Từ cánh cổng nhà giam đến cô giáo tiểu học
Thứ ba, 23/12/2014 08:41

Cuộc đời của chị là những chuỗi ngày dài bất hạnh nối tiếp 2 lần vấp ngã trong hôn nhân khiến chị như con chim bị thương sợ cành cong.

Chị Phương đã là cô giáo của hơn 30 em học sinh tiểu học

Chị Phương đã là cô giáo của hơn 30 em học sinh tiểu học

Cuộc đời của chị là những chuỗi ngày dài bất hạnh nối tiếp 2 lần vấp ngã trong hôn nhân khiến chị như con chim bị thương sợ cành cong, thêm một lần nữa trái tim đa cảm đã dẫn chị đến lối rẽ định mệnh, yêu một ông trùm sản xuất ma túy đá.

May mắn, chị có người cha rất mực yêu con, tận tâm dẫn lối con trở về sau vấp ngã. Giã từ cánh cửa buồng giam, chị hôm nay đã là cô giáo của hàng chục học sinh. Số tiền ít ỏi kiếm được, chị trích lại một phần để thăm nom những người tử tù đã một thời trót dại, lầm lỡ.

Một ngày đầu tháng 9/2014, Đại úy Nguyễn Công Dung, Phó giám thị Trại tạm giam Công an Nghệ An gọi điện cho tôi kể về trường hợp của nữ cựu tù Tăng Thị Lan Phương (SN 1974), trú khối 4, phường Quang Trung (TP Vinh), người từng bị kết án trong vụ án sản xuất ma túy đá nổi tiếng thành Vinh, do ông trùm Lê Thanh Hải (SN 1971) trú tại Hà Nội, một kẻ từng đi XKLĐ tại Cộng hòa Czech trở về tổ chức sản xuất và phân phối ngay giữa lòng thành Vinh. Sau hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, Phương và Hải quen biết nhau và trở thành một cặp nhân tình, thuê nhà trọ sống và là nơi để Hải cất giấu ma túy đá.

Lá thư đẫm nước mắt viết sau ngày thụ án

Quá trình điều tra, Phương chỉ là một nạn nhân song không thể không liên đới trách nhiệm, do vậy lúc bị truy tố ra trước vành móng ngựa, Phương đã bị tuyên phạt 15 tháng tù giam, thụ án tại Trại tạm giam Công an Nghệ An. Sau ngày thụ án, với nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng của mình, Phương đã trở thành một cô giáo. Bằng tất cả tấm lòng biết ơn và xuất phát tự đáy lòng mình, Tăng Thị Lan Phương đã viết một bức tâm thư kín 4 mặt giấy A4 để bày tỏ nỗi lòng mình sau những tháng ngày sa ngã.

Tâm thư viết: “Thế là đã hơn một năm kể từ khi tôi bước chân rời khỏi cổng trại tạm giam. Tôi quên sao được khi cánh cửa sắt cổng trại từ từ khép lại phía sau như khép lại quá khứ lầm lỗi của mình. Với tôi, 15 tháng ở trong trại tôi đã học được rất nhiều. Điều quan trọng nhất đó là cách làm người và nhìn người. Tôi xem nơi đây là một trường đời rèn luyện bản thân mình.

Những ngày đầu tiên vào trại tôi không thiết sống nữa, bi quan tột độ vì sự dại dột của mình. 15 tháng trời trong sự lo âu, khắc khoải tôi chỉ biết khóc, tôi thấy thời gian trôi đi sao mà nặng nề vậy, có lúc tôi cảm nhận như thời gian dừng lại. Nhìn ánh điện le lói xuyên qua cửa sổ tôi ngồi thu mình lại trong sự cô đơn lạnh lẽo. Tôi nghĩ đến cuộc đời mình, đến những người thân yêu của mình, nghĩ đến những việc làm sai trái mà bản thân tôi phải gánh chịu, hai hàng nước mắt tuôn trào, tôi cảm nhận được vị chát mặn của nó. Những ngày còn lại tôi tiếp tục cải tạo trong trại tạm giam Nghi Kim, đích thân Giám thị Trại Tạm giam Trần Thăng Long vào gặp gỡ, động viên tôi cố gắng cải tạo tốt, sau này ra nhớ đi theo con đường truyền thống nhà giáo của gia đình, "chứ ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần". Lời nói của ông khi nào cũng văng vẳng bên tai, như là kim chỉ nam thôi thúc tôi vững vàng đi trên con đường mới.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, tôi đã về với cuộc sống đời thường hơn một năm trời. Thời gian đầu thật không dễ dàng để thích hợp với cuộc sống mới, mặc cảm, tự ti, rồi cái nhìn không mấy thiện cảm của một số người. Tôi phải đấu tranh vượt qua chính mình, vượt qua rào cản cộng với sự quan tâm giúp đỡ của Công an phường Quang Trung nơi tôi thường trú, từng bước tinh thần tôi vững vàng hơn. Tôi chăm lo cho bố cho con, cho tôi và để khỏi phụ lòng những người quan tâm, giúp đỡ tôi. Giờ đây tôi thực sự là một cô giáo dạy Toán cho các em Tiểu học vì ngày xưa tôi từng đi thi học sinh giỏi toàn quốc về bộ môn này. Tiếng trẻ thơ râm ran gọi cô và những điểm 9, điểm 10 là niềm vui bất tận cho bố con tôi”.

