Năm nay Bộ GD-ĐT đã đưa ra hai quyết định quan trọng về thi tuyển sinh đại học (TSĐH): Một là sẽ duy trì thi “3 chung” trong bốn năm nữa, hai là chuẩn bị phương án đổi mới cơ bản thi tuyển sinh từ năm 2016. Đó là quyết định sáng suốt và hợp lý.
|
Do một số nhược điểm của các kỳ thi “3 chung” ở nước ta, một số trường đại học đòi “trả lại” việc tổ chức thi tuyển sinh cho họ, xem đó là quyền “tự chủ” của nhà trường! Họ đã nhầm lẫn về khái niệm: “tuyển sinh” thì cần được tự chủ, nhưng “tổ chức kỳ thi tuyển sinh” là một dịch vụ phức tạp, không một nước tiến bộ nào để các trường đại học tự tổ chức cho riêng mình. Cho nên, năm ngoái Bộ GD-ĐT đã thử giao cho năm trường đại học đề xuất phương án tự tổ chức thi tuyển sinh, nhưng cuối cùng mọi trường đều từ chối.
Giao hai cơ sở thực hiện
Vừa qua Bộ GD-ĐT đã đưa ra mấy định hướng về thi TSĐH cho tương lai như sau:
1. Từ năm 2016 sẽ thi một đợt, nhiều môn (trong đó có toán và ngữ văn), các trường quy định tổ hợp các môn để xét tuyển;
2. Từ năm 2020 chỉ thi tuyển sinh ở các trường đại học tốp đầu, các trường còn lại sẽ xét tuyển chỉ theo kết quả học tập phổ thông. Định hướng đó là thận trọng, tuy nhiên chúng tôi xin góp mấy ý kiến sau đây:
Việc TSĐH chung cho năm 2016 nên được thiết kế theo tinh thần đổi mới: Bộ GD-ĐT không nên ôm lấy việc tổ chức triển khai mà nên lựa chọn để giao cho ít nhất hai nơi nào đó thực hiện.
Trước hết, bộ nên giao cho năm bảy trường đại học (hoặc các tổ chức khác) đề xuất phương án tổ chức dịch vụ thi tuyển sinh, nhưng không phải cho riêng mình mà chung cho cả nước, từ đó chọn hai phương án tốt nhất giao hai cơ sở thực hiện song song.
Khi có hai dịch vụ thi tuyển sinh, thí sinh có quyền lựa chọn một trong hai dịch vụ, còn các trường đại học nên chấp nhận kết quả của cả hai dịch vụ đó. Hai cơ sở được lựa chọn sẽ “thi đua” để tổ chức dịch vụ tuyển sinh của mình tốt nhất, đồng thời có thể phối hợp với nhau trong một số khâu.
Những thay đổi liên tục trong tuyển sinh buộc học sinh phải luôn cập nhật thông tin mới. Trong ảnh: Học sinh tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tổ chức tại Bình Thuận - Ảnh: Minh Đức
Số môn thi không nên quá nhiều. Ngoài hai môn bắt buộc là toán và tiếng Việt (chứ không nên là ngữ văn), có thể thêm môn ngoại ngữ và hai môn tích hợp: khoa học tự nhiên (tích hợp lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội - nhân văn (tích hợp văn, sử, địa, giáo dục công dân...). Đề thi nên chủ yếu theo kiểu trắc nghiệm, ngoài ra nên có thêm hai đề tự luận ngắn về tiếng Việt và toán để đánh giá khả năng diễn đạt và suy luận.
Ba năm chuẩn bị
Nên triển khai chuẩn bị các dịch vụ thi TSĐH “theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại” mà nghị quyết 14 về giáo dục đại học đã đề ra. Với năng lực của một số trường đại học và cơ sở dịch vụ về công nghệ giáo dục hiện nay, chúng tôi tin chắc nước ta có thể tổ chức được các dịch vụ thi tuyển sinh với chất lượng cao.
Trình tự thời gian có thể như sau: năm 2012 bộ yêu cầu một số cơ sở chuẩn bị và đề xuất phương án, sau đó đánh giá và lựa chọn hai cơ sở có đề án hay nhất, năng lực mạnh nhất về công nghệ đo lường giáo dục thực hiện. Các cơ sở này có thời gian ba năm để chuẩn bị mọi khâu công nghệ, cũng như thuyết phục sự đồng thuận xã hội qua hệ thống truyền thông.
Về việc xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở phổ thông, không nên khẳng định là từ năm 2020 phần lớn trường đại học chỉ dựa vào kết quả học phổ thông để xét tuyển. Thật ra một dịch vụ thi tiêu chuẩn hóa ở cuối bậc phổ thông chung cho toàn bộ hệ thống vẫn rất cần thiết.
Ở Mỹ hai dịch vụ thi SAT và ACT tồn tại gần hàng thế kỷ, và đến nay vẫn có ích cho mọi trường đại học, từ các trường đầu bảng như Harvard đến các trường bình thường. Chúng tạo một mặt bằng khách quan để đánh giá giáo dục ở cuối bậc phổ thông, chẳng những đảm bảo công bằng xã hội mà còn giúp mọi người có thể thi vào đại học mà không qua trường phổ thông. Ở nước ta nên tham khảo kết quả học tập ở trường phổ thông để xét tuyển vào đại học nhưng đừng dựa hẵn vào đó, vì như kinh nghiệm trước đây cho thấy khi chính thức có chủ trương này thì kết quả học phổ thông sẽ bị biến dạng vì những tiêu cực ở địa phương.
Cho nên, tổ chức các dịch vụ thi chung có chất lượng để sử dụng lâu dài cho mọi trường đại học dựa vào sơ tuyển là rất cần thiết, các trường tốp trên hoặc trường đặc biệt có thể tổ chức thêm các hình thức khác để chung tuyển.
Tuyển sinh ở nước ngoài: Tổ chức thi chung Ở Mỹ có hai dịch vụ thi đồng thời phục vụ TSĐH là SAT và ACT, do hai tập đoàn chuyên nghiệp tổ chức với hàng nghìn chuyên gia trình độ tiến sĩ làm việc. Khi thăm Bộ GD-ĐT nước ta cuối năm 1995, chủ tịch Tập đoàn ACT cho biết việc xây dựng đề cho một kỳ thi ACT tốn hàng triệu đôla. Do vậy, mọi trường đại học ở Mỹ dựa vào kết quả của SAT hoặc ACT để xét tuyển chứ không tự tổ chức thi tuyển sinh riêng. Ở các nước mà giáo dục đại học phát triển như Nhật, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... dịch vụ thi để TSĐH cũng được tổ chức chung. Chẳng hạn, bộ trưởng giáo dục Nga nhận định tuyển sinh là công đoạn gây tham nhũng nhiều nhất, ước tính khoảng 20% sinh viên được tuyển vào đại học Nga là do hối lộ, nên Duma quốc gia Nga kiên quyết đòi hỏi tổ chức một “kỳ thi quốc gia hợp nhất” và Tổng thống Putin đã ra sắc lệnh bắt đầu triển khai vào năm 2009. |
- Cận cảnh cây gỗ Kim Tơ Nam Mộc được bán với giá gần 9.000 tỷ đồng, báu vật có '1-0-2' trên đời
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?