Trụ cột gia đình vẫn xin từng đồng tiêu vặt
Thứ hai, 01/10/2012 15:02

Dù là người kiếm tiền trụ cột trong gia đình, nhưng rất nhiều đàn ông Nhật Bản lại không được cầm tiền và họ chỉ được cấp một khoản nhỏ tiêu vặt hàng tháng.

Tới ngày 15 mỗi tháng luôn là thời điểm khó khăn nhất với họ. (Ảnh minh họa).

Tới ngày 15 mỗi tháng luôn là thời điểm khó khăn nhất với họ. (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, họ rất vui vẻ chấp nhận mô hình "phân phối tiền bạc" này.

Kiếm tiền nhưng không được tiêu

Ngày 15 hàng tháng là ngày quan trọng đối với Yoshihiro Nozawa (36 tuổi), bởi đó là ngày anh lĩnh lương. Nhưng cũng vào ngày đó, anh luôn trao lại toàn bộ thu nhập cho vợ là Masami.

Vợ anh quản lý toàn bộ khoản tiền của gia đình và chỉ đưa lại cho anh một số tiền tiêu vặt mỗi tháng khoảng 30.000 yen (381 USD). Đó là số tiền duy nhất Nozawa được phép chi tiêu cho bản thân trong 30 ngày tiếp theo, dù anh là lao động chính trong gia đình.

“5 ngày cuối cùng trước khi tới ngày 15 mỗi tháng luôn là thời điểm khó khăn nhất” - Yoshihiro thổ lộ. Để tiện so sánh việc số tiền tiêu vặt của Nozawa lớn tới đâu, cần biết rằng cả gia đình 4 người của anh có thể dễ dàng tiêu tới 30.000 yen chỉ trong 1 ngày nếu họ tới vui chơi ở công viên Disneyland Tokyo.

Yoshihiro và Masami có 2 con, gồm Rino (6 tuổi) và Ren (8 tuổi). Chúng là lý do mà vợ anh quyết định chỉ cho anh một khoản tiêu vặt nhất định. “Tôi bắt đầu kiểm soát số tiền của gia đình khi tôi đảm nhận vai trò nội trợ trong nhà kể từ khi sinh con” - Masami tâm sự. “Đột nhiên, nhà tôi chỉ còn mỗi một nguồn thu nhập. Trong khi đó, học phí và việc học thêm của lũ trẻ gây tốn kém rất lớn”.

Yoshihiro đồng tình với việc phải giới hạn chi tiêu. Nhưng anh nói rằng 30.000 yen chẳng mang lại cho anh nhiều thứ trong thành phố đắt đỏ nhất thế giới như Tokyo. Mặt hàng xa xỉ mà Yoshihiro có thể tiêu phóng tay một chút là thuốc lá. Thực tế anh dành tới 1/3 tiền tiêu vặt mà vợ đưa cho việc mua thuốc hút. “Tôi nghĩ rằng mình sẽ phải bỏ thuốc nếu giá cả tăng lên quá cao,” anh tâm sự.

Và Yoshihiro không phải người duy nhất bị vợ kiểm soát chặt đồng tiền do anh kiếm được. Theo một cuộc thăm dò của công ty nghiên cứu Softbrain Field, có tới 74% gia đình Nhật Bản chấp nhận việc phụ nữ là người quản tiền.

Tiền tiêu vặt teo tóp cùng nền kinh tế

Taisaku Kubo (47 tuổi) được vợ cho 50.000 yen để tiêu vặt mỗi tháng trong suốt 15 năm qua. Năm nào ông cũng cố thương thảo với vợ nhằm khiến khoản tiền tiêu vặt được tăng lên một chút, tuy nhiên vợ ông đã vẽ cả một biểu đồ để giải thích vì sao chuyện đó không thể được thực hiện.

Vợ tôi đưa cho tôi xem biểu đồ chi tiêu gia đình. Trên đó khoản chi tiêu lớn nhất là tiền vay mua nhà và thuế” -  Taisaku kể. Trên biểu đồ, tiền tiêu vặt của ông đã chiếm tới 8,8% tiền chi tiêu của gia đình trong tháng. Ông nói rằng, vợ chồng không có con nên họ đã đồng ý sẽ tiết kiệm tiền để phòng thân khi về hưu. Và cứ sau mỗi lần đề đạt việc "tăng lương" không thành như thế, Taisaku lại bớt dần nhu cầu xin tăng tiền tiêu vặt. “Tôi đã từ bỏ đam mê xe hơi, xe máy và các niềm vui đắt đỏ khác” - ông cười nói.

Mỗi tháng Yoshihiro Nozawa đưa hết tiền cho vợ và được cô đưa lại cho một khoản tiêu vặt nhỏ mà anh sẽ dùng cho cả tháng. (Nguồn: BBC)

Tuy nhiên khoản tiêu vặt 50.000 yen của Taisaku Kubo vẫn cao hơn nhiều mức tiêu vặt trung bình của đàn ông Nhật Bản. Theo Ngân hàng Shinsei, nơi đã nghiên cứu xu hướng mới kể từ năm 1979, năm ngoái, trung bình đàn ông Nhật nhận khoản tiền tiêu vặt khoảng 39.600 yen. Nhưng con số này đã sụt giảm rất mạnh so với mức trung bình 76.000 yen trong năm 1990, khi nền kinh tế Nhật Bản đang ở đỉnh điểm.

Mức tiêu vặt này xuất hiện chỉ 1 năm sau khi chỉ số cổ phiếu Nikkei 225 ở Nhật Bản chạm mốc cao kỷ lục 38.916. Nhưng kể từ đó tới nay, giá cổ phiếu đã giảm kỷ lục, chưa bao giờ ở lại mức cao cũ. Tương tự, nền kinh tế Nhật Bản cũng suy thoái chưa hồi phục, khiến cho tiền tiêu vặt của đàn ông teo tóp. Hiện giờ, một số bà nội trợ quá bận đã không thể làm đồ ăn trưa cho chồng. Vậy là họ tăng thêm tiền tiêu vặt cho chồng ở mức 500 yen (6,50 USD) cho mỗi bữa trưa.

Giá thực phẩm ở các thành phố Nhật Bản tương đối khác nhau. Nhưng tại nhiều nơi, 500 yen chỉ đủ để mua một bát mì, hay một chiếc bánh kẹp McDonald. Tiền tiên vặt cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục. Trung bình, đàn ông Nhật Bản chỉ tiêu có 2.860 yen cho một đêm nhậu với bạn, tức bằng một nửa những gì họ tiêu cách nay 3 năm. Số tiền trên mới chỉ tính cho mồi nhậu mà chưa bao gồm nửa chai rượu sake Asahi, với giá trung bình khoảng 700 yen.

Trách nhiệm gia đình cao hơn nhu cầu cá nhân

Một câu hỏi đặt ra là vì sao đàn ông Nhật Bản không tự quản lý tiền lương họ kiếm được? “Tôi không nghĩ rằng có nhiều ông chồng đưa tiền lương cho vợ một cách vui vẻ. Nhưng họ cảm thấy mình có trách nhiệm phải kiếm tiền cho gia đình, dù rằng họ sẽ chịu thiệt thòi” - nhà tư vấn Takao Maekawa ở công ty FeelWorks tại Nhật Bản cho biết. Được biết trước kia, chính sự kết hợp của những người làm công ăn lương chăm chỉ kiếm tiền và các bà nội trợ ở nhà chăm sóc con cái, đã khiến nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thần kỳ sau Thế chiến thứ Hai.

Một số ông chồng cảm thấy mình bị “thiệt thòi” đã từng thử quản lý chi tiêu gia đình. “Chồng tôi đã nắm tiền của cả nhà một lần. Nhưng sau một tháng, anh thấy quản lý chi tiêu thật rối rắm, mất thời gian nên đã trao lại công việc cho tôi” - Masami Nozawa cho biết. Yoshihiro đồng tình với vợ và cho biết rằng chỉ sau một tháng quản lý chi tiêu, anh đã hoàn toàn thông cảm và không còn "bức xúc" với vợ. “Ngay cả khi được tăng lương, tôi cũng không hy vọng tiền tiêu vặt của mình sẽ được tăng thêm” - anh cười nói.

Ngày hôm nay, phần lớn gia đình Nhật Bản đang chuyển dần theo hướng cả hai vợ chồng cùng đi làm, bởi mô hình một người kiếm tiền nuôi cả nhà đơn giản đã không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới nữa. Với những gia đình vẫn theo truyền thống cũ như Yoshihiro và Taisaku, họ sẽ buộc phải thay đổi theo hướng tìm các quán rượu thật rẻ để vui vẻ cùng bạn bè mà không lo sẽ đốt toàn bộ tiền tiêu vặt của cả tháng chỉ sau một bữa nhậu.

GĐ&XH
Tag: Lĩnh lương , Kiếm tiền , Đàn ông , Chi tiêu , Tiền lương , Tiền tiêu vặt