Hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm, nhiều ngành rơi vào cảnh thí sinh ít hơn chỉ tiêu, chỉ cần đủ điểm sàn là đậu.
|
Thống kê hồ sơ đăng ký dự thi theo ngành của nhiều trường cho thấy ngay cả trường lớn, uy tín thì số hồ sơ dự thi vẫn ít hơn chỉ tiêu. Các ngành “ế” này tập trung nhiều vào nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, sư phạm, khoa học xã hội - nhân văn. Ở nhiều trường, ngay cả nhóm ngành kinh tế vốn được ưa chuộng cũng giảm hẳn hồ sơ.
Đủ điểm sàn là đậu!
So với năm 2011, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường ĐH Mở TP. HCM giảm mạnh từ 27.914 xuống còn 17.379, các ngành hệ thống thông tin quản lý, Đông Nam Á học, xã hội học, công tác xã hội, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Nhật mỗi ngành nhận được 89-153 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu từng ngành khoảng 150-200. Không những vậy, năm nay các ngành kinh tế như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán… có hồ sơ đăng ký dự thi giảm trên dưới một nửa. Một số ngành khác cũng giảm mạnh như khoa học máy tính, xây dựng, công nghệ sinh học, ngôn ngữ Anh.
Ngành kỹ thuật vật liệu của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. HCM) năm nay thí sinh chỉ “chọi” với chính mình khi chỉ có 90 hồ sơ cho 200 chỉ tiêu. Trong khi năm trước cũng với chỉ tiêu đó, ngành này có 267 thí sinh đăng ký. Các ngành kỹ thuật trắc địa-bản đồ, kỹ thuật vật liệu xây dựng của trường này cũng là ngành dễ trúng tuyển trong năm nay vì lượng hồ sơ tương đương chỉ tiêu.
Năm nay một số ngành của Trường ĐHBK như kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật trắc địa- bản đồ… dễ trúng tuyển vì lượng hồ sơ tương đương chỉ tiêu. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐHBK TP. HCM đang thực tập tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: HTD)
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP. HCM), dù hồ sơ các ngành lịch sử, nhân học, triết học, khoa học thư viện, giáo dục học, văn hóa học, ngôn ngữ Nga-Pháp-Đức-Tây Ban Nha… có tỉ lệ “chọi” nhỉnh hơn 1 khá hơn so với năm trước nhưng TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo, cho hay: “Khó mà tuyển đủ theo nguyện vọng 1”. Còn tại Trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM, thí sinh sẽ nhẹ gánh với các ngành truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật tàu thủy, khoa học hàng hải…
Năm nay tiếp tục là năm khó khăn của các chương trình đào tạo liên kết với ĐH nước ngoài của Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP. HCM), vì chỉ có 493 hồ sơ so với 900 chỉ tiêu cho 24 ngành đào tạo liên kết. Suốt nhiều năm qua, việc tuyển sinh của các ngành đào tạo liên kết đều tuyển không đủ chỉ tiêu, điểm trúng tuyển luôn bằng điểm sàn. Đối với các ngành do trường cấp bằng, nhiều ngành chỉ nhỉnh hơn chỉ tiêu vài hồ sơ như quản lý nguồn lợi thủy sản, kỹ thuật điện tử truyền thông, kỹ thuật hệ thống công nghiệp.
Hàng loạt ngành của Trường ĐH Cần Thơ có lượng hồ sơ ít hơn hoặc nhỉnh hơn chút ít so với chỉ tiêu như sư phạm tiếng Pháp, ngôn ngữ Pháp, khoa học máy tính, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, ba ngành đào tạo tại tỉnh Hậu Giang là ngôn ngữ Anh, công nghệ thông tin, phát triển nông thôn… Cá biệt, ngành lâm sinh có 60 chỉ tiêu nhưng chỉ có sáu hồ sơ nộp vào! ThS Võ Thị Ngọc Mỹ, Phó Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết: “Nhiều năm qua, đây là ngành ít có được thí sinh dự thi như mong muốn nên điểm trúng tuyển luôn bằng điểm sàn. Những ngành này chỉ hút được thí sinh khi xét tuyển nguyện vọng”.