Trở thành cô giáo từ tình yêu của bố

Tăng Thị Lan Phương là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Bố là Tăng Ngọc Nuôi, là kỹ sư kinh tế công tác tại Sở Thủy sản (cũ). Ông Nuôi là một người cha hiếm gặp, mặc dù công tác trong lĩnh vực không liên quan gì đến giáo dục nhưng ông đã tự mày mò, nghiên cứu các phương pháp sư phạm để dạy con và đã gặt hái được nhiều thành công. Nhưng rồi bất hạnh nối tiếp bất hạnh, khi tổ ấm ấy đã phải gánh chịu những mất mát không gì bù đắp nổi. Năm 1993, người vợ vĩnh viễn ra đi ở tuổi 41, ông Nuôi một mình gà trống nuôi con. Quả ngọt vừa chín tới khi đứa em kế hoàn thành chương trình thạc sĩ, được nhận vào giảng dạy tại trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, đang trong thời kỳ bảo vệ luận án tiến sĩ thì đột ngột ra đi trong một vụ tai nạn.

Sau bao bầm giập của số phận, thì những bất hạnh trong đời sống riêng tư của đứa con gái đầu vẫn làm ông thêm bạc tóc thời gian. Hai lần đổ vỡ trong hôn nhân, Lan chấp nhận ôm con về sống với bố, hai bố con cùng đứa cháu nhỏ sống trong căn hộ nhỏ tại khu tập thể cũ kĩ. Người phụ nữ chưa qua tuổi 40 ấy, với những khao khát bản năng rất đỗi bình thường đã tìm một nửa đời mình, nhưng lần này chị lạc lối.

Người tình của chị, Lê Thanh Hải (SN 1974), trú Hà Nội, là một ông trùm sản xuất ma túy đá nổi tiếng tại thành Vinh. Nấp dưới vỏ bọc là một thương nhân xuất khẩu lao động bên trời Âu về, từ tháng 6/2011, Hải về Vinh, sử dụng chính căn nhà của bố mẹ đẻ ở phường Quang Trung (TP Vinh) để làm đại bản doanh chế biến, sản xuất ma túy đá.

Đầu tháng 1/2012, Hải quen với Tăng Thị Lan Phương, lúc này đang là bà chủ trung tâm khiêu vũ khá có tiếng, cả hai nhanh chóng thành một cặp đôi, thuê nhà trọ để sinh sống. Hai tháng sau đó, Lê Thanh Hải bị bắt, Phương không thể không liên đới. Lê Thanh Hải sau đó bị tuyên án 18 năm tù và Tăng Thị Lan Phương 15 tháng tù. Sau thời gian chấp hành án phạt tù, Phương trở về nhà trong vòng tay chào đón của người cha già và đứa con thơ, bắt đầu hành trình làm lại cuộc đời.

Lan Phương chia sẻ, ngày mới trở về, bản thân suy sụp tinh thần, mất phương hướng. Đã vậy, không ít ánh mắt kỳ thị, nhiều kẻ xấu lảng vảng tìm đến để lôi kéo, dụ dỗ chị quay lại con đường bất chính. Để vượt qua chính mình, ban ngày Phương đã đi làm, chị làm bất cứ việc gì miễn là không để thời gian chết, từ nấu ăn, cấp dưỡng đến phụ công tại cơ sở làm xúc xích. Sau khoảng 3 tháng, ông Nuôi, bố chị đã hướng con gái đi theo nghề dạy của mình. Bản thân ông suốt mấy chục năm qua đã trở thành thầy giáo thực sự, dạy kèm cho hàng trăm thế hệ học trò nên ông quyết định hướng cho con gái đi theo nghề dạy học. Bố con ông Nuôi cho biết, trước khi quyết định để Phương đứng lớp, cũng đã nói rất rõ quan điểm cho phụ huynh học sinh biết về chuyện của Phương, nhưng không có ai phản đối. Tùy theo nhu cầu và sự lựa chọn của học sinh, em nào muốn Phương giảng dạy đều được quyền lựa chọn.

co-giao-1

Chị Phương lúc còn trẻ.

Đến nay, lớp học của Phương được mở ngay trong căn hộ tập thể của hai cha con, với khoảng 30 học sinh, nhiều em trong số đó là con em cán bộ công chức trên địa bàn. Mỗi ngày tổ chức dạy 3 ca, chủ yếu là phụ đạo môn Toán cho các em học sinh từ lớp 2 đến lớp 5.

Tăng Thị Lan Phương chia sẻ: “Hàng tháng, được nhận đồng lương thấm đẫm mồ hôi từ bố. Một phần tôi trích lại để báo hiếu, một phần nuôi con, một phần lo cho bản thân, bớt một ít gửi quà cho những anh chị em đang chịu án phạt của pháp luật đã từng gắn bó với tôi trong thời gian ở trại. Mỗi lần gửi quà, tôi lại cầu mong mọi người cải tạo tốt mau được trở về đoàn tụ cùng gia đình, làm người công dân tốt”.

Cstc.cand.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: co giao , ma tuy , trum buon ma tuy , Vinh , banh heroin , bat duong day buon ban heroin , ha tinh , tin , bao