Ngày bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi của các sở GD-ĐT cho các trường ĐH phía Bắc tại Hà Nội (10/5) cho thấy kết quả số lượng hồ sơ ảo giảm mạnh.
|
Số lượng thống kê từ sở GD-ĐT các tỉnh phía Bắc cho thấy số lượng hồ sơ trung bình mỗi thí sinh nộp giảm so với năm ngoái.
Không còn “nhắm mắt nhắm mũi” thi đại học
Theo lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT, không còn tình trạng thí sinh bất chấp học lực, điều kiện, “nhắm mắt nhắm mũi” thi ĐH sau khi học xong lớp 12. Ông Đoàn Quốc Tuấn, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Hòa Bình, cho hay số học sinh đang học lớp 12 tại các trường THPT của tỉnh khoảng 9.500 em, thêm khoảng 1.600 em theo học hệ bổ túc văn hóa. Tuy nhiên, thống kê của sở chỉ có 6.000 thí sinh (kể cả thí sinh tự do) thi vào các trường ĐH trung ương, 1.000 em chọn thi vào trường CĐ của địa phương.
“Mặc dù nhiều trường dân lập rất dễ đỗ, tỉ lệ đỗ ĐH của tỉnh miền núi chúng tôi cũng không thấp (trên 33%) nhưng thí sinh đã biết lựa chọn nhiều đường khác nhau để vào đời, không nhất thiết vào ĐH bằng mọi giá như vài năm trước” - ông Tuấn nhận định.
Cũng theo ông Tuấn, ngoài việc định hướng nghề tốt hơn, việc xét tuyển các trường linh hoạt hơn thì lý do khiến hồ sơ ảo giảm nhiều một phần còn do lệ phí thi: “Năm 2010 lệ phí thi chỉ nộp khi đến trường dự thi nên thí sinh thoải mái đăng ký, nay buộc nộp lệ phí chung với hồ sơ nên hồ sơ giảm nhiều. Học trò nghèo hiếm khi nào đăng ký đến trường thứ hai”.
Số liệu từ Sở GD-ĐT Hà Nam cho thấy số lượng đăng ký dự thi ĐH năm nay của toàn tỉnh là 18.900 hồ sơ, giảm 15% so với năm 2011; Hòa Bình 9.064 hồ sơ, giảm 10%; Hải Dương 36.078 hồ sơ, giảm 20%; Phú Thọ 20.962 hồ sơ, giảm 15%, Cao Bằng 8.390 hồ sơ, giảm 20%; Thanh Hóa 79.130 hồ sơ, giảm hơn 10%... Tỉnh Vĩnh Phúc với chiến lược phân luồng học sinh mạnh mẽ được thực hiện bắt đầu từ năm 2012 đã cho kết quả số lượng đăng ký dự thi ĐH, CĐ của tỉnh này giảm mạnh còn 23.539 hồ sơ, giảm 20% so với năm trước.
Trường “tốp giữa” lên ngôi
Khảo sát nhanh từ số liệu các sở GD-ĐT cho thấy lựa chọn ưu tiên nhất của thí sinh nhiều tỉnh là ĐH Công nghiệp Hà Nội. Đây cũng là trường luôn có số lượng hồ sơ đăng ký dự thi đông nhất. Học sinh tỉnh Thanh Hóa đăng ký dự thi vào trường này với 9.592 hồ sơ, Hà Nội 12.000 hồ sơ, Hưng Yên 3.679 hồ sơ... Tuy nhiên, thống kê của trường cho thấy tổng số hồ sơ đăng ký dự thi năm 2012 là 65.000, giảm 10% so với năm ngoái.
Các sở GD-ĐT bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi cho các trường ĐH phía Bắc
Theo ông Phạm Thành Công (phòng đào tạo ĐH Công nghiệp Hà Nội), tuy số hồ sơ chung giảm nhưng tỉ lệ chọi lại tăng hơn do chỉ tiêu của trường năm nay bị siết chặt. Năm 2011, cả hệ đào tạo ĐH và CĐ của trường có 8.650 chỉ tiêu, nhưng năm 2012 chỉ còn 6.000 chỉ tiêu. Chưa kể năm 2011 trường có 1.500 chỉ tiêu đào tạo trung cấp, còn đến thời điểm này trường chưa được bộ cho phép tiếp tục đào tạo trung cấp nên không có thông báo tuyển sinh đối với hệ này. Theo đó, tỉ lệ chọi năm 2012 của trường khi trừ đi số thí sinh ảo dự kiến ở mức 1 chọi 9/10.
Trong khi nhiều trường tốp trên do điểm chuẩn cao, thí sinh cân nhắc giảm lựa chọn thì các trường tốp giữa như ĐH Điện lực được chuộng hơn hẳn. Theo ông Bùi Đức Hiền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực, năm nay trường nhận được 13.200 bộ hồ sơ, tăng hơn năm trước 1.700 bộ. Còn ĐH Lâm nghiệp VN số lượng hồ sơ tăng 500 bộ so với năm 2011.
Trong khi đó, ở bảng kê danh sách số hồ sơ dự thi theo trường từ các sở thì nhiều trường dân lập chỉ nhận được 1-2 hồ sơ từ mỗi tỉnh.
“Vài năm trước số lượng thí sinh thi ĐH rất đông, số lựa chọn các trường dân lập cũng rất nhiều, kể cả các trường không tên tuổi. Đó là do khi đó thí sinh và phụ huynh có tham vọng rất lớn bằng mọi cách cho con mình học ĐH và nhiều trường dân lập điểm vào rất thấp. Tuy nhiên, khi những lứa sinh viên đầu tiên ra trường từ những trường ít tên tuổi này không thể xin được việc làm thì các lứa học sinh sau không còn “ham” vào ĐH bằng mọi giá, khi ra trường lại thất nghiệp nữa. Năm nay, nhiều trường dân lập chỉ có 1-2 thí sinh của tỉnh đăng ký, tổng số thí sinh thi vào hệ thống các trường như vậy chỉ có vài chục em” - bà Hoàng Bảo Hòa, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở Giáo dục - đào tạo Hà Nam, nói.
Khối A áp đảo Dù số hồ sơ nhìn chung giảm, nhưng khối A vẫn giữ lượng đăng ký dự thi áp đảo ở tất cả các tỉnh thành phía Bắc và khối C tiếp tục bị sụt giảm: tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh Hà Nội vào khối A là 47,07%, khối C 4,54%, Thanh Hóa 55,72% lựa chọn khối A, 8,01% khối C; Thái Bình khối A 50%, khối C 10%. Hải Phòng hơn 50% thí sinh thi khối A, khối C chỉ 3%... Đặc biệt, phản hồi từ các sở GD-ĐT cho thấy thí sinh còn rất rụt rè với khối thi mới được bổ sung năm nay là A1. Nhiều thí sinh lo không xoay xở kịp nên quyết định không mạo hiểm với khối thi này. Số hồ sơ dự thi khối A1 rất thấp như Thanh Hóa có 1.177 hồ sơ dự thi trong tổng số 79.130 hồ sơ (chiếm 1,49%,), Thái Bình có khoảng 1.000/48.404 hồ sơ, Hòa Bình 225/10.100 hồ sơ dành cho khối A1... |
- Ngành học cần 10.000 nhân lực mỗi năm, thu nhập 60 triệu đồng/tháng, được Bộ Giáo dục đề nghị miễn, giảm học phí
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM