triển khai cấp CMND mẫu mới có ghi họ tên cha mẹ ở nhiều địa phương phía Bắc.
Làm thủ tục xin cấp CMND. Ảnh: TẤN THẠNH |
Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Tổng cục VI) - Bộ Công an vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đợt triển khai thí điểm cấp đổi CMND theo mẫu mới tại 3 quận, huyện ở Hà Nội là Tây Hồ, Từ Liêm và Hoàng Mai.
Không ai phàn nàn!?
Trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục VI, cho biết trong thời gian thí điểm, đã có 7.500 trường hợp tới làm thủ tục xin cấp, đổi CMND mẫu mới.
“Không ai phàn nàn gì về việc CMND mới có phần ghi họ tên cha mẹ. Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi cũng nói rõ trong thời gian thực hiện thí điểm tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã có phản ứng khi cho rằng việc đưa họ tên cha mẹ công dân lên CMND là chưa phù hợp, không đúng quy định trong Bộ Luật Dân sự. Tuy nhiên, chính Bộ Tư pháp đã thẩm định nghị định cho phép thực hiện việc này và trình Chính phủ thông qua. Chúng tôi đã làm đúng theo quy định, không có gì là sai luật” - ông Vệ quả quyết.
Theo Tổng cục VI, do có hệ thống bảo mật và lưu giữ vân tay kết nối nội mạng trên toàn quốc nên việc xác định danh tính của công dân rất dễ dàng, không thể xảy ra trường hợp một người được cấp 2-3 CMND. Việc ghi họ tên cha mẹ công dân lên CMND sẽ giúp lực lượng chức năng nhanh chóng tìm ra chính xác người cần tìm vì hiện nay, số trường hợp trùng tên tuổi, quê quán không ít.
“Những trường hợp nhạy cảm như con ngoài giá thú, cha hoặc mẹ là tử tù, thụ tinh nhân tạo, bố mẹ đã mất từ lâu… thì sẽ được thực hiện theo chỉ dẫn của lực lượng làm công tác cấp CMND, có thể không nhất thiết phải kê khai và điền thông tin đó” - ông Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế - Bộ Công an, cho biết.
Đánh giá đợt thí điểm ở 3 quận, huyện của Hà Nội “thành công tốt đẹp”, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an cho biết từ nay đến hết năm 2013, sẽ tiếp tục cấp CMND mới trên toàn TP và mở rộng ra nhiều địa phương phía Bắc như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình.
Làm khó người dân
Ông Chu Văn Khanh, Trưởng Phòng Công chứng A1, Chủ tịch Hội Công chứng Hà Nội, cho biết đã có không ít người dân gặp rắc rối trong lúc làm các thủ tục mua bán tài sản khi CMND mới có 12 số thay vì 9 số như trước đây. Nhiều trường hợp công chứng vẫn làm xong nhưng khi gửi sang Phòng Tài nguyên - Môi trường thì bị trả lại, yêu cầu phải bổ sung giấy tờ chứng minh việc thay đổi CMND. “Khổ nhất là những trường hợp trước đây làm giấy tờ ủy quyền tài sản nhưng bây giờ muốn làm thủ tục sang tên thì cơ quan Nhà nước yêu cầu phải có xác nhận thay đổi CMND của cả người ủy quyền” - ông Khanh nêu thực trạng.
Theo Thiếu tướng Trần Văn Vệ, trước ngày thí điểm ở Hà Nội (21-9), Tổng cục VI đã có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan thông báo về việc cấp, đổi CMND mới, trong đó có điều chỉnh số CMND từ 9 lên 12 số và đề nghị tạo điều kiện cho người dân thực hiện các giao dịch. Tuy nhiên, chỉ có nhân viên tại các sân bay và ngành hải quan không gây phiền hà. Bản thân Tổng cục An ninh - Bộ Công an cũng đã điều chỉnh số hộ chiếu ngay trên hệ thống máy tính cho người dân. Ông Vệ cho biết ngân hàng chính là nơi hay gây khó dễ cho người dân nhất khi đến làm thủ tục giao dịch với CMND mới mà hồ sơ, giấy tờ trước đây đều là số CMND cũ.
“Tôi vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hà Nội và các ngân hàng thương mại đề nghị không gây phiền hà nếu thấy rằng thông tin trên CMND mới của họ chỉ khác thông tin CMND về việc xuất hiện 12 số thay vì 9 số. Việc thay đổi CMND từ 9 lên 12 số là phù hợp với yêu cầu quản lý của Bộ Công an, nếu ngân hàng hay đơn vị nào không thực hiện, gây khó dễ cho người dân là làm sai quy định”- ông Vệ khẳng định.
Tổng cục VI cũng đã có văn bản gửi lực lượng công an, hướng dẫn một số trường hợp nếu thấy cần thiết có thể xác nhận ngay cho người dân về việc thay đổi CMND. Công nghệ làm CMND mới nhanh, đơn giản và thuận tiện hơn trước rất nhiều. Trường hợp bị mất CMND, người sử dụng có thể nhờ người nhà đến cơ quan công an làm hộ (vì vân tay của mỗi người đã được công an lưu giữ), thay vì phải đích thân đến lăn tay mới được cấp lại.
Xem lại vai trò “gác cổng” của Bộ Tư pháp
Một số chuyên gia cho rằng Bộ Tư pháp cần nghiêm túc xem lại trách nhiệm của mình trong vụ việc này. Với vai trò thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ xem xét ban hành nhưng Bộ Tư pháp đã không phát hiện quy định đưa họ tên cha mẹ lên CMND trong Nghị định 170/2007 là không phù hợp, trái với Bộ Luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã tham gia.
Phải đến khi Bộ Công an công bố kế hoạch thực hiện cấp CMND mới có phần ghi họ tên cha mẹ công dân gây bức xúc trong dư luận, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) mới vào cuộc tìm hiểu. Sau đó, cơ quan này đã thừa nhận việc để lọt lưới văn bản có dấu hiệu trái luật. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp chưa phát đi thông báo nào thể hiện việc “khắc phục” thông qua việc “tuýt còi” Nghị định 170 hoặc có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét điều chỉnh quy định này.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%