Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012: Chọn trường theo học phí
Thứ tư, 04/04/2012 08:43

Đến hẹn lại lên, học phí tại các trường ĐH, CĐ cho năm học 2012-2013 tiếp tục “nhảy múa”.

Trường công lập cố tăng “kịch trần”, còn khối các trường ngoài công lập đa phần cao chót vót khiến nhiều thí sinh và phụ huynh không khỏi “choáng váng”, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đăng ký dự thi vào trường nào đó.

Học phí ĐH cũng là một trong những thông tin quan trọng mà thí sinh quan tâm trước khi làm hồ sơ đăng ký dự thi (ảnh chỉ có tính minh họa).  Ảnh: Q.Anh

Nỗi lo học phí

Trong thời gian này, thí sinh đang cấp tập để ôn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời “nghiên cứu” lựa chọn các trường cho phù hợp để đăng ký dự thi. Đối với nhiều thí sinh, điều quan tâm nhất khi chọn trường, chọn ngành là phải xem xét mức học phí, rồi mới đưa ra quyết định đăng ký hồ sơ. Nhìn biểu học phí của các trường ĐH, CĐ năm học 2012-2013, không ít phụ huynh, thí sinh bị “choáng” vì mức học phí cao ngất ngưởng.

Ba tuần qua, gia đình anh Dương Quốc Tấn (Hợp Thành, Kỳ Sơn, Hòa Bình) luôn “nóng” chuyện chọn trường đăng ký dự thi cho cậu út Dương Quốc Tú, năm nay thi vào ĐH. Anh Tấn cho biết: “Việc lựa chọn trường quả không hề đơn giản. Trước tiên, phải biết lực học của cháu, sau đó mới chọn trường, chọn ngành. Gia đình khó khăn nên cũng phải tính đến yếu tố học phí nữa. Ở Hòa Bình không có trường ĐH, nên phải thi trường ở Hà Nội. Mà ở Hà Nội, trường nào học phí cũng cao. Trường công lập từ 2-4 triệu đồng/học kỳ, còn trường dân lập thì cao hơn gấp mấy lần. Nhà chỉ còn đứa út, học tốt nên mới đặt hy vọng vào ĐH. Cháu đỗ được thì mừng, nhưng gia đình sẽ vất vả hơn khi lo toan tiền học sau này”.

Còn Dương Quốc Tú tâm sự: “Em cũng đang phân vân lựa chọn đăng ký dự thi, bởi ngành học mà em thích trường ĐH công lập lấy điểm rất cao, còn trường dân lập sẽ lấy chỉ ngang điểm sàn, nhưng học phí mấy trường này thì quá “chát”. Lực học có hạn, em chỉ mong rằng ở kỳ thi ĐH sắp tới em vượt qua điểm sàn ĐH, rồi tính tiếp nộp đơn xét tuyển vào trường tiếp theo. Nhiều bạn trong lớp em dù không thích nhưng nhà nghèo đành phải cố gắng thi vào trường quân đội, sư phạm để được miễn học phí”.

Chọn trường theo học phí cũng là lựa chọn của học sinh Trần Thị Huyền (lớp 12, Trường THPT Trực Ninh, Nam Định). Huyền chia sẻ: “Bố mẹ đều làm nông nghiệp nên đối với em mức học phí của từng ngành, từng trường là rất quan trọng. Các trường công lập vẫn cao hơn rất nhiều so với học phí phổ thông. Còn các trường dân lập, trường quốc tế mức học phí rất cao, chắc em chẳng bao giờ nghĩ tới đăng ký dự thi vào các trường này. Bởi ngoài học phí ra, còn phải đóng tiền trọ, tiền ăn uống, tàu xe…”.

Nhiều nơi học phí “khủng”

Bước vào kỳ thi tuyển sinh năm 2012, nhiều trường đã tung mọi “chiêu” để “hút” thí sinh bằng nhiều ưu đãi. Song, nhiều trường cố tình “quên” công bố mức học phí, gây khó khăn cho thí sinh khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Mặc dù Bộ GD&ĐT có quy định các trường phải công khai, song nhiều trường vẫn lờ đi, không dám công khai. Bởi nhiều trường cho rằng, tăng học phí thí sinh sẽ không thi vào trường. Sau nhiều lần thúc ép, đến đầu tháng 4, Bộ GD&ĐT mới có được thông tin học phí của các trường, bổ sung cho cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012”.

Năm nay học phí ở một số trường tăng. Đối với các trường ngoài công lập ở phía Bắc, “khủng” nhất là ĐH FPT, học phí chương trình chính khóa 23,1 triệu đồng/học kỳ, trường tạm thu thêm 13,44 triệu đồng lệ phí nhập học và học phí khóa tiếng Anh. ĐH Thăng Long học phí từ 18-18,5 triệu đồng/năm. ĐH Quốc tế Bắc Hà học phí hệ ĐH 15-16 triệu đồng/năm… Các trường phía Nam, học phí có phần nhỉnh hơn, những trường học phí cao như: ĐH Quốc tế miền Đông (15-30 triệu đồng/năm), ĐH Võ Trường Toản (Y khoa: 17,5 triệu đồng/học kỳ; Dược học: 16,5 triệu đồng/học kỳ), ĐH Hoa Sen (3,3 - 4,3 triệu đồng/tháng)…

Tuy nhiên, cũng có một số trường vẫn giữ nguyên mức học phí khá thấp, thậm chí còn giảm, chủ yếu là các trường ở địa phương. ĐH Chu Văn An học phí hệ ĐH từ 590.000-650.000đ/tháng, ĐH Thành Đô 550.000 đồng/tháng. Trường ĐH Hà Hoa Tiên cho biết, năm nay học phí hệ CĐ 400.000đ/tháng, ĐH 500.000đ/tháng, giữ nguyên so với năm trước, thí sinh trúng tuyển sẽ được miễn 1 tháng học phí. Còn ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị giảm trong 3 năm liền, xuống mức từ 600.000 -800.000đ/tháng. Theo nhà trường, lý do giảm học phí là để thu hút thí sinh dự thi, trường chịu lỗ trong những năm đầu để xây dựng thương hiệu.

Về học phí các trường ngoài công lập, GS.TS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT ĐH Thăng Long chia sẻ: “Để mở trường ĐH dân lập, trung bình phải mất khoảng 200 tỷ đồng, chưa tính đầu tư trang thiết bị... theo đó,  trường sẽ phải chịu lãi suất lên tới 20%. Lương giáo viên tăng, không tăng sẽ tạo ra thách thức lớn cho các trường trong bối cảnh phải cạnh tranh đầu vào gắt gao. Tăng học phí để các trường có cơ hội tăng chất lượng, phục vụ sinh viên. Tôi thấy, ở bậc học phổ thông phụ huynh nhiều người chi hàng tháng cả vài triệu đồng tiền học thêm cho con ở phổ thông. Nhưng học phí ĐH dù thấp hơn, nhưng vẫn kêu là đắt. Phụ huynh nên tích cóp tiền để cho con cái sau này vào ĐH”.

GiadinhNet
Tag: Tuyển sinh 2012 , Học phí , Chọn trường , Tư vấn tuyển sinh , Khung học phí đại học