Chưa thi đã lo tuyển nguyện vọng
Theo TS Hoàng Hữu Hòa, Trưởng ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế, lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường thành viên năm nay tăng khoảng 10%. Tuy nhiên, trong 98 ngành đào tạo thì có 23 ngành hồ sơ không đủ chỉ tiêu như kinh tế (khoa Du lịch); sư phạm tiếng Pháp, sư phạm tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Pháp, quốc tế học (ĐH Ngoại ngữ); đồ họa (ĐH Nghệ thuật); công nghệ kỹ thuật môi trường, kỹ thuật điện, kỹ thuật trắc địa-bản đồ (Phân hiệu tại Quảng Trị); giáo dục quốc phòng-an ninh, sư phạm kỹ thuật công nghiệp, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, tâm lý học giáo dục (ĐH Sư phạm); Hán-Nôm, Đông phương học, triết học, lịch sử, ngôn ngữ học, xã hội học, vật lý học, toán học, toán ứng dụng (ĐH Khoa học). TS Hoàng Hữu Hòa cho hay: “Các ngành ít thí sinh dự thi chắc chắn phải xét tuyển nguyện vọng. Hằng năm ĐH Huế đều xét tuyển đến nguyện vọng 3 mà vẫn chưa đủ chỉ tiêu”.
ĐH Đà Nẵng cũng lên danh sách hàng loạt ngành bị thí sinh “chê” vì lượng hồ sơ ít hơn rất nhiều so với chỉ tiêu. Theo đó, ngành sư phạm tiếng Pháp, sư phạm tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ Nga, ngôn ngữ Thái Lan (ĐH Ngoại ngữ); sư phạm kỹ thuật công nghiệp, công nghệ vật liệu, kỹ thuật tài nguyên nước (ĐH Bách khoa); quản trị kinh doanh, kế toán, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng (Phân hiệu tại Kon Tum); hệ thống thông tin quản lý, thống kê (ĐH Kinh tế); văn học, văn hóa học, vật lý học (ĐH Sư phạm). Trong số này, năm ngoái ngành thống kê của Trường ĐH Kinh tế đã buộc phải đóng cửa do không tuyển được.
Tại các trường ngoài công lập, nhiều ngành chỉ có một hồ sơ đăng ký dự thi. “Ảm đạm” nhất là Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng khi tỉ lệ “chọi” chung của trường là 1 “chọi” 0,6 (1.298 hồ sơ/2.200 chỉ tiêu). Trong đó, các ngành kinh tế, khoa học môi trường, công nghệ thông tin, kỹ thuật y học, điều dưỡng, ngôn ngữ Pháp chỉ nhận được một hồ sơ. Tại Trường ĐH Hoa Sen, các ngành kinh doanh quốc tế, thiết kế đồ họa, toán ứng dụng, hệ thống thông tin quản lý hồ sơ chỉ từ 12 đến 115, trong khi chỉ tiêu là 60-120. Tại Trường ĐH Lạc Hồng, tỉ lệ “chọi” trung bình là 1/1,9; còn Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là 1 “chọi” 1,5… Thí sinh dự thi vào các trường có ít hồ sơ so với chỉ tiêu thì chỉ cần đủ điểm sàn là trúng tuyển và chỉ tiêu xét tuyển là rất nhiều.
Hơn 1,8 triệu hồ sơ dự thi ĐH, CĐ PGS-TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), cho biết kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 có 1.812.592 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm 7,74% so với năm ngoái. Lượng hồ sơ vào ĐH là 1.358.381, chiếm 75%, giảm 7,71% so với năm ngoái. Còn hồ sơ dự thi vào CĐ là 454.211, chiếm 25% và giảm 7,83%. Khối A vẫn là khối có tỉ lệ thí sinh đông nhất với hơn 640.900 hồ sơ đăng ký vào các trường ĐH; khối B có hơn 289.300 hồ sơ; khối C hơn 84.400 hồ sơ và khối D1 có hơn 219.500 hồ sơ. Các khối khác có 49.700 hồ sơ. Năm nay khối A1 là khối thi mới nhưng tổng hồ sơ chỉ thấp hơn một ít so với khối C, với hơn 74.400 hồ sơ, chiếm 5,2%. Năm nay hồ sơ đăng ký dự thi cao nhất vẫn là nhóm ngành kinh doanh và quản lý, chiếm 30,44% (so với năm ngoái giảm 10,66%). Các ngành khoa học xã hội - nhân văn chiếm 4,43% (tương đương năm trước), ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 2,93% (tăng 0,4%)… Trong khi đó, các ngành nghệ thuật, báo chí, toán và thống kê, khách sạn, thể dục thể thao có lượng hồ sơ đăng ký dự thi thấp, chiếm dưới 1%. |
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?